Tại Phiên họp Đặc biệt của ASEAN nhằm kỷ niệm 25 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có hiệu lực diễn ra hôm 6/11, các nước đã thảo luận về vai trò của các thể chế đa phương trong củng cố môi trường thượng tôn pháp luật và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Biển Đông, trong đó đều cho rằng ASEAN có vai trò quan trọng trong kiến trúc khu vực nói chung và kiểm soát, quản lý tranh chấp Biển Đông nói riêng.
Đại diện các nước khẳng định ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng cơ chế hợp tác khu vực, dung hoà lợi ích của các nước lớn trong bối cảnh các nước lớn cạnh tranh gay gắt nhằm xây dựng trật tự khu vực có lợi. Trong đó, ASEAN đã thông qua “Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Đây là sáng kiến kịp thời, phản ánh các nguyên tắc chính của ASEAN, gồm bao trùm, bổ sung lẫn nhau, trật tự dựa trên luật lệ theo luật pháp quốc tế, và vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như là nền tảng cho đối thoại và triển khai hợp tác ở khu vực. Đây cũng là bước phát triển tích cực và là tư tưởng chung của cộng cồng quốc tế.
Các học giả tham gia Hội nghị cũng nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác biển và xây dựng các quy tắc hành xử theo luật pháp quốc tế và xây dựng trật tự thượng tôn pháp luật trên Biển Đông. Các ý kiến cho rằng dù bằng hình thức nào, ASEAN cũng phải có tiếng nói vì hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực mà trong đó có an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vì thượng tôn pháp luật và giúp các nước có thể hợp tác trên cơ sở xây dựng lòng tin. Sự phát triển của Cộng đồng ASEAN dựa trên những thành tựu đã đạt được và vai trò quan trọng của ASEAN đối với từng nước thành viên, đối với khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương qua thời gian đã tạo dựng nên bản sắc và vai trò trung tâm của ASEAN.
Trong những năm qua, ASEAN tích cực thúc đẩy Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, hiệu lực và toàn diện. Việc đàm phán COC cần minh bạch, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và không loại trừ quyền lợi của các bên thứ ba. ASEAN ủng hộ thượng tôn luật lệ nhằm tìm kiếm giải pháp hoà bình, lâu dài và toàn diện cho tranh chấp Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Nhìn xuyên suốt tiến trình hợp tác của Hiệp hội, đặc biệt từ khi ASEAN bao gồm 10 quốc gia khu vực tới nay, ASEAN đã nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận để có tiếng nói chung trong những vấn đề phức tạp và khó khăn, bao gồm những căng thẳng trên biển Đông. Tuy nhiên, vai trò của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông còn nhiều hạn chế, sự thiếu nhất quán từ quan điểm đến hành động của một số nước do vấn đề lợi ích quốc gia. Hiện nay ASEAN đang bị chia rẽ khá mạnh do Trung Quốc sử dụng đòn bẩy kinh tế. Đồng thời, một số nước bởi vì không có tranh chấp cho nên họ thấy việc ra tuyên bố chống Trung Quốc đối với họ là không có lợi. Như vậy Trung Quốc đã khá thành công trong việc chia để trị, tức là chia lẻ từng nước ra, bởi chủ trương của Trung Quốc là đàm phán song phương, không đàm phán đa phương về chủ quyền với tất cả các nước.
Chính vì lẽ đó, để thực hiện mục tiêu xây dựng cộng đồng chung ASEAN và trước hết là đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc tại các vùng biển của Đông Nam Á, các chuyên gia khuyến cáo, ASEAN cần phải khắc phục sự thiếu đồng thuận, cần tăng cường đoàn kết nội khối và thống nhất lập trường chung trong vấn đề Biển Đông khi đàm phán với Bắc Kinh.
Ngoài ASEAN, vai trò của Đại Hội đồng Liên hợp quốc cũng được các đại biểu đề cao khi cho rằng Đại Hội đồng Liên hợp quốc là nơi phù hợp để giải quyết các vấn đề hoà bình và an ninh thế giới, gồm Biển Đông. Đại Hội đồng Liên hợp quốc có số lượng quốc gia lớn nhất so với các thể chế đa phương khác, do đó có thể thúc đẩy thượng tôn pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, cung cấp nền tảng cho các nước nêu vấn đề Biển Đông và thúc đẩy giải quyết hoà bình tranh chấp.