Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 11 do Học viện Ngoại giao Việt Nam, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức, diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 06-07/11/2019 tại Hà Nội. 10 năm năm qua, Hội thảo quốc tế Biển Đông đã giữ vai trò quan trọng trong việc mổ xẻ, phân tích, đánh giá những vấn để nổi cộm ở Biển Đông
Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp do Trung Quốc ngang nhiên tiến hành các hoạt động xâm lấn, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông Philippines, Malaysia, Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Hành động trà đạp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông diễn ra đúng vào năm thứ 25 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) có hiệu lực nên vấn đề duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông trở thành nội dung nổi bật tại Hội thảo lần này.
Tham dự Hội thảo có 280 đại biểu từ các nước, bao gồm các học giả, nhà nghiên cứu, luật sư và đại diện của các cơ quan Ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam. Sau 2 ngày làm việc đã có gần 50 phát biểu được trình bày tại Hội thảo và 250 lượt thảo luận. Đặc biệt, trong 50 diễn giả tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông năm nay, có cả một số chuyên gia pháp lý liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc, gồm cựu thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) Rudiger Wolfrum.
Đáng chú ý, Hội thảo lần này đã tổ chức một phiên đặc biệt kỷ niệm 25 năm UNCLOS có hiệu lực. Các ý kiến tại Hội thảo đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; nhấn mạnh UNCLOS là một thể chế pháp lý toàn diện, là “Hiến pháp của Đại dương”, cân bằng lợi ích quốc tế và quốc gia, bao gồm các nước có biển hay không có biển. Do vậy, UNCLOS cần được triển khai ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Alibeti nhấn mạnh sự quan tâm và vai trò của EU đối với Biển Đông, trong đó EU có giá trị cân bằng ảnh hưởng, thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.
Nhiều đại biểu trong các phát biểu của mình đã đề cập đến phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông; cho rằng đây là một phát triển mới của UNCLOS, áp dụng cho việc xác định các vùng biển ở Biển Đông theo UNCLOS. Đáng chú ý, một số ý kiến của các luật sư, bao gồm ý kiến của ông Rudiger Wolfrum thẳng thừng tuyên bố yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là hoàn toàn vô giá trị, bất hợp pháp.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã lên án các hoạt động xâm lấn của nhóm tàu Hải Dương 08 Trung Quốc trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019; nhấn mạnh việc đơn phương diễn giải luật quốc tế trái với chuẩn mực chung và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, làm giảm lòng tin vào luật pháp quốc tế, làm xói mòn thượng tôn pháp luật. Việc này có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, ổn định hoà bình, an ninh ở khu vực và quốc tế.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Việt Nam khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, hôm 31/10/2019, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, cần đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế liên quan tới việc nước này xâm phạm bãi Tư Chính của Việt Nam và nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền khác.Ông Nguyễn Lân Hiếu nói rằng đó là nguyện vọng của ‘nhiều ý kiến cử tri’, và rằng cần phải công khai các hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc để nhân dân toàn thế giới được biết đến.
Nhiều nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc bất chấp những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam, 4 lần cho nhóm tàu Hải Dương 08 liên tiếp xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa với mức độ ngày càng leo thang nghiêm trọng có lúc cách bờ chỉ chưa đầy 100 hải lý đã làm cho Hà Nội hết sức bất bình. Phát biểu nói trên cho thấy Việt Nam cũng đang cân nhắc nghiêm túc việc kiện Trung Quốc ra Tòa nếu Bắc Kinh tiếp tục gây hấn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa hôm 08/11 người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đổ lỗi ngược cho Việt Nam “xâm chiếm biển của Trung Quốc” và nói rằng: “Việt Nam cần phải đối mặt với thực tế lịch sử và tuân thủ sự đồng thuận ở cấp cao mà hai nước đã đạt được, giải quyết tranh chấp bằng đối thoại và tham vấn, đồng thời tránh những hành động có thể làm phức tạp vấn đề, xáo trộn đại cục hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan hệ song phương”. Phát biểu của ông Cảnh sảng càng cho thấy Bắc Kinh rất ngại bị kiện về vấn đề Biển Đông ra Tòa một lần nữa sau khi các yêu sách của họ đã bị phán quyết ngày 12/7/2019 của Tòa Trọng tài hoàn toàn bác bỏ.
Là diễn giả tại Hội thảo quốc tế Biển Đông lần này, Ông Bill Hayton, chuyên gia về Biển Đông tại Viện hoàng gia về Các vấn đề quốc tế Chatham House, nhận định, có thể việc khởi kiện Trung Quốc ra Tòa sẽ dẫn đến sự chia rẽ lớn về chính trị trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, đây có lẽ là lựa chọn duy nhất còn lại với Việt Nam. Sau khi Hội thảo kết thúc, ông Hayton cho biết, toàn bộ Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 này dường như tập trung quanh câu hỏi về việc đưa Trung Quốc ra Tòa.
Các đại biểu từng là nhân chứng lịch sử quá trình đàm phán UNCLOS và các thẩm phán, cựu thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) tham gia Hội thảo lần này đánh giá, sau 25 năm có hiệu lực UNCLOS đã vượt qua thử thách thời gian, thể hiện được hiệu quả trong việc thiết lập trật tự trên biển, tạo ra một khuôn khổ hệ thống pháp lý toàn diện về quản trị biển.
Các ý kiến cho rằng mặc dù UNCLOS chưa giải quyết được tất cả các vấn đề liên quan đến Đại Dương do tình hình hiện nay đã có những thay đổi so với trước khi UNCLOS ra đời, song UNCLOS tiếp tục là cơ sở để giải quyết những vấn đề mới nổi và là công cụ để giải quyết các tranh chấp biển hiện nay, bao gồm các tranh chấp ở Biển Đông.
Các ý kiến cũng đánh giá cao vai trò của các cơ quan tài phán trong việc tư vấn, giải thích, bổ sung và phát triển UNCLOS, góp phần hoàn thiện luật biển và giải quyết hòa bình các tranh chấp trong tương lai; nhấn mạnh phán quyết ngày 12/7/2019 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng là một ví dụ điển hình về việc vận dụng UNCLOS cho các vấn đề liên quan ở Biển Đông.
Phát biểu tại Hội thảo, các ý kiến kêu gọi ASEAN gia tăng sự đoàn kết trên vấn đề Biển Đông để phát huy vai trò trong thúc đẩy giải quyết tranh chấp và hợp tác biển, cũng như xây dựng các quy tắc hành xử theo luật pháp quốc tế, xây dựng trật tự thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Theo đó đàm phán COC cần minh bạch, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS và không loại trừ hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của bên thứ 3 ngoài khu vực.
Về vai trò của Đại hội đồng Liên hợp quốc, các đại biểu cho rằng Đại hội đồng Liên hợp quốc là nơi phù hợp để giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh thế giới, khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Đại hội đồng là cơ chế đa phương với số lượng thành viên đông nhất, do vậy nên thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế, nhất là UNCLOS, tạo cơ sở cho các nước nêu vấn đề Biển Đông tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp.
Đặc biệt, tham dự Hội thảo lần này còn có các học giả Trung Quốc và lần đầu tiên có sự hiện diện của đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Ý kiến phát biểu của học giả Trung Quốc đưa ra những quan điểm cố hữu lâu nay của Bắc Kinh, cố tình “cãi chày, cãi cối”, không đưa ra được những lý lẽ, lập luận cho các quan điểm sai trái của họ trước những ý kiến chất vấn tại Hội thảo. Có thể thấy chỉ có một mình học giả Trung Quốc nói theo một giọng điệu, hoàn toàn trái ngược với các ý kiến xây dựng của tất cả các đại biểu khác tham dự Hội thảo.
Có lúc đại biểu Trung Quốc còn nổi nóng, mất bình tĩnh khi bị chất vấn, còn các quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội thì “muối mặt” trước những chỉ trích, lên án thẳng thừng của các đại biểu khác. Không có bất cứ một ý kiến nào đồng tình với quan điểm trên vấn đề Biển Đông của Bắc Kinh, kể cả các ý kiến của các học giả Đài Loan.
Trong bối cảnh, Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây hấn với các nước láng giềng nhằm thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông, Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 11 là nơi để cộng đồng quốc tế từ các học giả, nhà nghiên cứu đến những luật sư, thẩm phán thể hiện tiếng nói chung đề cao thượng tôn pháp luật. Mong các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và các học giả Trung Quốc chuyển tải đến những người cầm quyền ở Bắc Kinh những ý kiến xây dựng của quốc tế trên vấn đề Biển Đông.