Mỹ đang triển khai hàng loạt chính sách và biện pháp nhằm khẳng định sự cam kết mạnh mẽ với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng như thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực nhằm đảm bảo tự do hàng không, hàng hải; duy trì luật pháp quốc tế, hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc leo thang tham vọng đòi chủ quyền phi lý, phi pháp trên vùng biển chiến lược sống còn này.
Mỹ phản ứng chưa đủ mạnh, Trung Quốc chiếm ưu thế
Quan điểm mạnh mẽ mà người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra tại Hà Nội, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á, còn có thể thấy khi ông Mark Esper tới thăm Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines cũng như tham dự ADMM+ lần thứ 6 diễn ra ở Bangkok (Thái Lan). Chuyến công du châu Á lần này cũng là chuyến thăm châu Á thứ hai của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng kể từ ngày nhậm chức tháng 7-2019, qua đó khẳng định chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hành động mạnh mẽ hơn trong triển khai chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do, nhằm đối phó với những hành vi ngày càng hung hăng và tham vọng mỗi ngày một lớn của Trung Quốc.
Khi nhận thấy thách thức ngày một lớn từ Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Washington đã dần chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại từ châu Âu về khu vực ngày càng đóng vai trò to lớn đối với kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu này. Trong đó, chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump đã công bố chiến lược xoay trục từ châu Âu – Đại Tây Dương về châu Á – Thái Bình Dương nhằm đáp lại các đe dọa lợi ích, vị trí của Mỹ từ Trung Quốc, bao gồm cả sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự.
Khi Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự vượt trội để chiếm bãi cạn Scarborough do Philippines kiểm soát hồi năm 2012 cũng như sức mạnh kinh tế của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới để đổ tiền, đổ của, ráo riết bồi đắp một số đảo đá, rạn san hô ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi quân sự quy mô lớn, biến chúng thành các căn cứ, bàn đạp quân sự lớn trên Biển Đông, chính quyền Mỹ tiền nhiệm cũng đã có những phản ứng như ra tuyên bố chỉ trích, phản đối hay triển khai tàu chiến tuần tra vào trong phạm vi 12 hải lý các đảo nổi nhân tạo này.
Tuy nhiên, mọi phản ứng và biện pháp ứng phó đó được giới quan sát đánh giá là chưa đủ mạnh để gây áp lực lên tham vọng của Trung Quốc trong việc hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”) hòng độc chiếm Biển Đông. Nếu không muốn nói là những ứng phó chưa đủ lực ấy lại càng khiến Trung Quốc được đà có những hành động, hành vi gây hấn hung hăng hơn.
Bất chấp chiến lược xoay trục cùng các biện pháp kiềm chế của Mỹ, Trung Quốc đã dần hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông trên thực tế. Điều này có thể thấy qua việc từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã ồ ạt bồi đắp trái phép các thực thể chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo với tổng diện tích trên 13 km2, chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Trong đó 3 đảo đá là đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập đã thành những tiền đồn quân sự lớn trên Biển Đông với sân bay có đường băng dài 3.000 m, đủ để cho các máy bay chiến đấu hạng nặng có thể cất/hạ cánh và cảng biển nước sâu để tàu chiến hạng nặng có thể ra vào.
Trong hội thảo bàn về “Tham vọng hàng hải của Trung Quốc trong chuỗi đảo đầu tiên và xa hơn thế” tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS, trụ sở ở Washington) ngày 18-11-2019, các chuyên gia đầu ngành về Biển Đông đã cùng thống nhất rằng, Trung Quốc đang ngày càng tỏ rõ ưu thế và áp đặt sức mạnh của mình để tìm cách thiết lập một hiện trạng mới trên Biển Đông. Không chỉ thiết lập các tiền đồn quân sự quy mô lớn, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) Greg Poling còn đặc biệt nhấn mạnh tới sự gia tăng như vũ bão đội ngũ các tàu hải cảnh, hải giám, tàu dân quân biển của Trung Quốc đóng ở các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN
Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do được đích thân Tổng thống Donald Trump công bố vào tháng 11-2017 được xem là sự “nâng cấp” sự ứng phó của Mỹ đối với tham vọng của Trung Quốc ở khu vực. Chiến lược này, theo giới phân tích, tập trung chủ yếu vào sự can dự của Mỹ đồng thời ở nhiều lĩnh vực, gồm kinh tế, an ninh và có thể cả việc định ra những quy tắc, luật lệ vốn tuân theo lối tư duy chiến lược trước đó của Washington về khu vực trọng yếu toàn cầu này.
Giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump trong triển khai chiến lược mới đã gia tăng cả tần suất và cường độ chỉ trích trực diện vào những hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là điều mà Mỹ cho rằng “đe dọa và bắt nạt” các quốc gia quanh vùng biển này. Đi đôi với đó, Mỹ cũng công khai tuyên bố ủng hộ chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan ở Biển Đông, ủng hộ và hợp tác với các quốc gia này trong việc gia tăng bảo vệ chủ quyền, duy trì tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, an ninh trên vùng biển này.
Lên tiếng các chặng dừng chân trong chuyến công du châu Á, trong đó có bài phát biểu tại Học viện Ngoại giao ngày 20-11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đều khẳng định sự ủng hộ lâu dài của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở; đồng thời, nhấn mạnh cam kết của Mỹ nhằm duy trì trật tự dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực quan trọng này, trong đó có việc ủng hộ quyền khai thác tài nguyên của các quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Ông Mark Esper cũng tái khẳng định ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm, Bộ trưởng Mark Esper khẳng định một cách mạnh mẽ rằng, Mỹ ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông, đồng thời cam kết nỗ lực đóng góp tích cực vào bảo đảm hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển này. Thể hiện cam kết này bằng hành động thực tế, Bộ trưởng Mark Esper tuyên bố, Mỹ sẽ cung cấp thêm một tàu tuần tra hiện đại cho Cảnh sát biển Việt Nam trong năm 2020.
Trong chiến lược mới, Mỹ ủng hộ vai trò quan trọng của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông; kêu gọi các thành viên của hiệp hội cùng thống nhất, đoàn kết để thực thi vai trò này. Bộ trưởng Mark Esper khi đánh giá cao vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực với việc đảm nhận Chủ tịch ASEAN 2020, đã khẳng định Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này, tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN, cũng như thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Mỹ.
Phát biểu ngày 20-11 tại Học viện Ngoại giao ở Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper dành nhiều thời gian để chia sẻ về chủ đề xuyên suốt trong các cuộc gặp của ông với đối tác trong chuyến công du châu Á lần này gồm thăm Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Đó là hướng tới duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế mang lại an ninh, thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ nhằm duy trì trật tự ở khu vực Biển Đông dựa trên luật lệ quốc tế, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, trong đó có ủng hộ quyền khai thác tài nguyên của các quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.