Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaBiển Đông trong Chính sách Hành động Hướng Đông và Tầm nhìn...

Biển Đông trong Chính sách Hành động Hướng Đông và Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Ấn Độ lần thứ 16, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên biển Đông, trong đó có các hoạt động quân sự hóa, các hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế trên biển.

Theo Thủ tướng Narendra Modi khẳng định cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ với ASEAN và nhấn mạnh ASEAN nằm ở trung tâm Chính sách Hành động Hướng đông (LEP) và Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ, tích cực ủng hộ quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP); đồng thời cho biết, Biển Đông có liên quan trực tiếp với những tính toán chiến lược của Ấn Độ, do vùng biển này nằm ở giữa tuyến đường hàng hải trải dài từ đông Ấn Độ Dương đến tây Thái Bình Dương, giúp Ấn Độ tiếp cận với các thị trường lớn trên thế giới.

Chính sách can dự của Ấn Độ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nền tảng từ những năm 1990. LEP được Chính quyền Narasimha Rao đưa ra trong bối cảnh kinh tế và chính trị Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu của LEP là thúc đẩy hợp tác kinh tế, ngoại giao với Đông Nam Á, mở rộng các mối quan hệ an ninh và quốc phòng với toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính sách này nhằm giúp Ấn Độ làm sâu sắc hơn nữa các mối liên kết chính trị và thể chế của Ấn Độ ở khu vực. Kể từ đó, LEP là cấu phần quan trọng trong hợp tác quốc tế của Ấn Độ. Động lực chính sách LEP một phần bị thúc đẩy bởi chiến lược cân bằng với Trung Quốc, đồng thời thể hiện mong muốn đóng vai trò lớn hơn nữa của Ấn Độ trên trường quốc tế cả về kinh tế và chính trị.

Khi Thủ tướng Narenda Modi lên cầm quyền tiếp tục tạo đà cho Ấn Độ khẳng định vai trò chiến lược lớn hơn ở châu Á – Thái Bình Dương. Mặt khác, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương và những hành vi quyết đoán của nước này trong tranh chấp biển ở Đông Á càng khiến cho vai trò của Ấn Độ ở Đông Á và Đông Nam Á trở nên quan trọng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm 2014 ở Myanmar, Thủ tướng Narenda Modi đã chính thức tuyên bố “nâng cấp” LEP thành Chính sách Hành động hướng Đông (AEP). Mục tiêu và thực tiễn triển khai AEP là để đảm bảo những lợi ích của mình tại Biển Đông, mục tiêu bao trùm của Ấn Độ là tự do hàng hải và hàng không, giao thương không bị cản trở; giải quyết hòa bình tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, duy trì hòa bình, ổn định khu vực; và tôn trọng luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

Hướng tới mục tiêu này, Ấn Độ trước mắt sẽ muốn ngăn chặn sự hung hăng cũng như những hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông của Trung Quốc. Mối quan ngại này chủ yếu xuất phát từ việc Trung Quốc gia tăng hành vi cải tạo đảo cũng như hoạt động tuần tra trên biển ngày càng quyết đoán. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng hy vọng Mỹ và các đồng minh Đông Á sử dụng đến những chiến lược quân sự ôn hòa hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc. Đây có lẽ là lý do Ấn Độ không tham gia hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ, tập trận song phương, đa phương có sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông. Ấn Độ mong muốn tất cả các bên giải quyết hòa bình tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố Ứng xử DOC, tiến tới hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử COC mang tính ràng buộc pháp lý.

Trong trung và dài hạn, Ấn Độ hợp tác tăng cường khả năng hoạt động trên biển cho các nước Đông Nam Á để cân bằng sức mạnh, tăng cường hiện diện và phát biểu tại các diễn đàn đa phương khu vực, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với ba quốc gia chủ chốt là Mỹ, Nhật Bản và Australia. Điều này sẽ giúp Ấn Độ phục vụ mục tiêu lớn hơn là tạo sự ổn định, cân bằng ở Biển Đông nói riêng và hệ thống chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương nói chung. Đối với khu vực, trên cơ sở chính sách “Hành động hướng Đông”, Ấn Độ chủ động tăng cường các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị, quốc phòng; tham gia các cơ chế đa phương khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích ở Biển Đông, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cũng tính đến các yếu tố quan trọng khác liên quan đến nhân tố Trung Quốc như vị trí địa lý (có đường biên giới chung gần 3.500km), mối quan hệ thương mại (Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Ấn Độ) cũng như truyền thống trong chính sách đối ngoại (độc lập, không liên minh, liên kết). Vì vậy, cách tiếp cận của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông tương đối mềm mỏng, gián tiếp, tránh đối đầu trực diện với Trung Quốc. Theo đó, trên cơ sở AEP, Ấn Độ chủ yếu phối hợp, hợp tác với các quốc gia khu vực, đặc biệt là với Việt Nam, Indonesia, tích cực nêu vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn song phương và đa phương. Lĩnh vực hợp tác chính là nâng cao năng lực biển, tăng cường năng lực cho các quốc gia, tuần tra chung, tập trận chung (ở các khu vực khác như eo biển Malaccar), phối hợp phát biểu trên các diễn đàn đa phương và các dự án kết nối cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh hợp tác song phương với các quốc gia ASEAN, Ấn Độ cũng tập trung đẩy mạnh hợp tác biển đa phương với ASEAN. Các hợp tác này thể hiện trên 3 lĩnh vực chính là: an ninh hàng hải, phát triển kinh tế xanh dương, và kết nối biển. Tiếp nối từ chính sách LEP, chính sách AEP của Ấn Độ lấy ASEAN làm trọng tâm. Như phát biểu của Thủ tướng Modi tại Shangri – La năm 2018, cho rằng vấn đề an toàn và an ninh biển là hết sức quan trọng và các quốc gia cần hợp tác để đối phó với các thách thức, trong đó điểm tựa là các cơ chế do ASEAN dẫn dắt tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mối quan tâm về lợi ích biển, cả về kinh tế và địa chính trị, của Ấn Độ ngày càng được chú trọng đã tạo không gian và động lực cho lĩnh vực biển trong AEP. Trong bối cảnh đó, vai trò của Hải quân và Cảnh sát biển rất đáng chú ý. Hải quân Ấn Độ vẫn đều đặn tham gia tuần tra và tập trận hải quân chung, hoạt động chống cướp biển, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn. Các hoạt động này diễn ra theo cả hai chiều: các hoạt động do Ấn Độ tổ chức và hoạt động do ASEAN tổ chức. Tập trận MILAN do Hải quân Ấn Độ tổ chức theo định kỳ 2 năm/lần có sự tham gia đa số các quốc gia ASEAN. Tháng 2/2016, Ấn Độ đã thực hiện Diễn tập Đội hình Quốc tế với sự tham gia của 12 tàu từ các quốc gia EAS, trong đó có 5 tàu từ 6 quốc gia thành viên ASEAN. Với các hoạt động do ASEAN chủ trì, Ấn Độ cũng tích cực tham gia. Hải quân Ấn Độ vẫn đều đặn tham gia các cuộc tập trận do các quốc gia thuộc hội nghị ADMM+ tổ chức cũng như hàng năm vẫn thường xuyên thực hiện các chuyến viếng thăm tàu hải quân tới các quốc gia EAS. Hàng năm, các quan chức cấp cao Ấn Độ vẫn tham dự Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF), một diễn đàn ngoại giao kênh 1.5 tập trung thảo luận về các vấn đề quan tâm chung trên biển.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang tích cực đẩy mạnh hợp tác và gắn kết với khu vực thông qua phát triển tổng thể về kinh tế xanh dương (blue economy). Điểm đặc biệt của kinh tế xanh dương là việc khai thác nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Cả Ấn Độ và ASEAN đều có chung tầm nhìn và mong muốn cùng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 11, Thủ tướng Ấn Độ đã đề xuất chia sẻ kinh nghiệm của Ấn Độ và thiết lập đối tác bảo vệ nguồn tài nguyên biển, tận dụng tiềm năng mà nền kinh tế xanh mang lại. Hiện tại, Ấn Độ và ASEAN đã tổ chức được hai hội thảo về kinh tế xanh dương ASEAN – Ấn Độ, lần đầu vào năm 2017 tại Việt Nam và lần thứ hai năm 2018 tại Ấn Độ.

Một lĩnh vực quan trọng trong AEP nhằm đẩy mạnh hợp tác biển với ASEAN chính là kết nối biển. Đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa hai bên. Cả Ấn Độ và ASEAN đều là các quốc gia ven biển với bề dày lịch sử về thương mại biển. Do đó, việc khôi phục và phát huy mối liên kết vốn có này là hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy thịnh vượng, phát triển và lòng tin giữa hai bên. Ấn Độ cam kết thực thi Kế hoạch Tổng thế về Kết nối ASEAN (MPAC) theo tuyên bố của Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN năm 2000, đồng thời đưa ra tầm nhìn về An ninh và Tăng trưởng cho Tất cả ở Khu vực (SAGAR) với mục đích kết nối các các biển của Ấn Độ với tất cả các quốc gia khu vực. Để thực hiện điều này, Ấn Độ đang thực hiện các bước đi nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng và năng lực tất cả các cảng quan trọng ở phía đông Ấn Độ, đồng thời hỗ trợ, đầu tư với các cảng biển các quốc gia ASEAN, như cảng Dawei (Myanmar). Để tạo thuận lợi cho giao thương biển, Ấn Độ đã đưa đề xuất đàm phán Hiệp định Hợp tác Vận tải Biển ASEAN – Ấn Độ. Mục tiêu của Hiệp định là giúp thúc đẩy tiếp cận dịch vụ trên biển thông qua sự minh bạch hơn nữa về quy định, chính sách và thực tiễn biển của các đối tác thương mại; thúc đẩy mua bán hàng hóa trên biển và tại các cảng; mở đường thiết lập các doanh nghiệp liên doanh về các lĩnh vực vận tải biển, đóng tàu và sửa chữa, huấn luyện, và công nghệ thông tin.

Mặc dù có sự thay đổi về chính sách biển và tăng cường can dự hơn vào vấn đề Biển Đông, mức độ, cường độ quan tâm và hành động ở Biển Đông của Ấn Độ phụ thuộc thứ tự ưu tiên chiến lược; năng lực tài chính; và những tương tác trong mối quan hệ Ấn – Trung.

Trong trung và dài hạn, Biển Đông sẽ vẫn là vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng cường hiện diện, tiến tới kiểm soát hiệu quả khu vực này. Do đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục can dự, tăng cường hiện diện ở Biển Đông, tạo ra những cơ hội thuận lợi cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng như hợp tác song phương giữa hai nước, cụ thể: Thứ nhất, góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng, nâng cao năng lực biển cho Việt Nam. Với cách tiếp cận ôn hòa, mềm mỏng, việc Ấn Độ can dự vào Biển Đông nói chung, tăng cường hợp tác với Việt Nam nói riêng sẽ hạn chế được những phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc. Điều này giúp mở rộng không gian hợp tác trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng như mua sắm vũ khí, huấn luyện, nâng cấp trang thiết bị, hỗ trợ tín dụng, tập trận chung trên biển, tăng cường năng lực cho lực lượng chấp pháp biển của Việt Nam, tăng cường các chuyến thăm viếng của các tàu quân sự… Thứ hai, tăng cường hợp tác về kinh tế. Hoạt động hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam, đặc biệt là tại các lô nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn”, vừa đóng vai trò hợp tác kinh tế vừa mang ý nghĩa chính trị. Trong tháng 7/2017, Việt Nam đã gia hạn quyền khai thác dầu khí của Ấn Độ (công ty ONGC) ở Biển Đông thêm 2 năm và đã bắt đầu cho phép khoan ở các khu vực khác mặc dù Trung Quốc phản đối. Những hoạt động như vậy vừa thúc đẩy lòng tin chính trị giữa hai nước đồng thời bảo đảm sự hiện diện và khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Thứ ba, tăng cường hợp tác về chính trị. Việt Nam chiếm vị trí quan trọng trong AEP của Ấn Độ. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có nhiều điểm tương đồng trong mối quan hệ với Trung Quốc: tranh chấp lãnh thổ, xung đột quân sự trong quá khứ. Do đó, đây là cơ hội tốt để hai bên tăng cường hơn nữa mối quan hệ, tăng cường phối hợp và hỗ trợ trong vấn đề Biển Đông trên thực địa cũng như tại các diễn đàn song phương và đa phương. Thứ tư, duy trì sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông. Gần đây, cộng đồng quốc tế có xu hướng giảm quan tâm đến vấn đề Biển Đông: Singapore và đặc biệt là Philippines thay đổi cách tiếp cận theo hướng thỏa hiệp hơn; ASEAN không có bước chuyển mới, thậm chí bị Trung Quốc thao túng gần như hoàn toàn trong năm Chủ tịch của Philippines; Mỹ quá tập trung vào vấn đề Triều Tiên. Vì vậy, vấn đề Biển Đông ít nhận được sự chú ý hơn so với trước đây. Ấn Độ là cường quốc đang nổi, có vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt, tiếng nói có trọng lượng trên trường quốc tế, đồng thời có mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Do đó, việc Ấn Độ quan tâm, lên tiếng và can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm kiềm chế hành vi và ý định của Trung Quốc là điều hết sức cần thiết.

Thời gian gần đây, để đảm bảo lợi ích của minh trong khu vực, Ấn Độ đang tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Theo Tiến sỹ quan hệ quốc tế Mark Rosen nhận định trong bối cảnh các diễn biến căng thẳng ở biển Đông, Ấn Độ đã và đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình thông qua việc thi hành LEP. Quyết định của Ấn Độ muốn tự tham gia vào một môi trường phức tạp như vậy, ngay cả khi có nguy cơ kích động nước láng giềng khổng lồ của mình, cho thấy mức quan tâm đáng kể mà New Delhi đặt vào khu vực này.

Đầu tiên, năng lượng là một yếu tố quan trọng Ấn Độ quan tâm ở biển Đông. Năm 2015, Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới, các chuyên gia trong ngành dự đoán mức tiêu thụ năng lượng của nước này sẽ tiếp tục tăng 4,2% mỗi năm. 80% tổng nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ là từ nhập khẩu nên nước này nhiều khả năng sẽ cần phải đảm bảo các nguồn năng lượng mới khi nhu cầu trong nước tăng lên. Các trữ lượng năng lượng tiềm năng ở biển Đông đã thu hút được sự quan tâm của New Delhi. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính khu vực này có thể chứa tới 11 tỉ thùng dầu và 19.000 tỉ khối khí đốt dự trữ. Như vậy, Ấn Độ đã và đang liên tục tham gia các dự án phát triển năng lượng ngoài khơi ở biển Đông kể từ đầu những năm 1990, đấu thầu các lô dầu khí mới và tiến hành thăm dò dầu mỏ trong khu vực này.

Không những vậy, tầm quan trọng kinh tế của khu vực này đã chuyển thành lợi ích an ninh quốc gia đối với New Delhi. Với một nửa thương mại đường biển của mình đi qua eo biển Malacca, bất kỳ sự bất ổn nào ở biển Đông sẽ tác động tiêu cực đến các tuyến đường vận chuyển và gây ảnh hưởng đến kinh tế Ấn Độ. Tương tự, nếu toàn bộ biển Đông nằm dưới sự kiểm soát của một quốc gia cụ thể nào đó (mà ở đây nhiều khả năng là Trung Quốc), nó có thể đe dọa việc Ấn Độ tiếp cận tuyến đường biển sống còn. Do đó, sự tham gia của New Delhi vào biển Đông tập trung vào ba mục tiêu: (i) Để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực và giữ cho các tuyến đường biển sống còn này luôn rộng mở; (ii) Để duy trì quan hệ thân thiết với các cường quốc khu vực; (iii) Để đảm bảo rằng không có sức mạnh bên ngoài hung hăng tiềm ẩn nào chi phối khu vực này.

Thông qua LEP, New Delhi đã theo đuổi các mục tiêu này bằng cách tìm kiếm tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN. Bên cạnh hợp tác kinh tế, hợp tác chiến lược cũng được mở rộng thông qua các cuộc tập trận chung, huấn luyện quân sự và bán vũ khí cho các nước trong khu vực. Hơn nữa, sự hiện diện mạnh mẽ của các khí tài quân sự của Ấn Độ trong khu vực không chỉ để bảo vệ các tuyến đường biển này mà còn mang lại “nhận thức lĩnh vực” về những phát triển tiềm năng của khu vực. Sự hợp tác này cũng là để đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Trong lịch sử, cả hai nước đều bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp biên giới kéo dài, từng dẫn đến một cuộc chiến tranh vào năm 1962 và cho đến ngày nay vẫn là nguyên nhân gây căng thẳng đôi lúc dẫn đến những cuộc khủng hoảng. Cuộc đối đầu ở Doklam trong năm 2017 cho thấy cuộc xung đột giữa hai bên vẫn là một viễn cảnh thực sự. Do đó, theo quan điểm của New Delhi, điều cấp bách là Biển Đông không trở thành một cái “hồ của Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới