Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaRobo-Shark: Tàu ngầm tự hành hình có khả năng tàng hình của...

Robo-Shark: Tàu ngầm tự hành hình có khả năng tàng hình của TQ

Tạp chí Navy Recognition (12/11) cho biết, Trung Quốc mới giới thiệu tàu ngầm Robo-Shark, là mẫu tàu ngầm tự hành được giới thiệu là có khả năng tàng hình, lấy cảm hứng từ loài cá mập.

Theo thông tin trên, tàu ngầm Robo-Shark do Công ty Boya Gongdao Robot Technology (trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc) thiết kế. Robo-Shark là tàu ngầm tự hành, với hình dáng bên ngoài tương tự cá mập. Mẫu tàu ngầm tự hành Robo-Shark chính thức ra mắt vào cuối tháng 10 vừa qua tại sự kiện iOceans China 2019, ở Tam Á, Trung Quốc. Bên cạnh Robo-Shark, Boya Gongdao Robot Technology cũng giới thiệu mẫu Robo-Fish nhỏ hơn với thiết kế lai giữa chân vịt truyền thống và động cơ đuôi cá. Robo-Fish được đánh giá phù hợp với các ứng dụng dân sự có yêu cầu đơn giản và tải trọng hàng hóa thấp hơn. Nhà sản xuất cho hay nhờ ứng dụng cộng nghệ phỏng sinh học, khi hoạt động dưới nước, thiết bị này sẽ không khác gì loài cá. Theo thông tin từ Boya Gongdao Robot Technology, với thiết kế đặc biệt, Robo-Shark có thể dễ dàng di chuyển với tốc độ cao và mang được tải trọng lớn so với kích thước. Thiết bị này sẽ được dùng cho các nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát. Công ty sản xuất cũng gợi ý Robo-Shark có thể ngăn chặn biệt kích người nhái, tuần tra tốc độ cao và theo dõi các mục tiêu di chuyển nhanh dưới nước. Công ty Boya Gongdao Robot Technology cũng khẳng định động cơ đẩy hình đuôi cá có hiệu suất tốt hơn đến 80%, cùng mức tiêu thụ năng lượng thấp, giúp cải thiện tuổi thọ của pin. So với kiểu thiết kế chân vịt truyền thống, động cơ đuôi cá giúp thiết bị hoạt động yên tĩnh hơn. Đây được xem là một lợi thế quan trọng khi tham gia hải chiến.

Chuyên nghiên cứu về tàu ngầm thế giới H. I. Sutton đánh giá thiết kế mô phỏng cá mập của Robo-Shark không đơn thuần là mục tiêu thẩm mỹ. Bên dưới vẻ ngoài thu hút này là một xu hướng tiên phong trong công nghệ chế tạo thiết bị dưới nước. Ngày càng nhiều kỹ sư dùng công nghệ phỏng sinh học, hay nói cách khác là học hỏi từ tự nhiên, để ứng dụng vào các thiết kế của mình. Ông H. I. Sutton cho rằng, hiện chưa thể khẳng định Robo-Shark có được quân đội Trung Quốc sử dụng hay không. Trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh vào đầu tháng 10, quân đội Trung Quốc đã giới thiệu tàu ngầm không người lái loại HSU-001với thiết kế thông thường.

Giới chuyên gia cho rằng, dòng tàu ngầm không người lái của Trung Quốc có thể tung đòn đánh tự sát, đe dọa sức mạnh hải quân Mỹ trong tương lai. Theo đó, quân đội Trung Quốc đang phát triển tàu ngầm không người lái cỡ lớn trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) để làm nhiệm vụ trinh sát, rải thủy lôi và tấn công tự sát. Giới nghiên cứu nước này cho rằng chúng có thể thách thức ưu thế của hải quân Mỹ tại các khu vực chiến lược như Biển Đông và Tây Thái Bình Dương khi được biên chế đầu thập niên 2020. Tàu ngầm không người lái là một phần trong tham vọng tăng cường sức mạnh hải quân Trung Quốc bằng công nghệ AI. Nước này đã xây dựng cơ sở thử nghiệm tàu mặt nước không người lái lớn nhất thế giới ở Châu Hải, tỉnh Quảng Đông. Giới nghiên cứu quân sự Trung Quốc cũng phát triển hệ thống hỗ trợ AI cho chỉ huy tàu ngầm, giúp họ xử trí nhanh và chính xác hơn trong các tình huống tác chiến. Theo các nhà nghiên cứu, tàu ngầm không người lái sẽ phối hợp với các hệ thống vũ khí tự động hoặc có người lái trên không, trên bộ và mặt nước để thực hiện nhiệm vụ hiệp đồng. Những tàu ngầm này sẽ tự động khởi hành, thực hiện nhiệm vụ và trở về căn cứ mà không có thủy thủ trên khoang, giảm thiểu rủi ro với con người khi xảy ra sự cố. Chúng có thể định kỳ liên lạc với sở chỉ huy để cập nhật thông tin hoặc hoàn thành nhiệm vụ mà không cần sự can thiệp của con người. Tàu ngầm trang bị AI của Trung Quốc sẽ có kích thước lớn và neo đậu tại cảng như tàu ngầm thông thường. Khoang tàu có thể chứa các thiết bị trinh sát, tên lửa và ngư lôi. Nguồn năng lượng chủ yếu là động cơ diesel-điện, cho phép tàu ngầm hoạt động dài ngày trên biển. Loại tàu ngầm này có thể thu thập tin tức tình báo, rải thủy lôi hoặc tiến hành phục kích. Chúng có thể phối hợp với tàu ngầm thông thường để trinh sát hoặc làm mồi nhử, khiến đối phương lộ vị trí và sẵn sàng lao vào mục tiêu có giá trị cao để thực hiện đòn tấn công tự sát.

Lin Yang, giám đốc tại Viện Công nghệ Tự động thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết nước này đang phát triển một loạt tàu lặn không người lái cỡ siêu lớn để đối phó với các vũ khí tương tự của Mỹ. Tuy nhiên, các tàu này sẽ không được trang bị vũ khí hạt nhân. Ưu điểm của tàu ngầm AI là chi phí sản xuất và vận hành tương đối rẻ. Các tàu ngầm truyền thống phải duy trì khả năng ẩn mình trong lòng biển để tăng cơ hội sống sót, cũng như duy trì tâm lý cho thủy thủ khi hoạt động dài ngày trong không gian chật hẹp, những yếu tố dễ làm tăng chi phí cũng như rủi ro khi tác chiến. Giáo sư Lou Yuesheng, Đại học Công nghệ Harbin, khẳng định tàu ngầm tự động mang trí tuệ nhân tạo có thể học cách đánh chìm mục tiêu và liên tục điều chỉnh chiến lược. Khi được huấn luyện với một vùng biển cụ thể, nó sẽ trở thành một đối thủ rất đáng gờm. Dù vậy, theo giáo sư Lou, tàu ngầm AI mới chỉ trong giai đoạn nghiên cứu, cần vượt qua rất nhiều rào cản kỹ thuật trước khi chúng được triển khai trong thực tế. Độ tin cậy cũng cần được cải thiện, do tàu không có con người để khắc phục các sự cố phát sinh với động cơ hay các lỗi khác trong quá trình tác chiến.

Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất theo đuổi công nghệ phỏng sinh học để thiết kế các phương tiện tự hành dưới nước. Từ năm 2013, hải quân Mỹ đã phát triển tàu ngầm không người lái GhostSwimmer lấy cảm hứng từ loài cá ngừ vây xanh, có kích thước tương đương Robo-Shark, dùng thực hiện các nhiệm vụ tình báo, do thám, cũng như kiểm tra thân tàu.

Trước đó, Công ty đóng tàu quốc tế Trung Quốc (CSOI) đang phát triển một loại tàu mặt nước nhỏ không người lái có tên JARI USV. Tàu này nặng 20 tấn, dài 15m, nhỏ hơn rất nhiều so với các tàu khu trục Type -055 của hải quân Trung Quốc nhưng có cùng nhiệm vụ: chống ngầm, chống tàu mặt nước và cả phòng không. Theo đó, JARI USV được trang bị các cảm biến điện-quang, radar mảng pha, thiết bị thủy âm, 8 ống phóng thẳng đứng, một ống phóng ngư lôi và một súng gắn phía mũi tàu, một dàn phóng rocket. Theo các thông tin giới thiệu sản phẩm, tàu robot của Trung Quốc có vẻ được chế tạo theo hình thức module, có thể tái cấu hình để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, nhưng chưa rõ nhiệm vụ gì là chủ chốt. Trong video giới thiệu, JARI bắn hạ các máy baykhông người lái, đánh chìm tàu ngầm, tàu mặt nước… Theo tin của Navy Recognition, tàu có thể được điều khiển từ một trạm đặt trên đất liền, hoặc từ tàu mẹ; Tốc độ của tàu đạt gần 80km/h, tầm hoạt động hơn 900km. JARI USV sẽ được biên chế cho hải quân Trung Quốc và có cả phiên bản xuất khẩu. Hiện nguyên mẫu JARI USV đang được vận hành thử nghiệm ở Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng, với việc nghiên cứu, chế tạo tàu JARI USV, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ ưu tiên biên chế cho Hạm đội Nam Hải nhằm nâng cao năng lực tác chiến của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc đưa JARI USV ra Biển Đông sẽ là hành động vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của các nước ven Biển Đông mà còn gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động tự do hàng hải trong khu vực. Ngoài ra, cùng với việc triển khai JARI USV, năng lực tác chiến của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ vượt xa so với các nước trong khu vực, hành động này sẽ đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới