Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaThẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế: Yêu sách “chủ quyền”...

Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế: Yêu sách “chủ quyền” của TQ trên Biển Đông đi ngược lại UNCLOS

Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS) GS. Stanislaw Michal Pawlak cho biết “các yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại với quy định của Công ước và không có hiệu lực pháp lý vì Trung Quốc đã mở rộng quá lớn về giới hạn địa lý và các quyền trên vùng biển của mình”.

Tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Hợp tác vì Hòa bình và Phát triển tại khu vực”, Thẩm phán Stanislaw Michal Pawlak cho biết: “UNCLOS là công ước đã tạo ra hệ thống pháp luật toàn diện, góp phần vào việc định hình trật tự tại các đại dương và biển trên thế giới, thiết lập các nguyên tắc điều chỉnh về việc sử dụng tài nguyên biển và đại dương. Hiện nay, Công ước này đã được công nhận trên toàn thế giới và giải quyết tất cả các vấn đề quan trọng liên quan tới luật Biển. Trong vòng ¼ thế kỷ qua, Công ước đã đóng góp nhiều vào việc góp phần đảm bảo hòa bình, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới”. Thẩm phán Stanislaw Michal Pawlak đã nhắc lại một số nội dung chính của Công ước đối với các vùng biển như lãnh hải, đặc quyền kinh tế. Đặc biệt, Thẩm phán nhấn mạnh tới cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước. Theo Công ước, các quốc gia thành viên sẽ giải quyết bất cứ tranh chấp nào giữa các bên liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước thông qua các biện pháp hòa bình theo điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Một tòa có thẩm quyền theo Công ước có thể áp dụng quy định của Công ước và quy định khác của cộng đồng quốc tế mà không trái với Công ước. Thông thường, theo Công ước và theo luật quốc tế, các quốc gia không thể buộc phải giải quyết tranh chấp nếu không có sự đồng ý của họ. Tuy nhiên, UNCLOS 1982 là một Công ước đặc biệt vì chứa đựng những điều khoản quy định các quy chế giải quyết tranh chấp bắt buộc và có tính ràng buộc pháp lý liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước trong phần 15 mục 2 của Công ước. Việc chấp nhận các điều khoản của Công ước này thì các quốc gia đồng ý bị ràng buộc bởi các thủ tục khi trở thành thành viên của Công ước, các thủ tục này được tiến hành mà không cần sự tham gia của một bên tranh chấp. Phụ lục 7 điều 3 của Công ước quy định, nếu một bên không chỉ định trọng tài thì trọng tài sẽ được chỉ định bởi chủ tịch Tòa luật Biển quốc tế. Theo Giáo sư Stanislaw Michal Pawlak, trong thời gian qua, ITLOS đã xây dựng được uy tín và danh tiếng, chứng minh là một cơ quan tài phán hoạt động hiệu quả. Việc quyết tranh chấp theo Công ước cũng như xây dựng nhiều thông lệ trong công pháp quốc tế, Tòa đã củng cố quan điểm và thực hiện vai trò, góp phần vào việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật trên biển cũng như duy trì hòa bình công lý và tiến bộ trong quan hệ quốc tế. Thẩm phán Stanislaw Michal Pawlak cho biết, ITLOS đã kết luận rằng, yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với tài nguyên tại Biển Đông không phù hợp với những quyền cụ thể và các vùng biển quy định trong Công ước. Các yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại với quy định của Công ước và không có hiệu lực pháp lý vì Trung Quốc đã mở rộng quá lớn về giới hạn địa lý và các quyền trên vùng biển của mình.

Trong một diễn biến khác, chuyên gia James Borton Trung tâm Ngoại giao Khoa học Đại học Tufts (Mỹ), đánh giá cao giải pháp ngoại giao mang tính chiến lược của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Ông cũng khuyên Việt Nam nên tận dụng các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, ASEAN để đưa vấn đề Biển Đông ra trao đổi. Theo đó, ông “đánh giá rất cao ban lãnh đạo của Việt Nam cũng như sự kiên nhẫn của Việt Nam trong việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao thông minh và mang tính chiến lược nhằm đối phó với Trung Quốc. Khi Việt Nam tiếp nhận ghế Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, đây sẽ là vị thế mạnh mẽ hơn cho Việt Nam trong việc giải quyết các hành vi xâm phạm của các tàu Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam có thể tổ chức các phiên thảo luận đặc biệt của ASEAN để nhấn mạnh một thông điệp thống nhất, xây dựng sự đồng thuận, đối với COC. Ngoài ra, với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam có thể tận dụng hiệu quả hơn các phiên thảo luận tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York để đưa vấn đề Biển Đông ra trao đổi”.

Không những vậy, ông Borton cho biết, “Mỹ quan ngại về các động thái của Trung Quốc cũng như sự can thiệp của Bắc Kinh vào các hoạt động dầu khí tại vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Mỹ tuyên bố rằng họ quan ngại trước thông tin Trung Quốc can thiệp vào hoạt động dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông, nơi Việt Nam nói Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Bộ Ngoại giao Mỹ đã coi hành động của Trung Quốc là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và từ đó vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”. Ngoài ra, chuyên gia Borton nhận định: “Trung Quốc tiến hành các động thái bá quyền trắng trợn tại Biển Đông vì họ tin rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang bị xao nhãng bởi cuộc điều tra luận tội và các sự kiện khác. Các động thái liều lĩnh của Trung Quốc cũng là một cách để thử sự quyết tâm của Mỹ”.

Cùng quan điểm với chuyên gia James Borton, ông Bill Hayton, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á – Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) nhận định, rõ ràng các hành động của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Theo ông, Trung Quốc đã hành xử hung hăng. Ngay cả khi phán quyết của tòa trọng tài thường trực từng tuyên bố Bắc Kinh không có “quyền lịch sử” đối với cái gọi là “đường chín đoạn” theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc rõ ràng vẫn hành xử theo hướng ngược lại. Chuyên gia Bill Hayton cho rằng, vấn đề trên Biển Đông vẫn chưa thể được giải quyết. Song theo ông, những nỗ lực của các nước, đặc biệt là Việt Nam, bao gồm việc khởi tạo một cộng đồng chuyên gia trên khắp thế giới chuyên biệt về Biển Đông, đã giúp cho các cuộc đối thoại và thảo luận về Biển Đông trở nên phổ biến hơn trong dư luận. Ông cũng cho rằng, những vấn đề liên quan đến Biển Đông nên và cần được giải quyết bằng chính những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất. Mặc dù vậy, chuyên gia Bill Hayton nhận định, lập trường của Việt Nam nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các nước khác trên thế giới. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tranh thủ những sự ủng hộ này. “Việt Nam nên tập hợp nhiều bên ủng hộ nhất có thể nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông, chẳng hạn việc tổ chức hội thảo Biển Đông lần này”, ông nhấn mạnh.

Giáo sư Carl Thayer, Giáo sư danh dự của Đại học New South Wales, Australia lại gọi những động thái của Trung Quốc là những đòn “chiến tranh tâm lý”. “Chiến tranh tâm lý là một hoạt động quan trọng trong chiến thuật của Trung Quốc, là cách giành chiến thắng trong cuộc chiến mà không cần đánh”. Từ đó, ông cho rằng Trung Quốc cũng đang dùng yêu tố này với Biển Đông, dấy lên sự lo ngại cho không chỉ Việt Nam mà còn cho cộng đồng quốc tế. Tham vọng của Trung Quốc, theo ông, là “chiếm trọn” Biển Đông, “Trung Quốc muốn khẳng định mình quốc gia làm chủ tại vùng biển này và họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn”. Theo Giáo sư Carl Thayer, “khi Việt Nam đã nhận ghế Chủ tịch ASEAN 2020, các bạn hãy tận dụng cơ hội và hãy trở thành người dẫn đầu nhằm lên tiếng trước những động thái không phù hợp của Trung Quốc tại vùng Biển Đông. Chẳng ai muốn chứng kiến những xung đột. Chúng tôi muốn nhìn thấy sự hiện diện của luật pháp quốc tế. Và chúng tôi mong muốn Trung Quốc hiểu và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

RELATED ARTICLES

Tin mới