Trong năm 2019, với nỗ lực của cộng đồng quốc tế khiến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên “hạ nhiệt”, Mỹ và Triều Tiên đã tích cực thúc đẩy các vòng đàm phán về chương trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bế tắc kéo dài do mâu thuẫn, bất đồng về quan điểm và cách tiếp cận khác nhau giữa hai nước.
Đàm phán liên tục thất bại
Đàm phán lần 2: Đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều đã bế tắc kể từ cuộc gặp giữa Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội tháng 2/2019. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho: Trong 2 ngày hội đàm, các lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ đã có các cuộc thảo luận nghiêm túc… Mục tiêu của hội nghị Thượng đỉnh lần hai là xây dựng lòng tin, cùng giải quyết các thách thức, trở ngại còn lại sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và đưa ra những đề xuất giúp đem lại kết quả tốt đẹp. Các lệnh cấm vận hiện nay đang gây tổn hại một phần đến nền kinh tế và cuộc sống của dân thường ở Triều Tiên. Chúng tôi đã đưa ra một đề xuất thực tế. Nếu Mỹ dỡ bỏ một số lệnh cấm vận đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân chúng tôi, chúng tôi sẽ ngay lập tức và vĩnh viễn tháo dỡ các cơ sở hạt nhân, cả làm giàu uranium và plutonium ở khu vực Yongbyon, trước sự chứng kiến của các chuyên gia Mỹ và các chuyên gia kỹ thuật đến từ những quốc gia khác. Chúng tôi không đề nghị dỡ bỏ mọi lệnh cấm vận, mà chỉ một phần các lệnh cấm vận đó. Hiện có tổng cộng 11 lệnh cấm vận của Mỹ chống Triều Tiên, nhưng chúng tôi chỉ đề xuất gỡ bỏ 5 nghị quyết cấm vận mà Liên hợp quốc đã thông qua trong năm 2016 và 2017, căn cứ vào những gì chúng tôi đã thực hiện và mức độ tin tưởng đã đạt được giữa Triều Tiên và Mỹ. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, đó là một “đề xuất thực tế”. Song, phía Mỹ “không sẵn sàng chấp nhận đề xuất của chúng tôi”. Washington đòi thêm một biện pháp nữa ngoài việc giải giáp cơ sở Yongbyon và điều đó là quá nhiều đối với Bình Nhưỡng. Ông Ri thông tin thêm, Triều Tiên cũng đề xuất các bảo đảm bằng văn bản về việc vĩnh viễn dừng các hoạt động thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa. Ngoài ra, phía Triều Tiên yêu cầu giảm cấm vận vì tin Mỹ hiện vẫn chưa sẵn sàng đưa ra các bảo đảm an ninh cho nước này; đồng thời khẳng định “các đề xuất của chúng tôi chưa bao giờ thay đổi dù Mỹ đề nghị tái đàm phán trong tương lai”.
Tại cuộc họp báo diễn ra trước khi rời Hà Nội, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ – Triều Tiên thấy đây chưa phải thời điểm để ký kết thỏa thuận nào. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các cuộc thảo luận với Chủ tịch Kim Jong-un “diễn ra trong không khí thân thiện và không ai ra về trong giận dữ”. Trong khi đó, trả lời trên kênh truyền hình Fox News, ông John Bolton nhấn mạnh: “Tôi không cho rằng kết quả của Hội nghị thượng đỉnh là thất bại”. Ông Bolton cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không có được những cam kết của Triều Tiên về giải trừ hạt nhân nên được coi là “thành công xét trên khía cạnh là nhà lãnh đạo Mỹ đang bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích quốc gia”.
Đàm phần lần 3: Ngày 5/10, Mỹ và Triều Tiên tiến hành đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tại Stockholm (Thụy Điển). Tuy nhiên, vòng đàm phán trên tiếp tục không đạt được thỏa thuận nào. Phát biểu sau cuộc đàm phán, ông Kim Myong Gil, nhà đàm phán hàng đầu của Triều Tiên cho biết, “các cuộc đàm phán đã không đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi và cuối cùng đã kết thúc”; khẳng định “sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán với việc hai bên không đạt được bất cứ kết quả nào do Mỹ không từ bỏ thái độ và quan điểm cũ đối với Triều Tiên. Mỹ đã tạo ra sự hi vọng bằng các gợi ý đề xuất như cách tiếp cận linh hoạt, biện pháp mới hay các giải pháp sáng tạo. Tuy nhiên, họ đã khiến chúng tôi thất vọng và làm giảm sự nhiệt tình của chúng tôi trong các cuộc đàm phán bằng việc chẳng đưa điều gì mới mẻ đến bàn đàm phán”; đồng thời nhấn mạnh, “chúng tôi đã giải thích rõ với Mỹ về các biện pháp cần thiết và cho họ thời gian. Nhưng Mỹ đã đến cuộc đàm phán với hai bàn tay trắng. Điều này cho thấy Washington không sẵn sàng giải quyết vấn đề”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng, bình luận của Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong Gil sau cuộc gặp không phản ánh hết nội dung và tinh thần của “các cuộc thảo luận tốt đẹp” kéo dài hơn 8,5 giờ; cho biết phái đoàn Mỹ đã nghiên cứu trước một số sáng kiến mới, mở đường cho tiến triển trong các cuộc đối thoại và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia sâu sắc hơn để giải quyết nhiều vấn đề chia rẽ giữa hai bên. Ngoài ra, bà Morgan Ortagus cho biết Mỹ cũng đã nhận lời mời từ Thụy Điển trở lại Stockholm trong hai tuần nữa để tiếp tục các cuộc thảo luận.
Triều Tiên liên tục thử tên lửa
Triều Tiên (2/10) đã phóng các “vật thể bay không xác định” từ thành phố ven biển Wonsan, tỉnh Kangwon về phía biển Nhật Bản. Tên lửa này bay được 450 km và đạt độ cao tối đa 910 km. Theo quân đội Hàn Quốc, nhiều khả năng vật thể được phóng là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukkuksong. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là vụ phóng thử tên lửa SLBM đầu tiên của Triều Tiên trong 3 năm qua, kể từ ngày 24/8/2016. Trong cuộc thử nghiệm đó, tên lửa Pukkuksong-1, còn được gọi là KN-11, đã bay khoảng 500 km trên Biển Nhật Bản.
Theo quân đội Hàn Quốc, nhiều khả năng vật thể được phóng là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukkuksong. Phía Hàn Quốc cũng tin rằng quả tên lửa đã được bắn ở góc cao và có thể đạt tầm bắn lớn hơn nhiều nếu được khai hỏa ở góc bình thường. . Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo nhận định tên lửa vừa phóng dường như được điều chỉnh viễn điểm nhằm giảm tầm bắn (vốn lên đến khoảng 1.300km). Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngay lập tức ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo xác nhận Triều Tiên đã bắn 2 tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản; cho biết Tokyo lên án mạnh mẽ vụ việc và sẽ kiến nghị biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản cũng rằng hành động của Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông Abe nêu rõ sẽ tăng cường liên kết với cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Mỹ, để đối phó với vụ việc. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết nỗ lực hết sức để bảo vệ tính mạng cho người dân nước này. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng xác nhận họ đang theo dõi các tên lửa của Triều Tiên và chưa thấy có bất kỳ mối đe dọa nào đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội các Nhật Bản Yoshi DA Suga lưu ý một trong những “vật thể bay không xác định” đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật và một “vật thể bay không xác định” khác đã rơi ngoài vùng EEZ của Nhật Bản. Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết Thủ tướng Shinzo Abe đã ra chỉ thị cho các lực lượng chức năng nhanh chóng thu thập, phân tích thông tin và sớm thông báo tình hình cho người dân, xác nhận sự an toàn đối với tàu thuyền và máy bay, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cũng đã phát đi tín hiệu cảnh báo tàu thuyền cần lưu ý tới vụ việc và kêu gọi liên lạc với JCG trong trường hợp phát hiện ra các mảnh vỡ của tên lửa.
Không những vậy, kể từ Tháng 5/2019 đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 13 lần phóng thử tên lửa nhằm kiểm tra loại vũ khí mới và nâng cao năng lực tác chiến cho lực lượng quân sự của nước này. Trong đó, giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc (25/7) cho biết, Triều Tiên đã phỏng thử 2 tên lửa đạn đạo tầm trung về phía Biển Nhật Bản nhằm “cảnh cáo” một số động thái gần đây của Hàn Quốc.
Theo thông tin trên, Bình Nhưỡng đã phóng hai tên lửa vào đầu ngày hôm nay (25/7) về phía Biển Nhật Bản (Biển Đông theo cách gọi của Hàn Quốc). Tên lửa đầu tiên bay khoảng 430 km, trong khi tên lửa thứ hai bay tới 690 km. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cũng khẳng định hai vật thể bay CHDCND Triều Tiên phóng gần bờ biển phía Đông vào sáng sớm nay 25/7 là tên lửa tầm ngắn. Tên lửa đầu tiên được phóng khoảng 5 giờ 34 phút (giờ địa phương) và một quả khác vào lúc 5 giờ 57 phút từ bán đảo Hodo gần thị trấn duyên hải phía Đông Wonsan vào Biển Đông (tên Hàn Quốc gọi vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản). JCS cho biết, hai quả tên lửa được phóng từ bệ phóng di động và rơi xuống vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Trong khi đó, Kyodo News dẫn một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho rằng vật thể bay nói trên là tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, Tình báo Hàn Quốc cho biết đây cả hai tên lửa này đều có tầm bắn khoảng 600 km, đủ sức vươn tới mọi mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc, trong đó có Humphreys, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Á, nằm cách trung tâm thủ đô Seoul hơn 60 km về phía Nam.
Nghi kỵ chiến lược Mỹ – Triều gia tăng
Bộ Quốc phòng Mỹ (17/1) công bố Báo cáo Phòng thủ tên lửa (MDR) 2019, trong đó tập trung chiến lược vào các nước như Iran và Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump cho biết, mục tiêu chính của MDR là “phát hiện và tiêu diệt bất kỳ tên lửa nào được phóng đi nhằm vào nước Mỹ”, nhấn mạnh Mỹ từ nay sẽ thay đổi bố trí phòng thủ để “tự vệ trước mọi vụ tấn công tên lửa, bao gồm cả tên lửa hành trình và siêu thanh”. Ngoài ra, ông Donald Trump còn đề cập tới mục tiêu thành lập “Lực lượng Vũ trụ” và nhân cơ hội này gây sức ép với các nước thành viên của NATO khác về vấn đề chi phí quốc phòng. Được biết, Mỹ đã chi tiêu hơn 360 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa trong mấy chục năm nay.
Tuy nhiên, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho rằng: “Mặc dù chúng ta đang tạo ra một con đường hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, các tên lửa của Triều Tiên vẫn là một mối lo ngại đáng kể và Iran cũng vậy”. Ông khẳng định, năng lực tên lửa của những nước như Iran và Triều Tiên tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Washington. Báo cáo MDR cũng gọi Triều Tiên là “mối đe dọa đặc biệt” cho dù 7 tháng trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố đã loại bỏ được mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Tài liệu trên nêu rõ: “Dù đã có lộ trình hướng tới hòa bình với Triều Tiên, nhưng nước này vẫn tỏ ra là mối đe dọa đặc biệt và Mỹ cần phải hết sức cảnh giác”. Đáng chú ý trong bản báo cáo, Mỹ cho rằng Triều Tiên đã sở hữu các công nghệ phòng thủ tên lửa từ Nga và hiện Bình Nhưỡng đang phát triển khả năng phòng thủ tên lửa di động. Cũng theo tài liệu này, Mỹ sẽ củng cố các cấu trúc phòng thủ tên lửa khu vực tại châu Âu, Trung Đông và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Washington sẽ triển khai thêm nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển và trên đất liền.
Yếu tố Trung Quốc trong việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên
Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc luôn là nhân tố quan trọng, then chốt trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Để đối phó với Mỹ và đồng minh, Triều Tiên và Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy quan hệ song phương. Nổi bật nhất là chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (20-21/6) thăm chính thức Triều Tiên theo lời mời của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đây là chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên cầm quyền và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Bình Nhưỡng sau 14 năm. Chuyến thăm là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi quan điểm về các mối quan hệ song phương, tình hình bán đảo Triều Tiên, cùng tiến tới nhiều đồng thuận quan trọng, góp phần mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Hai bên nhất trí quan điểm cho rằng, việc cùng bảo vệ, củng cố, phát triển các mối quan hệ song phương là mối quan tâm của nhân dân và hai nước Triều Tiên, Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc và Triều Tiên cũng thúc đẩy các nỗ lực đàm phán, hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa, bảo đảm hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua cơ chế đàm phán, tham vấn. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì đầy đủ các hoạt động trao đổi giữa hai đảng, tăng cường các hình thức tiếp xúc chiến lược và thúc đẩy niềm tin tưởng lẫn nhau dựa trên nền tảng bảo đảm các lợi ích chung.
Trung Quốc là đồng minh thân cận và duy nhất của Triều Tiên. Các hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên từng khiến Trung Quốc không hài lòng nhưng đột phá trong mối quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và phương Tây khiến Bắc Kinh phải có điều chỉnh trong quan hệ với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, bên cạnh vai trò đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc cũng có lợi ích chiến lược khi đảm bảo Triều Tiên là vùng đệm giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, bởi hiện nay có đến 28.500 đơn vị quân đội Mỹ đang đóng quân tại Hàn Quốc. Hai quốc gia cũng từng có quan hệ mật thiết trong lịch sử. Trung Quốc và Triều Tiên đã nhiều lần gọi nhau là “đồng minh xương máu” từng kề vai sát cánh trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 – 1953. Sau Chiến tranh Triều Tiên, hai nước vẫn tiếp tục là đồng minh thân cận trong vài thập kỷ, trước khi ông Kim Jong-un kế nhiệm người cha quá cố.
Việc Triều Tiên ráo riết phát triển vũ khí hạt nhân và tăng cường thử nghiệm tên lửa hạt nhân năm qua đã khiến quan hệ song phương đi xuống nhanh chóng. Khi Trung Quốc ủng hộ những nghị quyết trừng phạt nghiêm khắc của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, các cơ quan truyền thông trung ương Triều Tiên liền chỉ trích công khai và thậm chí đe dọa Trung Quốc. Gần đây, Triều Tiên và Hàn Quốc liên tục có những dấu hiệu “làm lành” trong Thế vận hội mùa đông và kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Trung Quốc đã “bắt” được những tín hiệu này và muốn nối lại quan hệ với Triều Tiên. Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh với ông Kim Jong-un rằng các lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên thường xuyên thăm viếng lẫn nhau “như những người họ hàng” và đề nghị lãnh đạo hai bên thiết lập các kênh liên lạc mới. Tân Hoa Xã cũng khẳng định Trung Quốc có vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump.
Nhìn chung, do mâu thuẫn về lợi ích chiến lược và quan điểm không đồng thuận giữa Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục rơi vào bế tắc trong năm 2019. Hy vọng tại vòng đàm phán sắp tới, Mỹ và Triều Tiên sẽ có tiến triển tích cực nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, góp phần duy trì, bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.