Song song với việc nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng các loại hình tàu chiến, tàu ngầm, Trung Quốc còn tích cực biên chế hàng loạt tên lửa chiến lược, tên lửa đạn đạo cho lực lượng Hải quân.
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D
DF-21 là một trong những loại tên lửa đạn đạo chống hạm của quân đội TQ được cho là có khả năng tấn công các hạm đội tàu sân bay, căn cứ quân sự lớn của quân đội đội phương trên biển. Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D có vận tốc lên tới Mach 10, mang đầu đạn hạt nhân 300 Kiloton hoặc mang theo 900 kg đầu đạn, tầm bắn 2.000 km, có thể lắp nhiều đầu đạn, bán kính sát thương của nó có thể đạt 300-500 m.
Năm 2013, Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D dưới sự hỗ trợ theo dõi của radar vượt tầm nhìn, vệ tinh, thậm chí máy bay không người lái, tiến hành tấn công đối với mục tiêu bằng tốc độ siêu âm vào một mục tiêu mô phỏng tàu sân bay Mỹ. Được biết, DF-21D có nguồn gốc từ công nghệ tên lửa do Liên Xô chuyển nhượng cho Trung Quốc vào thập niên 1950. Hiện DF-21D được Trung Quốc triển khai dọc bờ biển ở các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông và Liêu Ninh để răn đe các tàu chiến của Hải quân Đài Loan, Nhật Bản, thậm chí là của Hạm đội 7 Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột ở Eo biển Đài Loan. DF-21D sử dụng hệ thống dẫn hướng tương tự như Pershing II của Mỹ với dẫn hướng quán tính ở giai đoạn đầu, giai đoạn giữa được dẫn hướng kết hợp với hệ thống con quay laser hồi chuyển và giai đoạn cuối sử dụng radar dẫn đường kỹ thuật số. Tên lửa có chiều dài khoảng 10 m, trọng lượng phóng khoảng 15 tấn, tầm bắn khoảng 1.450km, bán kính lệch mục tiêu CEP khoảng 40 m. Chương trình DF-21D đã tạo ra những thách thức rất lớn cho hệ thống đánh chặn trên các chiến hạm của Mỹ. Một tên lửa đạn đạo di chuyển trong không gian gần của trái đất thường có tốc độ rất, cao gấp 7-8 lần vận tốc âm thanh. Mặc dù tầm bắn khá xa nhưng thời gian để đến mục tiêu nhanh hơn nhiều so với tên lửa hành trình.
Các chuyên gia phân tích kỹ thuật quân sự thuộc DAPRA/Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá, “sát thủ tàu sân bay” DF-21D là tên lửa đạn đạo chống hạm được nghiên cứu phát triển trên nền tảng tên lửa đạn đạo chiến thuật thế hệ thứ hai của Trung Quốc. Sự ra đời của DF-21D không những là sự thay đổi chiến thuật lớn đối với Quân đội Trung Quốc mà còn khiến cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có sự thay đổi. Thậm chí, chuyên gia nghiên cứu chính sách Đông Á của Bộ Quốc phòng Mỹ – Michael McDevitt còn cho rằng, DF-21D còn phá hoại bố cục chiến lược của Mỹ ở châu Á, nó sẽ làm cho Trung Quốc có sẵn năng lực ngăn cản Quân đội Mỹ “hỗ trợ cho Đài Loan”, đồng thời có năng lực ngăn chặn quân Mỹ bảo vệ các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc nếu như có một cuộc chiến xảy ra với Trung Quốc trong tương lai. Trong khi đó, các chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ cho rằng, với phạm vi hoạt động lên tới 2.000km, tên lửa DF-21D đủ sức làm cho các tàu sân bay Mỹ bị cản lại ở ngoài khu vực tác chiến, qua đó giúp Trung Quốc hoàn toàn chủ động là chủ cuộc chiến trong tương lai.
Tên lửa chống hạm YJ-18
Tên lửa chống hạm YJ-18 và tên lửa chống ngầm YJ-18A là 2 lại tên lửa có khả năng tấn công chính xác tàu mặt nước từ cự li xa. Một quả tên lửa loại này có thể đánh chìm 1 tàu khu trục có trọng tải vài nghìn tấn, là lợi khí trong bảo vệ chủ quyền biển của Hải quân Trung Quốc. Tên lửa chống hạm YJ-18 được Trung Quốc công khai từ năm 2014, cùng lúc đó, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng công bố Hải quân Trung Quốc đang thử nghiêm loại tên lửa mới phóng từ trên tàu với độ cao thấp trên mặt biển có khả năng tấn công chính xác mục tiêu. YJ-83 có trọng lượng không đến 600 kg, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 280 km. YJ-18 được phát triển trên cơ sở tên lửa hành trình 3M-54 Klub của Nga, năm 1994 Trung Quốc mua từ Nga tàu ngầm kilo điện-diesen loại 636 được trang bị tên lửa hành trình 3M-54E Klub. Từ đó, Trung Quốc tiến hành nghiên cứu tên lửa hành trình 3M-54E, đến năm 2000 bắt đầu quá trình chế tạo, năm 2013 hoàn thành chế tạo và đưa ra YJ-18. Loại tên lửa này đã trở thành thế hệ tên lửa chống hạm thông dụng của Trung Quốc và có 3 biến thể phóng từ trên tàu mặt nước, tàu ngầm và bờ biển. Đồng thời, Trung Quốc cũng triển khai nghiên cứu phát triển tên lửa hành trình tầm xa đối đất được phóng từ tàu mặt nước và tàu ngầm.
Còn đối với tên lửa YJ-18A, đây là biến thể của YJ-18, được phóng từ tàu ngầm, có tầm phóng 500 km vượt trội so với tên lửa 3M54E của Nga, chỉ có 220 km. YJ-18A loại phóng từ tàu ngầm càng có nhiều cải tiến hơn so với tên lửa tương tự 3M54. Tên lửa này có thể phóng từ ống phóng ngư lôi của tàu ngầm, thiết bị đẩy có thể điểm hỏa dưới nước, sau khi lên khỏi mặt nước, tên lửa sẽ được tách ra từ đầu bộ phận đẩy, hành trình ở độ cao 5-7 m so với mặt nước biển, dưới tầm phát hiện của radar đối phương.
Hiện YJ-18/18A đã được trang bị rộng rãi trên các tàu khu trục lớp 052D và tàu ngầm tấn công loại 093, 093A/B. Tuy nhiên, do hệ thống tên lửa này không có loại phóng nghiêng/ phóng trên không, do vậy Hải quân Trung Quốc đã sử dụng động cơ tổng hợp hỏa tiễn – nén để có thể phát huy tối đa sức mạnh của tên lửa này.
Tên lửa chống hạm vượt siêu thanh YJ-12
Tên lửa chống hạm YJ-12 dựa trên kỹ thuật động cơ nén loại tổ hợp của tên lửa chống hạm 3M-80 Sunburn và tên lửa chống radar (ARM) X-31 do Nga chế tạo. Sau khi cải tiến, có thể bay với tốc độ vượt siêu thanh trong quỹ đạo phức tạp trên không. Chuyên gia trang bị Hải quân, Thiếu tướng Doãn Trác tiết lộ, tên lửa YJ-12 có tầm phóng gấp 2 lần tên lửa BrahMos của Ấn Độ, tốc độ bay cũng rất nhanh. YJ-12 có trọng lượng 3 tấn, dài gần 7 m, tốc độ hành trình là 4 mach, tầm phóng tối đa vượt qua 400 km.
Trong báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra năm 2017 đã chỉ ra, YJ-12 là tên lửa chống hạm vượt siêu thanh nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay, khả năng uy hiếp đã vượt qua tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D. Tuy nhiên, quỹ đạo bay của YJ-12 ở độ cao khoảng 10.000 – 15.000 m, hoàn toàn nằm trong phạm vi thăm dò của radar trên tàu chiến, có thể nói, đối phương sẽ có thời gian và khoảng cách càng xa và dài hơn để đánh chặn tên lửa YJ-12 so với tên lửa chống hạm quỹ đạo thấp. Mặc dù YJ-12 có uy ực lớn, đủ để tiêu diệt tàu chiến đối phương, nhưng khả năng đột phá phòng không không được coi là xuất sắc, rất khó có thể tấn công khi đối phương đã có sự chuẩn bị, đây cũng là khuyết điểm của YJ-12.
Giới chuyên gia cho rằng YJ-12 được chế tạo dựa trên phiên bản tên lửa chống hạm 3M-80E của Nga, thiết kế tổng thể đã được hoàn thiện. Mặc dù Trung Quốc đã thực hiện một số cải tiến cho nó, nhưng rất khó để giảm kích thước khổng lồ của nó, chỉ có thể sử dụng bệ phóng nghiêng, không thể phù hợp với hệ thống phóng đứng. Tên lửa không đối hạm YJ-12 là vũ khí tấn công quan trọng của máy bay H-6K, điều này là không thể thay thế, do YJ-18 không có loại hình phóng từ trên không. Đồng thời, do thân của YJ-12 lớn, không thể phóng từ ống phóng ngư lôi loại 533 m của tàu ngầm, cho nên YJ-18 phóng từ tàu ngầm cũng không thể thay thế.
Tên lửa đạn đạo mới phóng từ tàu ngầm JL-1
JL-1 là tên lửa này được Trung Quốc chế tạo từ cuối những năm 80 dựa trên mẫu tên lửa Granis của Nga để trang bị cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược K092/Xia (lớp Hạ). Từ năm 1996 đến nay, Trung Quốc phát triển thêm phiên bản Julang-1A để trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược K093/Shang (lớp Thương).
Tên lửa có chiều dài 10,7 m, đường kính (đoạn lớn nhất) là 1,34 m, trọng lượng 14,7 tấn, sử dụng động cơ 2 tầng đẩy, đều dùng nhiên liệu lỏng. JL-1 có tầm phóng 1.700 km, JL-1A tầm phóng 2.500 km. JL-1 và JL-1A có thẻ tự dẫn đường bằng quán tính theo quỹ đạo đường đạn căn cứ trên tính toán trước, sai số đến 10 km. JL-1 được trang bị khả năng tự dừng hoạt động, trong đó tự động hủy khi lệch quỹ đạo đến 25 độ; tự hủy cưỡng bức theo lệnh từ căn cứ ở cự ly 500 km trước khi chạm mục tiêu. Trong tất cả các trường hợp tự hủy, ngòi nổ hạt nhân bị vô hiệu hóa.
Tên lửa đạn đạo mới phóng từ tàu ngầm JL-2
Tên lửa JL-2 là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm loại hình mới do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo, áp dụng thiết kế có nắp che đầu và đuôi, tên lửa dài 14m, trọng lượng 40-42 tấn. JL-2 có thiết bị đẩy ba tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, vỏ tên lửa sử dụng vật liệu tổng hợp sợi carbon và sợi aramid hiệu suất cao để giảm trọng lượng và thể tích của động cơ. JL-2 cũng sử dụng động cơ đẩy xung lực cao, giúp tăng đáng kể tầm bắn, lên tới 7.500 – 8.000 km, có thể từ bờ biển Trung Quốc phóng đến Alska, Guam, Hawai (Mỹ) và khu vực Sibiria của Nga.
Trên phương diện dẫn đường, tên lửa JL-2 sử dụng hệ thống dẫn đường hỗn hợp bao gồm hệ thống dẫn đường quán tính, Hệ thống quang học Barrett (là một máy tính đạn đạo tích hợp được sản xuất bởi Barrett Firearms), quay laser và dẫn đường thiên văn, độ chính xác lên đến 300-500 m. Trên phương diện tấn công, JL-2 có thể mang 1 đầu đạn hạt nhân nặng 25 tấn hoặc 3 đầu đạn nặng 4-6 tấn, khả năng tấn công siêu mạnh. Ngoài ra, để đảm bảo khả năng đột phá phòng ngự của các hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương, JL-2 còn ứng dụng kỹ thuật hoàn nguyên khí quyển thứ cấp, kỹ thuật thay đổi quỹ đạo động.
Ngoài tên lửa JL-2 loại cơ bản, Trung Quốc còn nghiên cứu ra 2 biến thể của JL-2 gồm JL-2A và JL-2B. Trong đó, JL-2A có tầm phóng khoảng 9.000 km, JL-2B có tầm phóng khoảng 8.000 km.
Tên lửa đạn đạo mới phóng từ tàu ngầm JL-3
JL-3 là một trong những loại vũ khí mới nhất được Trung Quốc thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm tên lửa diễn ra ngày 24/11/2018 và không nói rõ tầm bắn của JL-3, song theo phỏng đoán của tình báo Mỹ, loại vũ khí này có tầm bắn hơn 9.000km. Thông số này đã vượt xa loại tên lửa đời cũ JL-2 chỉ có tầm bắn từ 7.400-8.000km. Tên lửa JL-3 cùng với lớp tàu ngầm Type 96 đang được chế tạo, sẽ đánh dấu sự hiện đại hóa khả năng răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc. Hiện nay, Bắc Kinh đang sở hữu 4 hoặc cũng có thể nhiều nhất là 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo Kiểu 94 (NATO gọi loại tàu ngầm này là lớp Tấn), được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2. Tầm bắn xa hơn của tên lửa JL-3 sẽ cho phép các tàu ngầm Trung Quốc tấn công các mục tiêu ở sâu trong lục địa, giảm thiểu sự di chuyển vào vùng biển gần đối phương trong một cuộc xung đột, tăng khả năng sống sót cho kíp lái tàu. Hiện tại số lượng tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân sẽ được Trung Quốc đóng vẫn chưa được xác định, nhưng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đưa tàu ngầm Type-96 và tên lửa JL-3 vào trang bị trong những năm tới.
Theo những thông tin được tiết lộ, JL-3 là biến thể của tên lửa xuyên lục địa Đông Phong – 41 (DF-41). Trong thiết kế tổng thể, Trung Quốc đã giảm kích thước thân, loại bỏ bộ đẩy, sửa đổi nhiên liệu rắn. JL-3 có đường kính 2,2 m, khác với JL-2, JL-3 không được trang bị nắp điều chỉnh động cơ. Ngoài ra, JL-3 còn là tên lửa đầu tiên được Trung Quốc áp dụng kỹ thuật giảm lực cản, kỹ thuật này đã được áp dụng cho tên lửa Trident của Mỹ và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm M51 của Pháp. Phải áp dụng kỹ thuật này do các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm chủ yếu sử dụng các hệ thống dẫn đường phụ, và chiều dài của các tên lửa thường được rút ngắn, do đó, đầu đạn của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm khá tròn và có lực cản lớn.
Thông qua áp dụng kỹ thuật tiên tiến, tên lửa JL-3 có tầm phóng lên đến 10.000-12.000 km, tăng khoảng 4.000 km so với JL-2, có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu nặng khoảng 15 tấn, dễ dàng đột phá bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào trên thế giới. Hiện nay, tên lửa này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm. JL-3 là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm thế hệ 3 của Trung Quốc, khi được đưa vào biên chế, sẽ làm gia tăng đáng kể khả năng của lực lượng hạt nhân chiến lược, nếu được phóng từ bờ biển Trung Quốc toàn bộ khu vực châu Âu và Mỹ đều nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa này.
Việc phát triển tên lửa đạn đạo mới JL-3 cho tàu ngầm ở Trung Quốc đã được biết đến trong nhiều năm trước đây. Người ta cho rằng loại tên lửa này sẽ được sử dụng để trang bị cho tàu ngầm tên lửa hạt nhân tương lai thuộc dự án 096. Dự án này cũng được giới truyền thông Trung Quốc thừa nhận. Hiện nay, Hải quân Trung Quốc đang sở hữu đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược (mang tên lửa đạn đạo liên lục địa) gồm bốn chiếc thuộc dự án 094/094G, được trang bị tên lửa đạn đạo 3 tầng nhiên liệu rắn Cự Lang 2 (JL-2) – loại tên lửa cũng được coi là mới phát triển thành công. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc xuất hiện một tổ hợp các tàu ngầm thuộc lực lượng hạt nhân chiến lược thực sự có khả năng hoạt động tác chiến, bởi các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 092 được đưa vào biên chế trong những năm 1980 có lẽ mới chỉ là tàu ngầm thử nghiệm công nghệ.