Báo chí và giới chức Trung Quốc cho biết nước này sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trong năm 2019. Trong khi, các nhà phân tích đã liên tưởng các nhà máy điện hạt nhân trên biển mới của Trung Quốc với các sáng kiến của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa và thực dân hóa Biển Đông.
TQ tiếp tục đẩy mạnh hiện thực hoá tham vọng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi ở Biển Đông
Từ năm 2016, hai nhà cung cấp hạt nhân chính thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc là Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) và Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) đã công bố kế hoạch cùng phát triển xà lan điện hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc để triển khai trên Biển Đông vào năm 2020, lò phản ứng đầu tiên trong số 20 lò phản ứng như vậy theo kế hoạch. Các lò phản ứng này sẽ không chỉ cung cấp điện hoặc nước đã khử muối mà các đảo do Trung Quốc kiểm soát rất cần, mà còn hỗ trợ hoạt động thăm dò dầu khí của Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC). Gần đây, việc các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận các kế hoạch như vậy đã dẫn tới các mối quan ngại rằng những phương tiện điện hạt nhân nổi này, một khi được hạ thủy trên Biển Đông, có thể giúp Trung Quốc đẩy nhanh hoạt động cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo của nước này tại đó.
Hồi tháng 3/2019, Viện năng lượng hạt nhân Trung Quốc cho biết, nước này sẽ hoàn thành và triển khai nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên vào cuối năm nay. Theo cơ quan này, các nhà máy điện hạt nhân nổi được xây dựng nhằm cung cấp năng lượng cho việc tìm kiếm dầu khí trên thềm lục địa cũng như trên các đảo; cho rằng một nhà máy điện hạt nhân nổi không chiếm nhiều không gian, không phải đối mặt với các mối đe dọa động đất và không gây ô nhiễm môi trường. Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) nắm giữ tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đối với các công nghệ cần thiết để tạo ra các nhà máy điện hạt nhân nổi. Trước đó, Chủ tịch CNNC cho biết tập đoàn đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện nổi này ngoài khơi phía đông của tỉnh Sơn Đông. Tuy nhiên, ông không tiết lộ thêm chi tiết về dự án. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, dự án dự kiến sẽ tốn chi phí khoảng 14 tỷ nhân dân tệ (1,8 tỷ euro) trước khi đưa vào vận hành vào năm 2021.
Philippines cũng lần đầu tiên cho thấy tham vọng sở hữu các nhà máy điện hạt nhân nổi ở Biển Đông
Trong chuyến thăm Nga hồi tháng 9 vừa qua của Tổng thống Philippines Duterte, Giám đốc điều hành Rosatom của Nga Alexei Likhachev, cho biết Matxcova đã đề xuất với Manila dự án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Được biết, Philippines đã xây dựng một nhà máy điện hạt nhân vào thập niên 1980 của thế kỷ trước để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, song nó không bao giờ đi vào hoạt động do lo ngại thảm họa trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, Nga hiện là một trong những nước đi đầu về việc nghiên cứu, chế tạo và đưa vào ứng dụng nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Hiện nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Nga mang tên “Viện sỹ Lomonosov” đã cập cảng Pevek ở Bán đảo Chukotka thuộc Viễn Đông đã đi vào hoạt động.
Các nước Đông Nam Á, với sự hỗ trợ của ASEAN và Mạng lưới các cơ quan quản lý hạt nhân ở khu vực Đông Nam Á (ASEANTOM), các tổ chức và diễn đàn khu vực như Hội đồng hợp tác an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP) và các đối tác quốc tế khác có lợi ích trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, nên sớm tìm kiếm ít nhất một kênh liên lạc với Trung Quốc về cách thức trao đổi thông tin về sự an toàn của đội tàu và việc quản lý hoạt động của nó, trong khi không làm tổn hại đến tuyên bố chủ quyền của mỗi quốc gia đối với các đảo ở Biển Đông.
Tuy nhiên, những quan ngại về việc Bắc Kinh theo đuổi tham vọng điện hạt nhân trên Biển Đông vẫn còn đó
Thứ nhất, có những thách thức nghiêm trọng của riêng hoạt động quản lý an toàn vận hành cho các nhà máy điện hạt nhân nổi do tính mới lạ của công nghệ, các điều kiện vận hành khó khăn và các hạn chế an toàn cố hữu của các nhà máy này (khoang chứa nhỏ hơn và khả năng xảy ra sự cố cao hơn do nguy cơ lật tàu hay va chạm). Về khía cạnh này, các chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về năng lực của các cơ quan quản lý an toàn hạt nhân của Trung Quốc trong việc theo kịp sự mở rộng nhanh chóng về số lượng và tính đa dạng của công nghệ trong chương trình hạt nhân dân sự của Trung Quốc. Trung Quốc hiện có 39 nhà máy điện hạt nhân trên mặt đất đang hoạt động, thuộc 3 loại hình công nghệ khác nhau (lò phản ứng nước nhẹ áp lực, lò phản ứng nước nặng áp lực và lò phản ứng nhanh tái sinh) từ nhiều bên cung cấp trong nước và nước ngoài và 18 nhà máy khác đang được xây dựng.
Thứ hai, kế hoạch của Trung Quốc vận hành các nhà máy hạt nhân nổi trên Biển Đông cũng sẽ tạo ra các vấn đề về hợp tác an toàn hạt nhân với các nước ven biển ở Đông Nam Á. Thông thường, để chứng minh thành tích an toàn của chương trình hạt nhân dân sự của mình trước cộng đồng quốc tế, một quốc gia cần phê chuẩn Công ước về an toàn hạt nhân và tham gia quá trình đánh giá của Công ước này bằng cách gửi một báo cáo quốc gia tới cuộc họp đánh giá được IAEA tổ chức 3 năm một lần. Sau khi đã bắt đầu thực thi Công ước kể từ năm 1996, Trung Quốc thường xuyên gửi báo cáo quốc gia về an toàn hạt nhân của mình tới các cuộc họp đánh giá, trong đó gần đây bao gồm một bản đồ với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Do các báo cáo này thường được công bố, các bên thứ ba như các quốc gia Đông Nam Á có thể xác minh liệu Trung Quốc có thực thi các biện pháp an toàn cần thiết cho các cơ sở hạt nhân dân sự của nước này hay không. Tuy nhiên, họ sẽ không thể xem xét những thành tích như vậy về tính an toàn để đánh giá đội tàu hạt nhân nổi trong tương lai của Trung Quốc, do Công ước về an toàn hạt nhân chỉ áp dụng với các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền. Mặc dù các quốc gia xung quanh Biển Đông vẫn có thể yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin trong trường hợp xảy ra bất kỳ tai nạn nào đối với các phương tiện nổi của nước này (phù hợp với quy định của Công ước về thông báo sớm một tai nạn hạt nhân, áp dụng với tất cả các loại lò phản ứng hạt nhân, và đã được tất cả các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc phê chuẩn), rõ ràng sẽ là quá muộn để các nước có thể bị ảnh hưởng thực hiện bất kỳ phản ứng nào trong trường hợp khẩn cấp hoặc có kế hoạch giảm nhẹ thiệt hại nào một khi tai nạn đã xảy ra. Nếu không có bất kỳ kênh trao đổi thông tin nào, thì các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông sẽ không thể đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ duy trì các tiêu chuẩn an toàn cao nhất cho các nhà máy điện hạt nhân nổi của mình, trong khi chính nước này cũng không có một bộ phận quan trọng trong hệ thống giám sát nghiêm ngặt về an toàn hạt nhân, tức là hết sức cần có khảo cứu đồng đẳng của các nước khác trong khu vực.
Thứ ba, về mặt chính thống, Trung Quốc cho rằng chế tạo nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển để cung cấp điện cho các vùng duyên hải, vùng biên giới, vùng đảo xa bờ và các giàn khoan dầu khí gặp khó khăn về nguồn điện năng. Trung Quốc cũng biện minh cho rằng hành động của mình chỉ đơn thuần phục vụ mục đích phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân, cũng như cung cấp điện để khử mặn – lọc nước biển thành nước ngọt, làm đá phục vụ ngư dân ướp hải sản đánh bắt trên biển. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc tìm mọi cách phát triển điện hạt nhân trên biển nhằm cung ứng điện cho các hoạt động quân sự mà Trung Quốc mới triển khai trên các đảo ở Biển Đông, nhất là điện năng dành cho hệ thống radar tối tân của Bắc Kinh. Trước âm mưu của Trung Quốc, giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế đã đưa ra nhiều tuyên bố cảnh báo về hậu quả mà các nước ven Biển Đông phải gánh chịu khi xảy ra sự cố đối với nhà máy hạt nhân trên biển. Theo giới chuyên gia, các lò phản ứng hạt nhận đặt trên phao nổi, tàu phá băng, trên tàu ngầm tiềm ẩn những nguy cơ về ô nhiễm môi trường xung quanh. Nếu Trung Quốc triển khai nhà máy điện hạt nhân trên Biển Đông mà xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ, nó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân ven biển, hoạt động tự do hàng hải trong khu vực và trực tiếp phá hủy hệ sinh thái ở Biển Đông. Môi trường sinh thái ở Biển Đông, đặc biệt là nguồn hải sản và sinh vật biển sẽ bị tàn phá, hủy diệt hàng loạt. Khi bụi phóng xạ bị tán phát trong không khí cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tự do hàng hải, giao thông thương mại trên Biển Đông sẽ bị tê liệt hoàn toàn.