Tại Hong Kong, nhiều người vội vã lên xe trở về Trung Quốc trước những diễn biến mới khó lường. Bên kia biên giới, tại Thâm Quyến, hàng chục trung tâm trú ẩn dành cho các sinh viên đã được mở cửa.
Trong thông báo được phát đi trên mạng xã hội Weibo sáng 13-11, Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc tại Thâm Quyến cho biết sẽ tiếp nhận tất cả các sinh viên, học sinh và nghiên cứu sinh đại lục chạy khỏi Hong Kong.
Những người này sẽ được ở miễn phí 7 ngày trong 12 trung tâm trú ẩn của tổ chức. Đại diện một hội các du học sinh Trung Quốc ở Đại Bằng (Thâm Quyến) cho biết đã có khoảng 150 sinh viên đang theo học tại Hong Kong liên hệ với ông để tìm đường sang Thâm Quyến.
Trưa 13-11, tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong xác nhận hơn 80 sinh viên đại lục tại Đại học Trung văn ở khu Tân Giới đã được sơ tán khỏi trường và chuyển đến nơi an toàn dưới sự hộ tống của cảnh sát.
Ngôi trường này trước đó được ví như chiến trường khi bị người biểu tình chiếm giữ và phong tỏa trong suốt đêm 12-11. Cảnh sát chống bạo động khi xông vào và xịt hơi cay, bắn đạn cao su để giải tán đám đông đã vấp phải sự chống cự bằng bom xăng, gạch đá của người biểu tình.
Nhiều trường đại học khác cũng tiến hành các biện pháp bảo vệ an toàn cho sinh viên đại lục trong ngày 13-11, thậm chí đóng cửa đến hết tuần.
Cảnh sát chống bạo động Hong Kong thẳng tay trấn áp người biểu tình ở khu trung tâm ngày 13-11 – Ảnh: REUTERS
Trong một email gửi đến các sinh viên đại lục, Đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong (UST) thông báo sẽ có các chuyến xe buýt đặc biệt đưa các sinh viên Trung Quốc đến thẳng một bến xe nối với Thâm Quyến.
“Chúng tôi đã sắp xếp xong các chuyến xe chạy thẳng sang Thâm Quyến. Chỉ cần đưa thẻ sinh viên là có thể lên xe, an toàn và không tốn đồng nào”, thông báo khẳng định.
Căng thẳng giữa các sinh viên Hong Kong và sinh viên đại lục tăng cao sau vụ một sinh viên Hong Kong tên Chow Tsz-lok qua đời vì té lầu trong lúc bị cảnh sát truy đuổi hồi đầu tuần trước.
Sau cái chết của Chow ngày 8-11, một sinh viên đại lục bị tấn công ngay tại UST, phòng làm việc của một giáo sư thỉnh giảng người Trung Quốc cũng bị đập phá trong cùng ngày hôm đó.
“Phải chạy khỏi đây thôi, tôi không muốn mình là nạn nhân tiếp theo”, một sinh viên Trung Quốc tên Adam hớt hải nói với phóng viên SCMP khi kéo vali chạy sang Thâm Quyến trong tối 8-11.