Hải quân Hoàng gia Thái Lan cho biết Chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch mua 2 máy bay không người lái (UAV) Camcopter S-100 của Tập đoàn Schiebel của Australia để trang bị cho hải quân.
Theo thông tin trên, Camcopter S-100 là hệ thống UAV cất cánh thẳng đứng đầu tiên của Hải quân Thái Lan. Loại máy bay này công ty Scheibel phát triển trong giai đoạn từ năm 2003 – 2005. Máy bay gian bay liên tục là 6 giờ, trọng lượng cất cánh tối đa 200 kg. Loại máy bay này đạt tốc độ bay tối đa là 220 km/h, trần bay 5.500m. Máy bay được trang bị động cơ Diamond đạt công suất 55 mã lực và có thể mang cùng nhiều thiết bị cảm biến như cảm biến quang-điện tử, hồng ngoại và có thể lắp đèn chiếu, loa phát thanh, radar khẩu độ tích hợp.
Giám đốc Văn phòng quản lý mua sắm của Hải quân, Đô đốc Prachachart Sirisawat, hệ thống này sẽ giúp Hải quân cắt giảm chi phí tuần tra vì sẽ không cần triển khai tàu lớn có khả năng chở máy bay trực thăng cho những phi vụ như vậy. UAV này sẽ chủ yếu đóng tại các căn cứ của Hải quân ở cả Vịnh Thái Lan và Biển Andaman. Ngoài ra, với khả năng bay liên tục trong 6 tiếng, Camcopter S-100 rất phù hợp với các cuộc tuần tra an ninh trên các vùng biển Đông Nam Á. Camcopter S-100 không cần phải có chỗ chuẩn bị sẵn để cất và hạ cánh, đồng thời có khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt với tầm bay lên tới 200km
Theo tờ Bangkok Post, các máy bay Camcopter S-100 này sẽ được triển khai vào năm 2020 tại tỉnh Nakhon Si Thammarat và trên tàu chiến của hải quân để thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, do thám và giám sát ở trên bộ và trên biển, cứu hộ khẩn cấp. Giá trị hợp đồng trên vào khoảng 600 triệu baht (hơn 19,8 triệu USD).
Trước Thái Lan, Việt Nam đã mua 6 UAV ScanEagle doCông ty Insitu trực thuộc tập đoàn Boeing sản xuất. Đây là chiếc UAV với thiết kế không đuôi, có sải cánh xuôi 3,1 m với đầu cánh được bẻ cong lên phái trên. Hầu như tất cả các mép sau của cánh đều được cơ giới hóa. Thân máy bay tương đối nhỏ (chiều dài khoảng 1,4 m) chứa một động cơ piston công suất 1,5 mã lực. UAV ScanEagle có trọng lượng cất cánh tối đa không quá 20 kg. Với kích thước, trọng lượng và cấu trúc khí động học như vậy, UAV ScanEagle có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong thời gian dài. Nó có khả năng bay với vận tốc lên đến 130 km/h và đạt được độ cao 4.900 m. Động cơ có tính kinh tế cao và thùng nhiên liệu có thể tích tương đối lớn cho phép máy bay có thể thực hiện các chuyến bay kéo dài trong thời gian hơn 20 giờ.
Hợp đồng bán 6 máy bay ScanEagle trị giá 9,7 triệu USD cho Việt Nam sẽ do Công ty Insitu trực thuộc tập đoàn Boeing chế tạo. Hợp đồng cũng bao gồm cung cấp linh kiện phụ tùng, huấn luyện và cử chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật. Hợp đồng nằm trong chương trình Bán trang bị quân sự cho nước ngoài, có tổng trị giá 9,7 triệu USD và dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2022. Giám đốc tiếp thị quốc phòng khu vực Đông Nam Á của tập đoàn Boeing Yeong Tae Pak cho biết, những chiếc ScanEagle sẽ được bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam. ScanEagle là sản phẩm ở phân khúc thấp nhưng rất hiệu quả trong việc tăng cường năng lực giám sát và chia sẻ thông tin. Giới chuyên gia đánh giá đây là một trong những hợp đồng quân sự đáng kể nhất giữa Việt Nam và Mỹ trong nhiều năm qua. Số UAV bán cho Việt Nam nằm trong 34 chiếc ScanEagle được công ty Insitu chế tạo trong đợt này, trong đó 12 chiếc bán cho Malaysia, 8 chiếc cho Indonesia và 8 chiếc cho Philippines.
Loại UAV này được đánh giá là rất phù hợp với nhiệm tuần tra, trinh sát không chỉ trên bộ mà cả trên biển. Việc triển khai trên tàu biển cũng rất dễ dàng nhờ việc UAV cất cánh bằng hệ thống phóng gọi là SuperWedge và thu hồi bằng hệ thống lưới Skyhook. Nếu mua thành công UAV ScanEagle, nhiều khả năng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ triển khai nó trên các tàu tuần duyên cỡ lớn như CSB 8020, hoặc 4 tàu tuần duyên kiểu DN-2000 có sân đỗ trực thăng thuận tiện cho việc triển khai – thu hồi UAV.