Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnBắc Kinh xây 11 đập ở thượng nguồn sông Mê Kông, bắt...

Bắc Kinh xây 11 đập ở thượng nguồn sông Mê Kông, bắt các nước hạ nguồn phải phụ thuộc

Chuyên gia địa lý Brahma Chellaney, trong một bài viết trên Nikkei, cho rằng Trung Quốc đang “vũ khí hóa nguồn nước” bằng việc sử dụng các con đập ở thượng nguồn các dòng sông làm công cụ thao túng, buộc các quốc gia phía hạ nguồn phải phụ thuộc vào mình.

 

Theo ông Chellaney, Châu Á được xem là lục địa khô hạn nhất trên thế giới nhưng vẫn đang là trung tâm xây dựng các đập thủy điện, với số lượng xấp xỉ 25 ngàn còn đập lớn nhỏ đã và đang xuất hiện, chiếm khoảng một nửa số đập thủy điện hiện có trên thế giới. Các đập thủy điện ở đây đang tạo nên một chướng ngại trong quan hệ ngoại giao giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là giữa những quốc gia chia sẻ dòng nước sông Mê Kông.

Ông Chellaney đánh giá, các con đập được tập trung xây dựng hàng loạt cho thấy các nước ở thượng nguồn tiếp tục ưu tiên cho việc này, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc nguồn nước thượng lưu các con sông có đập thủy điện bị tăng cường khai thác, làm phát sinh mâu thuẫn với lợi ích của các quốc gia phía hạ lưu.

Theo tác giả của cuốn sách “Nước: cuộc chiến mới ở châu Á”, yêu cầu cải thiện mối quan hệ chính trị liên quan tới nguồn nước cần được thể chế hóa bằng sự hợp tác, minh bạch trong các dự án, kế hoạch chia sẻ nguồn nước và các cơ chế giải quyết xung đột. Ông cho rằng, Châu Á chỉ có có thể xây dựng một hệ thống quản lý nước dựa trên quy tắc, có sự hài hòa, khi Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng ông lưu ý, tính tới thời điểm hiện tại, điều này có vẻ như khó thực hiện.

Mùa hè năm ngoái, mực nước trên sông Mê Kông, con sông dài 4.880 km, được xem là “mạch máu” của Đông Nam Á, đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 100 năm, mặc dù mùa mưa hàng năm trên khu vực dòng sông chảy qua kéo dài từ cuối tháng 5 cho đến cuối tháng 9.

 Bất chấp hiện trạng này, Trung Quốc vẫn đang tăng cường chiếm hữu nguồn nước của sông Mê Kông bằng việc hoàn thành 11 đập thủy điện lớn phía đầu nguồn của dòng sông, và còn đang có kế hoạch xây dựng thêm các đập. Ông Chellaney nhìn nhận, rõ ràng, Trung Quốc đang gây thiệt hại cho các nước phía hạ lưu của dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng.

Ông Chellaney đánh giá, Trung Quốc đang là trung tâm chi phối nguồn nước của Châu Á. Nhờ việc thôn tính Tây Tạng vào năm 1951 và có được khu tự trị Tân Cương trải dài, quốc gia nhiều tham vọng ở Đông Á là điểm khởi đầu của các dòng sông chảy qua 18 quốc gia.

Bằng cách xây dựng các con đập, rào chắn và các cấu trúc phân phối nước nằm ở các vùng biên giới, Trung Quốc đang tạo ra một cơ sở hạ tầng thượng nguồn rộng lớn, có khả năng vũ khí hóa nguồn nước, phục vụ cho các kế hoạch chính trị của mình, ông Chellaney bình luận.

Một đợt hạn hán nghiêm trọng hiện đang làm tê liệt các địa phương của một khu vực rộng lớn kéo dài từ Úc đến bán đảo Ấn Độ đang như một hồi chuông cánh báo những rủi ro gia tăng từ việc theo đuổi các kế hoạch xây dựng đập thủy điện sẽ làm nảy sinh tình trạng thiếu nước ngọt.

Các khu vực đông dân cư của châu Á đã phải đối mặt với nguy cơ cao rằng họ không đủ nước cho các nhu cầu tối thiểu. Cuộc đua xây dựng đập thủy điện, giữa các nước ở khu vực thượng và trung lưu của các con sông, đang gây ra căng thẳng và xung đột lớn hơn trong khu vực.

 

Ông Chellaney cho hay, ở phương Tây, hầu hết các kế hoạch xây dựng đập lớn đã bị hủy bỏ. Việc xây dựng các đập lớn cũng đang chậm lại ở các nền dân chủ chủ chốt của châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, do vấp phải sự phản đối.

Ngược lại, việc gia tăng xây dựng các đập thủy điện của Trung Quốc, theo ông Chellaney, đã khiến Châu Á tự nhiên trở thành khu vực trung tâm của các con đập. Bắc Kinh đã biến Trung Quốc thành “siêu tập đoàn” hàng đầu thế giới về xây dựng các con đập ở trong và ngoài nước. Để quảng cáo cho khả năng có thể xây dựng được những con đập cao nhất, lớn nhất, sâu nhất và dài nhất, Bắc Kinh đã tập trung cho việc hoàn thành đập Tam Hiệp, và gọi đó là kỳ công kiến trúc vĩ đại nhất trong lịch sử kể từ khi Trung Quốc xây dựng Vạn Lý Trường Thành.

Theo nhà phân tích địa chính trị của Nikkei, hiện tại, Chính quyền Trung Quốc đang thực hiện một chương trình thao túng nguồn nước tham vọng nhất trong lịch sử loài người.

Một con đập có công suất phát điện gấp đôi đập Tam Hiệp đang được Trung Quốc triển khai ở khu vực biên giới với Ấn Độ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang “hỗ trợ” các quốc gia khác có sông Mê Kông chảy qua như Myanmar và Lào xây dựng rất nhiều đập để bán điện trở lại cho họ.

Kể từ khi Trung Quốc dựng lên một loạt các con đập khổng lồ trên sông Mê Kông, hạn hán đã trở nên thường xuyên và diễn ra dữ dội hơn ở các nước vùng hạ lưu của dòng sông. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn phủ nhận các con đập của họ ở phía thượng nguồn Mê Kông là nguyên nhân gây ra tai họa cho các nước phía hạ nguồn.

 

Sở hữu một hệ thống “đập chắn” nước ở thượng nguồn, Trung Quốc đang đóng vai “người hùng”, kẻ thực hiện “sứ mệnh” cứu tinh các nước vùng hạ lưu sông Mê Kông, khi cam kết rằng sẽ xả nhiều nước hơn khi các nước này bị hạn hán. Lời hứa này của Bắc Kinh không khác gì đã khẳng định rằng, các nước vùng hạ lưu sông Mê Kông đã bị phụ thuộc vào chính quyền Trung Quốc, ông Chellaney nhìn nhận.

Theo vị chuyên gia địa lý gốc Ấn, những tai họa về nguồn nước đang diễn ra ngày càng tồi tệ trên khắp châu Á, khiến lục địa này phải đối mặt với một trong hai lựa chọn sống còn: Một là, theo con đường hiện tại để rồi phải chấp nhận một môi trường sống bị hủy hoại, và thậm chí phải lao vào một cuộc chiến giành giật nguồn nước. Hai là, tạo ra sự thay đổi bằng cách yêu cầu các bên ngồi vào bàn đàm phán, thống nhất một bộ quy tắc về việc sử dụng nguồn nước.

Theo ông Chellaney, con đường thứ hai không chỉ đòi hỏi phải có sự chia sẻ nguồn nước và lưu lượng dữ liệu thủy văn một cách miễn phí, mà còn phải yêu cầu các bên khai thác hiệu quả hơn nguồn nước, tăng sử dụng nước tái chế và khử muối, đồng bộ với các nỗ lực bảo tồn và duy trì nguồn nước.

Tuy vậy, ông Chellaney cho rằng, việc này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hợp tác của nhà nước Trung Quốc. Điều đáng buồn là, cho đến nay Bắc Kinh đã từ chối tham gia vào các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước với bất kỳ nước láng giềng nào. Nếu nhà nước Trung Quốc không từ bỏ cách tiếp cận hiện tại, triển vọng cho một trật tự dựa trên quy tắc ở châu Á có thể sẽ không bao giờ thành hiện thực.

RELATED ARTICLES

Tin mới