Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaVai trò quan trọng của Mỹ trong ngăn chặn TQ ở Biển...

Vai trò quan trọng của Mỹ trong ngăn chặn TQ ở Biển Đông

Trước những hành động ngang ngược của Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế và dư luận quốc tế qua việc đưa tàu khảo sát xâm phạm vùng biển của của các nước Philippines, Malaysia và Việt Nam, các chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông đặt ra những câu hỏi như: Vậy Trung Quốc là “bất trị” và họ muốn làm gì thì làm chăng? Các nước nhỏ ven Biển Đông khó lòng mà đối đầu nổi với Trung Quốc do tiềm lực kinh tế, quân sự thua xa Trung Quốc. Vậy ai có thể ngăn chặn được sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông? Chúng ta cùng đi phân tích để tìm câu trả lời.

Nhìn lại những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông trong 10 năm qua, kể từ khi Trung Quốc gửi tấm bản đồ vẽ “đương lưỡi bò” cùng với công hàm phản đối các báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia, có thể thấy Trung Quốc hành động ngày cáo táo tợn hơn, hung hăng hơn.

Nếu Trung Quốc thành công trong việc chiếm trọn vùng Biển Đông mà họ đã vẽ trong tấm bản đồ “đường lưỡi bò” nói trên, thì Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông sẽ bị mất quyền đánh bắt cá và khai thác dầu khí ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Đồng thời, tuyến đường hàng hải, hàng không qua Biển Đông sẽ hoàn toàn nằm trong sự khống chế, chi phối, kiếm soát của Trung Quốc.

Để chống lại Trung Quốc các nước ven Biển Đông cần liên kết với các quốc gia có đủ năng lực triển khai nhanh chóng lực lượng quân sự thông thường để răn đe Trung Quốc như Mỹ và có thể răn đe Trung Quốc ở mức cao, kể cả răn đe hạt nhân như Mỹ, Anh, Pháp. Mặt khác, các nước cần nâng cao mức chi tiêu quân sự để răn đe Trung Quốc ngay tại chỗ như thông qua việc mua thêm tàu ngầm, tên lửa phòng không; liên kết kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn với các quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất của Trung Quốc.

Ấn Độ, Nga và Úc thời gian qua tỏ quan tâm nhiều đến Biển Đông song không đủ khả năng ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc vì họ thiếu sức mạnh cần thiết để một mình có thể đánh bại Trung Quốc. Nga là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và cả Nga lẫn Ấn Độ đều là các cường quốc hạt nhân có khả năng quan trọng để triển khai lực lượng quân sự thông thường đối phó với Trung Quốc, nhưng hai nước này không đủ sức mạnh về mặt kinh tế hay quân sự để đối đầu với Bắc Kinh. Cả hai đều là thành viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải, trên thực tế do Trung Quốc lãnh đạo và muốn né tránh đối đầu với Trung Quốc.

Úc là một đồng minh đáng tin cậy tiềm tàng, nhưng lại không có sức răn đe hạt nhân hay quy ước cần thiết để đối đầu với Trung Quốc. Úc cũng không đặc biệt mạnh về mặt ngoại giao, quân đội Úc còn thiếu phương tiện so với Trung Quốc, và nhất là Úc chịu ảnh hưởng kinh tế, chính trị của Trung Quốc nhiều hơn là Mỹ, Anh, Pháp. Khoảng 40,8% hàng xuất khẩu của Úc được bán sang Trung Quốc, điều đó giải thích tầm ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Úc vốn có ảnh hưởng trên sân khấu chính trị Úc.

ASEAN đáng lẽ ra phải có vai trò quan trọng nhất trong ngăn chặn bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vì hòa bình ổn định trên Biển Đông là liên quan trực tiếp đến các nước ASEAN. Tuy nhiên, do các thành viên của ASEAN ngày càng chịu ảnh hưởng lớn hơn của Bắc Kinh, thậm chí có nước đã bị Bắc Kinh chi phối nên không có được sự đồng thuận cao để có tiếng nói phản đối lại các hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Với cái nhìn thực tế, khách quan thì ASEAN không đủ sức để ngăn chặn các hoạt động gặm nhấm Biển Đông của Trung Quốc.

Xem ra chỉ có Mỹ mới có tất cả các điều kiện để có thể giúp các nước ven Biển Đông chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Các điều kiện đó là: (i) Mỹ có một chính sách đối ngoại độc lập với ảnh hưởng của Trung Quốc (so với các thành viên ASEAN và Nga);(ii) Mỹ có sức mạnh kinh tế cần thiết để trừng phạt Trung Quốc (cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cho thấy rõ điều này; (iii) Mỹ có sức mạnh ngoại giao cần thiết để phủ quyết Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc; (iv) Mỹ có đủ khả năng quân sự cần thiết để triển khai sức mạnh quân sự đối phó với Trung Quốc, và sức răn đe hạt nhân cần thiết để bảo vệ chính mình khỏi sự trả đũa hạt nhân tiềm tàng của Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia về Biển Đông cho rằng căn cứ vào tương quan lực lượng hiện tại, sự tham gia của Hoa Kỳ là điều kiện thiết yếu cho việc ngăn chặn sự bàng trướng, hiếu chiến của Trung Quốc, đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định, tự do an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Nếu không có Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc thì cục diện lâu nay ở Biển Đông sẽ bị Trung Quốc thao túng, phá vỡ.

Mỹ và các nước nhỏ ven Biển Đông hiện có lợi ích song trùng ở Biển Đông, đó là ngăn chặn Trung Quốc khống chế, độc chiếm Biển Đông. Một số nhà phân tích còn cho rằng Mỹ và các nước nhỏ ven Biển Đông hiện là “đồng minh tự nhiên” trong cuộc chiến với Trung Quốc ở Biển Đông.

Hiện sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc vượt qua Mỹ trên một số mặt, bao gồm từ GDP tính theo sức mua, tỷ lệ tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng của chi tiêu quân sự, cho đến tầm bắn của tên lửa chống hạm, dân số trong hạn tuổi quân dịch, số lượng tàu hải quân mới. Ảnh hưởng chính trị toàn cầu của Trung Quốc được nền kinh tế đang giàu lên hỗ trợ, nhất là việc Bắc Kinh dùng tiền mua chuộc sự ủng hộ chính trị của giới tinh hoa nước ngoài, kể cả giới tinh hoa Mỹ.

Việc Trung Quốc ráo riết thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển và “Giấc mộng Trung Hoa” đang thách thức nghiêm trọng đối với vị trí siêu cường số 1 của Mỹ. Chính vì lẽ đó, trong chiến lược an ninh mới của mình, Mỹ đã coi Trung Quốc là “cường quốc xét lại” và những hành động của Trung Quốc là phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 01/6/2019 đã đặt “cường quốc xét lại” Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu đối với Mỹ. 

Với cách nhìn nhận nói trên, Mỹ sẽ tập trung vào ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc. Liên quan đến Biển Đông, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa (FONOPs, diễn tập quân sự…) những phát biểu gần đây của các quan chức cấp cao Mỹ, từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cố vấn An ninh quốc gia và Phó Tổng thống Mỹ lên án đích danh những hành động gây hấn của Trung Quốc với các nước láng giềng ven Biển Đông là một minh chứng cho chính sách cứng rắn toàn diện của Mỹ đối với Trung Quốc.

Từ những phân tích trên có thể thấy rằng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng, leo thang gây hấn trên Biển Đông, Mỹ giữ vai trò quan trọng đối với việc duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông; chỉ có Mỹ đủ sức mạnh kinh tế, quân sự, chính trị có thể ngăn chặn Trung Quốc bành trướng, bá quyền ở Biển Đông. Bên cạnh Mỹ còn có nhiều đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Nhật…

Để tranh thủ vai trò quan trọng của Mỹ trong việc ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, các nước ven Biển Đông Malaysia, Philippines, Việt Nam cần chủ động tăng cường quan hệ kinh tế, quân sự, nhất là quan hệ với hải quân Mỹ, thậm chí trong một số trường hợp cần liên kết với Mỹ để đối phó với Trung Quốc.

Một điểm rất thuận cho các nước ven Biển Đông là Mỹ luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong các hoạt động ở Biển Đông. Việc Trung Quốc tìm mọi cách đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông càng thôi thúc Mỹ can dự sâu hơn vào các vấn đề Biển Đông và thi hành một chính sách cứng rắn hơn để ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới