Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ không thể ngăn chặn Pháp tăng cường hiện diện quân sự...

TQ không thể ngăn chặn Pháp tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông

Để hạn chế, ngăn chặn Pháp can dự vào vấn đề Biển Đông và lên án, chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc, Bắc Kinh đã sử dụng chiêu bài hợp tác kinh tế để lôi kéo Pháp, song nước này cũng đưa ra các tuyên bố “răn đe” Paris trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc chỉ là vô nghĩa.

Trong chuyến thăm gần đây tới Thượng Hải và Bắc Kinh nhằm giúp các doanh nghiệp Pháp giành được những hợp đồng “hậu hĩnh”, đồng thời bảo vệ các lợi ích thương mại của EU trước khi Mỹ và Trung Quốc tìm được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Tổng thống Emmanuel Macron đã thận trọng không công khai chỉ trích chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Do vậy, không ngạc nhiên khi tuyên bố do Pháp đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (6/11) không đề cập tới vấn đề Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc đã “cảnh báo” Tổng thống Pháp không nên động chạm tới vấn đề Biển Đông. Phó Vụ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhu Jing (5/11) cho rằng, Pháp không nên đóng vai trò “gây rối” tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, hoặc đưa tàu chiến tới vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, Pháp đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Thậm chí, Pháp còn tham gia cuộc chơi ở phía đông kênh đào Suez nhằm kiềm chế Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng tương tự như chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ. Cụ thể, Hải quân Pháp đã điều động các chiến hạm vào Biển Đông trung bình 3 – 4 lần/năm. Ngoài ra, Pháp còn đưa tàu hộ vệ Vendémiaire đi qua eo biển Đài Loan hồi tháng 4/2019. Trung Quốc đã lớn tiếng phản đối sự hiện diện của tàu Vendémiaire. Song Pháp khẳng định các tàu thuyền của nước này chỉ thực hiện hoạt động đi lại thường xuyên trong khu vực nhằm đảm bảo các quy định hàng hải quốc tế được thực thi đầy đủ.  

Đối với giới chức Pháp, sự hiện diện của hải quân nước này từ khu vực biển Ả Rập cho tới Vành đai Thái Bình Dương là nhằm duy trì hoạt động tại các vùng biển mở, đảm bảo tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong một văn bản chính thức có tên “Pháp và An ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cũng đã nhấn mạnh rằng, “Ấn Độ – Thái Bình Dương hiện là khu vực căng thẳng xuất phát từ những hành động thách thức của một số quốc gia liên quan tới Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”. Văn bản trên còn viết, “Tại Biển Đông, hoạt động cải tạo quy mô lớn và quân sự hóa trên các thực thể đang xảy ra tranh chấp chủ quyền đã và đang làm thay đổi hiện trạng khu vực cũng như làm gia tăng căng thẳng”. Thậm chí, Pháp còn chỉ đích danh tham vọng bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Cụ thể, trong phiên điều trần trước Hạ viện Pháp hồi tháng Bảy, Tham mưu trưởng hải quân Pháp, Đô đốc Christophe Prazuck cho biết tham vọng của Trung Quốc là mở rộng địa bàn hoạt động tới Ấn Độ Dương. Cũng theo ông Prazuck, những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là vi phạm luật hàng hải quốc tế và các phán quyết của tòa trọng tài. Bên cạnh đó, Pháp còn liên minh với Mỹ để thách thức tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong đó, Pháp đã cho nối lại sự kiện Đối thoại An ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương với Mỹ. Sự kiện này liên quan tới việc tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp được điều động tới khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong năm nay. Ngoài ra, Washington và Paris cũng nhấn mạnh mối quan tâm xây dựng một mạng lưới liên minh và đối tác chiến lược nhằm duy trì khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở cửa.

Hồi tháng 10, Đô đốc Prazuck còn đề xuất tiến hành tuần tra chung ở vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương giữa hải quân Pháp và Australia. Theo Tướng Prazuck, các chiến hạm của Australia có thể tham gia hộ tống tàu sân bay Charles De Gaulle trong quá trình tàu chiến Pháp hoạt động trong khu vực. Đổi lại, các tàu hộ vệ Pháp có thể hộ tống các tàu đổ bộ của Australia. Ngoài ra, Pháp còn muốn tăng cường khả năng tương tác với quân đội Australia trong lĩnh vực chiến tranh chống ngầm và tấn công đổ bộ. Hồi tháng 5/2019, tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đã tham gia huấn luyện tại vịnh Bengal với các tàu chiến Nhật Bản, Australia và Mỹ. Sau đó, tàu Charles de Gaulle tiến hành tập trận chống ngầm với hải quân Ấn Độ trong đợt diễn tập thường niên Varuna. Cuối cùng, chiến hạm Pháp hoàn thành sứ mệnh tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương khi tới Singapore. Trong năm nay, Pháp cũng sẽ tiếp tục tiến hành những hoạt động chung với Lực lượng Tuần duyên Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

Bên cạnh hoạt động của hải quân Pháp tại Ấn Độ – Thái Bình Dương, lĩnh vực xuất khẩu quy mô lớn vũ khí của Pháp sang các nước trong khu vực cũng khiến Trung Quốc không khỏi dè chừng. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2008 – 2017, Pháp đã xuất khẩu số vũ khí trị giá 23 tỷ USD sang các nước trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong đó, số vũ khí trị giá 15,5 tỷ USD được Pháp xuất sang Ấn Độ. Đáng nói, Australia cũng đang gia tăng sự phụ thuộc vào các loại vũ khí do Pháp sản xuất. Ngoài ra, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore và Malaysia hiện là những khách hàng lớn mua vũ khí của Pháp. Theo SCMP, có thể Pháp sẽ hạ giọng phản đối công khai hoạt động quân sự trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông để bảo vệ mối quan hệ thương mại, nhưng việc Pháp dừng bán vũ khí cho các nước láng giềng của Bắc Kinh là điều dường như không thể. Nói cách khác, bán vũ khí chính là trụ cột trong chiến lược của Pháp ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, cho dù Trung Quốc có thích hay không.

Đáng chú ý, ngay sau khi Tổng thống Pháp kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, giới pháp đã đưa ra các tuyên bố cứng rắn, khẳng định Pháp sẽ không thể lơ là khi ở Biển Đông luật biển bị đe dọa. Phát biểu tại Ấn Độ, Đô đốc Christophe Prazuck, Tư lệnh Hải quân Pháp (18/11) cho rằng, “luật biển quốc tế” đang bị đe dọa ở Biển Đông và điều đó đã thúc đẩy Pháp “thường xuyên đến Biển Đông” vì muốn cổ vũ cho quyền tự do hàng hải. Tư lệnh Hải quân Pháp khẳng định rằng, với tư cách là một quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nước Pháp không thể lơ là Biển Đông khi luật biển quốc tế đang bị đe dọa ở đây. Đô đốc Prazuck thừa nhận rằng, Trung Quốc đang bành trướng sự hiện diện quân sự trong khu vực, nhưng Pháp cũng là một tác nhân có quyết tâm phát huy một trật tự trên cơ sở tôn trọng luật lệ quốc tế tại Biển Đông. Giải thích thêm về các hoạt động của chiến hạm Pháp trong khu vực, Tư lệnh Hải quân Pháp cho rằng: “Có nhiều cách hành xử khác nhau ở Biển Đông. Trước hết, tại sao chúng tôi lại đến đó 6, 7 lần trong năm? Đó là vì luật biển quốc tế bị đe dọa trong khu vực này của thế giới. Chúng tôi không muốn can dự vào tình hình khu vực liên quan đến các đảo, nhưng chúng tôi đến đó và sẽ tiếp tục, bằng hành động của mình, hậu thuẫn cho việc thực thi quyền tự do hàng hải.”

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Hành động trên của Trung Quốc đã không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước trong khu vực mà còn vấp phải sự lên án, chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế. Từ các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ cho đến châu Phi xa xôi, họ đều cho rằng hành vi của Trung Quốc không chỉ đe dọa hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định trên thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới