Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNổ tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông: Thông tin không xác...

Nổ tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông: Thông tin không xác thực

Trong những ngày qua, nhiều cơ quan thông tấn, truyền thông (22/11) đưa tin về vấn đề phóng xạ hạt nhân tại Biển Đông, cho rằng có khả năng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc bị nổ. Tuy nhiên, giới chức Nga, Mỹ đã bác bỏ thông tin trên.

Nghi vấn sự cố hạt nhân ở Biển Đông

Một số hãng tin cho rằng đã xảy ra một vụ nổ lớn tương đương lượng thuốc nổ từ 10 – 20 kiloton (tương đương 10.000 – 20.000 tấn TNT) ở độ sâu khoảng 50m được ghi nhận tại Biển Đông. Sự gia tăng mức độ phóng xạ được báo cáo ở Trung Quốc và Đài Loan. Thôn tin trên được trích dẫn từ thông báo của Cơ quan giám sát Đại dương thế giới, thời điểm xảy ra vụ nổ được hệ thống cảm biến xác nhận vào lúc 18h22 giờ Đông Mỹ (06h22 giờ Việt Nam). Tuy nhiên, các cơ quan khảo sát địa chất không ghi nhận được bất cứ trận động đất nào tại khu vực này.

Tờ The Moscow Times dẫn báo cáo của Cơ quan giám sát và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cộng đồng liên bang Nga (Rospotrebnadzor) nêu rõ, nồng độ phóng xạ ở khu vực Biển Đông đang có chiều hướng gia tăng trong tuần vừa qua. Hiện tại, cơ quan này đang tăng cường giám sát hiện tượng. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào xác nhận thông tin sự cố hạt nhân nêu trên, hay mối liên quan giữa sự cố này với hiện tượng phóng xạ tăng cao ở Biển Đông.

Trong khi đó, có thông tin cho rằng “một chiếc tàu ngầm nguyên tử phát nổ ở ngoài khơi Trung Quốc, dẫn đến việc phóng xạ được ghi nhận ở 3 quốc gia. Sức mạnh của vụ nổ xảy ra ở độ sâu 50 mét”; cho rằng với sức mạnh của vụ nổ chắc chắc không phải là vũ khí tiêu chuẩn của tàu ngầm được kích hoạt. Nhiều trang mạng nhận định, nếu thực sự tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đã phát nổ dưới đáy biển thì khả năng cao đây là một tàu ngầm chiến lược Type 094 lớp Tấn. Tàu ngầm hạt nhân Type 094 bắt đầu phục vụ trong Hải quân Trung Quốc từ năm 2007 để thay thế những chiếc Type 092 lạc hậu hoạt động từ năm 1978. Type 094 Tấn có chiều dài 135 m, lượng choán nước 11.000 tấn khi lặn và hiện đại hơn rất nhiều xét về mọi phương diện nếu so với người tiền nhiệm. Mỗi tàu mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL-12 với tầm bắn 7.500 – 8.000 km. Tên lửa JL-2 sử dụng nhiên liệu rắn là phiên bản dựa trên loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-31, cho phép tàu ngầm Type 094 tấn công nhiều địa điểm trên đại lục nước Mỹ từ gần bờ biển Trung Quốc. Tàu ngầm Type 094 được quảng cáo là có khả năng tàng hình nhằm cải thiện khả năng sống sót nếu so với tàu tiền nhiệm. Các tàu ngầm cũ hơn của Trung Quốc hiếm khi rời vùng biển lãnh hải của nước này mặc dù có tầm hoạt động lớn, vì khả năng sống sót kém trước các hệ thống chống ngầm ngày càng tinh vi của đối thủ. Ngoài tên lửa đạn đạo chiến lược, tàu ngầm hạt nhân Type 094 còn được trang bị một số vũ khí chiến thuật cơ bản, ví dụ 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm. Mặc dù tàu ngầm Type 094 khá đáng sợ, sở hữu một trong số các loại tên lửa đạn đạo phóng từ dưới nước uy lực hàng đầu thế giới nhưng chúng vẫn bị xem là kém xa về độ hiện đại và tinh vi nếu so với các tàu ngầm tương tự của Nga hay Mỹ về năng lực tàng hình, hệ thống định vị thủy âm cũng như số lượng tên lửa mang theo.

Trang IndoPacific_SCS_Info thậm chí đặt nghi vấn trên Twitter: “Hay là Trung Quốc đã cho kích nổ một thiết bị hạt nhân chiến thuật để gửi cảnh báo tới Mỹ vì vụ Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong, một động thái mà Trung Quốc xem là ‘cuộc tấn công’ vào công việc nội bộ của nước này?”. Trang này nói rằng khu vực xảy ra vụ nổ là nơi có sự xuất hiện dày đặc các tàu ngầm Trung Quốc thuộc đủ loại, gồm tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN). Tuy nhiên, trang Gizmodo Australia dẫn lời các chuyên gia khẳng định Chính phủ Trung Quốc gần như chắc chắn không bí mật kích nổ một vũ khí hạt nhân chiến thuật nào đó ở Biển Đông để gửi cảnh báo tới Mỹ như dân mạng đồn thổi. Theo trang này, nguồn gốc của tin đồn dường như đến từ Hal Turner, người dẫn chương trình radio và là một nhà bình luận chính trị ở New Jersey, Mỹ.

Trước đó, một bài đăng trên trang web của ông Hal Turner (Halturnerradioshow.com) tuyên bố rằng “các nguồn tin quân sự” không xác định tuyên bố vào khoảng 18h22 ngày 20/11 theo giờ bờ Đông Mỹ, một vụ nổ hạt nhân đã xảy ra ở độ sâu 50m dưới Biển Đông. Trang Halturnerradioshow.com viết rằng vụ nổ “đã gây ra một trận sóng xung kích dưới nước đột ngột” và có sức mạnh “10 – 20 kiloton”. Sau đó, bài viết trên trang này còn cập nhật thêm tuyên bố nói rằng Mạng lưới giám sát môi trường toàn cầu uRADMonitor đã phát hiện bức xạ “đáng kể” ở vùng biển phía Nam Trung Quốc, thậm chí gần với Hong Kong và đảo Đài Loan.

Hãng Ryukyu Simpo (18/11) cũng đưa tin về việc một cư dân Nhật Bản phát hiện ra khối hình trụ có dòng chữ “thanh nhiên liệu Uranium” gần bờ biển trên đảo Miyako, thuộc tỉnh Okinawa. Lực lượng chức năng Nhật Bản sau đó tiến hành di chuyển khối trụ chứa phóng xạ trên về khu vực xử lý. Lực lượng quân sự Nhật Bản (19/11) cũng tiến hành đo mức độ phóng xạ tại khu vực Miyako, nhưng không có biểu hiện nào bất thường về sự gia tăng phóng xạ.

Giới chuyên gia bác bỏ khả năng nổ hạt nhân

Một chuyên gia về an toàn bức xạ giấu tên nói với Gizmodo rằng những số liệu của uRADMonitor dường như phản ánh mức “bức xạ phông thông thường” và gọi các tuyên bố này là “sự suy đoán thiếu căn cứ”. Chuyên gia này cũng cảnh báo uRADMonitor không phải là nguồn đáng tin. Trong khi đó, ông Robert Rosner, nhà khoa học tại Đại học Chicago (Mỹ), lại nói rằng không có chuyện có thể xác định một vụ nổ hạt nhân dưới mặt nước dựa vào các thiết bị dò tìm trên mặt đất. Ông cũng nói rằng “không có ai ngốc đến mức tiến hành một vụ thử nghiệm như vậy ở Biển Đông”. Ông Rosner nói thêm khu vực Biển Đông hiện đang là nơi người ta giám sát chặt chẽ các hoạt động địa chấn, sau những vụ sóng thần chết chóc như vụ động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương hồi năm 2004. Một vụ nổ mạnh tới 10 – 20 kiloton “chắc chắc sẽ đáng chú ý”.

Trong khi đó, ông Greg Poling, Giám đốc Sáng Kiến Minh bạch Hàng Hải, trang chuyên theo dõi tình hình Biển Đông, nói rằng mọi người nên loại bỏ tin này trừ khi có những nguồn đáng tin cậy để kiểm chứng; cho rằng vụ nổ có thể chỉ là tin đồn do trang thông tin của thành phần chính trị cực hữu Mỹ đưa ra.

Các nước bác bỏ thông tin trên

Trang tin South China Morning Post (23/11) trích lời một giới chức quân sự Mỹ không nêu tên cho biết thông tin trước đó lan truyền trên mạng và một số báo cho rằng có một vụ nổ ở Biển Đông là không đáng tin.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergei Naryshkin cho biết Moscow hiện không có thông tin đáng tin cậy nào về việc một vụ nổ hạt nhân đã xảy ra dưới đáy Biển Đông. Ông nói thêm rằng Nga vẫn đang tìm hiểu tính xác thực của thông tin này thông qua nhiều nguồn khác nhau. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Liên bang Nga Dmitry Kobylkin cho biết không có thông tin về vụ nổ ở khu vực Biển Đông, các chuyên gia Nga đã không đến đó.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cũng trích dẫn một số tin liên quan vụ việc, đồng thời phủ nhận tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc bị nổ ở Biển Đông; chi trích đây là thông tin bịa đặt, vu cáo Trung Quốc của các nước phương Tây, nhất là Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới