Hình ảnh chụp vệ tinh của Công ty ImageSat International (ISI) của Israel cho thấy nhiều khả năng Trung Quốc đã đưa khinh khí cầu ra hoạt động trái phép tại đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo thông tin trên, trong số các bức ảnh chụp của Công ty ImageSat International (ISI), có một bức ảnh vệ tinh cho thấy một vật thể hình khinh khí cầu của Trung Quốc xuất hiện tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bức ảnh trên được ISI chụp vào ngày 18.11, là bằng chứng đầu tiên cho thấy Trung Quốc đã triển khai một thiết bị hình khinh khí cầu, mà ISI cho là được sử dụng với mục đích thu thập thông tin quân sự tại khu vực này. ISI nhận định, “khinh khí cầu trong ảnh khả năng cao được sử dụng cho mục đích thu thập thông tin tình báo quân sự. Việc sử dụng khí cầu giúp cho Trung Quốc tiếp tục có được nhận diện liên tục về tình hình ở khu vực giàu tài nguyên này”.
Còn theo báo cáo của tạp chí quân sự Kanwa Asian Defense, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm về máy bay trên không vào năm 2017 trong đó những khinh khí cầu khổng lồ được gắn các radar để giúp phát hiện các máy bay tầm thấp. Những chiếc khinh khí cầu này có thể duy trì ổn định trong một thời gian dài với hiệu quả cao cùng với chi phí thấp, giúp giám sát một khu vực với phạm vi lớn khi các máy bay do thám không được triển khai. Khi được kết hợp với radar mặt đất, vệ tinh và máy bay trinh sát cảnh báo sớm, chúng có thể tạo thành một mạng lưới giám sát toàn diện cho quân đội Trung Quốc. Các thiết bị bay này đang được triển khai tại một số điểm nóng chiến lược của Trung Quốc như biên giới với Bắc Triều Tiên và eo biển Đài Loan. Theo Kanwa Asian Defense, những chiếc khinh khí cầu có thể giám sát cả mục tiêu trên không và các đối tượng mặt đất trong vòng bán kính 300km (186 dặm).
Được biết, đá Vành Khăn là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn Đông 57 hải lý (105,6 km) về phía Đông và cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lý (94,5 km) về phía Nam. Vào tháng 2/1995, Trung Quốc đã ngang nhiên điều tàu đến cưỡng chiếm đá Vành Khăn và kiểm soát đá này cho đến nay.
Năm 2015, Trung Quốc bắt xây một đường băng trên đá này và đến tháng 7/2016 thì một đường băng dài 2.644m, rộng 55m này đã hoàn thành. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã xây dựng ngọn hải đăng, kho bãi, các mái che radar, tháp truyền tín hiệu viễn thông, cảng vận chuyển quy mô lớn… trên đá Vành Khăn. Đến tháng 5/2018, Trung Quốc đã đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B đã được Trung Quốc lắp đặt trên đá Vành Khăn. Tháng 1/2018 Trung Quốc điều hai máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 đến đá Vành Khăn. Tháng 10/2018, Trung Quốc lại khánh thành các trạm khí tượng tại và tuyên truyền rằng mục đích của trạm này là “đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông, phục vụ cho việc quan sát khí quyển và mặt đất cơ bản, thiết bị đo chỉ số ô nhiễm không khí”. Tuy nhiên, đa phần các ý kiến đều tỏ ra lo ngại rằng các cơ sở này sẽ được Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự.
Trong những năm gần đây, nhằm tìm cách kiểm soát vùng trời, vùng biển ở Biển Đông, Trung Quốc đã triển khai nhiều kế hoạch điên rồ, bất chấp luật pháp quốc tế. Đầu tiên phải kể đến hệ thống hệ thống vệ tinh giám sát trên không trái phép của Trung Quốc. Theo đó, Bắc Kinh đã tích cực nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng nhiều hệ thống vệ tinh hiện đại, có tầm quan sát tốt. Ngoài việc phục vụ các mục đích dân sự, hệ thống vệ tinh của Trung Quốc còn được triển khai thành lực lượng trinh sát chiến lược, được sử dụng trong các hoạt động trinh sát, kiểm soát và theo dõi quân sự. Trong đó, việc giám sát, theo dõi phi pháp ở Biển Đông là một trong những mục tiêu chiến lược được Bắc Kinh đặc biệt quan tâm. Giám sát biển được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển vệ tinh của Bắc Kinh, được ưu tiên ở cấp quốc gia và là một trong 8 lĩnh vực quan trọng đã được xác định trong Kế hoạch Phát triển Công nghệ Cao của Nhà nước mang số hiệu 863. Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST) và một cơ quan nhà nước (SOA) có nhiệm vụ thiết kế, phát triển và quản lý các vệ tinh giám sát biển đầu tiên của Trung Quốc. Thời gian vừa qua, quân đội Trung Quốc đã phóng khá nhiều vệ tinh trinh sát biển với khả năng hỗ trợ tác chiến cho tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa phòng không, như các vệ tinh quang – điện tử (EO) cung cấp hình ảnh số; vệ tinh mang rađa mặt mở tổng hợp (SAR) để quan sát ban đêm, cung cấp hình ảnh trong mọi điều kiện thời tiết; vệ tinh tình báo điện tử (ELINT) để xác định vị trí và nhận dạng các tàu bằng phát xạ điện từ. Bắt đầu từ tháng 5/2002, Trung Quốc phóng vệ tinh giám sát biển đầu tiên Hải Dương-1A (HY-1A) lên quỹ đạo. Vệ tinh này theo dõi nhiệt độ và màu sắc nước biển, đồng thời thực hiện cả nhiệm vụ quân sự. Đến tháng 4/2006, Bắc Kinh phóng vệ tinh Dao cảm để đẩy nhanh quá trình kiểm soát, theo dõi ở Biển Đông. Tháng 4/2007, Trung Quốc tiếp tục phóng vệ tinh Hải Dương-1B để giám sát các vùng biển, kể cả các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc. Cùng năm, Bắc Kinh triển khai 3 vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu-1, tuy việc cung cấp dịch vụ ở phạm vi từ 70-140 kinh độ đông và từ 5-55 vĩ độ bắc còn hạn chế nhưng khu vực dẫn đường chính xác tới 20m. Năm 2012, quân đội Trung Quốc đã phóng 11 vệ tinh cảm biến từ xa (remote sensing) mới, 3 vệ tinh thông tin liên lạc và 1 vệ tinh chuyển tiếp để liên lạc với các trạm mặt đất. Trung Quốc cũng đã phóng các hệ thống vệ tinh cảnh giới đại dương hải quân (NOSS) phiên bản thứ ba vào tháng 9/2013. Trong năm 2016, Bắc Kinh phóng vệ tinh “Gaofen3” được trang bị hệ thống radar, có khả năng chụp hình ảnh từ vũ trụ với độ phân giải lên tới 1 mét và hoạt động được trong mọi thời thiết để “giám sát môi trường biển, đảo, đá, tàu và các giếng dầu”. Hiện Trung Quốc đang có kế hoạch sẽ phóng thêm 10 vệ tinh quang học và 15 vệ tinh Hải Dương để tăng cường giám sát Biển Đông. Đáng chú ý, những vệ tinh trên còn có khả năng phân tích mọi vật thể trên vùng biển này một cách chi tiết đến mức có thể xác định được cấu trúc của các con tàu. Song song với việc phóng vệ tinh vào vũ trụ, Trung Quốc cũng xây dựng, đưa vào sử dụng các trạm thu nhận tín hiệu mặt đất, trong đó có trạm đặt tại thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, được lắp đặt hai hệ thống truyền và nhận dữ liệu, lấy thông tin từ hơn 10 vệ tinh gồm: vệ tinh Thực tiễn số 9, vệ tinh Gám sát môi trường và thiên tai, vệ tinh Giám sát tài nguyên số 3… và truyền dữ liệu bằng cáp quang tốc độ cao. Với trạm này, Trung Quốc được cho là có khả năng thu thập dữ liệu qua vệ tinh về khu vực Biển Đông, qua đó, phân tích, dự báo tình hình môi trường, giám sát thiên tai, nghiên cứu tác động biến đổi khí hậu, giám sát trái phép những thay đổi đối với các đảo trên Biển Đông cũng như giúp nước này hoàn thiện trái phép các hệ thống nghiên cứu khoa học như: hệ thống bảo vệ môi trường sinh thái, hệ thống giám sát băng cháy, hệ thống nghiên cứu địa chất đáy biển, hệ thống giám sát tài nguyên nguồn cá…
Tiếp đến là mạng lưới máy bay không người lái giám sát Biển Đông do Bộ Tài nguyên Trung Quốc đang xây dựng để giám sát và chuyển tiếp thông tin từ các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Hệ thống gồm 6 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh siêu âm, 2 vệ tinh radar có thể theo dõi trong thời gian thực về giao thông hàng hải ở Biển Đông và một mạng lưới gồm các drone mang theo máy ảnh độ phân giải cao, phương tiện liên lạc di động đóng vai trò trạm chuyển tiếp vào mạng lưới thông tin hàng hải dựa trên vệ tinh. Các drone hạng nhẹ này sẽ bổ sung cho khả năng viễn thám của các vệ tinh Trung Quốc, thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều mây trong khu vực. Mạng lưới drone cung cấp hình ảnh độ phân giải cao, đa góc và theo thời gian thực. Các xe chuyển tiếp thông tin có thể triển khai đến những nơi thiếu trạm liên lạc mặt đất để nhận tín hiệu gửi về từ drone. Thông tin thu được có thể chuyển lên vệ tinh dưới dạng ảnh tĩnh hoặc phát trực tiếp, cuối cùng sẽ được hiển thị trên màn hình tại sở chỉ huy cách xa hàng nghìn km ở tỉnh Quảng Đông. Văn phòng Bộ Tài nguyên Trung Quốc ngang nhiên cho rằng “chuỗi liên lạc từ các drone giúp chúng tôi tăng cường sự giám sát liên tục đối với Biển Đông và mở rộng phạm vi giám sát của chúng tôi đến những vùng biển xa xôi”; tuyên truyền rằng “hệ thống này đã được sử dụng trong quản lý giao thông hàng hải, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu đáng ngờ, các địa điểm hay xảy ra bất ổn và giám sát biển đảo theo thời gian thực. Mạng lưới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong các trường hợp quan sát thảm họa và ứng phó khẩn cấp”.
Ngoài là, Trung Quốc còn triển khai hệ thống định vị ở Biển Đông. Theo Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, hệ thống định vị trên biển, còn được gọi là UGPS, sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho mạng lưới dưới biển của Trung Quốc, đặc biệt cho các tàu lặn. Hệ thống UGPS sẽ hoạt động dựa trên hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc. Hệ thống Bắc Đẩu do Trung Quốc tự phát triển và sử dụng dịch vụ định vị của nước này, thay vì dịch vụ định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Theo đó, những tín hiệu định vị vô tuyến khó có thể xâm nhập vùng nước sâu. Do vậy, tàu ngầm và thiết bị lặn không người lái không thể dùng những hệ thống vệ tinh định vị hiện có. UGPS sẽ dùng tín hiệu sóng âm thanh thay vì sóng vô tuyến cho việc định vị dưới nước. Tuy vậy, Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải không tiết lộ UGPS sẽ hoạt động hiệu quả ở độ sâu bao nhiêu dưới đáy biển, cũng như mức độ chính xác của hệ thống này. Theo thông tin từ phòng thí nghiệm trên, trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc dự tính xây dựng một vùng ứng dụng UGPS bao trùm 250.000 km2 Biển Đông. Trong khi đó, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, Trung Quốc được cho là đang lên kế hoạch thiết lập một căn cứ ở dưới đáy biển để phục vụ hoạt động quốc phòng và khoa học của tàu ngầm không người lái tại Biển Đông. Nơi đặt căn cứ dưới biển của Trung Quốc có thể nằm ở phần sâu nhất của đại dương (từ 6.000 – 11.000m). Các nhà khoa học ước tính dự án này sẽ tiêu tốn khoảng 1,1 tỷ Nhân dân tệ (160 triệu USD). Các tàu ngầm robot sẽ được triển khai để khảo sát đáy biển, ghi chép thông tin về các sinh vật sống dưới biển và thu thập các mẫu khoáng sản. Đóng vai trò như một phòng thí nghiệm độc lập, căn cứ dưới biển của Trung Quốc sẽ phân tích các mẫu do tàu ngầm thu được và gửi thông tin lên mặt nước.
Trước âm mưu, ý đồ và hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam và các nước đã nhiều lần phản đối hoạt động cải tạo, bồi đắp và quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam khẳng định “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS”. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Các hành động của Trung Quốc không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay.