Friday, January 3, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Ấn Độ rút lui khỏi RCEP, "nhường sân" cho TQ?

Vì sao Ấn Độ rút lui khỏi RCEP, “nhường sân” cho TQ?

Ấn Độ đứng ngoài RCEP sẽ làm cho nhóm này thiếu đi một đối trọng cần thiết đối với Trung Quốc.

Lo ngại thị trường Ấn Độ sẽ ngập tràn hàng Trung Quốc

Tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3 ngày 4/11/2019 tại Bangkok, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chính thức tuyên bố Ấn Độ rút khỏi đàm phán RCEP, trong khi 15 nước khác tham gia RCEP ra một tuyên bố đã kết thúc đàm phán và sẽ ký kết RCEP vào năm tới.

Đàm phán RCEP bắt đầu từ 2012 và đã diễn ra 29 vòng đàm phán chính thức. Đây là cuộc đàm phán thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đã có FTA với ASEAN, bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Do vậy, RCEP về cơ bản là một thỏa thuận nhằm hài hòa các FTA hiện có trong khu vực và tập trung vào các cuộc đàm phán giữa 6 nước Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, trong đó đáng chú ý nhất là cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Đàm phán RCEP hứa hẹn nhiều lợi ích cho các nước tham gia trong đó có Ấn Độ bởi 16 nước RCEP chiếm tới 25% GDP, 30% kim ngạch thương mại và 26% FDI toàn cầu. Nếu thành công, RCEP sẽ mở cửa một thị trường khổng lồ 3,4 tỷ người, chiếm đến 50% dân số thế giới. Do vậy, rút khỏi RCEP là một quyết định khó khăn đối với Ấn Độ.

Trước khi lên đường sang Bangkok, Thủ tướng Ấn Độ đã tổ chức họp nội các để quyết định về lập trường cuối cùng của Ấn Độ. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal vẫn khẳng định Ấn Độ không thể đứng ngoài cuộc chơi trong một thế giới toàn cầu hóa, và Ấn Độ không thể ngừng hợp tác và giao thương với các nước. Nếu Ấn Độ đứng ngoài RCEP, Ấn Độ sẽ bị cô lập khỏi khối thương mại lớn này.

Mặc dầu vậy, quyết định rút khỏi RCEP đã được đưa ra trước sự ngạc nhiên và thất vọng của các nước khác và có lẽ của cả một số người ngay tại Ấn Độ theo chủ trương tự do hóa thương mại.

Thấy gì từ giải thích của ông Modi?

Các giải thích của ông Modi tại Hội nghị cho thấy các tính toán đối nội đóng vai trò chủ yếu trong quyết định rút lui của ông. Ông nói rõ ông buộc phải đi đến quyết định này nhằm bảo vệ công nhân và nông dân Ấn Độ.

Vì sao Ấn Độ rút lui khỏi RCEP, nhường sân cho Trung Quốc? - Ảnh 2.

Thực tế, ông đứng trước một áp lực rất lớn của một làn sóng phản đối RCEP trong nội bộ Ấn Độ. Nhiều ngành công nghiệp đã lớn tiếng chống lại việc Ấn Độ tham gia RCEP. Ngành dệt may cho rằng RCEP ảnh hưởng tiêu cực tới các công ty dệt may trong nước vốn đã khó khăn. Ngành thép cũng lo ngại nhập khẩu thép Trung Quốc sẽ tăng quá mức, gây hại cho thị trường trong nước. Hiệp hội sản xuất ô tô Ấn Độ cho rằng RCEP sẽ cho phép hàng Trung Quốc tiếp cận dễ dàng vào Ấn Độ, làm mất việc làm, và làm tổn hại đến chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ”. Hiệp hội Những người Trồng trọt phía Nam Ấn Độ, nói rằng RCEP sẽ khiến ngành trồng trọt vốn đang suy thoái trở nên tồi tệ hơn.

Hơn một chục tổ chức công đoàn Ấn Độ đã lên tiếng phản đối RCEP. Chủ tịch Đảng Quốc đại Ấn Độ Rahul Gandhi đã đăng tải một dòng tweet rằng nếu tham gia RCEP “Ấn Độ sẽ tràn ngập hàng hóa giá rẻ, dẫn đến hàng triệu việc làm bị mất.” Theo một nghiên cứu của Swadeshi Jagaran Manch, RCEP có thể khiến cho 50 triệu lao động nông thôn mất việc làm.

Các lo ngại trên đây không phải là không có cơ sở. Với việc hầu hết thuế quan bị cắt giảm hoặc xóa bỏ, trong bối cảnh Ấn Độ đang có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, thị trường Ấn Độ có thể bị ngập tràn bởi hàng hóa Trung Quốc. Trên thực tế, thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã lên tới mức 58 tỷ USD vào năm 2018. Con số này có thể sẽ gia tăng nhanh chóng nếu Ấn Độ tham gia vào RCEP. Một báo cáo của cơ quan thương mại Ấn Độ cho thấy sau khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc đi vào thực thi năm 2010, thương mại hàng hóa của các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Singapore với Trung Quốc chuyển từ thặng dư 53 tỷ USD thành thâm hụt 54 tỷ USD trong năm 2016.

Do đó báo cáo này đề nghị: “Đám phán RCEP, đặc biệt là đàm phán với Trung Quốc, cần phải được suy xét thận trọng. Ngành công nghiệp Ấn Độ sẽ bất lợi nếu Ấn Độ đồng ý một lộ trình cắt giảm thuế quan đặc biệt cho Trung Quốc”.

Vì lí do trên, khi đàm phán RCEP, Ấn Độ đã đề xuất lập một cơ chế tự động nâng thuế nếu hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vượt ngưỡng số lượng nhất định. Ấn Độ cũng muốn một cơ chế để dịch vụ của Ấn Độ được tiếp cận thị thường RCEP. Trong quá trình đàm phán RCEP, Ấn Độ cũng đã đưa ra những nhượng bộ, bao gồm cả việc gỡ bỏ các biện pháp bảo vệ trong một số lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp. Tuy nhiên, cho đến phút cuối cùng của cuộc đàm phán, Trung Quốc vẫn không nhân nhượng trước các đòi hỏi trên đây của Ấn Độ.

Bước lùi của RCEP

Vì sao Ấn Độ rút lui khỏi RCEP, nhường sân cho Trung Quốc? - Ảnh 3.
Thủ tướng Ấn Độ Modi và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Sự rút lui của Ấn Độ được coi là một bước lùi lớn của RCEP vì Ấn Độ là một nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh và cũng là đối tác chiến lược của nhiều nước ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không nghĩ như vậy. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành tuyên bố “Sẽ không có vấn đề gì đối với 15 quốc gia để ký kết RCEP (không có Ấn Độ) vào năm tới “.

Tại sao Trung Quốc biết rõ nếu không có Ấn Độ, RCEP sẽ giảm ý nghĩa một cách đáng kể về mặt thị trường, nhưng Trung Quốc vẫn hối thúc việc sớm ký RCEP không có Ấn Độ? Giải thích cho điều này chỉ có thể là: không có Ấn Độ, Trung Quốc sẽ dễ dàng thống trị khu vực hơn.

Ngoài ra, Trung Quốc muốn đẩy nhanh đàm phán RCEP nhằm tìm lối thoát khi phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và tạo thế tốt hơn cho Trung Quốc trong đàm phán thương mại mới Mỹ.

Trái với những tính toán của Trung Quốc, các nước trong khu vực lo ngại Ấn Độ đứng ngoài RCEP một cấu trúc kinh tế quan trọng đang định hình trong khu vực là điều không có lợi cho cả khu vực. Ấn Độ đứng ngoài RCEP sẽ làm cho nhóm này thiếu đi một đối trọng cần thiết đối với Trung Quốc.

Do vây, khối Đông Nam Á cũng như Nhật và Australia vẫn kiên nhẫn chờ đợi và cho cơ hội để Ấn Độ tham gia vì họ không muốn một khu vực thương mại mới bị Trung Quốc thống trị. Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn Ấn Độ sẽ quay trở lại với RCEP để cân bằng với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.

Đối với Ấn Độ, đây rõ ràng là một điều bất lợi khi mà Ấn Độ đứng ngoài cả hai khối thương mại – vốn được cho là sẽ xác định tương lai của toàn bộ châu Á: RCEP và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP. Với việc rút lui khỏi RCEP, Ấn Độ cũng đánh đi tín hiệu về giới hạn của Ấn Độ trong hội nhâp kinh tế với khu vực và khả năng chấp nhận chủ nghĩa đa phương.

Vì sao Ấn Độ rút lui khỏi RCEP, nhường sân cho Trung Quốc? - Ảnh 4.

Các nhà quan sát cho rằng, với sự rút lui này Ấn Độ dường như quan tâm hơn tới quan hệ với Mỹ. Những năm gần đây, Mỹ đã nổi lên như một đồng minh quan trọng đối với Ấn Độ cả về mặt kinh tế.

Thủ tướng Modi vừa có chuyến thăm Mỹ tháng 9/2019. Một thỏa thuận thương mại với Mỹ, trong bối cảnh những quan ngại về hàng nhập khẩu Trung Quốc tràn vào thị trường trong nước khiến Ấn Độ rời khỏi RCEP, sẽ nêu bật sự hội tụ ngày càng tăng với Mỹ.

Báo Times of India dẫn lời Bộ trưởng Công thương Ấn Độ Piyush Goyal nói: “Hiện tại, Ấn Độ đang thăm dò các thỏa thuận thương mại với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nơi ngành công nghiệp và dịch vụ Ấn Độ sẽ có tính cạnh tranh và hưởng lợi từ việc tiếp cận các thị trường phát triển lớn”.

Vì sao Ấn Độ rút lui khỏi RCEP, nhường sân cho Trung Quốc? - Ảnh 5.

Một nguồn tin chính phủ cũng nói rằng: “Chúng ta cần tính đến một FTA với Mỹ. Chúng ta có thặng dư thương mại với họ”. Tổng thống Trump đã nói bóng gió về điều đó trong một dòng tweet vài tháng trước.

Ấn Độ cũng phải tính tới các giải pháp thay thế khác khi chưa tham gia RCEP. Ấn Độ sẽ phải quan tâm tới FTA với các khu vực Châu Âu, Mỹ và Châu Phi, đồng thời thúc đẩy đàm phán FTA với Australia và khai thác hiệu quả hơn các FTA hiện có với ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Việc Ấn Độ rút khỏi RCEP có thể ảnh hưởng tới lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại Đông Nam Á. Để bù lại, Ấn Độ có thể phải gia tăng can dự với Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, kể cả việc tăng cường cơ chế Tứ giác kim cương cũng như vai trò trung tâm của ASEAN.

RELATED ARTICLES

Tin mới