Bộ Thương mại Trung Quốc (7/11) thông báo Bắc Kinh và Washington đã đồng ý sẽ gỡ bỏ thuế nhập khẩu hiện tại theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không thông báo lộ trình cụ thể.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết Mỹ và Trung Quốc phải đồng thời rút một phần thuế nhập khẩu đang áp lên nhau để đạt thỏa thuận giai đoạn một. Quy mô gỡ thuế của hai nước phải như nhau và con số cụ thể có thể được thỏa thuận. Theo ông Gao Feng, việc hủy bỏ thuế là điều kiện quan trọng với bất kỳ thỏa thuận nào và “chiến tranh thương mại bắt đầu bằng thuế, và nên chấm dứt với việc gỡ bỏ thuế”. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc không đưa ra lộ trình cụ thể. Trong khi đó, hãng tin Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết các nhà đàm phán Trung Quốc muốn Mỹ gỡ bỏ thuế 15% với khoảng 125 tỷ USD hàng Trung Quốc có hiệu lực hồi tháng 9. Họ cũng muốn hủy 25% thuế áp lên 250 tỷ USD hàng hóa, từ máy móc đến sản phẩm bán dẫn và đồ nội thất.
Trong khi đó, Người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham (7/11) cho biết, Mỹ lạc quan về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và Mỹ tin sẽ sớm đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sau khi hai nước nhất trí dỡ dần thuế quan. Bà Stephanie Grisham cho biết: “Tôi không thể nói trước các cuộc đàm phán với Trung Quốc, nhưng chúng tôi vô cùng lạc quan rằng sẽ sớm đạt được thỏa thuận”.
Thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hoàn thiện và có thể hoàn tất trong tháng này. Thỏa thuận Giai đoạn Một sẽ tập trung vào nông sản, tiền tệ và dịch vụ tài chính.
Thông tin trên được đưa ra sau khi có tin cho rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể được hoãn đến tháng 12. Hai lãnh đạo được kỳ vọng ký kết thỏa thuận giai đoạn một tại APEC giữa tháng này. Tuy nhiên, việc Chile hủy tổ chức APEC do bất ổn trong nước đã khiến kế hoạch này bị lùi lại. Hiện địa điểm diễn ra cuộc gặp Mỹ – Trung cũng đang được thảo luận. Một quan chức Mỹ cho biết London (Anh) có thể được chọn. Đây là nơi ông Trump dự kiến tham dự một cuộc họp của NATO vào đầu tháng 12. Mỹ và Trung Quốc đang tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến thương mại đã kéo dài từ giữa năm ngoái. Đến nay, hai nước đã áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, gây náo loạn thị trường tài chính và kéo tụt niềm tin kinh doanh, tiêu dùng.
Từ quan điểm chính trị, thương chiến Mỹ Trung có thể có người thắng kẻ thua nhưng dưới góc độ kinh tế, cả hai đều đang thua bởi thương mại hai nước đã thiệt hại hàng chục tỷ USD. Số liệu công bố hôm qua (5/11) cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm 53 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 14,5 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc ít hơn nhập khẩu rất nhiều. Vì thế, nếu quy ra phần trăm, tình hình ngược lại. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm 15,5%, nhập khẩu giảm 13,3%.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc – Trưởng đoàn đàm phán thương mại với Washington (26/8) cho biết, Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp thương mại của nước này với Mỹ thông qua đàm phán bình tĩnh và kiên quyết phản đối leo thang căng thẳng; cho rằng leo thang chiến tranh thương mại không có lợi cho Trung Quốc, Mỹ cũng như lợi ích của nhân dân thế giới; khẳng định các doanh nghiệp Mỹ đặc biệt được hoan nghênh ở Trung Quốc và sẽ được đối xử tốt. “Chúng tôi chào đón các doanh nghiệp từ khắp thế giới, trong đó có Mỹ, tới đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư tốt, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp thông minh với thị trường mở, kiên quyết phản đối phong tỏa công nghệ và chủ nghĩa bảo hộ đồng thời nỗ lực bảo vệ sự hoàn thiện của chuỗi cung ứng” – Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Bắc Kinh nói.
Đáng chú ý, Quốc vụ Viện (6/2019) còn công bố Sách Trắng về đàm phán thương mại Mỹ – Trung, trong đó cáo buộc “các hành vi của Mỹ trên bàn đàm phán hồi tháng 5 là nguyên nhân chính cho sự bế tắc thương mại song phương”. Sách Trắng thừa nhận với những khác biệt trong giai đoạn phát triển và hệ thống kinh tế, Bắc Kinh và Washington khó tránh khỏi những mâu thuẫn và bất đồng trong hợp tác thương mại. Theo đó, kể từ khi chính quyền mới tại Mỹ lên nắm quyền vào năm 2017, Washington đã đe dọa áp thêm thuế và nhiều biện pháp khác, thường xuyên gây ra bất đồng về kinh tế và thương mại với các đối tác thương mại lớn. Trước tình hình đó, Trung Quốc phải đưa ra các biện pháp mạnh mẽ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và người dân của mình, đồng thời tham gia nhiều vòng tham vấn kinh tế và thương mại với Mỹ nhằm ổn định quan hệ thương mại song phương, giải quyết bất đồng. Sách Trắng khẳng định lập trường của Trung Quốc luôn nhất quán và rõ ràng, đó là xung đột chỉ gây tổn hại cho đôi bên và hợp tác mới là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả hai phía; đồng thời cho biết Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Mỹ để tìm ra giải pháp và đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, song sự hợp tác cần dựa trên các nguyên tắc. Theo Sách Trắng, tình trạng đổ vỡ trong hoạt động thương mại “do Mỹ gây ra” đang tác động tiêu cực cho cả thế giới. Phía Trung Quốc chỉ trích Mỹ là “bên đàm phán không đáng tin cậy”, và chính quyền Bắc Kinh “muốn được đối thoại một cách công bằng, đôi bên cùng có lợi và tạo dựng niềm tin”; cho rằng đòn đánh thuế của Washington không tạo ra lợi ích và Mỹ phải chịu trách nhiệm về bế tắc trong đàm phán; khẳng định cuộc chiến thương mại sẽ làm tăng chi phí sản xuất và giá tiêu dùng tại Mỹ, tạo ra mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế.
Sách Trắng cho rằng Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng sẽ không ngại chiến tranh thương mại, đồng thời khẳng định quyền của Trung Quốc về phát triển và chủ quyền quốc gia. Theo nội dung của Sách Trắng, điều kiện tiên quyết để Mỹ – Trung đi đến một thỏa thuận thương mại là Mỹ phải dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan bổ sung áp lên hàng hóa Trung Quốc, lượng hàng hóa Trung Quốc phải mua thêm của Mỹ phải phù hợp với nhu cầu thực tế và cần có sự cân bằng phù hợp trong văn bản của thỏa thuận.
Trong Sách Trắng này, Trung Quốc cũng liệt kê chi tiết những vấn đề mà nước này cho là Mỹ thay đổi lập trường trong quá trình đàm phán. Bắc Kinh nói trong vòng đàm phán gần đây nhất, Mỹ đã sử dụng “sự hăm dọa và cưỡng ép”, “khăng khăng với những đòi hỏi quá đáng, đòi giữ nguyên thuế quan bổ sung áp từ khi bắt đầu nổ ra xung đột, và một mực muốn đưa vào thỏa thuận những yêu cầu bắt buộc liên quan đến vấn đề chủ quyền của Trung Quốc”. Chính phủ Trung Quốc cũng bác bỏ ý tưởng rằng những lời đe dọa chiến tranh thương mại và liên tục tăng thuế quan có thể giải quyết các vấn đề thương mại và kinh tế. Theo Sách Trắng, với tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi, hai bên cần thúc đẩy tham vấn dựa trên thiện chí và tin tưởng nhằm giải quyết vấn đề, thu hẹp khác biệt, mở rộng những lợi ích chung và cùng nhau bảo đảm sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu.