Căng thẳng Bãi Tư Chính giữa Việt Nam và Trung Quốc chấm dứt cũng nhanh chóng như khi nó bắt đầu. Vào cuối tháng Mười, Việt Nam tuyên bố giàn khoan Hakuryu – 5 của Nhật Bản đã hoàn tất công việc ở lô 06 -01 theo hợp đồng với công ty Rosneft Vietnam. Một ngày sau, Trung Quốc tuyên bố là tàu Hải Dương 8 đã hoàn tất công việc và sẽ quay về Trung Quốc.
Hai sự kiện xảy ra kế tiếp nhau dường như đang gợi cho chúng ta thấy có một thỏa thuận đã đạt được trong bí mật. Chuyến đi của tôi tới Hà Nội vào đầu tháng Mười Một đã cho tôi cơ hội để thảo luận về khả năng này với các giới chức cấp cao của Việt Nam bao gồm cả một cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc.
Trước chuyến đi, tôi được một nguồn tin khá tin cậy cho biết là vào khoảng cuối tháng Chín hoặc đầu tháng Mười, sau khi tàu Hải Dương 8 rời Bãi Tư Chính để về tiếp liệu tại Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa), Trung Quốc đã gửi thư giao thiệp cho phía Việt Nam. Thư giao thiệp này đề nghị một trao đổi (quid pro quo). Nếu Việt Nam để Rosneft Vietnam dừng khai thác dầu ở lô 06 – 01 thuộc Mỏ Lan Đỏ, tàu Hải Dương 8 sẽ không vào lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàu Hải Dương 8 đã quay lại vùng biển của Việt Nam và tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu địa chấn như nó đã làm trước đó ở vùng biển miền trung Việt Nam. Hành động này cho thấy là Việt Nam hoặc đã từ chối đề nghị của Trung Quốc hoặc đã lờ nó đi.
Vào đầu tháng tháng Mười Một, những giới chức Việt Nam ở Hà Nội đã rất kiên quyết khẳng định rằng không có đàm phán nào với Trung Quốc cho một trao đổi như vậy. Giàn khoan Hakuryu – 5 của Nhật Bản được ký hợp đồng với công ty Rosneft Vietnam từ tháng Năm. Trong suốt khoảng thời gian xảy ra căng thẳng, vào tháng Bảy, giàn khoan này được cho biết là sẽ được gia hạn hoạt động cho đến tháng Chín. Nhiều nhà phân tích nhìn nhận chuyện này như là một hành động có tính toán mang tính phản kháng của Việt Nam. Quyết định dừng việc khai thác dầu vào hồi cuối tháng Mười có thể là một quyết định mang tính thương mại.
Sự chấm dứt bế tắc ở Bãi Tư Chính đã không loại bỏ được nguyên nhân cốt lõi của đối đầu gần đây giữa hai bên. Trung Quốc đã trở nên hiếu chiến hơn trong việc đòi hỏi chủ quyền đối với tất cả thực thể và vùng nước tiếp giáp nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này đòi ở Biển Đông. Đề nghị của Trung Quốc trong văn bản đàm phán bản thảo Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) cho thấy những hợp tác kinh tế biển, bao gồm cả khai thác dầu khí, “không được thực hiện với các công ty thuộc các nước nằm ngoài khu vực”. Đây là lý do căn bản trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây sức ép lên công ty Rosneft Vietnam để công ty này ngừng hoạt động ở lô 06-01.
Nói theo cách khác, Trung Quốc giữ quyền quay lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để dừng việc khai thác dầu do các công ty nước ngoài ở bên ngoài khu vực thực hiện.
Đường đi của tàu khảo sát Hải Dương ở vùng biển của Việt Nam trong tháng 7/2019 Courtesy of Twitter Ryan Martinson, RFA edit
Kết thúc bế tắc ở Bãi Tư Chính cũng không giải quyết được tranh cãi nóng bỏng ở bên trong Việt Nam về việc liệu những phản ứng của các lãnh đạo Việt Nam đã đủ chưa. Những người chỉ trích lập luận rằng Việt Nam nên chỉ đích danh Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế thay vì tránh né vấn đề. Những người chỉ trích cũng cho rằng Việt Nam nên có hành động pháp lý đối với Trung Quốc theo Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), theo cách mà Philippines đã làm.
Với sự chấm dứt căng thẳng Bãi Tư Chính, tranh chấp trên biển giữa Việt Nam với Trung Quốc ở Biển Đông lúc này lại quay về “các tiến trình ngoại giao và pháp lý”. Hai diễn biến gần đây hàm chứa phân tích: các đàm phán về văn bản đàm phán bản thảo COC và tranh cãi vẫn đang tiếp diễn về việc liệu nên có hành động pháp lý với Trung Quốc hay không.
Việt Nam đã là nước chủ nhà cho cuộc họp của Nhóm làm việc chung ASEAN – Trung Quốc lần thứ 30 về việc thực hiện Tuyên bố của các bên về Biển Đông (DOC) và cuộc họp Quan chức cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 18 (SOM) trong việc thực hiện DOC ở Biển Đông tại Đà Lạt từ ngày 13 đến 15 tháng Mười vừa qua.
Trung Quốc và Việt Nam đã đụng độ tại những cuộc họp này. Đại diện Việt Nam nói: “về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đặc biệt là những vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, chú ý đến lập trường của Việt Nam về luật quốc tế và UNCLOS 1982… những vi phạm của Trung Quốc đã ảnh hưởng xấu tới hòa bình và an ninh khu vực, và cản trở các đàm phán COC” (Thông Tấn Xã Việt Nam, ngày 15/10/2019).
Truyền thông Trung Quốc cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc (16/10/2019), “Tất cả các bên đồng ý là tình hình ở Biển Đông nhìn chung đang ổn định…. Cuộc họp đã có một trao đổi quan điểm đầy đủ về lần đọc thứ hai của văn bản COC, được xem xét và xác nhận những dự án hợp tác thực tế trên biển mới, và cập nhận kế hoạch thực hiện DOC cho giai đoạn 2016 – 2021”.
Việt Nam đã ngăn cản nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa cuộc họp SOM ASEAN và Trung Quốc 18 vào lần đọc duyệt thứ hai trong 3 lần duyệt bản thảo COC. Việt Nam đề xuất nhiều biện pháp để cải thiện cách làm việc trong vòng đàm phán COC tiếp theo, ví dụ như tập trung vào các vấn đề chính sách và cải thiện vai trò của các giới chức cấp cao trong việc chỉ dẫn và hướng cho các đàm phán ở cấp làm việc nhóm.
Vào ngày 6/11, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung có bài phát biểu quan trọng tại hội thảo Biển Đông lần thứ 11 do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia, Quỹ Biển Đông tổ chức ở Hà Nội. Ông Trung chú ý rằng Việt Nam thích đàm phán để giải quyết tranh chấp trên biển với Trung Quốc nhưng cũng có những lựa chọn khác. Ông Trung nói: “Chúng tôi biết rằng những biện pháp này bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện. Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước về luật biển của Liên Hiệp quốc 1982 (UNCLOS 1982) có đủ các cơ chế cho chúng tôi áp dụng những biện pháp này”. Đây dường như là lần lần đầu tiên Việt Nam chính thức ủng hộ hành động pháp lý chống Trung Quốc.
Việt Nam cũng gộp các biện pháp này vào trong văn bản đàm phán bản thảo COC giữa ASEAN – Trung Quốc vốn được đưa ra hồi tháng 8 năm 2018.
Việt Nam bây giờ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020. Hiện vẫn chưa rõ những sáng kiến nào mà Việt Nam sẽ có để thúc đẩy các đàm phán về một COC có tính ràng buộc và hiệu quả. Hiện cũng chưa rõ liệu Trung Quốc có tránh né trong cách giải quyết các vấn đề Biển Đông hay không khi mà giờ đây Việt Nam nắm ghế Chủ tịch ASEAN.