Những việc làm không như tuyên bố của Trung Quốc đang làm cho tình hình Biển Đông nóng lên, khiến dư luận thế giới hết sức lo ngại. Trước việc Trung Quốc không tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà áp đặt theo luật pháp của mình, nhiều nước đã phản ứng và có hành động thách thức các yêu sách của Trung Quốc.
Trung Quốc không giữ đúng cam kết cũng như tuân thủ thông lệ quốc tế
Trong bài phát biểu tại Đại học Rice ở Houston hôm 15-11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công khai cáo buộc Bắc Kinh liên tục không giữ đúng cam kết cũng như tuân thủ thông lệ quốc tế, bao gồm việc quân sự hóa Biển Đông. Ông Mike Pompeo cũng gián tiếp cảnh báo rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Còn nhớ ngày 25-9-2015, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng nhân chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lớn tiếng tuyên bố: “Các hoạt động xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành ở quần đảo Trường Sa không nhắm mục tiêu hoặc ảnh hưởng tới bất kỳ nước nào, và Trung Quốc không có ý định theo đuổi việc quân sự hóa”.
Nhưng những gì diễn ra trên thực tế hoàn toàn không giống như tuyên bố của người đứng đầu Trung Quốc. Năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại nơi các bãi đá này, từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã ồ ạt bồi đắp, biến các bãi đá này thành các đảo nhân tạo với diện tích trên 13km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa).
Chưa dừng lại ở đó, các phân tích từ những hình ảnh chụp từ vệ tinh của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, cho thấy có nhiều đường băng, chỗ đỗ máy bay, các điểm radar và bệ phóng tên lửa đất đối không trên 3 thực thể là đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung Quốc đã triển khai đến Trường Sa hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B uy lực nhất của nước này, có khả năng tiêu diệt các tàu trong khoảng cách 340 dặm. Đi liền với YJ-12B và hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc là HQ-9B với tầm bắn lên đến 184 dặm.
Tháng 12-2016, Trung Quốc điều máy bay ném bom H-6 hiện đại nhất của mình thực hiện các chuyến bay tuần tra dọc theo “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông. Tháng 5-2018, máy bay ném bom chiến lược H-6K bắt đầu diễn tập cất/hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam.
Sau khi Trung Quốc triển khai tên lửa hành trình chống hạm và phòng không trên đảo nhân tạo xây dựng trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, diễn tập cất hạ cánh với máy bay ném bom H-6K trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, dư luận quốc tế đã cảnh báo nguy cơ Trung Quốc sẽ tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Theo luật pháp quốc tế, vùng biển quốc tế trên Biển Đông là nơi tàu thuyền, máy bay có thể tự do qua lại mà không phải chịu sự kiểm soát của bên nào. Với việc đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Đông, Trung Quốc có thể yêu cầu mọi máy bay dân sự phải báo cáo lộ trình bay, thiết lập liên lạc hai chiều và chịu sự kiểm soát của họ tại khu vực này. Tương tự như việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông hồi năm 2013, khiến Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ phản đối.
Không những thế, năm 2018, Trung Quốc đưa ra đề xuất hợp tác kinh tế biển với các quốc gia ven Biển Đông và không bao gồm các công ty từ những nước ngoài khu vực, đồng thời gây sức ép buộc các nhà thầu nước ngoài rút lui. Nói cách khác, Trung Quốc phản đối các quốc gia ven biển khai thác tài nguyên biển trong “đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc áp đặt, phản đối các nước này hợp tác với một nước ngoài khu vực. Theo quan điểm của Bắc Kinh, các nước khu vực phải hợp tác với Trung Quốc theo các điều khoản mà nước này đưa ra.
Dư luận quốc tế cùng phản ứng, đấu tranh
Chính cách hành xử ngang ngược, coi thường luật pháp quốc tế, mang tính cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến dư luận quốc tế phản ứng, đấu tranh để nó không lặp lại trong tương lai.
Cho đến nay, có thể nói việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa một số đảo nhân tạo trên Biển Đông là động thái ở mức cao nhất đối với các vấn đề ở khu vực. Hành động cũng như mục đích đằng sau của Trung Quốc đã đe dọa trực tiếp tới các nước khu vực, khiến dư luận bất bình. Theo Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio, Trung Quốc triển khai khí tài, xây dựng cơ sở quân sự ở Hoàng Sa và Trường Sa là nhằm phô diễn ưu thế quân sự để buộc các bên tranh chấp khác phục tùng mà không cần phải khai hỏa.
Để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, trong những năm gần đây, Mỹ liên tục đưa tàu chiến vào sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông nhằm mục đích như bà Reann Mommsen – phát ngôn viên Hạm đội 7 của hải quân Mỹ tuyên bố là nhằm “thách thức các yêu sách quá quắt trên biển và bảo toàn quyền tiếp cận vào tuyến đường biển theo quy định của luật quốc tế”.
Về mặt chiến lược, năm 2017, Mỹ đưa ra “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Trong 4 giá trị cốt lõi của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Washington thúc đẩy, có đến 3 điểm liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và các vùng biển khu vực, gồm: tôn trọng chủ quyền và sự độc lập của mọi quốc gia; giải quyết tranh chấp một cách hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không. Cũng trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do (FOIP), Mỹ nhấn mạnh đến sự hợp tác của 4 cường quốc trong khu vực là Mỹ-Nhật-Ấn-Australia và kêu gọi sự can dự mạnh mẽ hơn từ các nước châu Âu, nhất là Anh và Pháp, để đảm bảo cấu trúc an ninh trong khu vực trước mối đe dọa từ Trung Quốc.
Dư luận hiện cũng đang quan tâm đến Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra tại Bangkok, Thái Lan với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa… Dù Thái Lan với tư cách nước chủ nhà đã chọn “An ninh bền vững” làm chủ đề của hội nghị để tránh căng thẳng, nhưng theo các nhà phân tích, những hành động mang tính gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông chắc chắn sẽ là vấn đề được quan tâm nhất tại ADMM+ lần này.
Theo ông Derek Grossman, chuyên gia thuộc Tổ chức nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sẽ tái khẳng định mục tiêu chiến lược của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là “duy trì các đường biển chiến lược, đặc biệt ở Biển Đông, khỏi tình trạng ép buộc của Trung Quốc”.