Phát biểu gần đây của nhà ngoại giao Mỹ chỉ trích các dự án thuộc sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc tại Pakistan đã khiến Bắc Kinh đáp trả lại bằng phản ứng giận dữ.
Dự án Vành đai – Con đường của Trung Quốc tại Pakistan đang bị Mỹ chỉ trích. Ảnh: Nikkei.
Tấn công trực diện vào Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan
Phát biểu tại Trung tâm Wilson ở Washington vào ngày 21/11, Alice Wells, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khu vực Nam Á các dự án trị giá 62 tỷ USD, có tên gọi là Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) thiếu minh bạch, đã phát sinh sự leo thang chi phí vô lý và tạo ra “bẫy nợ” với Pakistan.
Phát biểu của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đánh dấu lần đầu tiên một quan chức chính phủ cấp cao của Mỹ tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp và toàn diện vào CPEC.
Bà Wells cho rằng các hợp đồng cho các dự án liên quan đã được trao cho các công ty Trung Quốc một cách mờ ám; các công ty Trung Quốc đã đem theo cả lao động và nguyên liệu thô cho dự án CPEC vào Pakistan, và do đó không đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Pakistan.
“Việc thiếu minh bạch có thể làm tăng chi phí CPEC và thúc đẩy tham nhũng, dẫn đến gánh nặng nợ thậm chí còn nặng nề hơn đối với Pakistan,” nữ Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói.
Bà cũng chỉ ra sự gia tăng chi phí của dự án Đường sắt chính (Mainline-1) từ 6,2 tỷ USD lên 9 tỷ USD và khuyến khích công dân Pakistan đặt câu hỏi cứng rắn với Bắc Kinh về tính minh bạch của các dự án.
Bắc Kinh đã nhanh chóng phản ứng lại lời chỉ trích bà Wells. Yao Jing, Đại sứ Trung Quốc tại Islamabad, đã bác bỏ những lời chỉ trích và đặt câu hỏi Mỹ đã ở đâu khi Pakistan cần giúp đỡ.
Đại sứ Trung Quốc mô tả nhận xét của Wells là một nỗ lực nhằm phá vỡ sự phát triển của CPEC và gieo rắc bất hòa trong quan hệ Trung Quốc – Pakistan.
Pakistan cũng bác bỏ những lời chỉ trích. Trong một tuyên bố do Bộ Kế hoạch Pakistan ban hành, Pakistan đã bác bỏ ý kiến của Wells là “những khẳng định dựa trên phân tích sai và đánh giá sai sự thật.”
Áp lực đối với Pakistan
Các chuyên gia cho biết Pakistan và Trung Quốc hiện đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc minh bạch các dự án.
“Phát ngôn của bà Wells thể hiện một phần phản ứng của Mỹ đối với sáng kiến Vành đai – Con đường. Và Pakistan, là thành viên chủ chốt, đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Washington”, Hasaan Khawar, nhà phân tích Chính sách công tại thủ đô Islamabad nói. Ông cũng nói thêm rằng Pakistan đang ở trong tình thế khó khăn vì nước này không thể xa Mỹ hoặc Trung Quốc.
Michael Kugelman, phó giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, cho biết hy vọng của Washington là Islamabad sẽ thấy các tín hiệu cải tổ từ phát biểu đó.
“Phản ứng của Islamabad thực sự rất yếu ớt. Đó là vì họ biết bài phát biểu chủ yếu nhắm vào Trung Quốc”, Kugelman nói với Nikkei Asian Review.
Các chuyên gia cũng xem cuộc tấn công bằng ngôn từ của bà Wells trong bối cảnh Mỹ chỉ trích mô hình phát triển cưa sáng kiến Vành đai – Con đường, và chọn CPEC vì đây là dự án hàng đầu của sáng kiến.
Kugelman nói rằng ông tin rằng bài phát biểu của Wells có thể được coi là một biểu hiện của chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của chính quyền Trump, kêu gọi phát triển kinh tế theo các điều khoản công bằng hơn so với những gì Trung Quốc đưa ra.
Malik Siraj Akbar, một nhà phân tích tại Washington, cho rằng những chỉ trích của Mỹ xuất hiện trong bối cảnh lo ngại rằng Pakistan có thể rơi sâu hơn vào ảnh hưởng của Trung Quốc một khi nước này không trả được các khoản vay liên quan đến các dự án.
Ông nói thêm rằng phát biểu của bà Well là một lời nhắc nhở về việc khai thác các dự án của Trung Quốc mà nhiều người ở Pakistan, bao gồm cả các phương tiện truyền thông quốc gia, mặc dù biết, không thể công khai lên tiếng phản đối.
Đã có nhiều ý kiến công khai về các dự án CPEC nhưng chính phủ Pakistan đã “phớt lờ”. Nhưng phát ngôn của nữ Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ có thể khởi động lại cuộc tranh luận về tính minh bạch của các dự án này.