Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNga “không ủng hộ” nước thứ ba ngoài khu vực can thiệp...

Nga “không ủng hộ” nước thứ ba ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề Biển Đông

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 14, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố hoan nghênh cuộc đối thoại ASEAN-Trung Quốc trong việc lập ra Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Theo truyền thông Nga, tại Hội nghị, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng “một ví dụ khác về tinh thần đoàn kết tập thể thực sự là những cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về dự thảo bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Chúng tôi hoan nghênh cuộc đối thoại này”. Theo người đứng đầu chính phủ Nga, các bên cần tránh những sự cố trong tương lai và “chúng tôi ủng hộ rằng các tranh chấp lãnh thổ như vậy cần được giải quyết trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và không có sự can thiệp của nước thứ ba, đặc biệt là các quốc gia không liên quan đến khu vực này”. Thủ tướng Nga cho rằng sự thành lập kiến ​​trúc về an ninh bình đẳng và không thể chia cắt là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của công việc chung. Theo ông Medvedev, kiến ​​trúc mới nên được xây dựng một cách thống nhất, dựa trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, có tính đến các đặc điểm quốc gia; đồng thời nhấn mạnh “những quy tắc như vậy hàm ý không can thiệp vào công việc nội bộ lẫn nhau và giải quyết tranh chấp trong hòa bình”.

Trong khi đó, báo mạng “Thế giới đa cực” của Nga vừa đăng bài viết “Các nước ASEAN điều chỉnh cách tiếp cận ở Biển Đông” của tác giả Pavel Vinogradov, cho biết nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác trong ASEAN, ủng hộ lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia, học giả từ các quốc gia ở khu vực này cũng ủng hộ lập trường của Việt Nam và chỉ trích các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Theo bài báo, Việt Nam đã thể hiện một lập trường rõ ràng, hợp lý và nhất quán, luôn cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam thường xuyên bày tỏ mong muốn tất cả các nước thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời nỗ lực để hoàn thiện COC để qua đó điều chỉnh hành vi của tất cả các quốc gia trong khu vực. Tác giả bài báo cho biết tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) vào những ngày đầu tháng 11 này, các nước đều tin rằng sự gắn kết, thống nhất trong quan điểm và hành động đối với việc giải quyết tình hình ở Biển Đông sẽ giúp củng cố bầu không khí hòa bình và ổn định trên toàn khu vực. Bài báo cũng nhấn mạnh Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong các đại dương thế giới, bởi đây là khu vực có hoạt động hàng hải sôi động nhất. Theo bài viết, các chuyên gia cho rằng không có gì có thể đảm bảo những tình huống phức tạp và bất ổn tại Biển Đông như thời gian qua sẽ không lặp lại trong tương lai, do đó, các nước cần tuân thủ các chuẩn mực chung của luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). 

Được biết, Nga là một trong số ít những nước lớn có quan điểm, lập trường “thiên vị” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Giới chức Nga đã từng đưa ra các tuyên bố khẳng định các nước bên ngoài khu vực “không nên can dự vào tranh chấp ở Biển Đông”. Theo đó, Nga không phải một bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng Nga có những lợi ích ở vùng này, kể cả ở Việt Nam. Nga muốn tất cả các vấn đề trong khu vực được giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, thông qua cuộc đàm phán giữa các nước có tranh chấp; khẳng định Nga dứt khoát chống lại sự leo thang căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, chống lại việc gia tăng quân sự hóa trong khu vực; cho rằng, lối thoát tốt nhất và duy nhất ra khỏi tình trạng này là việc tổ chức cuộc đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời Nga kêu gọi giữ bình tĩnh, kiềm chế và không để những cuộc tranh chấp biến khu vực này thành một “điểm nóng” trên thế giới.

Ngoài ra, Nga không ủng hộ quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và các nước có liên quan nên tìm kiếm con đường chính trị ngoại giao để giải quyết vấn đề. Lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông là, tất cả các bên liên quan đều phải tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm con đường giải quyết bằng chính trị ngoại giao mà các bên đều có thể chấp nhận được; nhận định chỉ có đàm phán, con đường mà Trung Quốc và ASEAN đã đi, mới có thể mang lại kết quả cho các bên, đó chính là một thỏa thuận mà các bên chấp nhận được. Không những vậy, Nga cũng rất quan tâm theo dõi diễn biến tình hình ở Biển Đông, coi đây là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới an ninh và ổn định ở toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nga không phải là một bên tham gia vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và sẽ không bị lôi kéo vào những tranh chấp này; Nga không đứng về bên nào trong tranh chấp, cho rằng việc tham gia của bên thứ ba vào các tranh chấp này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Tất cả các quốc gia liên quan tới những tranh cãi lãnh thổ trong khu vực này phải nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm giải pháp chính trị-ngoại giao cho các vấn đề hiện nay trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là UNCLOS, trên tinh thần DOC mà ASEAN và Trung Quốc đạt được năm 2002, cũng như những thỏa thuận vào tháng 7/2011 giữa các nhà lãnh đạo về việc thực thi Tuyên bố năm 2002. Nga cho rằng việc tham vấn và đàm phán về những vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được tiến hành trực tiếp giữa các bên liên quan với hình thức phù hợp nhất do các bên tự xác định. Nga sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm hoàn tất COC.

Tuy nhiên, để đóng góp cho ổn định khu vực và đảm bảo lợi ích của Nga, Nga nên có cách thúc đẩy hình thành một cách tiếp cận cụ thể hơn đối với cách hành xử của các bên tại Biển Đông. Nga không chỉ có thể kêu gọi các bên dừng các hành động “khiêu khích”, mà cũng có thể tuyên bố rõ ràng hơn là hành động cải tạo đảo và quân sự hóa là một hành động gây leo thang căng thẳng. Theo Anton Tsvetov, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược Liên bang Nga, “vị thế khiêm tốn của Nga trong vấn đề Biển Đông không nên được xem là trở ngại cho các nhà hoạch định chính sách của Moscow… Việc can dự của Nga ở Biển Đông là cách thức hiệu quả để thể hiện lợi ích hợp pháp của mình trong những diễn biến an ninh mới ở Đông Nam Á, một tiểu khu vực đã từng là nằm bên lề chính sách đối ngoại của Nga”.

RELATED ARTICLES

Tin mới