Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (17/11), hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác quân sự.
Phát biểu trong cuộc gặp, Thủ tướng Prayut nhấn mạnh Thái Lan tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” và sẵn sàng tham gia tích cực vào sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đồng thời bày tỏ Bangkok hy vọng củng cố hơn nữa hợp tác thương mại và kinh tế với Trung Quốc và hoan nghênh thêm nhiều nguồn vốn đầu tư Trung Quốc vào Thái Lan, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020. Ông Prayut hy vọng hai nước sẽ củng cố hơn nữa hợp tác quân sự trong các vấn đề trang thiết bị, công nghệ, tập trận và huấn luyện chung cũng như an ninh đa phương. Trong khi đó, ông Ngụy Phượng Hòa lưu ý rằng với sự chỉ đạo và khuyến khích của lãnh đạo hai nước, quan hệ song phương đã duy trì đà phát triển với nhiều thành quả đạt được trong mọi lĩnh vực hợp tác.
Trong những năm gần đây, quan hệ Thái Lan – Trung Quốc càng phát triển hơn nữa do cả hai đều ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của việc củng cố và tăng cường hợp tác giữa hai bên. Đặc biệt, quan hệ chính trị-ngoại giao, quân sự giữa Thái Lan và Trung Quốc đã diễn ra sôi nổi và nhộn nhịp hơn bao giờ hết, bất kể là khi giới dân sự hay quân sự cầm quyền ở Thái Lan.
Quan hệ quốc phòng – an ninh của Thái Lan và Trung Quốc từ nửa cuối thế kỉ XX đến nay là một quá trình chuyển đổi “từ thù thành bạn”. Dù Thái Lan vẫn lấy Mỹ làm trụ cột nhưng quan hệ quốc phòng, an ninh của Thái Lan và Trung Quốc đã có những bước phát triển mới.Hợp tác quân sự của Thái Lan với Trung Quốc được đánh giá là rộng rãi và bao quát so với các nước ASEAN khác và quan hệ đó được đặc trưng bởi rất nhiều dấu ấn “đầu tiên”. Cùng với tập trận chung, trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, Thái Lan và Trung Quốc còn hợp tác trong việc mua bán vũ khí. Chính quyền quân sự Thái Lan (1/2017) thông qua ngân sách 13,8 tỷ baht (380 triệu đôla) để mua một tàu ngầm của Trung Quốc sau khi đã tạm ngưng kế hoạch này vào năm ngoái. Được biết, kế hoạch mua tàu ngầm của Trung Quốc đã bị đình chỉ vào năm 2016 do bị công luận chỉ trích và do tranh cãi về việc Thái Lan có thật sự cần một tàu ngầm hay không. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà máy đóng tàu ở Vũ Hán bắt đầu quy trình đặt ky và cắt thép đóng mới tàu ngầm cho Thái Lan. Theo đó, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã ký hợp đồng mua một tàu ngầm điện-diesel S26T, phiên bản của Type-039B, lớp Yuan của Hải quân Trung Quốc. Hợp đồng trị giá 13,5 tỷ baht (khoảng 411 triệu USD) được ký kết vào tháng 5/2017, giao hàng dự kiến vào năm 2023. Sau khi hoàn thành, S26T có lượng choán nước 2.600 tấn khi lặn, tốc độ tối đa 18 hải lý/giờ và có thời gian hoạt động liên tục khoảng 20 ngày trên biển. S26T được trang bị những công nghệ định vị thủy âm mới nhất của Trung Quốc. Tàu ngầm này có thể mang theo 16 ngư lôi và tên lửa cùng 30 thủy lôi. Ngoài ra, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cũng đã ra lệnh mua 49 xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 của Trung Quốc để thay thế cho xe tăng M41 do Mỹ sản xuất. Lô hàng đầu tiên gồm 28 chiếc đã được giao hàng trong năm 2017, phần còn lại sẽ được bàn giao trong năm 2018.
Mới đây nhất, Hải quân Thái Lan (9/9) đã ký hợp đồng mua tàu đổ bộ Type 071E do Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) đóng nhằm tăng cường năng lực hải quân và thúc đẩy quan hệ quân sự giữa hai nước. Tàu đổ bộ Type 071E sẽ được đóng tại Nhà máy đóng tàu Hudong Zhonghua ở Thượng Hải. Từ năm 2006, nhà máy đóng tàu này đã đóng chiếc 8 tàu đổ bộ Type 071 cho Hải quân Trung Quốc. 071E là mẫu dùng cho xuất khẩu của lớp này. Tàu đổ bộ Type 071E có lượng giãn nước đầy tải 22.000 tấn, chiều dài 210 m, chiều rộng 28 m, mớn nước 17,4 m. Hệ thống động lực của Type 071E là động cơ CODAD (kết hợp diesel – diesel) với 4 máy chính, cho vận tốc tối đa 23 hải lý/h, tầm hoạt động 8.000 hải lý khi chạy ở tốc độ kinh tế 18 hải lý/h. Type 071E cung cấp một mặt sàn cực kỳ rộng giúp tăng sức chứa và có đủ diện tích để dựng bệnh viện dã chiến hoặc các phòng chỉ huy tạm ngay trên tàu. Tàu có tổng cộng ba tầng bao gồm tầng cuối cùng để phương tiện đổ bộ qua lối cửa mở phía sau, tầng giữa đặt các phương tiện vận tải, trang thiết bị đổ bộ và tầng trên cùng bao gồm cấu trúc thượng tầng, sân đỗ và nhà chứa trực thăng. Sân đỗ trên tàu đổ bộ Type 071E có thể tiếp nhận cùng lúc 2 trực thăng và sàn đáp có thể đỗ cùng luc 3 chiếc trực thăng. Hỏa lực chính trên tàu bao gồm một khẩu hải pháo H/PJ-26 cỡ 76 mm. Đây là biến thể từ pháo AK-176 do Liên Xô sản xuất, có tầm bắn tối đa 15,5 km và tốc độ bắn lên tới 120 phát/phút. Ngoài ra tàu còn trang bị 4 khẩu pháo cao tốc AK-630 cỡ nòng 30 mm. Vũ khí này có tốc độ bắn lên tới 6.000 phát/phút và là lớp phòng thủ cuối cùng của tàu đổ bộ tấn công Type 071. Type 071E còn được lắp thêm một module tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn FL-3000N. Ngoài ra, Type 071E có biên chế thủy thủ đoàn và sĩ quan chỉ huy đầy đủ là 150 người, có thể chở theo tối đa tới 800 lính thủy đánh bộ, mang theo từ 15 tới 20 phương tiện thiết giáp, bao gồm xe chiến đấu bộ binh hoặc xe tăng lội nước tùy chủng loại.
Ngoài việc mua tàu 071E, Không quân Trung Quốc và Thái Lan vừa tổ chức cuộc huấn luyện chung mang tên Eagle Strike-2019 tại Thái Lan từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9. Không quân Trung Quốc đã đưa tới các máy bay chiến đấu J-10A/ B/C, máy bay báo động sớm KJ-500 và máy bay vận tải Y-9. Trong khi đó, Thái Lan đã huy động các máy bay chiến đấu JAS-39C/D và máy bay cảnh báo sớm SAAB-340 tham gia cuộc tập trận.
Tuy quan hệ quốc phòng giữa Thái Lan – Trung Quốc phát triển sâu rộng, nhưng trong quan hệ song phương còn tồn tại nhiều bất cập như thâm hụt thương mại giữa Thái Lan và Trung Quốc đã diễn ra ngay khi hai nước chuyển trọng tâm hợp tác từ chính trị-an ninh sang đối tác kinh tế. Không những vậy, hiện đang có tình trạng mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ Thái Lan về quan hệ song phương với Trung Quốc. Một bộ phận trong giới lãnh đạo Thái Lan coi Trung Quốc là “đồng minh” trong tương lai. Tuy nhiên, một số khác trong giới lãnh đạo Thái Lan vẫn nghi ngại về tham vọng của Trung Quốc đối với khu vực nói chung và Thái Lan nói riêng, do đó Thái Lan cần phải cảnh giác, giữ khoảng cách nhất định trong quan hệ với Trung Quốc. Đối với Thái Lan, Mỹ vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng và là đối tác an ninh mà họ lựa chọn. Đối với Mỹ, hợp tác quân sự – nhất là việc Thái Lan định kỳ cho phép các phương tiện quân sự của Mỹ vào nước này – là điều không gì có thể thay thế được ở Đông Nam Á, góp phần quan trọng vào chiến lược tổng thể của Mỹ ở khu vực này. Trong tương lai ngắn hạn, Mỹ và Thái Lan khó có thể tương đồng về mục đích bởi hai nước không có kẻ thù chung – hay thậm chí là một đối thủ chiến lược chung. Trong khi Mỹ ngày càng coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược và phát hiện ra rằng nhiều nước Đông Nam Á đang mong chờ sự hiện diện của Mỹ để làm đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, thì Thái Lan lại đứng ngoài cuộc bởi nước này cảm thấy thoải mái với sự phát triển và ý đồ của Trung Quốc, cho dù Thái Lan là 1 trong 2 đồng minh hiệp ước của Mỹ ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, lợi ích của Mỹ tại châu Á không bắt đầu và cũng không kết thúc bằng sự cạnh tranh với Trung Quốc và quan hệ Mỹ – Thái Lan mang đến những cơ hội quan trọng cho Mỹ trong việc theo đuổi những lợi ích tại Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.