Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam kéo dài từ đầu tháng 7 cho đến gần cuối tháng 10, khoảng thời gian lâu nhất từ trước đến nay; các tàu của Trung Quốc ra rồi lại vào vùng biển của Việt Nam 4 lần trong gần 4 tháng và có xu hướng ngày càng xâm nhập sâu hơn vào vùng biển Việt Nam, lúc gần nhất cách bờ biển Việt Nam chưa đến 100 hải lý. Trước hết, cần phân tích nguyên nhân việc làm của Trung Quốc.
Thứ nhất, đây rõ ràng là hành vi trả đũa của Trung Quốc đối với việc Việt Nam kiên trì triển khai dự án hợp tác dầu khí với công ty Rosneft (Nga) tại khu vực lô 06-1. Bắc Kinh đang cố gắng và chứng tỏ họ có thể kiểm soát khu vực Biển Đông, thậm chí cả ở những nơi rất gần bờ biển Việt Nam. Trung Quốc đã quyết định thực hiện hành vi xâm lấn sau khi Việt Nam cho phép công ty Rosneft (Nga) và các đối tác Nhật Bản khoan dầu khí ở khu vực lô 06-1 mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố là nằm trong “đường lưỡi bò” phi pháp. Ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Malaysia với cùng lý do.
Thứ hai, so với trước đây, Trung Quốc đã mạnh hơn ở Biển Đông. Các căn cứ mà nước này xây dựng phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa trở thành nơi trú ngụ, tiếp tế cho các tàu của Trung Quốc, cho phép nhiều tàu hơn tham gia vào hoạt động vi phạm và tiếp nhiên liệu mà không phải quay về cảng ở Trung Quốc (cách khu vực này 600-700 hải lý). Điều này khá khác biệt so với tình hình 5 năm trước khi mà Trung Quốc còn đang trong quá trình bồi đắp, mở rộng và bố trí lực lượng quân sự trên các cấu trúc họ chiếm đóng ở Trường Sa. Thực tế thời gian qua cho thấy, đá Chữ Thập đã trở thành nơi tiếp tế cho các tàu Trung Quốc xâm lấn vùng biển Việt Nam.
Mục tiêu của Trung Quốc là buộc Việt Nam phải khuất phục, dừng các hoạt động hợp tác dầu khí với các nước bên ngoài khu vực, đúng như nội dung mà Trung Quốc đã đòi đưa vào Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong đàm phán với ASEAN. Việt Nam kiên cường triển khai hoạt động dầu khí không chấp nhận lùi bước, nhưng căng thẳng ở Biển Đông vẫn kéo dài. Các tàu của Trung Quốc chỉ rút khỏi vùng biển Việt Nam khi các hoạt động khoan ở lô 06-1 kết thúc, giàn khoan rút khỏi khu vực.
Một số người cũng đặt câu hỏi muốn ngăn cản hoạt động dầu khí của Việt Nam tại lô 06-1, tại sao Trung Quốc không cho các tàu của họ đâm va phá hoại giàn khoan.Trung Quốc không dám làm như vậy bởi Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý ở khu vực này. Nếu Trung Quốc manh động, gây va chạm phá hoại giàn khoan thì họ chính là kẻ xâm lược vì đây là một dự án hợp tác với công ty Rosneft (Nga) và các đối tác Nhật Bản, cả hai nước này đều không thể để yên nếu Trung Quốc manh động gây tổn hại cho doanh nghiệp họ. Cách làm của họ là gây sức ép, uy hiếp để Việt Nam phải tự rút lui. Nhưng Việt Nam và các đối tác Nga, Nhật cũng quyết không lùi bước.
Mặt khác, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan là Trung Quốc không muốn xảy ra xung đột với Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bắc Kinh hiểu rằng nếu các tàu Trung Quốc đâm va phá hoại giàn khoan có thể sẽ dẫn đến xung đột, trong khi Trung Quốc vẫn cần quan hệ với Việt Nam để không đẩy Việt Nam sang phía Mỹ.
Cuối cùng, các tàu của Trung Quốc cũng rút, nhưng mục tiêu của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông và không cho các nước khác hợp tác với các nước ven Biển Đông trong khai thác dầu khí nên hiện tại chỉ là thời điểm họ tạm dừng để củng cố lợi ích, chuẩn bị cho các bước leo thang mới nghiêm trọng hơn. Cách làm lâu nay của Trung Quốc là “lùi một bước, tiến 2 bước”, những hành động tiếp theo của họ bao giờ cùng hung hăng, hiếu chiến hơn trước.
Các hành động khiêu khích của các tàu chấp pháp Trung Quốc và điều tàu khảo sátđịa chất vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lặp đi lặp lại cho thấy Trung Quốc tiếp tục theo đuổi yêu sách “đường lưỡi bò” của họ ngay cả khi việc này có nguy cơ làm bất ổn hơn nữa tình hình ở Biển Đông. Song có lẽ ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc chỉ đẩy tình hình tới mức căng thẳng chứ Trung Quốc không đẩy tình hình đến mức xung đột.
Một mặt, “đâm dao” vào sau lưng Việt Nam thông qua các hành động xâm lấn vùng biển của Việt Nam, mặt khác Trung Quốc vẫn chủ động thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, vẫn tiếp tục đề nghị Việt Nam giải quyết nội bộ vấn đề không để ảnh hưởng đến cái gọi là “đại cục” quan hệ hai nước. Cách làm của họ là vừa đe dọa, cưỡng ép, vừa dụ dỗ, tranh thủ. Rõ ràng họ đang sử dụng thành thạo “cây gậy và củ cà rốt” với Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục lợi dụng hơn nữa các căn cứ quân sự, các cơ sở hạ tầng ở Biển Đông mà nước này xây dựng trái phép để phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy sức mạnh lớn hơn trong khu vực, trong đó có việc xâm lấn vùng biển của các nước láng giềng nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Còn trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc sẽ ráo riết nâng cao vị thế của mình bằng cách lợi dụng sự khác biệt trong lợi ích và quan điểm của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông.
Trong thời gian đàm phánBộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực và tiếp tục các hành vi hung hăng, hiếu chiến ở Biển Đông trước khi COC ra đời, để tạo việc đã rồi. Nói cách khác, trước khi có nhiều quy định khác được đưa ra, Trung Quốc đang tìm mọi cách để củng cố lợi thế chỗ đứng vũng chắc cho họ ở Biển Đông.
Cùng với việc tiếp tục tăng cường quân sự hóa các cấu trúc mà nước này chiếm đóng, xây dựng phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đang treo lơ lửng một “củ cà rốt” thông qua thương mại, đầu tư và cơ sở hạ tầng với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Một thực tế là hiện tại còn có nhiều khác biệt giữa các nước thành viên ASEAN trong mối quan tâm đến vấn đề Biển Đông và lợi ích kinh tế với Trung Quốc, cũng như nhận thức khác nhau đối với vai trò của các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Điều này tạo cơ hội cho Bắc Kinh khai thác các vấn đề nội bộ của ASEAN, phân hóa, lôi kéo, chia rẽ các nước ASEAN.
Để ngăn cản Trung Quốc tái diễn hành vi hiếu chiến thực hiện ý đồ khống chế Biển Đông, ASEAN nhất thiết phải có chung tiếng nói chống lại sự hung hăng của nước này.Tất nhiên, tiếng nói của một ASEAN thống nhất cần phải kết hợp với các hành động của các cường quốc ngoài khu vực được tất cả các quốc gia thành viên ASEAN ủng hộ.
Tuy nhiên, để có được điều này là không dễ dàng bởi lẽ Trung Quốc đã và đang sử dụnghiệu quả “củ cà rốt” thương mại, đầu tư, tài chính để lôi kéo được một vài nước ASEAN mà tiêu biểu là Cămpuchia đã ngả hẳn về phía Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Thậm chí, do tác động của “củ cà rốt” mà Trung Quốc đưa ra, Philippines – một nước có tranh chấp trên Biển Đông lớn thứ 2 (sau Việt Nam) với Trung Quốc cũng đã bị dao động, lung lay quan điểm của mình trên vấn đề Biển Đông mặc dù chính họ là tác giả vụ kiện Biển Đông hồi năm 2013.
Năm 2020, Việt Nam vừa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hà Nội có thể làm gì để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông và đóng góp vào việc duy trì hòa bình ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Để phát huy vai trò của mình trong đoàn kết ASEAN trên vấn đề Biển Đông và tranh thủ sự ủng hộ của các nước ngoài khu vực và cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông, Hà Nội cần có cách tiếp cận thực tế với “củ cà rốt” mà Bắc Kinh luôn đưa ra, tránh xa và cần thoát ra khỏi cái “cạm bẫy” nguy hiểm này; thẳng thắn vạch trần những mưu đồ và hành vi sai trái của Bắc Kinh ở Biển Đông cả trong khuôn khổ ASEAN lẫn tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Việt Nam là nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông và cũng là nước luôn bị Trung Quốc chĩa mũi nhọn gây hấn. Nếu Hà Nội không đi đầu dẫn dắt trên vấn đề Biển Đông thì cũng chẳng có ai làm hộ.