NATO, liên minh quân sự 29 thành viên, được thành lập 70 năm trước để chống lại mối đe dọa từ Liên Xô thời điểm đó. Nhưng hiện giờ, một thế lực quân sự khác đang trỗi dậy nằm trong tầm ngắm của NATO: Trung Quốc.
Khi lãnh đạo các nước tập trung tại London, Anh vào thứ ba 3.12 cho cuộc họp liên minh kéo dài hai ngày, họ sẽ tập trung vào các mối quan hệ địa chính trị và các thách thức mới nổi. Các cuộc họp trước đây vốn bị chi phối vào Nga, đặc biệt sau khi Moscow sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và các nhà lãnh đạo trong NATO nghĩ rằng liên minh hiện giờ nên tập trung vào các cường quốc quân sự mới nổi, như Trung Quốc.
“Sự trỗi dậy của Trung Quốc có ảnh hưởng an ninh cho tất cả các đồng minh. Có một số cơ hội rõ ràng nhưng cũng có một số thách thức rõ ràng”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với người có mặt tại cuộc họp ở London, đồng thời bổ sung rằng các đồng minh cần phải tìm ra một cách thức để đối phó với thách thức do Trung Quốc đặt ra.
Tuy nhiên, ông cho biết không có kế hoạch nào cho việc thành lập Hội đồng NATO-Trung Quốc, tương tự như Hội đồng NATO-Nga (NRC) vốn được thành lập năm 2002 để cải thiện đối thoại và hợp tác giữa NATO và Nga.
“Những gì chúng ta thấy là sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc đang làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu và sự trỗi dậy của Trung Quốc – sự gia tăng kinh tế, sự gia tăng quân sự – mang đến một số cơ hội nhưng cũng có một số thách thức nghiêm trọng”, Stoltenberg nhận định.
“Chúng ta phải giải quyết một thực tế là Trung Quốc đang xích gần chúng ta hơn, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng. Chúng ta thấy họ ở châu Phi, chúng ta thấy họ ở Bắc cực, chúng ta thấy họ ở không gian ảo và Trung Quốc hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới”, ông nói.
Theo ước tính của NATO, Trung Quốc có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới vào năm 2018. Vào tháng 3, có số liệu tiết lộ Trung Quốc đã đặt chi tiêu quốc phòng năm 2019 cao hơn 7,5% so với năm trước, tăng chi tiêu lên 1,19 nghìn tỉ nhân dân tệ (177,61 tỉ USD). Thậm chí, một số người tin rằng con số thực tế có thể cao hơn.
Tuy nhiên, mức chi tiêu đó vẫn thua xa Mỹ khi vào tháng 4, Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu Quốc hội chi 718 tỉ USD trong ngân sách tài khóa 2020, tăng 33 tỉ USD hoặc khoảng 5% so với những gì Quốc hội thông qua trong tài khóa 2019.
Mỹ và NATO đang theo dõi Trung Quốc chặt chẽ. Stoltenberg nói với CNBC hôm thứ hai. Ông nói rằng NATO không muốn tạo ra những kẻ thù mới và “miễn là khi các đồng minh của NATO sát cánh cùng nhau, chúng ta mạnh mẽ và chúng ta an toàn… Chúng ta là khối quân sự mạnh nhất trên thế giới”.
Căng thẳng Trung-Mỹ dâng cao do tranh chấp thương mại giữa 2 quốc gia, dẫn đến việc đánh thuế qua lại với khối lượng hàng hóa hàng trăm tỉ USD và hiện giờ vẫn chưa được giải quyết.
Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, Đại sứ Kay Bailey Hutchison, nói với CNBC hôm thứ hai rằng phần còn lại của thế giới đã làm ngơ để Trung Quốc hoạt động dù không đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng giờ là lúc đưa Trung Quốc vào khuôn khổ luật chơi.
“Giờ đây, họ đã biến thành một đối thủ cạnh tranh, nhưng họ vẫn mong muốn được hoạt động mà không tuân thủ các quy tắc, đánh cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ. Họ là một đối thủ cạnh tranh. Một đối thủ cạnh tranh rất mạnh”, bà Bailey Hutchison tuyên bố.
Bà Bailey Hutchison cho biết NATO hiện đang xem xét hành động quân sự của Trung Quốc được thúc đẩy do sự tăng trưởng nhanh chóng đó. Đại sứ nói rằng tất cả cần cảnh giác: “Chúng ta phải đối mặt với điều đó và mở to đôi mắt ra nhìn. Chúng ta có muốn Trung Quốc là kẻ thù không? Không, chúng ta không muốn, nhưng chúng ta phải chuẩn bị”, bà nói.
Đại sứ Bailey Hutchison cho biết vẫn chưa đến lúc tuyên bố Trung Quốc là một địch thủ và vẫn nên tiếp tục nỗ lực để biến nước này thành một đối tác thương mại mạnh mẽ và thân thiện.