Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững đòn hiểm mà Trung Quốc, Ấn độ có thể dùng nếu...

Những đòn hiểm mà Trung Quốc, Ấn độ có thể dùng nếu chiến tranh xảy ra

Một khi vũ khí hạt nhân được sử dụng thì bên bị tấn công sẽ rất khó chống đỡ và cả thế giới cùng bị ảnh hưởng.

Kịch bản chiến tranh hạt nhân

Một cuộc chiến tranh hạt nhân giả định giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là một trong những xung đột lớn nhất và có sức hủy diệt lớn nhất ở châu Á. Một cuộc chiến như thế sẽ làm rung chuyển khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gây ra thương vong khổng lồ ở cả hai phía, và giáng đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu.

Địa lý và nhân khẩu sẽ giúp giảm nhẹ phần nào ảnh hưởng của cuộc chiến.

Trung Quốc và Ấn Độ giáp ranh nhau ở 2 nơi, đó là vùng tây Trung Quốc/bắc Ấn Độ và vùng nam Trung Quốc/đông Ấn Độ, với các tranh chấp lãnh thổ ở cả 2 khu vực này. Trung Quốc từng tấn công ở hai mặt trận này vào tháng 10/1962, mở đầu một cuộc chiến kéo dài một tháng, với bên Trung Quốc giành được một số lợi thế nhỏ trên thực địa.

Cả hai nước cùng theo đuổi chính sách “Không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” nên khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân giữa họ là thấp. Hai nước có dân số lớn, mỗi nước đều khoảng 1,3 tỷ người, nên rất khó chinh phục nhau.

Vai trò đặc biệt của không quân

Như tất cả các cuộc chiến tranh hiện đại, một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ diễn ra trên bộ, trên biển và trên không. Yếu tố địa lý sẽ hạn chế quy mô của xung đột trên bộ còn cuộc chiến trên không, sử dụng cả máy bay và tên lửa, sẽ gây thiệt hại nhiều nhất cho cả hai phía. Trên mặt trận biển, Ấn Độ có lợi thế khống chế, có thể gây ra hậu quả nặng nề cho kinh tế Trung Quốc.

Không như cuộc chiến năm 1962, một cuộc chiến tranh mới giữa hai nước sẽ có sự tham gia sâu của không quân cả 2 nước. Hai bên đều duy trì lực lượng không quân chiến thuật lớn đủ sức thực hiện các hoạt động bay ở khu vực tranh chấp.

Oanh tạc cơ H-6 của không quân Trung Quốc. Ảnh: National Interest.

Trong kịch bản chiến tranh, các đơn vị không quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Quân khu Lan Châu (Trung Quốc) có thể sẽ bay tiến công Punjab, Himchal Pradesh, và Uttarakhand. Lực lượng không quân Trung Quốc từ Quân khu Thành Đô cũng có thể sẽ bay tới tiến công Arunachal Pradesh của Ấn Độ.

Quân khu Lan Châu là nơi đặt căn cứ của các chiến đấu cơ J-11 và J-11B, 2 trung đoàn oanh tạc cơ chiến lược H-6, và các máy bay J-7 và J-8.

Việc thiếu các căn cứ tiền phương ở Tân Cương có nghĩa rằng Quân khu Lan Châu chỉ có thể hỗ trợ cho một cuộc không kích hạn chế nhằm vào miền bắc Ấn Độ.

Quân khu Thành Đô bố trí các máy bay chiến đấu J-11A và J-10 hiện đại nhưng có tương đối ít sân bay quân sự ở Tây Tạng gần Ấn Độ.

Tuy nhiên Trung Quốc có thể không nhất thiết phải dựa vào máy bay chiến thuật để gây thiệt hại lớn cho Ấn Độ. Trung Quốc có thể bổ sung hỏa lực trên không của mình bằng các tên lửa đạn đạo từ Lực lượng Hỏa tiễn Quân giải phóng (PLARF). Lực lượng này quản lý cả tên lửa đạn đạo hạt nhân, tên lửa đạn đạo thông thường, và tên lửa đạn đạo dùng cho 2 mục đích (mang đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân). Họ có thể di chuyển tới 2.000 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung DF-11, DF-15 và DF-21 tới các vị trí cận kề Ấn Độ. Số tên lửa này Trung Quốc có thể dùng để tấn công chớp nhoáng các mục tiêu chiến lược của Ấn Độ trên bộ, nhưng khi đó họ sẽ bị thiếu tên lửa cho phương án dự phòng ở vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Hệ thống tên lửa phòng không Akash của quân đội Ấn Độ. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, lực lượng không quân Ấn Độ có lợi thế trong tranh chấp trên bầu trời hơn so với đối thủ Trung Quốc. Chiến tranh khi đó sẽ diễn ra ở vùng biên giới dân cư thưa thớt của Trung Quốc, còn thủ đô New Delhi của Ấn Độ chỉ cách vùng biên giới Tây Tạng có 371km.

Đội bay của Ấn Độ gồm 230 máy bay Su-30Mk1 Flanker, 69 máy bay MiG-29 và các máy bay Mirage 2000. Các máy bay này đều cạnh tranh được hoặc thậm chí vượt trội so với hầu hết các máy bay Trung Quốc, ít nhất là tới khi nào chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc đi vào hoạt động. Ấn Độ nhiều khả năng đủ máy bay để đương đầu với cuộc chiến trên 2 mặt trận, cùng một lúc với cả không quân Trung Quốc lẫn không quân Pakistan.

Ngoài ra Ấn Độ còn đang đưa vào sử dụng hệ thống phòng không tầm trung Akash để bảo vệ các căn cứ không quân và các mục tiêu có giá trị cao khác.

Nhưng dù Ấn Độ tự tin về việc sở hữu lực lượng không quân đủ sức răn đe chiến tranh, thì trong ít nhất là ngắn hạn, họ vẫn chưa có phương thức nào để ngăn chặn một cuộc tiến công bằng tên lửa đạn đạo từ phía Trung Quốc. Các đơn vị tên lửa Trung Quốc, nhả đạn từ Tân Cương và Tây Tạng, có thể đánh trúng trọn vẹn các mục tiêu trên khắp miền bắc Ấn Độ mà không bị sao cả. Ấn Độ không có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo và không có các phương tiện trên không và trong vũ trụ kết hợp lại để săn và tiêu diệt các bệ phóng tên lửa của đối phương. Trong khi đó, các tên lửa đạn đạo của Ấn Độ lại được dành cho mục đích tác chiến hạt nhân chứ không phải là tác chiến thông thường.

Tử huyệt trên biển

Cuộc chiến trên bộ giữa lục quân Ấn Độ và Trung Quốc thoạt tiên có thể được coi là giai đoạn quyết định nhưng trên thực tế không phải vậy. Cả mặt trận phía đông và phía tây đều có địa hình gập ghềnh và hạ tầng vận tải kém nên sẽ khó gửi lực lượng lục quân cơ giới tới đây. Có thể dễ dàng dùng pháo binh chặn đánh các cuộc tấn công ồ ạt khi các lực lượng tiến công này được điều đi qua các thung lũng và các con đèo nổi tiếng. Dù cho lục quân Ấn Độ và Trung Quốc đều rất đồ sộ (phía Ấn Độ có khoảng 1,2 triệu quân, phía Trung Quốc có khoảng 2,2 triệu quân), chiến sự trên bộ nhiều khả năng sẽ rơi vào thế giằng co.

Cuộc chiến trên biển sẽ là mặt trận quyết định trong xung đột giữa hai nước lớn này.

Với vị trí án ngữ Ấn Độ Dương, Ấn Độ thực sự nằm trên yết hầu của Trung Quốc. Hải quân Ấn Độ, với lực lượng tàu ngầm, tàu sân bay INS Vikramaditya, và các tàu mặt nước có thể dễ dàng thu hẹp dòng chảy thương mại giữa Trung Quốc với châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Hải quân Trung Quốc sẽ phải mất một tuần để tập kết và đưa một hạm đội tới khắc phục thế phong tỏa nói trên. Ngay cả khi đó, việc phá vỡ thế phong tỏa cũng không dễ dàng gì do phải thực hiện trên một khu vực rộng lớn hàng ngàn dặm vuông của Ấn Độ Dương.

Khi ấy, việc vận chuyển hàng hải tới và từ Trung Quốc sẽ buộc phải chuyển hướng qua ngả tây Thái Bình Dương, mà lúc đó hoạt động thương mại của Trung Quốc có thể vấp phải sức ép từ hải quân Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Tới 87% nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc được đáp ứng bằng nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Đông và châu Phi. Các khu dự trữ xăng dầu chiến lược của Trung Quốc có thể ngăn tình trạng thiếu nhiên liệu toàn quốc trong 77 ngày nhưng sau đó Bắc Kinh sẽ buộc phải tìm cách ngưng chiến.

Tác dụng đối với kinh tế từ cuộc chiến trên biển sẽ là vũ khí lớn nhất của Ấn Độ, có thể khiến hàng triệu người Trung Quốc thất nghiệp. Lúc đó các bất ổn nội địa do khó khăn về kinh tế có thể tạo ra nguy cơ về mặt chính trị cho Trung Quốc.

Chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc như vậy sẽ rất tàn khốc với hậu quả nặng nề cho nền kinh tế thế giới. Hai nước ý thức được điều đó nên giữa họ vẫn chưa có cuộc chiến nào nữa trong hơn 50 năm qua..

RELATED ARTICLES

Tin mới