Thursday, January 16, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ lo sợ các nước xung quanh Biển Đông hợp tác khai...

TQ lo sợ các nước xung quanh Biển Đông hợp tác khai thác tài nguyên với các quốc gia bên ngoài

Tiến trình đàm phán để ký kết “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)” giữa các nước ASEAN với Trung Quốc bắt đầu từ năm 1996, tới nay đã kéo dài 23 năm. Tiến trình đó lâm vào “khúc quanh” khi đến năm 2002, do sự trì hoãn, né tránh của phía Trung Quốc, các bên đành phải ký “Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC)”, một văn bản thỏa thuận giữa Trung Quốc và ASEAN về Biển Đông nhưng không mang tính ràng buộc pháp lý. Văn bản trên tuy ít nhiều có tác dụng ngăn ngừa các hoạt động tranh chấp chủ quyền đến mức sử dụng vũ lực của các nước có liên quan, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh cho Biển Đông và khu vực, song nó không triệt tiêu hết được những tranh chấp phức tạp vẫn xảy ra trên Biển Đông, khiến cho tình hình khu vực luôn đứng trước ngưỡng xung đột. Giờ đây, 17 năm sau khi DOC được ký kết, Trung Quốc mới đưa ra thời hạn ba năm nữa, tức là đến năm 2021 sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết COC với các nước ASEAN theo điều kiện: Các nước tham gia đàm phán và ký kết COC không được hợp tác khai thác tài nguyên tại Biển Đông với những quốc gia ngoài khu vực.

Đây là một trong ba điều kiện mà Trung Quốc đưa ra trong tiến trình đàm phán COC hiện đang được các bên thúc đẩy. Nếu như với điều kiện thứ nhất là không đưa Công ước quốc tế về Luật biển – UNCLOS 1982 – vào nội dung đàm phán COC, Trung Quốc muốn tạo kẽ hở về mặt pháp lý để tiếp tục thực hiện các bước đi theo ý đồ của họ ở Biển Đông; với điều kiện thứ hai là các nước ngoài khu vực muốn tập trận chung ở Biển Đông phải có sự đồng ý trước, chính là ý đồ vừa để giảm áp lực từ bên ngoài, vừa muốn các nước thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc, các nước ngoài khu vực muốn vào Biển Đông phải “xin phép” họ, thì với điều kiện thứ ba này, Trung Quốc xuất phát từ ba lý do, cũng đồng thời là ba nỗi lo sợ sau:

Thứ nhất, xét về yếu tố lãnh thổ.Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ tham vọng thông qua yêu sách “đường chín khúc” để quy thuộc hơn 80% diện tích Biển Đông vào vùng lãnh thổ của họ bởi Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên truyền rằng, một quốc gia có diện tích lục địa lớn nằm bên bờ Thái Bình Dương như Trung Quốc, không thể chỉ có các vùng biển thuộc chủ quyền nhỏ bé, toen hoen ven bờ như Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải được. Nếu cứ phân hoạch chủ quyền biển theo như UNCLOS 1982 thì họ quá “thiệt thòi”. Bên cạnh đó, Trung Quốc biết rõ rằng phần lớn các vùng biển nằm trong phạm vi “đường chín khúc”mà họ yêu sách đều là những vùng biển rất giàu tài nguyên, có giá trị vô cùng lớn đối với “không gian sinh tồn và sự phát triển của nước Trung Hoa hiện đại”, nhất là giá trị chiến lược đối với chủ thuyết “Phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình. Vì thế cho dù các vùng biển đó, xét theo luật pháp quốc tế, nhất là theo UNCLOS 1982, là các vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của các nước xung quanh Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… Nhưng nếunhư để các nước trên cùng hợp tác khai thác tài nguyên, trong đó có dầu khí, với các nước bên ngoài khu vực tại các vùng biển đó, thì khác nàoTrung Quốc đã thừa nhận các vùng biển đóthuộc chủ quyền của các nước, trong khi Trung Quốc đang ra sức bảo vệ quan điểm coi các vùng biển đó là “chủ quyền” của mình theo yêu sách “đường chín khúc”. Đây rõ ràng là điều trái với tính toán của Trung Quốc, nên Bắc Kinh đã đưa ra điều kiện trên.

Thứ hai, xét về yếu tố kinh tế. Năng lượng và an ninh năng lượng ngày càng tác động, ảnh hưởng lớn đến an ninh của các quốc gia; trở thành yếu tố không thể tách rời khỏi cục diện Biển Đông trong bối cảnh hoạt động hợp tác khai thác dầu khí ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với địa chính trị khu vực. Nó cũng là yếu tố đang ngày càng trở nên cấp bách đối với Trung Quốc và nguồn tài nguyên năng lượng ở Biển Đông đang được xem là một trong những “cứu cánh” của họ.

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Biển Đông hiện có trữ lượng khoảng 11 tỉ thùng dầu và 190.000 tỉ foot khối khí đốt (hơn 5.300 tỉ m3). Trong khi đó, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa ra con số cao hơn, khoảng 125 tỉ thùng và 500.000 tỉ foot khốikhí đốt. Mặc dù đến nay phần lớn tài nguyên năng lượng ở Biển Đông vẫn chưa được khai thác, tiềm năng về dầu khí ở khu vực này được các tổ chức chuyên môn đánh giá cao, đặc biệt là khi dầu mỏ ngày càng đóng vai trò sống còn trong nền kinh tế các nước liên quan, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Philippines hay Brunei. Các nước trên, hiện nay đang tiến hành khai thác chủ yếu dọc theo và dính liền với bờ biển của nước mình.

Đơn cử tình hình khai thác dầu khí của một trong bốn nước trên là Malaysia. Theo dữ liệu cập nhật vào tháng 11/2018 của Chính phủ Australia, được biếtMalaysia là nhà xuất khẩu khí hóa lỏng lớn thứ ba thế giới, sau Qatar và Australiavà là nhà sản xuất dầu khí lớn thứ hai tại khu vực Đông Nam Á. Sản xuất dầu khí đóng góp 25-40% kim ngạch xuất khẩu và chiếm hơn 25% thu ngân sách của nước này. Bản đồ dầu khí của tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ cũng cho thấy, Malaysia là nước có số lượng lô dầu khí thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu trong số các quốc gia xung quanh Biển Đông, cùng Trung Quốc và Việt Nam. Malaysia hiện cũng có trên dưới 40 giàn khoan dầu khí đang ngày đêm hoạt động, chủ yếu ở Biển Đông.

Đối với Trung Quốc, vấn đề an ninh năng lượng đang là bài toán phức tạp trong bối cảnh dầu mỏ là nguồn tài nguyên tối cần thiết cho một nền kinh tế đang tiếp tục tăng trưởng nhanh và mở rộng về quy mô. Mặc dù Trung Quốc đứng thứ 13 thế giới về trữ lượng dầu mỏ với 25,585 tỷ thùng dầu, nhưng sản lượng hàng năm nước này sản xuất được chỉ đạt khoảng 200 triệu tấn, đáp ứng được 45% cho nhu cầu tiêu thụ của trong nước, 55% lượng dầu còn lại phải nhập khẩu từ bên ngoài. Theo số liệu từ AMTI, tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc năm 2018 khoảng 12 triệu thùng/ngày, tức 4,38 tỉ thùng/năm. Do đó, đây là nhu cầu ngày càng hối thúc Bắc Kinh tìm cách kiểm soát phần lớn Biển Đông để giải quyết cơn khát dầu khí.Thông qua bước đi bằng cách tự vẽ ra một khu vực tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn”, Trung Quốc đã liên tục đưa tàu thăm dò và giàn khoan tới các vùng biển họ tự nhận ở Biển Đôngđể hoạt động. Sự xuất hiện của các giàn khoan nước sâu như Hải Dương 981, cũng như việc phát triển giàn khoan Hải Dương 982 hiện đại hơn, là cách để Trung Quốc gia tăng năng lực khai thác dầu khí tại Biển Đông, đồng thời áp đặt sự hiện diện tại các vùng biển đang tranh chấp, hay nói cách khác, thách thức chủ quyền của nước khác.Chính vì thế, trong thời gian qua, Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách can thiệp và ngăn cản các hoạt động khai thác dầu khí chính đáng và hợp pháp của Malaysia và Việt Nam. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn lo sợ rằng các nước trên sẽ kêu gọi và ký hợp đồng khai thác dầu khí với các nước ngoài khu vực. Điều đó có nghĩa sẽ có nhiều công ty của các “đại gia” xuất hiện tại Biển Đông, đó là các công ty của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Pháp… và đương nhiên, khi các “đại gia” trên xuất hiện, thế của Trung Quốc sẽ trở nên yếu hơn, kể cả thế về chủ quyền lẫn sức mạnh trên biển. Vì vậy, báo chí Trung Quốc không ngớt kêu ầm lên rằng: “Những năm qua, Trung Quốc chưa hề khai thác được một giọt dầu nào tại Biển Đông, trong khi các nước khác đã đua nhau múc trộm của Trung Quốc hàng triệu thùng dầu, lại còn rủ các nước lớn khác ngoài khu vực vào chia sẻ”. Thậm chí, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc trong khi đăng bài quảng bá cho luận điểm trên của Bắc Kinh, còn không quên gài thêm ý tứ mang tính cảnh báo rằng, Mỹ có thể tranh thủ lý do để hiện diện ở Biển Đông bằng cách thúc đẩy hợp tác khai thác tài nguyên với các nước có tranh chấp với Trung Quốc. Khiến nước này mang danh là quốc gia trong khu vực nhưng có nguy cơ lại là kẻ “ngồi chơi, xơi nước”.

Đi cùng với vấn đề năng lượng và an ninh năng lượng như trên, Biển Đông còn là tuyến hàng hải huyết mạch của giao thông quốc tế. Liên Hợp Quốc đã ước tính, Biển Đông là tuyến đường của 1/3 tổng số các lô hàng vận chuyển đường biển toàn cầu. Đối với Trung Quốc, Biển Đông cũng là tuyến hàng hải huyết mạch về kinh tế, trong đó eo biển Malacca – nằm giữa bán đảo Mã Lai (Malaysia) và đảo Sumatra (Indonesia), là tuyến đường quan trọng cho các chuyến tàunhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông sang Trung Quốc, cũng như các nước khác trong khu vực. Biển Đông rõ ràng rất có giá trị đối với Trung Quốc cả về nguồn tài nguyên lẫn hàng hải. Do đó, nếu như sắp tới đây có được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông thì dại gì mà Trung Quốc không yêu cầu các nước không được hợp tác khai thác tài nguyên tại Biển Đông với những quốc gia ngoài khu vực. Làm vậy chẳng phải gạt đi trước được mối lo Biển Đông có thể trở thành một “vùng Vịnh thứ hai” đó sao.

Thứ ba, xét theo chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc. Giới lãnh đạo Trung Quốc thừa hiểu rằng “đoạt” được quyền làm chủ trọn vẹn trên Biển Đông theo ý đồ của họ không phải dễ vì đây là vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia, trong khi bằng chứng và lý lẽ của Trung Quốc đều rất yếu. Nên ngay từ rất sớm, họ đã đưa ra con bài “chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác” với các nước trong khu vực. Con bài trên hướng tới việc lường trước khả năng có thể Trung Quốc không “độc chiếm” được các vùng biển giàu tài nguyên để khai thác, thì ít nhất cũng ngăn cản được các công ty của các nước ngoài khu vực vào khai thác dầu khí tại Biển Đông và buộc được các nước trong khu vực phải chấp nhận cho các công ty Trung Quốc khai thác chung ở các vùng biển họ tranh chấp. Nhiều chuyên gia đã nhận xét rằng, việc Trung Quốc xua đuổi hoặc tạo áp lực lên công ty nước ngoài thuộc các quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng hợp tác cùng khai thác với các nước trong khu vực là cách để Trung Quốc cùng một lúc giành được hai mối lợi là“miếng bánh” tài nguyên và gây áp lực chính trị. Trường hợp chính phủ của Tổng thống Philippines Rodrigo Dutertegần đây “mời gọi” các công ty dầu khí Trung Quốc vào hợp tác khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) thuộc chủ quyền của Philippines là một “thành quả” hiếm có của con bài trên. Vì thế, yêu cầu các nước không được hợp tác khai thác tài nguyên tại Biển Đông với những quốc gia ngoài khu vực đồng nghĩa là khuyến khích các nước “gác tranh chấp, cùng khai thác” với Trung Quốc. Và khi đã thực hiện “gác tranh chấp, cùng khai thác” tức là đã thừa nhận khu vực cùng khai thác đó là của Trung Quốc.

Xem xét sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động thăm dò ở khu vực bãi Tư Chính, vi phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019 vừa qua là minh chứng rõ nét cho ba lý do trên của Bắc Kinh. Bởi vì, về mặt địa lý, bãi Tư Chính có vị trí cách bờ biển Vũng Tàu của Việt Nam 160 hải lý và cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý.Đây là khu vực hoàn toàn thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, không có tranh chấp với Trung Quốc và Việt Nam đã có các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí với các đối tác nước ngoài từ nhiều năm nay. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn ngang nhiên đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào thăm dò và cản trở hoạt động khai thác dầu khí giữa Việt Nam với các nước tại khu vực này. Hành động của Trung Quốc vừa nhằm biến khu vực bãi Tư Chính từ không có tranh chấp thành có tranh chấp, từ đó buộc Việt Nam cùng Trung Quốc thực hiện “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nếu Việt Nam đồng ý thực hiện thì vô hình trung thừa nhận bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đồng thời, thông qua hành động này, Trung Quốc muốn hướng đến việc nhắc nhở Việt Nam rằng, nếu không có sự hợp tác và “ăn chia” với Trung Quốc thì Việt Nam khó có thể làm ăn với các đối tác ngoài khu vực.

Xét cho cùng, khi đưa ra điều kiện yêu cầu các nước ký kết COC không được hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông với những quốc gia ngoài khu vực, Bắc Kinh muốn khẳng định với các nước khác rằng, “từ cổ chí kim, Biển Đông là của Trung Quốc”, do đó tài nguyên trong khu vực biển này cũng là của Trung Quốc, không một nước nào có quyền hợp tác với bên ngoài để khai thác.

Trong bối cảnh Trung Quốc cùng ASEAN đã nhất trí chốt “văn bản duy nhất” dùng để đàm phán trong năm nay về COC, câu chuyện Trung Quốc đưa điều kiện các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam không được hợp tác khai thác dầu khí với các nước bên ngoài khu vực, càng thể hiện rõ ý đồ muốn biến Biển Đông thành “ao nhà” của Bắc Kinh. Song ý đồ, tham vọng đó của Trung Quốc quá ngang ngược, trái với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, vi phạm quyền và lợi ích của các nước, và do đó không thể nhận được sự ủng hộ của các nước trong và ngoài khu vực. Việc Việt Nam và Malaysia nhất trí ủng hộ Tập đoàn Petronas Oil and Gas của Malaysia và Petro Vietnam mở rộng hợp tác khai thác, sản xuất và cung cấp dầu khí; Việt Nam cam kết tạo thuận lợi choTập đoàn SOCO International (Vương quốc Anh) mở rộng khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là câu trả lời rõ ràng cho những điều kiện và đòi hỏi vô lýtrên của Trung Quốc xét về mặt chính trị. Ngoài ra, việc các nước ASEAN yêu cầu phải có sự hiện diện của UNCLOS 1982trong đàm phán COC, tức là trái với điều kiện của Trung Quốc, cũng chính là nhằm đảm bảo luật pháp quốc tế cần được tôn trọng, để không có chỗ cho những hành vi can thiệp, xâm phạm chủ quyềnnước khác một cách trắng trợn như Trung Quốc đã từng làm.Hơn lúc nào hết, nhất là khi COC đang ở vào giai đoạn quyết định, các nước ASEAN, nhất là những nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, cần cảnh giác với điều kiện trên của Trung Quốc.

Như vậy, bằng việc đưa ra ba điều kiện đối với tiến trình đàm phán và ký kết COC, Bắc Kinh đang muốn “bẻ lái” tiến trình trên theo một hướng mới, đó là Trung Quốc muốn thiết lập một COC riêng hoàn toàn mang tính khu vực, gây khó khăn cho việc thực thi UNCLOS 1982; vô hiệu hóa phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) đối với “đường chín khúc” mà Bắc Kinh tuyên bố “chủ quyền”; ngăn chặn Mỹ và các nước châu Âu gia tăng ảnh hưởng tại khu vực, trong đó có hoạt động khai thác dầu khí. Qua đó, tạo điều kiện cho Bắc Kinh thực hiện tham vọng “độc chiếm” Biển Đông. ASEAN chắc chắn không thể chấp nhận các điều kiện trên, đúng như tờ Nikkei Asian Review khuyến cáo rằng: “ASEAN không vội vàng và không có ý định hoàn thiện COC bằng việc đưa ra các cam kết kỳ quặc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới