Tình hình tại Biển Đông hiện vẫn chưa có nhiều diễn biến khả quan. Dường như hành động của các nước vẫn chỉ là “thùng rỗng kêu to”, chưa thực chất và mang tính quyết liệt đối với Trung Quốc. Có lẽ, những sự thay đổi mới là cần thiết trong công cuộc kiềm chế và ngăn chặn sự bành trường của Trung Quốc.
Hành động của các nước
Thứ nhất, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu đưa ra tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở,” Mỹ vẫn để cho Trung Quốc tiếp tục phô trương sức mahj tại Châu Á. Gần đây Bộ Ngoại giao Mỹ có công bố báo cáo “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở: Thúc đẩy một Tầm nhìn Chung”. Nó nhấn mạnh hiểu biết cốt lõi của Mỹ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: (1) sự tôn trọng chủ quyền và độc lập của mọi quốc gia; (2) giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; (3) thực hiện tự do thương mại hai chiều một cách công bằng dựa trên đầu tư rộng mở, các thỏa thuận minh bạch và kết nối; và (4) sự tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là tự do hàng hải và hàng không. Mỹ cũng thường xuyên bày tỏ lo ngại, phản đối các hành động theo thang căng thẳng, bắt nạt nước nhỏ ở Biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa có hành động cụ thể nào để kiềm chế Trung Quốc. Có người cho rằng “Bộ Tứ” gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ thiết lập một kim cương an ninh tại khu vực nhưng hiện vẫn chưa có gì chứng minh rằng Bộ Tứ này thực sự có ý định liên kết quân sự. Dù vậy, đây vẫn có thể là một diễn đàn triển vọng cho việc hợp tác, phối hợp hàng hải chiến lược.[1]
Thứ hai, các nước vẫn chỉ mới để cập chung chung đến vấn đề Biển Đông – về “tự do hàng hải, hàng không” – chứ không chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ cố gây hấn, trì hoãn nỗ lực giải quyết vấn đề đa phương của các nước. Ngoài ra, mục đích của các nước ở Biển Đông cũng tương đối khác nhau. Đơn cử như Nhật Bản và Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ thì thích gọi đây là “chiến lược” và tập trung về mặt an ninh nhưng Nhật Bản thì đặt ưu tiên cho nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối, và xây dựng hệ thống quy tắc trên biển dựa trên luật pháp quốc tế. Lý do cho điều này khá đơn giản: sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản và tình hình khu vực sẽ mất ổn định nếu như mối quan hệ Nhật-Trung rạn nứt. Thực vậy, dù Nhật Bản cũng tiên phong, đi đầu trong nhiều thỏa thuận thương mại đa phương như TPP 11, RCEP hay Thỏa thuận Đối tác kinh tế Nhật-EU nhưng các mối quan hệ đối tác đó là không đủ để thay thế thị trường tiêu thụ khổng lồ của Trung Quốc mà Nhật cần để phát triển kinh tế.[2]
Thay đổi mới là cần thiết
Nhiều chuyên gia nói rằng cần phải củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường hợp tác với Nhật và Úc nhưng điều này là chưa đủ. Cần phải có thêm những nhân tố mới như Chính sách Hướng Nam Mới của Hàn Quốc và Chính sách Tân Hướng Nam của Đài Loan.
Tuy giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn còn chút hiềm khích nhưng sự tham gia của Hàn Quốc vào Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng mở (FOIP) của Nhật hay là Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ thì đều mang lại nguồn lợi to lớn cho cả 3 bên.
Bản báo cáo của Mỹ cũng đề cập tới các nước Đông Nam Á như Nepal, Sri Lanka, Bangladesh. Điều này chứng tỏ rằng các nước đó, ngoài Ấn Độ, cũng có tiềm năng trong việc đóng góp định hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đáng để tập trung vào.
Thay đổi trong chính sách và chiến lược tại Biển Đông của Việt Nam
Chính sách “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” của Việt Nam đã chứng minh được tác dụng của mình trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia trước sự hung hăng của Trung Quốc trước đây nhưng đối với tình hình hiện tại thì vẫn chưa đủ. Mặt “hợp tác” thì chỉ mang tính trung lập chứ không giải quyết được gì vì các mối quan hệ song phương giữa các thành phần vẫn tiếp diễn bình thường, mặc cho Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế; còn mặt “đấu tranh” thì việc gọi thẳng tên, chỉ trích Trung Quốc cũng không đem lợi ích thực nào.[3]
Có lẽ đã đến lúc Hà Nội phải tăng cường mặt “đấu tranh” hơn mà không làm ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa hai mặt, ví dụ như nâng tầm quan hệ với Washington lên đối tác chiến lược. Điều đó sẽ cho Trung Quốc thấy rằng mọi sự gây hấn của họ đối với Việt Nam có thể tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực.
Hơn cả, có lẽ cũng đã đến thời điểm các nhà lãnh đạo Việt Nam phải xem xét lại chính sách “Ba Không”: không liên minh, không có căn cứ quân sự của nước ngoài tại Việt Nam và không liên kết với một nước để chống lại nước khác. Gần đây, dường như Việt Nam đã tìm ra cách để “lách luật.” Vào năm 2018, Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc diễn tập quân sự với Ấn Độ và Mỹ không có mác “liên minh” ở trong đó.
Sắp tới, Việt Nam còn có thể tận dụng vị thế mới trong ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để gây sức ép với Trung Quốc, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Hoặc Việt Nam có thể kiện Trung Quốc giống như Philippines. Hoặc đơn giản hơn là Việt Nam có thể “bằng mặt nhưng không bằng lòng” bằng cách hợp tác ít hơn với Trung Quốc để họ hiểu rằng sự hung hăng của họ ở Biển Đông sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới mối quan hệ hai nước.
[1] Japan Times, 14/11.
[2] Japan Times, 14/11.
[3] The Diplomat, 15/11.