Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaCộng hòa Kazakhstan ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định, bảo...

Cộng hòa Kazakhstan ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hôm 14/11, Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có lĩnh vực nghị viện và chia sẻ lập trường trong vấn đề Biển Đông.

Kazakhstan vừa tổ chức thành công Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu (MSEAP) lần thứ 4. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin và Đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Kazakhstan là mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam – Kazakhstan.

Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan nhấn mạnh, Kazakhstan coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, điều đó được thể hiện xuyên suốt trong những nhiệm kỳ Tổng thống Kazakhstan gần đây. Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan đánh giá, quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, trong đó hợp tác giữa Quốc hội hai nước phát triển rất tích cực. Lãnh đạo Quốc hội thường xuyên thăm, có những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương bên lề các diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới. Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin nêu rõ, Liên minh kinh tế Á – Âu, trong đó Kazakhstan là thành viên đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam vào năm 2016. Đây là một là sự kiện quan trọng. Những điều khoản trong Hiệp định này đang được các bên triển khai rất tích cực. Khẳng định Việt Nam là người bạn lớn, là đối tác bền vững của Kazakhstan nên những nội dung liên quan đến Việt Nam đều được Quốc hội Kazakhstan ưu tiên hàng đầu trong thảo luận.

Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy, cùng với quan hệ chính trị – ngoại giao phát triển tốt đẹp, quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước ngày càng được đẩy mạnh. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á-Âu đã đem lại những chuyển biến tích cực trong hợp tác kinh tế, thương mại hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt hơn 200 triệu USD, năm 2018 đạt 268 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 130 triệu USD. Hai nhà lãnh đạo cho rằng, những kết quả này còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Kazakhstan có diện tích tự nhiên lớn thứ 9 trên thế giới, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Việt Nam mong muốn tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh là điện thoại và linh kiện máy móc thiết bị hàng điện tử sang thị trường Kazakhstan và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhập khẩu các mặt hàng như quặng, khoáng sản, hóa chất, máy vi tính từ Kazakhstan. Hai bên ưu tiên thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế – thương mại, nhất là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và Kazakhstan có nhu cầu như: Công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, dệt may; tập trung, trao đổi thúc đẩy thương mại các mặt hàng nông sản có thế mạnh và bổ trợ lẫn nhau; tìm thêm cơ hội, khả năng mới (nghiên cứu xem xét khả năng ký kết các thỏa thuận hợp tác; thành lập, triển khai các dự án hợp tác mới…) khai thác tiềm năng, lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á-Âu.

Hồi tháng 9 vừa qua, hai nước đã tổ chức thành công Cuộc họp lần thứ 9 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Kazakhstan tại Thủ đô Nursultan với các định hướng cụ thể trong nhiều lĩnh vực hợp tác song phương, có thêm những sáng kiến mới như thúc đẩy hợp tác giữa tổ chức tài chính của hai nước tại Trung tâm Tài chính quốc tế Astana; nghiên cứu khả năng mở đường bay thẳng kết nối giữa Việt Nam – Kazakhstan với một số nước châu Âu.

Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của tất cả các nước đóng góp tích cực vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không vì hợp tác và phát triển của khu vực; đồng thời mong muốn Kazakhstan ủng hộ lập trường nguyên tắc của Việt Nam và ASEAN là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng đã có những chia sẻ về cơ cấu tổ chức, hoạt động của Quốc hội Việt Nam, công tác tiếp xúc cử tri… Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên xem xét ký thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai hợp tác ngày càng bền vững, hiệu quả. Hai bên tiếp tục duy trì, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, cấp Ủy ban và cơ quan phục vụ Quốc hội; phối hợp giám sát thực hiện các Thỏa thuận hợp tác mà Chính phủ hai nước đã ký. Hai bên duy trì, phát huy cơ chế tham vấn, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF), Diễn đàn ASEP, MSEAP… để trao đổi về các vấn đề thuộc mối quan tâm chung và những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin nhất trí cho rằng, năm 2020, Kazakhstan đảm nhận vị trí Chủ tịch CICA và Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN cùng với vị trí Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch AIPA. Từ đó, hai bên tích cực hơn nữa trong hoạt động trao đổi đoàn các cấp, tiếp xúc cấp cao, góp phần củng cố sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, tạo động lực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, bao gồm hợp tác giữa Quốc hội hai nước, nhóm nghị sĩ Quốc hội, hợp tác các Ủy ban của Quốc hội hai nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới