Từ 16-19/11, diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Hẹp và Mở rộng (ADMM – ADMM+) lần thứ 6 tại Bangkok, Thái Lan. Theo giới phân tích, Biển Đông tiếp tục là một trong những tâm điểm thảo luận chính tại các Hội nghị lần này.
Theo chương trình dự kiến, bộ trưởng Quốc phòng 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối thoại là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand và Australia sẽ đến Thái Lan tham dự hội nghị, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Với chủ đề “An ninh bền vững”, Hội nghị ADMM Retreat và ADMM+ lần thứ sáu tập trung thảo luận về khái niệm an ninh bền vững nhằm tăng cường an ninh quốc phòng, thúc đẩy niềm tin và tăng cường hợp tác an ninh giữa ASEAN và các đối tác đối thoại trên mọi phương diện. Các cuộc thảo luận sẽ được tổ chức trong 7 lĩnh vực hợp tác, gồm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh hàng hải, quân y, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình, hoạt động nhân đạo và an ninh mạng.
Phát biểu khai mạc ADMM Retreat, Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan bày tỏ cảm ơn chân thành tới các bộ trưởng và văn phòng thư ký ASEAN đã hỗ trợ Thái Lan hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN nói chung, cũng như các hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN nói riêng. Sự thành công đó được thể hiện thông qua kết quả của các hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 và 35, cũng như Hội nghị ADMM lần thứ 13 vừa qua. Phó Thủ tướng Thái Lan cũng đánh giá cao vai trò tích cực của các thành viên ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng nội khối, góp phần duy trì vai trò trung tâm của ASEAN nhằm đối phó có hiệu quả với những thách thức khu vực. Ông Prawit Wongsuwan kỳ vọng hội nghị lần này sẽ là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, quan điểm về vấn đề an ninh quốc phòng, làm nền tảng thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng ASEAN trong tương lai.
Theo giới quan sát, vấn đề an ninh trên Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo quân sự ASEAN và các đối tác hàng đầu trên thế giới. Nhà phân tích kỳ cựu Shahriman Lockman thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Malaysia nhận định dù Thái Lan đã chọn “An ninh bền vững” làm chủ đề của hội nghị khi nước này còn giữ chức chủ tịch ADMM, Biển Đông chắc chắn sẽ bao trùm hoặc ít nhất trở thành vấn đề nóng của ADMM+ lần thứ 6. Ngoài ra, chuyên gia Derek Grossman, thuộc Tổ chức Nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ), dự đoán Bộ trưởng Esper sẽ tái khẳng định mục tiêu chiến lược của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là “duy trì các đường biển chiến lược, đặc biệt ở Biển Đông, “mở” khỏi tình trạng ép buộc của Trung Quốc”. Thông điệp của ông ấy (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) nhìn chung sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN hoan nghênh, mặc dù họ có thể sẽ lo lắng rằng mối quan hệ thăng trầm Mỹ – Trung rốt cuộc sẽ buộc họ phải lựa chọn giữa hai cường quốc này, và đôi khi họ không muốn làm điều đó. Trong khi đó, nhà phân tích Indonesia A.Ibrahim Almuttaqi cho rằng các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN có thể “kỳ vọng sự cam đoan lần nữa” từ ông Esper đối với khối và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sau khi dự ADMM+, ông Esper sẽ lần lượt đến Philippines và Việt Nam để thảo luận môi trường an ninh khu vực cũng như những cách thắt chặt quan hệ quốc phòng song phương. Ngoài ra, giới chức Mỹ sẽ cố gắng giảm bớt sự nghiêm trọng của việc vắng mặt (tại hội nghị cấp cao của ASEAN) bằng cách đặt trọng tâm vào mối quan hệ ngày càng mở rộng giữa ASEAN và Mỹ, bao gồm lĩnh vực quốc phòng, trong khi mối quan hệ này vẫn đang mạnh mẽ. Sự hiện diện của Bộ trưởng Esper sẽ là cơ hội quan trọng để khẳng định thông điệp đó.
Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch (16/11) đã có các cuộc gặp với Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan và Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto. Tại cuộc gặp Phó thủ tướng Thái Lan, hai bên thống nhất cho rằng khu vực đang đứng trước nhiều thách thức, vì vậy việc duy trì vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN trong các cơ chế hợp tác tại khu vực, trong đó có ADMM+, là hết sức quan trọng. Trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto, hai Bộ trưởng nhất trí trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược, Việt Nam – Indonesia tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên; đồng thời thống nhất cùng phối hợp giải quyết vấn đề ngư dân hai nước vi phạm vùng biển của nhau trên tinh thần nhân đạo, tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như hai nước, không để vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ hai nước cũng như trở thành một vấn đề khu vực.
Việt Nam sẽ tiếp nhận chức Chủ tịch ADMM và ADMM+ từ Thái Lan sau khi kết thúc Hội nghị ADMM+ lần thứ sáu vào ngày 18/11. Sự tham gia của Việt Nam lần này thể hiện sự tích cực, chủ động, có trách nhiệm đối với các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ ADMM và ADMM+; làm cơ sở cho việc tiếp tục triển khai các sáng kiến của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng ASEAN; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam đối với khu vực và thế giới thông qua hoạt động tại các diễn đàn đa phương cũng như thúc đẩy nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Việc Việt Nam tham gia các hội nghị của đoàn đại biểu quân sự cấp cao thể hiện sự tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam vào các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ ADMM và ADMM+, tiếp tục triển khai các sáng kiến của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng ASEAN; khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam đối với khu vực và thế giới thông qua hoạt động tại các diễn đàn đa phương cũng như thúc đẩy nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.