Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐánh giá của giới chuyên gia, học giả về diễn biến tình...

Đánh giá của giới chuyên gia, học giả về diễn biến tình hình Biển Đông thời gian gần đây

Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động phi pháp trên thực địa và tuyên truyền về cái gọi là “chủ quyền”lịch sử trên Biển Đông, khiến tình hình khu vực ngày càng bất ổn, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh ở Biển Đông. Giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế đã đưa ra những tuyên bố phê phán, lên án hành vi, âm mưu và hoạt động của Bắc Kinh.

Chuyên gia Greg Poling, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) khẳng định, Bắc Kinh tập trung quấy rối liên tục các nước trên Biển Đông và khá thành công với chiến lược này. Theo ông Greg Poling, chiến lược của Trung Quốc hiện nay là tập trung quấy rối các nước trong khu vực, bằng cách sử dụng các lực lượng trên biển của mình. Hành động này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động dân sự của Việt Nam, Philippines và Malaysia, trong việc bảo vệ hợp pháp các quyền cơ bản trên biển, bao gồm hoạt động khai thác dầu khí. Chiến lược của Bắc Kinh áp dụng tỏ ra khá thành công trong khu vực. Hiện chưa có nước nào thuộc các bên tranh chấp với Trung Quốc, kể cả các nước bên ngoài như Mỹ, có thể tạo áp lực ngoại giao hay kinh tế đáp trả thích đáng và thay đổi hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ông Greg Poling cũng khẳng định, tình hình Biển Đông trong năm vừa qua diễn biến phức tạp, khi số lượng tàu cảnh sát biển và tàu hải giám của Trung Quốc tiếp tục tăng, di chuyển nhiều tới khu vực Trường Sa của của Việt Nam; đồng thời nhận định nếu tình hình này tiếp tục diễn ra, các nước trong khu vực trach chấp sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro khi thực hiện các hoạt động dân sự hợp pháp trên biển Đông. Đánh giá về vụ việc Trung Quốc điều tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10 vừa qua, ông Poling nói Bắc Kinh sẽ làm như vậy hết lần này đến lần khác để khiến các công ty bên ngoài nản lòng, để họ nghĩ rằng việc hợp tác khai thác tài nguyên trên biển Đông là quá nguy hiểm và quá tốn kém. Các nước sẽ chỉ có 2 lựa chọn: Một là, ngừng việc thăm dò, khai thác dầu khí; hai là, phải chấp nhận làm ăn với Trung Quốc. Cũng theo ông Poling, Trung Quốc phớt lờ các cơ chế ngoại giao, quy tắc ứng xử hay cơ chế hợp tác. Mỗi ngày, trên biển Đông lại có thêm tàu Trung Quốc và họ hành xử ngày càng quyết liệt. Đó không phải hành động của một nước muốn thỏa hiệp mà là muốn bắt nạt, bắt các nước Đông Nam Á chấp nhận luật chơi của mình. Chuyên gia này cũng nói thêm rằng Trung Quốc gần đây thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vì tính toán của họ là nếu đạt được một COC theo ý họ, Bắc Kinh sẽ không bị bộ quy tắc này kiềm chế. Nếu tiến trình đàm phán COC đổ vỡ, Trung Quốc cũng hưởng lợi. Đáng chú ý, chuyên gia Greg Poling cho rằng cách duy nhất để đẩy lùi mưu đồ của Trung Quốc là khiến nước này phải trả giá về ngoại giao, kinh tế… thông qua sự hợp tác, nhất trí của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới khi đối phó với Trung Quốc. Sẽ rất khó để mỗi quốc gia riêng lẻ có thể thực hiện được điều này. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ và từng bước thuyết phục Trung Quốc rằng họ đang “mất nhiều hơn được” khi cố áp đặt tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Phó Đô đốc Yoji Koda, cựu Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, cho rằng, trong thời gian qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh tiến trình quân sự hóa trên các bãi đá mà nước này đã cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo ở Trường Sa nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông. Với tiềm lực sức mạnh quân sự của mình, Trung Quốc tin rằng, nước này hoàn toàn có thể thách thức mọi quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Một khi Trung Quốc hoàn tất tiến trình quân sự hóa ở Biển Đông, sẽ khó có nước nào có thể ngăn chặn được các bước đi chiến lược của Trung Quốc trong tương lai.

Giáo sư, Tiến sĩ Leszek Buszynski thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định, “sự trỗi dậy và bành trướng” của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang gây ra rất nhiều lo ngại cho các nước trong khu vực và trên thế giới. Trung Quốc rất tin tưởng vào sức mạnh của mình và luôn tự tin cho rằng tham vọng của Trung Quốc là “không thể ngăn chặn” hoặc ít nhất là sẽ “rất khó bị kiềm chế” bởi bất kỳ quốc gia nào. Chính vì thế, không chỉ dừng lại ở Biển Đông và Hoa Đông, Trung Quốc còn đang nhắm tới việc mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương. Theo Giáo sư Leszek Buszynski, các nước trong khu vực cần công khai với thế giới về những gì đang diễn ra ở Biển Đông và không chấp nhận thỏa hiệp với Trung Quốc. Chỉ có làm như vậy mới khiến Trung Quốc không thể tiếp tục đẩy mạnh yêu sách chủ quyền phi lý của mình. Trung Quốc luôn lo ngại các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản và cả cộng đồng quốc tế có thể sẽ có những phản ứng quyết liệt hơn nếu như các nước trong khu vực cùng lên tiếng chỉ trích những hành động sai trái của nước này. Đây cũng là cách hiệu quả để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nicola Casarini thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Italy, cho rằng những căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực mà còn có tác động không nhỏ đến an ninh và thịnh vượng của Liên minh châu Âu (EU) do EU có quan hệ hợp tác về chính trị, kinh tế và thương mại với nhiều nước trong khu vực. Ngoài ra, việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông chính là “tiếng chuông cảnh tỉnh” để các quốc gia EU có những động thái quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn những hành vi sai trái của Trung Quốc. Điều quan trọng nhất hiện nay chính là các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là những nước chịu tác động trực tiếp từ những hành động phi pháp của Trung Quốc cần lên tiếng một cách công khai và mạnh mẽ hơn nữa.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia nhận đinh, Trung Quốc đang cố tình thúc đẩy yêu sách “đường lưỡi bò” khi ngang nhiên tuyên bố đây là khu vực có các nguồn tài nguyên của Trung Quốc bị các nước khác cướp mất. Trung Quốc muốn trở thành cường quốc mới nổi tại khu vực châu Á và biển Đông chính là trung tâm trong tham vọng này. Việc độc chiếm được biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với Bắc Kinh không chỉ về địa chính trị mà còn về nguồn dầu khí dồi dào tại đây. Việt Nam cần nỗ lực trong việc tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Mỗi diễn giả, học giả sẽ là một sứ giả mang thông điệp về biển Đông đến với các quốc gia của họ. Việt Nam cũng cần tận dụng cơ hội khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, trở thành người dẫn đầu nhằm lên tiếng trước những động thái không phù hợp của Trung Quốc tại biển Đông.

Giáo sư Luật Hàng hải quốc tế James Kraska (Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng các nước trong khu vực cần thảo luận để dẹp bỏ những bất đồng, đi đến thống nhất về vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển Đông; đồng thời cần mở rộng giao lưu, hợp tác về thương mại, ngoại giao và quân sự với các nước trên thế giới…để nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong việc phản đối những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong thời gian qua.

Trong khi đó, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell dự đoán Trung Quốc sẽ “hung hăng hơn” để khẳng định vị thế ở châu Á và trong cạnh tranh với Mỹ. Đánh giá ý đồ của Trung Quốc khi để tàu Hải Dương 8 khảo sát phi pháp gần 4 tháng, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019, Campbell cho rằng có sự kết hợp của ba giả thuyết. Thứ nhất, Bắc Kinh muốn báo hiệu sẽ tăng cường các hoạt động ở trong khu vực “đường lưỡi bò”, không chỉ với Việt Nam, mà còn với các bên khác cùng có tranh chấp. Đây được coi là động cơ chính và là thách thức lâu dài với các nước như Việt Nam, Malaysia, Philippines. Thứ hai, Trung Quốc thể hiện tín hiệu “rất không hài lòng” khi Việt Nam khai thác dầu ở Biển Đông, dù khu vực này thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Hà Nội. Thứ ba, Trung Quốc muốn “nhắc nhở” Việt Nam về việc hợp tác với các nước khác.

Tiến sĩ Stanley Weeks, chuyên gia cao cấp tại Tập đoàn Ứng dụng Khoa học Quốc tế (SAIC) chuyên cung cấp thông tin và hỗ trợ công nghệ cho Chính phủ Mỹ, khẳng định: Việt Nam luôn nhất quán trong việc chỉ ra những hành vi vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không nên sử dụng sức mạnh quân sự để chèn ép các nước khác một cách phi pháp. Điều này cho thấy, Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và điều này cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đây là cách làm rất có hiệu quả của Việt Nam. Trong mỗi trường hợp cụ thể, Việt Nam lại có cách phản ứng thích hợp, trong đó có cân nhắc đến tình hình chung. Điều này khiến tình hình Biển Đông dù có những lúc căng thẳng nhưng luôn được hạ nhiệt kịp thời.

Ông Bill Hayton, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh nhận định: Điều này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng về ngoại giao của Việt Nam. Sức mạnh của ASEAN chỉ có thể được bộc lộ khi toàn bộ 10 nước ASEAN cùng có chung tiếng nói chứ không phải là chia rẽ theo lợi ích của từng quốc gia. Ông Bill Hayton khuyến nghị, nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành vi gây bất ổn ở Biển Đông như việc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam thì Việt Nam có thể tính đến các biện pháp pháp lý. Trong trường hợp này, lẽ phải thuộc về Việt Nam và Việt Nam nắm chắc cơ hội chiến thắng. Mục đích của Trung Quốc khi tiến hành các hoạt động phi pháp trong vùng biển của Việt Nam là muốn ngăn các công ty dầu khí hợp tác với Việt Nam hoặc các nước ASEAN khác cũng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông tại những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố thuộc lãnh thổ của họ. Ngoài ra, hành động phi pháp trên cũng là “thông điệp” mà Trung Quốc muốn gửi tới các nước trong khu vực, những nước cũng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, rằng Trung Quốc là lực lượng bá quyền tại vùng biển này và họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn. Đây có thể là một lời cảnh báo của Trung Quốc. Ông Bill Hayton cũng bày tỏ hoài nghi về việc COC sẽ đạt được kết quả thực chất, tiến trình đàm phán COC có thể mất nhiều thời gian và khó kết thúc sớm. Để đối phó với Trung Quốc, Việt Nam cần tập hợp nhiều bên ủng hộ nhất có thể để thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông, chẳng hạn việc tổ chức hội thảo Biển Đông lần này. Việt Nam cần có thêm sự ủng hộ từ ASEAN, nhất là khi Việt Nam trở thành chủ tịch của ASEAN đầu năm tới. Là chủ tịch ASEAN, Việt Nam có lợi thế trong việc sắp xếp chương trình nghị sự cũng như các cuộc họp và thảo luận. Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam để trao đổi vấn đề Biển Đông. Việt Nam có nhiều sự ủng hộ của bạn bè nhất có thể, trong đó Mỹ có thể xem là một nhân tố quan trọng.

Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak, Thẩm phán Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS), cho biết UNCLOS 1982 có những nội dung quy định rõ ràng đối với các quốc gia ven biển về chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế, quyền tài phán với các hoạt động nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển… Đề cập cơ chế giải quyết tranh chấp, giáo sư Stanislaw Michal Pawlak cho biết Tòa án Luật Biển quốc tế được thành lập bởi UNCLOS 1982 và có quá trình hoạt động tốt. Tòa có quyền tài phán dựa trên các quyền rất cụ thể được quy định trong UNCLOS 1982. Trong vòng 23 năm qua, đã có 28 vụ kiện được đưa lên tòa với nội dung rất đa dạng, từ hoạt động thủy thủ đoàn liên quan đến phân định biên giới biển, nghĩa vụ và trách nhiệm của các quốc gia… Đưa ra ví dụ cụ thể là việc Trung Quốc nêu lên vấn đề quyền lịch sử của mình tại biển Đông, giáo sư Stanislaw Michal Pawlak cho biết: Sau khi xem xét, đánh giá, tòa kết luận rằng yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với tài nguyên tại biển Đông không phù hợp với những quyền cụ thể và các vùng biển quy định trong UNCLOS 1982. Tòa cũng nêu rõ mặc dù các nhà hàng hải và ngư dân Trung Quốc cũng như các nước khác, về mặt lịch sử, sử dụng các thực thể ở biển Đông nhưng không có bằng chứng cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã thực hiện quyền kiểm soát đối với vùng biển hay tài nguyên hoặc ngăn chặn các nước khai thác tài nguyên tại vùng biển này. Yêu sách của Trung Quốc đã đi ngược lại quy định của UNCLOS 1982 và không có hiệu lực pháp lý. Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak khẳng định Tòa án Luật Biển quốc tế đã góp phần vào việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật trên biển cũng như duy trì hòa bình, công lý và tiến bộ trong quan hệ quốc tế. Các chuyên gia, học giả đã thảo luận về nhiều khía cạnh liên quan tới việc áp dụng UNCLOS 1982 vào các vụ kiện cụ thể cũng như các giải pháp để các quốc gia ven biển tuân thủ Công ước này.

Từ những nhận định của giới chuyên gia, học giả cho thấy hoạt động của Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế lên án, chỉ trích thậm tệ. Để đối phó, ngăn chặn những hành vi phi pháp của Bắc Kinh, cộng đồng quốc tế cần chung tay, phối hợp ngăn chặn Trung Quốc bằng nhiều hình thức khác nhau.

RELATED ARTICLES

Tin mới