Trên “đấu trường” Thái Lan, Mỹ đang nỗ lực lấy lại ảnh hưởng, trong khi Trung Quốc muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quân sự.
Tại lễ ký tuyên bố tầm nhìn chung với Mỹ tháng trước, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ngồi lặng lẽ trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh cam kết với Bangkok giữa lúc “những cưỡng ép và hăm dọa từ bên ngoài” đang bao phủ châu Á.
Bình luận viên Philip Heijmans từ Bloomberg nhận định rằng tuyên bố mạnh mẽ này của ông chủ Lầu Năm Góc dường như đang ám chỉ Trung Quốc.
Chưa đầy một tiếng sau, Thủ tướng Prayuth, cựu tư lệnh lục quân Thái Lan, cũng ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Ông cam kết ủng hộ các chính sách quan trọng của Bắc Kinh như Sáng kiến Vành đai Con đường nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn cầu.
Dù cả hai thỏa thuận trên đều không rõ ràng, động thái cân bằng của Thủ tướng Prayuth cho thấy mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với một quốc gia vốn có liên kết quân sự sâu sắc với Mỹ suốt hàng thập kỷ qua.
Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush năm 2003 từng gọi Thái Lan là “đồng minh lớn ngoài NATO”, song mối quan hệ giữa hai nước bắt đầu xấu đi từ năm 2014, sau khi Thái Lan xảy ra cuộc đảo chính quân sự, buộc Washington phải kích hoạt các đạo luật nhằm hạn chế quan hệ quốc phòng với Bangkok cho tới khi nền dân chủ tại nước này được lập lại.
Tận dụng cơ hội quan hệ Mỹ – Thái Lan trở nên lạnh nhạt, Trung Quốc nhanh chóng lấp chỗ trống, tăng cường các cuộc diễn tập quân sự và ký 10 hợp đồng vũ khí lớn, trong đó có thương vụ 1,03 tỷ USD bán ba tàu ngầm diesel – điện cùng 48 xe tăng chiến đấu chủ lực cho Thái Lan.
“Việc thúc đẩy trở lại quan hệ với Mỹ đồng nghĩa Thái Lan đang đặt mình vào vị trí trung tâm trong cuộc chiến địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á”, Paul Chambers, giám đốc nghiên cứu tại Viện Các vấn đề Đông Nam Á ở Chiang Mai, bình luận.
Sau khi Thái Lan tổ chức tổng tuyển cử hồi tháng ba để bầu ra chính phủ dân sự thay cho chính quyền quân sự, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng tìm cách lấy lại vị thế đã mất. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm Bangkok hồi tháng 8 ca ngợi Thái Lan đã “trở về với nền dân chủ”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thúc đẩy chiến lược xuất khẩu vũ khí nước này tới Thái Lan.
Jillian Bonnardeaux, phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok, cho rằng các thương vụ vũ khí lớn của Mỹ đều “rõ ràng, minh bạch” và “không giống như Nga hay Trung Quốc”. Bà thêm rằng những vũ khí và chương trình viện trợ từ các đối thủ của Mỹ “hiếm khi chuyển giao năng lực đúng như quảng cáo, thay vào đó chỉ khiến bên mua mắc nợ với những hệ thống không thể hoạt động”.
Thái Lan hồi tháng 8 thông báo sẽ nhận 70 xe bọc thép Stryker trước cuối năm nay theo chương trình Mua sắm Quân sự Nước ngoài của Mỹ. Họ cũng có kế hoạch mua thêm 50 chiếc nữa. Đến tháng 9, quân đội Thái Lan cho hay đang mua 8 trực thăng trinh sát tấn công hạng nhẹ AH-6i trong một hợp đồng trị giá 138 triệu USD với Mỹ.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại lễ ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung Mỹ – Thái Lan 2020 ở Bangkok hồi tháng trước. Ảnh: Bangkok Post. |
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Thái Lan còn mở rộng sang các cuộc diễn tập quân sự trong những năm gần đây. Thái Lan tiếp tục tổ chức cuộc diễn tập “Hổ mang Vàng” với thủy quân lục chiến Mỹ. Đây là cuộc diễn tập lớn nhất ở châu Á và năm nay quy tụ 29 nước tham gia, trong đó có 4.500 binh sĩ Mỹ và vài chục binh sĩ Trung Quốc.
Cùng lúc, Thái Lan tham gia nhiều cuộc diễn tập quân sự chung với Trung Quốc hơn so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, theo Ian Storey, chuyên gia cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak. Ban đầu chỉ là các cuộc diễn tập hỗ trợ nhân đạo và rà phá bom mìn vào năm 2005, nhưng gần đây đã mở rộng sang cả diễn tập hàng hải và hàng không.
“Mọi hành động của chúng tôi đều hướng tới sự cân bằng. Chúng tôi không thể chọn phe, chúng tôi phải thân thiện với tất cả mọi người”, Raksak Rojphimphun, giám đốc chính sách và kế hoạch thuộc Bộ Quốc phòng Thái Lan, tháng trước phát biểu bên lề hội nghị bộ trưởng quốc phòng khu vực ở Bangkok. “Chúng tôi là một nước nhỏ. Chúng tôi không thể chọn bạn của mình”.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), doanh số bán vũ khí truyền thống của Trung Quốc đã tăng từ 644 triệu USD năm 2008 lên 1,04 tỷ USD năm 2018. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa là gì so với Mỹ, quốc gia có doanh số xuất khẩu vũ khí hàng năm đạt trung bình 9 tỷ USD trong vòng 10 năm qua. Chỉ tính riêng năm 2018, xuất khẩu vũ khí của Mỹ đạt 10,5 tỷ USD.
Với Thái Lan, nước có chi tiêu quốc phòng thường niên khoảng 7,7 tỷ USD, Trung Quốc có lẽ vẫn là nhà cung cấp một số loại vũ khí rẻ hơn so với Mỹ. Giờ đây, với tư cách nhà xuất khẩu vũ khí thứ 5 thế giới, Trung Quốc phần lớn bán vũ khí cho các nước láng giềng, trong đó châu Á chiếm 75% tổng số hợp đồng, trong đó Pakistan, Bangladesh và Myanmar là ba khách hàng lớn nhất.
Đông Nam Á cũng là thị trường ngày càng mở rộng trong lĩnh vực quốc phòng. Theo Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu tại SIPRI, việc Mỹ giảm cam kết với châu Á đã đẩy các nước trong khu vực xích lại gần hơn với Trung Quốc. “Mỹ ngày càng trở thành một đối tác kém tin cậy”, ông nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hồi tháng 4. Ảnh: Reuters. |