Vụ việc bộ phim “Abominable” (tên phim tiếng Việt là Everest – người tuyết bé nhỏ) của hãng phim Mỹ DreamWorks quảng bá cho tấm bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông, gây phẫn nộ tại các láng giềng ven Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam, Philippines và Malaysia đều bày tỏ thái độ giận dữ trước tấm bản đồ bao gồm “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, “một đường ranh giới mơ hồ, dùng để đánh dấu một cách nhập nhằng” yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông.
Việt Nam đã chính thức rút phim “Abominable” khỏi các rạp chiếu phim vào hôm 14/10/2019 sau 10 ngày chiếu. Philippines cũng làm như vậy một ngày sau đó. Malaysia từ chối chiếu phim sau khi đòi hỏi của chính phủ Malaysia đối với nhà sản xuất về việc cắt bỏ đoạn phim bị từ chối.
Việc làm nham hiểm này của Trung Quốc tiếp tục gây phẫn nộ trong công luận quốc tế.Ngay cả Đài Loan mà Trung Quốc lâu nay vẫn coi là “một phần lãnh thổ của họ” cũng đã phải lên tiếng phê phán cách làm đê tiện này của Bắc Kinh. Bộ Văn hóa Đài Loan hôm 22/10/2019 ra tuyên bố lấy làm tiếc về cảnh phim có bản đồ “đường lưỡi bò” (từ 11 đoạn xuống còn 9 đoạn rồi gần đây là 10 đoạn) gần Đài Loan trong bộ phim “Abominable” . Bộ Văn hóa Đài Loan nói bản đồ đã không tôn trọng chủ quyền của Đài Loan.
Bản đồ trong bộ phim “Abominable” vẽ 10 đoạn (các bản đồ về “đường lưỡi bò” gồm 10 đoạn xuất hiện vào năm 2014), trong đó có đoạn thứ 10 mới xuất hiện ở vùng biển phía Đông Bắc Đài Loan lâu nay vốn thuộc vùng biển của Đài Loan.
Tại Đài Loan, bộ phim “Abominable” không gây chú ý nhiều lắm cho đến khi ông Li Chi-wei, một thành viên đảng Dân chủ Tiến bộ tổ chức một họp báo nói về điều này. Ông Li chỉ trích bộ phim đã quảng bá cho các đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc. Ông đồng thời kêu gọi chính phủ phải can thiệp, yêu cầu cảnh phim phải được cắt bỏ.
Đáng chú ý là ngày 23/10/2019, chuyên san đối ngoại Mỹ Foreign Policy có bài phân tích và không ngần ngại nhận định rằng “Hollywood đang trả một cái giá ‘ghê gớm’ để tiếp cận (thị trường) Trung Quốc”. Điểm quan trọng nhất trong bài viết là của bà Bethany Allen-Ebrahimian, chuyên trách Trung Quốc của Foreign Policy, là đã nêu bật được bước lấn lướt mới của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong việc dùng sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc để buộc các doanh nghiệp ngoại quốc tuyên truyền cho đường lối chính trị, ngoại giao và yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Liên quan đến bộ phim hoạt hình “Abominable” của hãng phim DreamWorks, bà Bethany Allen-Ebrahimian nêu lại vụ việc tai tiếng gần đây nhất: Một tấm bản đồ có vẽ thêm đường đứt đoạn (“đường lưỡi bò”) khẳng định yêu sách Trung Quốc trên Biển Đông đã được lồng vào một cảnh trong phim như là một sự thật hiển nhiên, bất chấp thực tế là đường ranh giới đó (“đường lưỡi bò”) đã bị Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông phán quyết là phi pháp.
Bài viết chỉ ra rằng chính vì tấm bản đồ “đường lưỡi bò” đó mà “một bộ phim thiếu nhi đã biến thành cơn ác mộng địa chính trị cho hãng DreamWorks”.
Tác giả bài viết chỉ ra rằng thị trường khán giả xi nê Trung Quốc đang bùng lên, dự kiến sẽ sớm vượt qua Hoa Kỳ để trở thành lớn nhất thế giới. Bắc Kinh đã dựa trên sức quyến rũ này để bắt buộc các công ty sản xuất phim nước ngoài phải thực hiện theo yêu cầu của Bắc Kinh, quảng bá cho những quan điểm của Bắc Kinh. Hollywood muốn tiếp cận một thị trường béo bở nên đã làm cả những việc đáng hổ thẹn là quảng bá cho một yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông bị cả cộng đồng quốc tế lên án.
Qua bộ phim “Abominable” có thể thấy nhà cầm quyền Bắc Kinh dường như muốn biến kinh đô điện ảnh Mỹ Hollywood thành cỗ máy tuyên truyền cho họ. Việc Trung Quốc đã thực hiện được yêu cầu hãng phim để một bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên tường phòng của cô bé nhân vật chính trong bộ phim “Abominable” cho thấy bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã thâm nhập khá sâu hãng sản suất phim nổi tiếng này.
Trung Quốc ngang nhiên đưa tấm bản đồ “đường lưỡi bò” vào phim dành cho trẻ em cho thấy họ sử dụng mọi thủ đoạn xảo quyệt để tuyên truyền cho yêu sách phi lý xâm lấn vào vùng biển của các quốc gia ven Biển Đông. Bắc Kinh cũng chưa bao giờ làm rõ định nghĩa pháp lý của ‘đường lưỡi bò”, thậm chí còn không cho biết vị trí chính xác của nó, có lẽ vì nếu làm như vậy sẽ mở đường cho những thách thức pháp lý chống lại những yêu sách chủ quyền mơ hồ của Trung Quốc. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài ở La Haye đã ra phán quyết bác bỏ hầu hết các yêu sách về vùng biển của Trung Quốc trên Biển Đông.
Không bỏ qua bất cứ thủ đoạn nào, nhà cầm quyền Bắc Kinh còn tìm cách đưa hình ảnh “đường lưỡi bò” vào bản đồ định vị trên các xe hơi. Tháng 10/2019, Việt Nam đã ra lệnh cho một doanh nghiệp xe hơi trong nước phân phối ô tô Trung Quốc loại bỏ hình ảnh “đường lưỡi bò” trên máy định vị của xe hơi. Không lâu sau đó, cuối tháng 10/2019, hình ảnh “đường lưỡi bò” lại xuất hiện trọng một ứng dụng của hãng ô tô danh tiếng Volkswagen của Đức trưng bày tại Triển lãm Ô tô Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.
Trong một cuộc họp hôm 04/11/2019, Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố phương án xử lý là “tịch thu tang vật” đối với chiếc xe Volkswagen Touareg này, đổng thời yêu cầu các doanh nghiệp kiểm tra thiết bị định vị vệ tinh có cài phần mềm dẫn đường đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hôm 3/11/2019, một giáo trình tiếng Trung của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bị phát hiện có in bản đồ “đường lưỡi bò”. Trung Quốc đã tìm cách đưa hình ảnh “đường lưỡi bò” vào bản đồ trên các quả địa cầu nhựa, cũng đã từng bị phát hiện ở Anh. Có thể thấy việc bằng mọi thủ đoạn để tuyên truyền cho yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông đang trở thành một vấn nạn mà các nước ven Biển Đông phải từng ngày, từng giờ đối phó.
Đứng trước tình trạng nhiều hàng hóa Trung Quốc nhập vào Việt Nam có hình ảnh “đường lưỡi bò”, ngày 05/11/2019 Bộ Công Thương Việt Nam ra lệnh cho các đơn vị địa phương tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu có chứa hình ảnh hoặc thông tin về “đường chín đoạn”.
Bộ Công thương Việt Nam còn khuyến cáo rằng các công ty hoặc nhà nhập khẩu nếu bị phát hiện bán, trưng bày hoặc giới thiệu các sản phẩm có ứng dụng như vậy là điều “rất nghiêm trọng bởi vì nó làm tổn hại đến an ninh và chủ quyền quốc gia” cũng như “vi phạm luật pháp” Việt Nam.
Với các thủ đoạn nham hiểm của Bắc Kinh để tuyên truyền, quảng bá cho yêu sách phi lí của họ ở Biển Đông nếu lơ là, mất cảnh giác vô hình chung là tiếp tay cho những việc làm sai trái của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Do vậy mỗi quốc gia, nhất là các nước ven Biển Đông cần hết sức lưu ý, cảnh giác; kịp thời phát hiện và vạch trần thủ đoạn xảo quyệt này của Trung Quốc để cộng đồng quốc tế thấy được bản chất nham hiểm của những người lãnh đạo ở Bắc Kinh.
Không hiểu những người lãnh đạo ở Bắc Kinh nghĩ gì mà có những việc làm như vậy, làm hổ thẹn cho cả nền văn hóa Trung Hoa lâu đời, hổ thẹn cho hơn 1,3 tỷ người dân Trung Quốc. Mong cộng đồng quốc tế tiếp tục cùng lên tiếng lên án mạnh mẽ những việc làm ghê tởm này của những người cầm quyền ở Trung Nam Hải; bảo vệ cho chính nghĩa nhằm duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.