Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ kiểm soát mạng lưới điện quốc gia Philippines: Manila không thoát...

TQ kiểm soát mạng lưới điện quốc gia Philippines: Manila không thoát khỏi “móng vuốt” của Bắc Kinh

Chủ tịch Tập đoàn Truyền tải quốc gia của Philippines (TransCo) Melvin Matibag xác nhận rằng có “khả năng” xảy ra tình huống Manila mất điện lưới hoàn toàn do Trung Quốc cắt cầu dao tổng.

Tại cuộc thảo luận ở Thượng viện Philippines (20/11), các thượng nghị sĩ Philippines đã kêu gọi một cuộc điều tra về an ninh khi Trung Quốc sở hữu một phần mạng lưới năng lượng của Philippines và có khả năng khiến quốc gia Đông Nam Á này chìm trong bóng tối với chỉ một chiếc công tắc. Thượng nghị sĩ đối lập thuộc đảng Tự do, bà Risa Hontiveros lần đầu bày tỏ sự quan ngại về phạm vi kiểm soát mạng điện Philippines của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang về tranh chấp chủ quyền của hai quốc gia trên Biển Đông. Bà Risa Hontiveros nhận định, Trung Quốc đang nắm giữ một phần cuộc sống hằng ngày của chúng ta mỗi phút, mỗi giờ, mỗi lúc, khi hoạt động của hệ thống được điều khiển và quản lý bởi các kỹ sư Trung Quốc… Quả thực, đó là một sức mạnh lớn. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ai đó ở Bắc Kinh ngắt mạng điện. Theo Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, hệ thống của tập đoàn Nari cũng phân phối các nền tảng giám sát điều khiển từ xa cho mạng lưới điện ở Kenya, Indonesia và Thái Lan. Điều này có thể là nguồn đảm bảo về tính an toàn của hệ thống hoặc ngược lại, là bài học cảnh báo quan trọng cho Philippines.

Các quan chức năng lượng Philippines cho biết, trong kịch bản Trung Quốc tắt mạng lưới điện của nước này, phía Manila sẽ mất 24 – 48 giờ đồng hồ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình hình để giành lại được quyền kiểm soát và khởi động lại mạng lưới điện bằng tay. Các báo cáo của phương tiện truyền thông Philippines gần đây cho rằng chỉ các kỹ sư nước ngoài mới có thể khắc phục sự cố, vận hành và kiểm soát mạng lưới điện của NGCP, do hệ thống giám sát và điều khiển từ xa, được đặt tại trụ sở của Tập đoàn Nari ở Nam Kinh, Trung Quốc. Trong khi các nguồn tin khác nói rằng phần quy trình hướng dẫn sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc và các kỹ sư người Philippines không thể vận hành hệ thống.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng của Thượng viện Sherwin Gatchalian, một người Philippines gốc Hoa – người được giao trọng trách đảm bảo ngân sách chính phủ tại cơ quan năng lượng cho rằng: “Tôi đã được chủ tịch TransCo thông báo rằng họ đã nghiên cứu khả năng này, và có thể vận hành đường truyền bằng tay. Việc Bắc Kinh có thể kiểm soát mạng lưới điện là có cơ sở, nhưng năng lực kỹ thuật TransCo có thể giải quyết được việc này. Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia an ninh quốc gia và Hội đồng An ninh quốc gia để đảm bảo họ có kế hoạch dự phòng”; đồng thời nhắc lại với các nhà lập pháp rằng một điều khoản trong thỏa thuận nhượng quyền trao cho Tổng thống Philippines quyền đòi lại tất cả tài sản năng lượng trong trường hợp “người dân gặp nguy” và an ninh quốc gia sẽ “được bảo vệ 100%”. Sau khi tham vấn ý kiến với giới chức ngành năng lượng trong phiên họp Thượng viện, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Gatchalian cho biết hệ thống điện của TransCo vận hành được bởi Scada và có thể điều khiển từ xa. Scada, viết tắt của cụm từ kiểm soát giám sát và thu thập dữ liệu, một hệ thống máy tính được sử dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau thực hiện nhiệm vụ theo dõi và kiểm soát theo thời gian thực. Ông Gatchalian nói thêm rằng quy trình hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Trung đã được dịch sang tiếng Anh và cho biết các kỹ sư người Philippines đang vận hành lưới điện. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Miguel Zubiri nói rằng điều khoản chỉ áp dụng với điều kiện “khi chúng ta không bị xâm lược”. “Nếu chúng ta bị xâm lược và họ ngắt hết điện, đó sẽ là vấn đề”.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Tập đoàn lưới điện nhà nước Trung Quốc hiện nắm giữ 40% cổ phần của Tập đoàn Lưới điện quốc gia Philippines (NGCP), một công ty tư nhân liên doanh, nhượng quyền thương mại vận hành mạng lưới điện năng hồi năm 2009. Tập đoàn Truyền tải quốc gia của Philippines (TransCo) trước đây là bên vận hành hệ thống điện và giờ có nhiệm vụ giám sát NGCP, tuy nhiên trên thực tế việc tiếp cận của TransCo với “quyền truy cập hệ thống hiện tại là hạn chế”.

Đáng chú ý, thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh người dân Philippines đang ngày càng “chán ghét” Trung Quốc. Theo kết quả thăm dò mới cho thấy niềm tin của người Philippines với Trung Quốc giảm từ mức “kém” (poor) xuống mức “tệ hại” (bad), với “điểm tin tưởng” là -33 vào tháng 9/2019. Mức này kém hơn 9 điểm so với kết quả được công bố hồi tháng 6. Mỹ vẫn được người dân Philipines rất tin tưởng với mức điểm +72, không khác nhiều so với mức +73 hồi tháng 6/2019. Cuộc khảo sát trên do hãng thăm dò Social Weather Stations (SWS) thực hiện. Khảo sát được thực hiện từ ngày 27 đến 30/9, thông qua các phỏng vấn trực diện với 1.800 người trưởng thành tuổi từ 18 trở lên trên toàn quốc. SWS yêu cầu người tham gia cho biết mức độ tin tưởng của họ đối với mỗi nước theo các mức: Tin tưởng rất nhiều, Tin tưởng khá nhiều, Không rõ, Tin tưởng khá ít, Tin tưởng rất ít, hoặc Chưa bao giờ nghe/đọc về nước này.

Giai đoạn gần đây, Chính quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte liên tục bị quan chức, người dân lên tiếng chỉ trích vì không dám bảo vệ chủ quyền và lợi ích của người dân ở Biển Đông, trước những hành động ngang ngược, phi lý của Trung Quốc. Tình trạng căng thẳng đã tạo ra nhiều mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ Philippines, khiến nước này đang dần tạo ra 2 phe phái có quan điểm khác nhau trong vấn đề Biển Đông. Về phe ủng hộ quan điểm làm thân với Trung Quốc để đổi lấy tài chính, chủ yếu là do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cầm đầu, người được cho là đã làm thay đổi cục diện tranh chấp ở Biển Đông. Trong một thời gian ngắn gần đây, ông Duterte đã đưa ra nhiều tuyên bố thể hiện “thiện chí” và quyết tầm “làm bạn” với Trung Quốc bằng mọi giá, bao gồm cả việc đánh đổi chủ quyền ở Biển Đông. Trong khi đó, Những người ủng hộ ông Duterte chủ yếu là thành viên Nội các của Chính phủ, họ thường đưa ra các tuyên bố ủng hộ chính sách của Tổng thống Philippines và tìm cách biện minh cho chính sách của Philippines liên quan vấn đề Biển Đông. Một số quan chức cấp thấp hơn cũng đưa ra những tuyên bố rất vô trách nhiệm, chỉ nhằm lấy lòng Trung Quốc. Cố vấn An ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr. (30/5) tuyên bố Chính quyền Tổng thống Duterte không từ bỏ Phán quyết của Tòa Trọng tài, khẳng định Philippines sẽ “tận dụng đầy đủ lợi thế của Phán quyết, thậm chí kể cả khi Trung Quốc từ chối công nhận Phán quyết, để làm cơ sở thực thi chủ quyền và quyền tài phán đối với các cấu trúc nằm trong lãnh hải của Philippines”. Việc Chính phủ Philippines tạm gác Phán quyết sang một bên là nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực thông qua các hoạt động ngoại giao. Nhìn chung, quan điểm của nhóm này là tìm mọi cách xoa dịu và làm lành với Trung Quốc để đổi lấy viện trợ và đầu tư thương mại từ Bắc Kinh. Chính từ quan điểm như vậy, nhóm này đã vấp phải sự phản ứng mạnh của người dân trong nước, cũng như các quan chức Chính phủ tiền nhiệm.

Về phe phản đối chính sách của Chính phủ Tổng thống Duterte trong vấn đề Biển Đông. Xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích và chủ quyền của Philippines trong khu vực, nhiều cựu quan chức Philippines đã thể hiện thái độ bất bình, yêu cầu Chính quyền của ông Duterte phải có những hành động cứng rắn, kiên quyết hơn trước những hành động phi pháp, hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông. Cựu Ngoại trưởng PhilippinesAlbert del Rosario (16/7) khẳng định các cuộc thảo luận song phương với Trung Quốc về việc giải quyết tranh chấp giữa hai bên sẽ không bao giờ có kết quả, thay vào đó cần tìm đến một cơ chế đa phương khác. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Albert del Rosario (4/6) lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã để mất chủ quyền lãnh thổ của nước này ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc giành được quyền kiểm soát trên thực tế đối với Đá Sandy vào cuối năm 2017, đồng thời kêu gọi chính quyền đưa ra “một phản đối thực sự mạnh mẽ” đối với hành động này của Trung Quốc. Một nhóm các sỹ quan quân đội nghỉ hưu của Philippines (Nhóm Vì Lợi ích quốc gia – 10/7) đã lên tiếng hối thúc chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte triển khai các biện pháp “quyết liệt hơn” để bảo vệ các quyền của nước này trên Biển Đông. Tuy nhiên, cựu Đại tướng nghỉ hưu Ramon Farolan của Không lực Philippines nhấn mạnh Chính phủ cần đảm bảo an toàn cho các nhóm tiếp viện của Hải quân Philippines trên Bãi Cỏ Mây và bãi Scarborough trước nguy cơ có thể bị phía Trung Quốc gây sách nhiễu.

Các quan chức tư pháp của Philippines liên tục đưa ra những tuyên bố chỉ trích hành động “mềm dẻo” của Chính phủ, đồng thời cảnh báo Philippines có thể sẽ mất chủ quyền ở Biển Đông nếu không có các hành động cứng rắn với Trung Quốc. Thẩm phán Toà án tối cao Philippines Antonio Carpio (12/7) cho rằng Philippines cần ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông bởi những hoạt động này có thể thúc đẩy việc thực thi Phán quyết của Toà Trọng tài. nhấn mạnh “những hoạt động này góp phần thực thi những điểm pháp lý cốt lõi được kết luận từ Phán quyết, đó là sự tồn tại của các vùng biển quốc tế trên Biển Đông, cũng như sự tồn tại của các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông”; đồng thời ông kêu gọi Tổng thống Duterte cần đảm bảo quân đội Philippines sẽ tiến hành tuần tra trên biển và trên không ở vùng đặc quyền kinh tế của nước này một cách thường xuyên và những hoạt động này cũng sẽ góp phần cản trở Trung Quốc hiện thực hoá tham vọng biến Biển Đông thành vùng biển riêng của mình. Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề biển và Luật biển, Đại học Philippines (12/7) cho rằng Philippines cần thay chính sách hoà dịu hiện nay bằng một chính sách tích cực và chủ động hơn, không tiếp cận theo hướng hiếu chiến mà sẽ tiếp cận một cách nghiêm túc “dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng”. Ông Batongbacal cho rằng Chính quyền của ông Duterte cần có những hành động “thể hiện một số nội dung cốt lõi” trong chính sách đối ngoại hiện nay của mình đồng thời cũng để chứng minh rằng chính sách đối ngoại là nhằm phục vụ cho lợi ích của người Philippines chứ không phải vì Trung Quốc. Trong khi đó, cựu Luật sư trưởng Philippines Florin Hilbay (12/6) cho rằng mặc dù hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc ở Trường Sa có thể đã được bắt đầu từ chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino song chỉ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền, hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc đối với các cấu trúc tranh chấp mới diễn ra một cách rầm rộ.

Trong khi đó, người dân Philippines đang ngày càng mất niềm tin đối với Chính phủ trong vấn đề Biển Đông. The Philippine Star (13/7) đưa tin, theo kết quả khảo sát mới nhất của Công ty Pulse Asia, có 73% người dân Philippines mong muốn chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định các quyền trên biển của nước này ở Biển Đông.

Nhìn chung, việc chính quyền Tổng thống Philippines Duterte bất chất sự phản đối của người dân trong nước cũng như sự quan ngại, chỉ trích của cựu quan chức chính phủ tiền nhiệm để kết thân với Trung Quốc, gác lại chủ quyền ở Biển Đông, nhằm đổi lấy lợi ích kinh tế khiến chính trường Philippines bắt đầu rơi vào thế mâu thuẫn, mất đoàn kết. Việc này sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực, gây mất ổn định cho an ninh quốc gia của Philippines, cũng như sự đoàn kết, tin tưởng và ủng hộ của người dân đối với Chính phủ của Tổng thống Duterte. Trong khi đó, để công ty Trung Quốc kiểm soát mạng lưới điện quốc gia của Philippines sẽ là hành động liều lĩnh và Manila sẽ phải trả giá đắt khi Bắc Kinh dùng “con bài này” để mặc cả, gây sức ép trong vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới