Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ lần đầu tiếp tế cho tàu chiến Ấn Độ trên Biển...

Mỹ lần đầu tiếp tế cho tàu chiến Ấn Độ trên Biển Đông

Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ (5/11) thông báo, tàu USNS Richard E. Byrd của Mỹ đã thực hiện tiếp tế lương thực và đạn dược cho tàu hộ tống tác chiến chống ngầm INS Kiltan của Hải quân Ấn Độ khi hoạt động trên Biển Đông.

Theo thông báo trên, hoạt động tiếp tế trên biển (RAS) được thực hiện giữa tàu USNS Richard E. Byrd, một tàu chở hàng khô và đạn dược thuộc lớp Clark và tàu hộ tống tác chiến chống ngầm của Hải quân Ấn Độ. Thuyền trưởng Lee Apsley của tàu USNS Richard E. Byrd cho biết, “việc có cơ hội làm việc cùng các đối tác Hải quân Ấn Độ mang lại rất nhiều giá trị. Các cơ hội này cho phép chúng tôi tăng cường khả năng phối hợp để duy trì hoạt động hiệu quả và đảm bảo khả năng sẵn sàng đối phó với bất kỳ thách thức hàng hải nào mà chúng ta có thể cùng nhau đối mặt”.

Tàu INS Kiltan, cùng với tàu INS Sahyadri đã thăm cảng Manila từ ngày 23-26/10. Tàu này cũng đã hoạt động ở vịnh Thái Lan và Biển Đông trong nhiều tuần, thực hiện các chuyến ghé cảng khác ở Kota Kinabalu (Malaysia), Laem Chabang (Thái Lan) và Sihanoukville (Campuchia).

Tàu chiến USNS Richard E. Byrd (T-AKE-4) là chiến hạm thứ hai của Mỹ mang tên vị đô đốc chuyên trách thám hiểm các vùng cực của Hải quân Mỹ. Con tàu thuộc lớp Lewis và Clark, được thiết kế để chở hàng khô cho quân đội Mỹ. USNS Richard E. Byrd được đóng mới theo hợp đồng của quân đội Mỹ với Công ty thép và đóng tàu quốc gia (NASSCO) tại San Diego, California. Việc đóng mới được tiến hành ngày 18/6/2003 và con tàu chính thức được hạ thủy ngày 17/5/2007 tại vịnh San Diego. USNS Richard E. Byrd được biên chế trong Hải quân Mỹ ngày 8/1/2008. Hiện USNS Richard E. Byrd thuộc quyền quản lý của hạm đội Thái Bình Dương, hoạt động chủ yếu ở khu vực Viễn Đông và biển Ấn Độ Dương. Tàu USNS Richard E. Byrd có độ choán nước tiêu chuẩn đạt 23.800 tấn, độ choán nước tối đa lên tới 40.298 tấn. Con tàu có chiều dài 210m, có thể di chuyển với vận tốc tối đa đạt 37km/h. Phạm vi hoạt động là 26.000km nếu di chuyển với vận tốc tối đa. Con tàu có thể chở trọng lượng hàng khô tối đa lên tới 6.005 tấn. Thủy thủ đoàn của USNS Richard E. Byrd có 135 người trong đó có 12 sĩ quan quân sự và 123 nhân viên dân sự. Con tàu mang theo hai trực thăng Sikorsky MH-60S Knighthawk và Aerospatiale Super Puma chuyên trách vận chuyển hàng hóa.

Trong khi đó, tàu hộ tống tàng hình chống ngầm INS Kiltan do Cục Thiết kế Hải quân Ấn Độ chịu trách nhiệm phát triển theo Đề án 28 của Hải quân Ấn Độ. INS Kiltan là tàu chiến mới nhất gia nhập biên chế Hải quân Ấn Độ sau các tàu hộ vệ mang tên lửa lớp Shivalik, các tàu khu trục lớp Kolkata. Tàu hộ tống tác chiến chống ngầm INS Kiltan của Hải quân Ấn Độ là tàu hộ tống tác chiến chống tàu ngầm thứ ba có thể di chuyển tới 3.450 hải lý. Ngoài những đặc điểm tàng hình, tàu này cũng là chiến hạm đầu tiên đã trải qua những cuộc thử nghiệm trên biển với tất cả vũ khí và thiết bị cảm biến trong một dự án thử nghiệm trước khi được xưởng đóng tàu chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ. Tàu INS Kiltan dài 109m và rộng 14m, có 4 động cơ diesel đạt vận tốc hơn 25 dặm/giờ và có thể chở 181 thủy thủ đoàn, cũng như các loại vũ khí, bao gồm ngư lôi hạng nặng, tên lửa ASW và pháo.

Trước đó, hải quân Mỹ, Nhật, Ấn Độ đã tổ chức cuộc tập trận Malabar lần thứ 23 ở ngoài khơi thành phố Sasebo, Nagasaki. Cuộc tập trận kéo dài 10 ngày với sự tham gia của tàu khu trục INS Sahyadari, tàu hộ vệ chống ngầm INS Kiltan của hải quân Ấn Độ, tàu khu trục USS McCampbell, tàu đổ bộ USS Green Bay tàu ngầm tấn công Los Angeles của hải quân Mỹ, còn Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản triển khai tàu sân bay trực thăng JS Kaga, tàu khu trục Samidare và tàu tuần dương Chokai.

Malabar là cuộc tập trận thường niên được Ấn Độ và Mỹ cùng tổ chức kể từ thập niên 1990. Đến năm 2016, nhằm thúc đẩy việc hình thành một liên minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nhật Bản trở thành nước thứ ba tham gia hoạt động quân sự này. Các cuộc tập trận Malabar trước đây thường diễn ra ở Ấn Độ Dương hoặc Thái Bình Dương. Malabar 2018 được tổ chức ngoài khơi Philippines, nơi tàu chiến ba nước thực hiện các bài tập xuất kích máy bay, phòng không, tác chiến chống ngầm, tác chiến mặt nước, tìm kiếm – bắt giữ và nhiều tình huống chiến thuật khác. Cuộc tập trận năm nay diễn ra trước thềm cuộc họp cấp ngoại trưởng đầu tiên của nhóm Bộ Tứ, gồm ba nước trên và Australia, bên lề kỳ họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Theo giới quan sát, cuộc tập trận cho thấy đã dần hình thành một “khía cạnh quân sự” trong nhóm Bộ Tứ. Trước đó, Ấn Độ đã phản đối mọi động thái nhằm quân sự hóa nhóm này, thậm chí đã từ chối việc nâng cấp đối thoại của nhóm này lên cấp bộ trưởng để không làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới