Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaPháp huỷ dự án thương mại quy mô có sự tham gia...

Pháp huỷ dự án thương mại quy mô có sự tham gia của TQ: Lời cảnh tỉnh cho châu Âu trước các dòng tiền đầu tư của Bắc Kinh

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 7/11 đã quyết định hủy dự án khu phức hợp mua sắm và giải trí trị giá 3 tỉ euro của Tập đoàn bán lẻ Auchan của Pháp và Tập đoàn Vạn Đạt của Trung Quốc gần thủ đô Paris. Thông tin này được xem là lời cảnh tỉnh cho những hợp tác làm ăn của Bắc Kinh tại các nước châu Âu trong tương lai.

Dự án “EuropaCity”, nằm giữa sân bay Roissy-Charles de Gaulle và Paris-Le Bourget phía Bắc Paris, được quy hoạch xây dựng bao gồm rạp xiếc và dốc trượt tuyết trong nhà cũng như các cửa hàng và nhà hàng, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2027. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nhà hoạt động vì môi trường khi cho rằng dự án sẽ phá hủy một trong số ít các khu vực tự nhiên rộng lớn gần Paris. Tổng thống Pháp Macron cho rằng: “Đó là một dự án lỗi thời, không phù hợp với kỳ vọng của người dân. Chúng không đáp ứng nhu cầu người dân hiện nay và trong tương lai”.

Công ty phụ trách dự án EuropaCity là Alliages & Territoires cho biết quyết định hủy dự án trung tâm mua sắm này là “một sai lầm” và là một đòn giáng vào sự phát triển kinh tế và văn hóa của khu vực Val D’Oise. Trong khi đó, phía Tập đoàn Trung Quốc Vạn Đạt cho biết công ty này chỉ tham gia quá trình lên ý tưởng và thiết kế dự án. Đại diện Công ty Trung Quốc hôm 8/11 cho rằng “EuropaCity thực tế là dự án đầu tư của một nhóm công ty được dẫn đầu bởi công ty lớn của Pháp. Tập đoàn Vạn Đạt chỉ tham gia về ý tưởng và thiết kế của dự án”. Đây là lần thứ hai ông Macron hủy dự án xây dựng lớn. Hồi đầu năm 2018, Tổng thống Pháp bác dự án sân bay Notre-Dame-des-Landes gần thành phố Nantes ở miền Tây nước Pháp. Dự án sân bay trị giá 580 triệu euro thời điểm đó đang trong giai đoạn lập kế hoạch kéo dài nhiều thập kỷ và bị các nhà bảo vệ môi trường ở khu vực này phản đổi kịch liệt.

Tổng thống Macron là người ủng hộ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu kể từ cuộc bầu cử năm 2017 với cam kết “giúp hành tinh này tuyệt vời trở lại”. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng Tổng thống Macron chưa nỗ lực nhiều trong việc giải quyết tình trạng trái đất nóng dần lên và tránh các biện pháp không phổ biến giúp làm giảm lượng khí thải carbon.

Ngoài Pháp, chính phủ nhiều nước cũng từng huỷ bỏ các dự án đầu tư có liên quan đến Trung Quốc do lo ngại vấn đề môi trường và các hệ luỵ của dự án đối với xã hội. Ngoài ra, các điều kiện đầu tư kèm theo của Trung Quốc cũng được xem là nguyên nhân khiến các nước thận trọng. Tại Malaysia, Chính phủ Thủ tướng Mahathir Mohamad đã thu hơn 243 triệu USD từ tài khoản Công ty Kỹ thuật Đường ống Dầu khí (CPP) – đơn vị thi công hai mạng lưới ống dẫn dầu và khí đốt trị giá 2,3 tỷ USD. Lý do của việc thu lại hàng trăm triệu USD là CPP mới hoàn thành 13% khối lượng công việc, trong khi đã nhận về hơn 80% giá trị hợp đồng. Trước đó, vào tháng 7/2018 Malaysia tuyên bố đình chỉ ba trong số các dự án có vốn Trung Quốc lớn nhất, gồm hợp đồng xây ống dẫn dầu 600 km dọc bờ biển phía tây Malaysia, hợp đồng ống dẫn khí đốt 662 km trên đảo Borneo và dự án đường sắt cao tốc nối Malaysia với Singapore. Ba dự án có tổng giá trị khoảng 23 tỷ USD bị trì hoãn để “xử lý vấn đề tài chính nội bộ”

Tại châu Phi, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Tháng 10/2018, Sierra Leone tuyên bố hủy kế hoạch xây sân bay với vốn vay của Trung Quốc, trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên từ chối một dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc. Tính đến tháng 10/2018, các nước châu Phi nợ Trung Quốc tổng cộng 130 tỷ USD, theo Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc-châu Phi. Số tiền khổng lồ này chủ yếu đổ vào các dự án giao thông, điện lực và khai khoáng. Nhiều nước trên thế giới giờ đây đang nghĩ lại về các khoản vay của Trung Quốc dành cho các dự án phát triển hạ tầng ở nước họ vì lo ngại rằng, họ có thể rơi vào ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc… Các dự án do Trung Quốc cho vay tiền cũng yêu cầu thuê nhà thầu Trung Quốc thay vì để các công ty và công nhân địa phương thực hiện. Vốn vay Trung Quốc có lãi suất 2-3%, cao hơn nhiều so với vốn vay Nhật Bản, chỉ 0,25-0,75%.

RELATED ARTICLES

Tin mới