Trong chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin và Đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Kazakhstan (13-15/11) đã hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; dự thính phiên họp của Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng; chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; thăm, giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Hà Nội; thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng.
Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên cho rằng chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin và Đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Kazakhstan là mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Kazakhstan. Hai bên cam kết cùng nhau phát triển quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Kazakhstan. Hai bên đã nhất trí tập trung ưu tiên thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, nhất là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và Kazakhstan có nhu cầu như: công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, dệt may; tìm kiếm cơ hội, khả năng mới, khai thác tiềm năng, lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu. Hai bên cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, cũng như trong khuôn khổ Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA), Phong trào không liên kết và Liên hợp quốc, nhất là trong bối cảnh năm 2020, Kazakhstan là Chủ tịch Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA), Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA ) lần thứ 41 và đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Về quan hệ giữa hai Quốc hội, hai bên nhất trí sẽ nghiên cứu khả năng ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, tạo cơ sở để triển khai hợp tác ngày càng bền vững và hiệu quả; duy trì, phát huy cơ chế tham vấn, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như: Liên minh Nghị viện Thế giới, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á-Âu (MSEAP)… để trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm; tạo điều kiện để các cơ quan của Quốc hội và nhóm nghị sỹ hữu nghị hai nước hợp tác chặt chẽ với nhau. Hai bên nhất trí trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh trao đổi đoàn giữa Quốc hội hai nước; cùng nhất trí trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về công tác xây dựng pháp luật, xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động giữa hai Quốc hội.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của tất cả các nước đóng góp tích cực vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không vì hợp tác và phát triển của khu vực. Việt Nam mong Kazakhstan ủng hộ lập trường nguyên tắc của Việt Nam và ASEAN là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Đáng chú ý, phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chuyến thăm này sẽ mở ra chương mới cho quan hệ hai nước, nhất là trong lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư. Thủ tướng vui mừng nhận thấy trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Kazakhstan tiếp tục phát triển tốt đẹp. Việt Nam luôn quan tâm và vui mừng trước những thành tựu Kazakhstan đạt được trong thời gian gần đây, luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với các nước hữu nghị truyền thống, trong đó có Cộng hòa Kazakhstan. Thủ tướng gửi lời hỏi thăm tới các nhà lãnh đạo Kazakhstan và đề nghị hai bên tích cực duy trì trao đổi đoàn các cấp và tiếp xúc cấp cao, góp phần củng cố sự tin cậy và hiểu biết, tạo động lực thúc đẩy hợp tác. Việt Nam mong muốn Kazakhstan tích cực ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển, giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, đàm phán ngoại giao, tôn trọng luật pháp quốc tế. Thủ tướng đánh giá, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng được tăng cường, việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (FTA Việt Nam – EAEU) đem lại những chuyển biến tích cực trong hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước. Trên tinh thần đó, hai bên đánh giá thực chất kết quả triển khai FTA Việt Nam – EAEU, rút kinh nghiệm và có biện pháp triển khai hiệu quả; tranh thủ ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh xuất, nhập khẩu giữa hai nước; thúc đẩy triển khai các kết quả đạt được của khóa họp lần thứ chín vừa qua của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Kazakhstan. Ngoài ra, hai bên cần quan tâm hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác như nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, khoa học – kỹ thuật, du lịch nhằm đạt hiệu quả thực chất, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương. Lĩnh vực hàng không ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, Thủ tướng hoan nghênh việc mở đường bay thẳng giữa hai nước, trở thành cầu nối cho doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy giao lưu nhân dân, du lịch phát triển.
Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhân dân Việt Nam đã đón tiếp đoàn trọng thị; coi đây là cơ hội tốt để hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác và hữu nghị hai nước, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Kazakhstan ở khu vực Đông – Nam Á. Chuyển tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lời chào và hỏi thăm của các nhà lãnh đạo Kazakhstan, ông nêu rõ, Kazakhstan luôn dõi theo và vui mừng chứng kiến những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Ông tin tưởng hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước sẽ góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ song phương. Ông và Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân vừa có cuộc hội đàm hết sức thành công, QH hai bên sẽ tạo mọi điều kiện để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển. Trong bối cảnh đó, FTA Việt Nam – EAEU có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy thời gian qua quan hệ thương mại song phương phát triển nhưng thực tế hai bên còn nhiều tiềm năng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, giao thông, logistics và du lịch. Ông bày tỏ việc hai bên thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước có tác dụng thiết thực thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư. Mọi vấn đề liên quan đến Việt Nam đều được Hạ viện Kazakhstan xem xét và giải quyết với sự ưu tiên cao nhất, hỗ trợ pháp lý đắc lực để tạo kết nối thương mại hai bên; giúp doanh nghiệp hai bên tham gia FTA Việt Nam – EAEU. Ông cũng bày tỏ vui mừng và đánh giá cao các liên doanh sản xuất của hai nước tại Kazakhstan sẽ hết sức thuận lợi trong thâm nhập thị trường châu Âu. Bày tỏ ấn tượng việc Việt Nam trở thành Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, ông khẳng định hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế. Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, đây cũng là thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước.
Tại hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy, cùng với quan hệ chính trị – ngoại giao phát triển tốt đẹp, quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước ngày càng được đẩy mạnh. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu đã đem lại những chuyển biến tích cực trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 268 triệu USD và sáu tháng đầu năm 2019 đạt gần 130 triệu USD. Hai nhà lãnh đạo cho rằng, những kết quả này chưa tương xứng tiềm năng của hai nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam mong muốn tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh là điện thoại và linh kiện máy móc, thiết bị điện tử sang thị trường Kazakhstan và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để nhập khẩu các mặt hàng như quặng, khoáng sản, hóa chất, máy vi tính từ Kazakhstan. Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, hai bên cần ưu tiên thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế – thương mại, nhất là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và Kazakhstan có nhu cầu như: công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, dệt may; thúc đẩy trao đổi thương mại các mặt hàng nông sản có thế mạnh và bổ trợ lẫn nhau; tìm thêm cơ hội, khả năng mới (nghiên cứu xem xét ký kết các thỏa thuận hợp tác; thành lập, triển khai các dự án hợp tác mới…); khai thác tiềm năng, lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu. Chủ tịch QH đề nghị hai bên tranh thủ các ưu đãi thuế quan mà hiệp định đem lại, đẩy mạnh xuất nhập khẩu giữa hai nước, đồng thời mong muốn Kazakhstan lưu ý việc một số mặt hàng của Việt Nam bị đánh thuế dù đã ký FTA với Liên minh kinh tế Á – Âu; cùng với đó là phát huy hiệu quả cơ chế của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Kazakhstan về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật. Chủ tịch QH đánh giá cao Cuộc họp lần thứ 9 Ủy ban liên Chính phủ đã tổ chức thành công tại Thủ đô Nu Xun-tan vào tháng 9 vừa qua với các định hướng cụ thể trong nhiều lĩnh vực hợp tác song phương. Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân hy vọng hai bên sẽ thúc đẩy trao đổi đoàn doanh nghiệp, tổ chức hội chợ, triển lãm, diễn đàn doanh nghiệp ở cả hai nước để xúc tiến thương mại, đầu tư; đẩy mạnh giao lưu nhân dân để tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Bày tỏ hài lòng về hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như: nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, thể thao, du lịch đạt được một số kết quả tích cực; đề nghị trong thời gian tới, hai bên nỗ lực hơn nữa trong việc đàm phán ký kết các hiệp định hợp tác mới cũng như triển khai các hiệp định hợp tác đã ký kết và có các biện pháp cụ thể để mang lại hiệu quả thực chất, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương.
Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan Nurlan Nigmatulin cho rằng, thời gian tới, hai bên tập trung tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hai bên còn nhiều tiềm năng, dư địa để đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại, trong đó có lĩnh vực vận chuyển. Ngài Nurlan Nigmatulin bày tỏ vui mừng việc Việt Nam sẽ mở cơ quan thương vụ tại Kazakhstan; nhấn mạnh, hai bên có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, Kazakhstan quan tâm phát triển công nghiệp nhẹ. Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin nhấn mạnh, năm 2020, Kazakhstan đảm nhận vị trí Chủ tịch CICA và Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN, cùng với vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, Chủ tịch AIPA; đồng thời cho rằng hai bên cần tích cực hơn nữa trong hoạt động trao đổi đoàn các cấp, tiếp xúc cấp cao, góp phần củng cố sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, tạo động lực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, bao gồm hợp tác giữa QH hai nước, nhóm nghị sĩ quốc hội, hợp tác các Ủy ban của Quốc hội hai nước.