Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTrung - Hàn nhất trí phát triển mối quan hệ an ninh...

Trung – Hàn nhất trí phát triển mối quan hệ an ninh song phương

Bên lề Hội nghị ADMM+ lần thứ 6, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Trung Quốc vừa nhất trí phát triển mối quan hệ an ninh song phương nhằm đảm bảo sự ổn định ở khu vực Đông Bắc Á.

Theo thông tin trên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã nhất trí thiết lập thêm các đường dây nóng quân sự và xúc tiến chuyến thăm của Bộ trưởng Jeong đến Trung Quốc vào năm tới nhằm “tăng cường các cuộc trao đổi cũng như hợp tác quốc phòng song phương”.

Thông báo trên được Seoul đưa ra trùng thời điểm với việc Hàn Quốc đang ngày bất mãn với đồng minh Mỹ về khoản phí hàng năm 5 tỉ USD mà Washington đang đòi Seoul phải chi trả để duy trì lực lượng 28.500 binh sĩ Mỹ đóng tại Hàn Quốc. Số tiền này tăng mạnh so với con số 923 triệu USD mà Seoul phải chi trả hồi năm ngoái. Con số 923 triệu USD cũng đã tăng 8% so với năm trước đó. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đàm phán về chi phí quân Mỹ đồn trú đổ vỡ vào ngày 19/11. Đàm phán đổ vỡ được xem là bất đồng công khai hiếm hoi trong 66 năm quan hệ đồng minh Mỹ – Hàn. Các bên cáo buộc phía còn lại không sẵn sàng thỏa hiệp một cách công bằng và hợp lý. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định “lập trường của chúng tôi là đàm phán cần chấp nhận được cho cả hai phía, nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận Các biện pháp Đặc biệt (SMA) như Hàn Quốc và Mỹ thống nhất trong gần 28 năm qua”; đồng thời cho biết “phía Mỹ nghĩ việc chia sẻ chi tiêu quốc phòng cần được gia tăng đáng kể bằng cách tạo nên hạng mục mới”.

Tờ Korea Times của Hàn Quốc (18/11) đã có bài xã luận trong đó cảnh báo rằng, liên minh an ninh giữa hai nước Mỹ và Hàn Quốc “có thể đổ vỡ do đòi hỏi quá đáng của phía Washington”; đồng thời cáo buộc Nhà lãnh đạo nước Mỹ xem hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Hàn Quốc “như một hợp đồng bất động sản để kiếm lời”. Đa số người dân Hàn Quốc đều đồng ý với quan điểm của bài xã luận nói trên. Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, có tới 96% người dân ở Hàn Quốc phản đối việc Seoul phải trả tiền cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ của họ. Người dân cũng bày tỏ sự khó chịu, tức giận trước áp lực mà Washington đang đặt lên Seoul để buộc nước này phải ký gia hạn một thỏa thuận ba bên về việc chia sẻ thông tin quân sự với Mỹ và Nhật Bản. Thỏa thuận An ninh Thông tin Quân sự Chung sẽ hết hạn vào ngày 23/11 tới và Hàn Quốc nhấn mạnh họ chỉ ký gia hạn thỏa thuận này nếu Nhật Bản hủy bỏ những biện pháp hạn chế xuất khẩu các chất hóa học cho ngành công nghiệp microchip của Hàn Quốc.

Theo giới chuyên gia, hành động trên của Chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ khiến đổ vỡ quan hệ đồng minh lâu năm với cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Chuyên gia Bruce Klinger – một nhà phân tích ở Heritage Foundation cho rằng “loại yêu cầu đó, không chỉ là con số cắt cổ mà cả cách thức đang diễn ra, có thể gây ra làn sóng bài Mỹ”; cho rằng “nếu bạn làm suy yếu các liên minh và từ đó có nguy cơ làm giảm năng lực răn đe cũng như sự hiện diện của quân đội Mỹ, điều đó chỉ có lợi cho Triều Tiên, Trung Quốc và Nga – những nước sẽ nhìn thấy tiềm năng từ ảnh hưởng quân sự suy giảm của Mỹ cũng như từ việc Mỹ giảm sự ủng hộ cho các đồng minh”. Cùng quan điểm trên, Giáo sư Daniel Pinkston, Đại học Troy nhận định “đó chỉ là hành động tống tiền. Nó không khác là mấy so với việc một tên trùm băng đảng đi loanh quanh và đòi tiền bảo kê. Số tiền mà Mỹ đang đòi hỏi về mặt chính trị là không thể chấp nhận nổi đối với cả Seoul và Tokyo. Điều đó chỉ dẫn đến sự bất mãn gia tăng”.

Được biết, Mỹ đang duy trì khoảng 28.500 binh sĩ đồn trú và nhiều khí tài hiện đại tại Hàn Quốc nhằm đảm bảo an ninh cho nước này. Từ tháng 3/2018, hai nước đã tiến hành 10 vòng đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự trong bối cảnh Tổng thống Trump liên tục kêu gọi Hàn Quốc tăng đóng góp tài chính cho lực lượng đồn trú Mỹ. Khoảng 70% đóng góp của Seoul hiện nay dùng để trả lương cho 8.700 nhân viên Hàn Quốc làm việc trong các lĩnh vực hành chính, kỹ thuật và dịch vụ khác cho quân đội Mỹ. Cuối năm 2018, quân đội Mỹ cảnh báo sẽ buộc các nhân viên người Hàn Quốc nghỉ không lương nếu hai bên không đạt thỏa thuận về “phí bảo vệ” mới.

Hàn Quốc là đồng minh đầu tiên của Mỹ bắt đầu đàm phán về mức độ chia sẻ chi phí quân sự với chính quyền ông Donald Trump. Các đồng minh chủ chốt khác của Mỹ như Nhật Bản hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tham gia các cuộc đàm phán tương tự trong những năm tiếp theo. Đây là lý do chính quyền Trump không muốn nhượng bộ Hàn Quốc để tránh bị “yếu thế” ở các cuộc đàm phán với các đồng minh khác trong tương lai. Lo ngại những bất đồng giữa hai đồng minh có thể ảnh hưởng tới những tiến triển thuận lợi trên Bán đảo Triều Tiên, Chính phủ Hàn Quốc do chịu nhiều sức ép đã chấp nhận mức đóng góp cao hơn các năm trước. So với mức tăng 5,8% đạt được trong các cuộc đàm phán về SMA hồi năm 2013, mức tăng 8,2% lần này được coi là “rất khó” để Hàn Quốc chấp nhận. Tuy nhiên, cuối cùng Seoul cũng đã nỗ lực để tránh chấp nhận mức đóng góp tăng 200% như đề nghị của Washington đưa ra trong các cuộc đàm phán.

Điều lo ngại hơn nữa chính là thời hạn của SMA chỉ là 1 năm nên Mỹ và Hàn Quốc sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán SMA mới cho năm 2020. Việc Chính quyền Donald Trump đưa ra yêu cầu Hàn Quốc đóng góp gần 5 tỷ USD là mức phí quá cao, vượt qua giới hạn chấp nhận của Hàn Quốc, điều này sẽ làm xói mòn lòng tin của Hàn Quốc đối với Mỹ vốn vẫn được coi là một đối tác an ninh tin cậy và sẵn sàng mở rộng cửa để giải quyết những bất ổn trong mối quan hệ liên minh song phương này.

Đối với các nhà lập pháp Mỹ, sự hỗ trợ của Hàn Quốc trong việc đảm bảo lợi ích của Mỹ ở Đông Á có thể cho thấy không chỉ giúp duy trì sự hiện diện quân sự và kinh tế của Mỹ trước Trung Quốc mà còn giúp triển khai thực hiện “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do”. Tổng thống Trump mới đây cũng đã ký phê chuẩn dự luật ARIA, cho phép chi 1,5 tỷ USD để tăng cường an ninh cho Mỹ, đảm bảo lợi ích kinh tế và giá trị Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump đối với các đồng minh của Mỹ có thể đưa ra một tín hiệu sai lệch cho Seoul đồng thời cản trở sự phát triển của mối quan hệ quân sự chiến lược với Hàn Quốc, một nhân tố trung tâm trong chính sách của Mỹ đối với khu vực.

Trong khi đó, Trung Quốc – đối thù tiềm tàng của Mỹ luôn sẵn sàng chào đón và “nhiệt liệt hoan nghênh” Hàn Quốc “ngả về Bắc Kinh”. Không những vậy, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để tranh thủ “thời cơ hiếm có” để tìm cách xen vào quan hệ đồng minh quân sự Mỹ – Hàn, qua đó từng bước phá vỡ chiến lược tổng thể của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới