Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaVai trò của Mỹ trong việc ngặn chặn TQ “độc chiếm Biển...

Vai trò của Mỹ trong việc ngặn chặn TQ “độc chiếm Biển Đông”

Mỹ cần tiếp tục tăng cường “xây dựng năng lực cho Việt Nam” bên cạnh việc bắt các thực thể và công ty Trung Quốc lãnh hậu quả về các hành động hỗ trợ cho Chính phủ Trung Quốc trên Biển Đông.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ đã tổ chức Hội thảo về Tham vọng hàng hải của Trung Quốc trong chuỗi đảo đầu tiên và xa hơn thế”. Tại Hội thảo, giới chuyên gia, học giả cho rằng Trung Quốc đang ngày càng tỏ rõ ưu thế và áp đặt sức mạnh của mình để tìm cách thiết lập một hiện trạng mới trên Biển Đông, đồng thời cho rằng Mỹ phải tìm ‘điểm cân bằng’ để cùng chia sẻ quyền lực với Trung Quốc trên vùng biển này.

Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) Greg Poling cho rằng những bước tiến dài trên thực địa về khả năng tác chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và cảnh báo những gì được bàn bạc ở Mỹ cũng như các nước đông nam Á ‘theo không kịp’ các bước tiến của Trung Quốc. Ông Greg Poling nhận định Trung Quốc trong vài năm trở lại đây đã thực hiện chiến dịch từng bước qua “nhiều giai đoạn” nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông một cách nhanh chóng. Giai đoạn thứ nhất, bắt đầu kể từ cuối năm 2013 khi các tàu nạo vét Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Trường Sa để bồi đắp đảo nhân tạo. Cho đến đầu năm 2017, Bắc Kinh chuyển sang giai đoạn hai là hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo để phục vụ mục đích quân sự và dân sự, bao gồm nhà để máy bay, nhà chứa tên lửa, kho chứa vũ khí và nhiên liệu, hải cảng, radar, thiết bị thu thập thông tin tình báo… Công việc này phần lớn hoàn tất vào cuối năm 2017, ông cho biết. Giai đoạn ba được thực hiện từ cuối năm 2017: triển khai nhanh chóng các khí tài quân sự tân tiến ra các đảo nhân tạo, bao gồm đưa máy bay quân sự ra các bãi Subi và Vành Khăn, hạ cánh lên Bãi Chữ Thập các máy bay vận tải và tuần tra biển, đưa những tên lửa hành trình đầu tiên ra Trường Sa, thiết lập các thiết bị phá sóng…bên cạnh việc tăng nhanh chóng các bệ phóng tên lửa được triển khai trên đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa hiện Trung Quốc đang nắm giữ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất, là “sự gia tăng như vũ bão các tàu hải giám và tàu dân quân biển của Trung Quốc đóng ở các đảo thuộc Trường Sa”. Những chiếc tàu này không phải ra Biển Đông hoạt động rồi về như trước mà thực sự là chúng đóng đô ở các đảo nhân tạo này ít nhất là trong hàng tuần hay hàng tháng trời mỗi lần. Chính khả năng cơ động này của Trung Quốc đã giúp họ có thể duy trì cường độ quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam quanh sự cố Bãi Tư Chính trong bốn tháng vừa qua. Theo ông Poling, “đây là sự thực hiện quyền lực cưỡng ép ở mức độ thấp của Trung Quốc vốn chưa đến mức sử dụng vũ lực. Điều này là không thể xảy ra trước khi Trung Quốc hoàn thành các đảo nhân tạo”. Ngoài ra, ông Poling cho biết, việc thực hiện quyền lực cưỡng ép này của Trung Quốc còn được thể hiện trong lĩnh vực khai thác dầu khí. Bắc Kinh đã quyết định rõ ràng có lẽ từ năm ngoái rằng họ sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động khảo sát dầu khí nào trên Biển Đông nữa, thậm chí đối với những lô dầu khí đang khai thác. Trong khi đó, ông cho rằng, Mỹ và các đồng minh, cho dù là Nhật Bản, Australia hay Anh, Pháp, “đều không có sự chuẩn bị” và “không có phương cách để đối đầu với tình huống này”. Vì vậy, nguy cơ sẽ là chẳng mấy chốc “Mỹ sẽ lâm vào tình thế là các đối tác ở Đông Nam Á, nhất là Philippines sẽ đặt vấn đề nếu như sự hiện diện quân sự đón đầu của Mỹ không giúp ích gì được cho tôi trong việc đánh bắt hay khai thác dầu khí thì tại sao tôi lại ủng hộ mối quan hệ đồng minh này”.

Chuyên gia Collin Koh Swee Lean, nghiên cứu viên thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore cho rằng những hòn đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông không bao giờ có thể là được xem là “hàng không mẫu hạm không thể chìm” và cho biết “các tướng lĩnh của PLA đã thừa nhận kín đáo cũng như công khai rằng trong trường hợp chiến sự nổ ra thì những hòn đảo này trên thực tế gần như vô dụng. Chúng sẽ bị phá sạch gần như ngay lập tức ngay khi bắt đầu bất kỳ cuộc xung đột nào trên Biển Đông. Do đó chủ yếu những hòn đảo này chỉ có công dụng trong thời bình”. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn trong việc duy trì các công trình trên đảo nhân tạo này và đảm bảo rằng chúng vẫn nằm đó. Ông Collin cho biết các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu cách làm sao để cho san hô và xi măng có thể kết dính lại với nhau để không bị sóng biển đánh sập cũng như không bị xói mòn theo thời gian do thời tiết và làm sao để các thiết bị điện tử không bị ăn mòn. Hiện nay, Trung Quốc chưa có khả năng ngăn ngừa sự ăn mòn của thời tiết, ông nói và cho biết họ đang tìm cách để làm được điều này trong vòng 10 năm tới và cơ hội họ làm được ‘là rất cao’. Bên cạnh đó, ông Collin cũng lưu ý rằng mặc dù đội tàu quân sự của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông vẫn không tăng không giảm gì nhiều nhưng chúng “có sự tăng trưởng về chất” và cùng việc xây dựng năng lực linh động là việc xây dựng kho vũ khí tên lửa vốn cho phép Trung Quốc thực thi sức mạnh với phạm vi rộng khắp thậm chí ngoài phạm vi Biển Đông. Ông lấy ví dụ là Mạng lưới Quan sát Đại dương (Ocean Observation Network) của Trung Quốc vốn nghe có vẻ vô hại nhưng lại “có mục đích kép” là không chỉ ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai mà còn phục vụ cho mục đích quân sự. Ông cho rằng Biển Đông được Trung Quốc xem là ‘lãnh thổ xanh’ của họ. Nó không chỉ có ý nghĩa lịch sử, chiến lược, kinh tế mà còn là ý nghĩa tình cảm’ đối với Trung Quốc, và nó không chỉ là “vấn đề bảo vệ chủ quyền” đối với họ mà còn tạo ra “chiều sâu chiến lược” để đảm bảo an ninh cho Trung Quốc đại lục từ xa. Do đó, Trung Quốc đang tìm cách “định hình cách hành xử của các nước trên Biển Đông” theo ý họ.

Phó Chủ tịch cao cấp chương trình châu Á của CSIS Michael J. Green cho rằng có sự đồng thuận rộng rãi giữa các học giả rằng “đẩy lùi hiện trạng trên Biển Đông lại như cũ là không có khả năng trừ phi các đảo nhân tạo bị đổ sập”. Cả Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh nhau ở Biển Đông và không có bên nào làm bá chủ được. Cho nên vấn đề là đâu là điểm cân bằng mà Mỹ và Trung Quốc có thể chấp nhận được.

Trong khi đó, ông Greg Poling đưa ra hai đề xuất để tăng cường khả năng đối phó của Mỹ trước Trung Quốc trên Biển Đông. Trước hết, sẽ không có cơ hội tìm ra giải pháp cho tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông mà thay vào đó, Mỹ nên tìm phương cách bền vững để quản lý tranh chấp. Do đó, Mỹ cần củng cố địa vị của mình đối với đồng minh Philippines mà điều này có nghĩa là thực thi Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA). Chỉ như vậy thì Mỹ mới có thể duy trì một lực lượng luân phiên tại khu vực Biển Đông. Nếu không thì Mỹ không thể nào dễ dàng phá dỡ các căn cứ của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo. Thứ hai, Washington nên tìm cách quay về tình trạng hồi năm 2016 dưới thời Tổng thống Obama là “có một liên minh quốc tế mạnh mẽ sẵn sàng nêu tên và chỉ trích những hành vi sai trái của Trung Quốc”. Làm như vậy sẽ khiến cho Trung Quốc gánh chịu hậu quả về danh tiếng bên cạnh các hậu quả về kinh tế. Ngoài ra, ông Collin nhấn mạnh để có ‘điểm cân bằng’ đó thì các nước ASEAN cần phải có chính sách nhất quán bất kể các chính phủ khác nhau lên nắm quyền sau mỗi chu kỳ bầu cử; đồng thời cảnh báo nếu Mỹ không thể chấm dứt hợp tác quân sự với các nước quanh Biển Đông thì căng thẳng sẽ leo thang trở lại và do đó COC nếu được thông qua cũng sẽ trở nên vô tác dụng.

Trước đó, khi trả lời câu hỏi về liệu Hà Nội có thể dựa vào sự ủng hộ của Mỹ đến đâu trên Biển Đông khi mà Manila, một đồng minh có hiệp ước với Washington, còn không thể tin tưởng vào Mỹ đến nỗi phải xích gần lại Trung Quốc, ông Greg Poling nói rằng Mỹ có thể giúp Việt Nam “tăng cường khả năng răn đe Trung Quốc”. Ông Greg Poling cho rằng Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có khả năng đánh chặn Trung Quốc trên Biển Đông mặc dù họ sẽ thua nhanh chóng nhưng không phải là Trung Quốc không lãnh hậu quả” và cho rằng Mỹ cần tiếp tục tăng cường “xây dựng năng lực cho Việt Nam” bên cạnh việc bắt các thực thể và công ty Trung Quốc lãnh hậu quả về các hành động hỗ trợ cho chính phủ Trung Quốc trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới