Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHành Lang Đông- Tây có giúp giảm lệ thuộc vào TQ?

Hành Lang Đông- Tây có giúp giảm lệ thuộc vào TQ?

Hành Lang Đông Tây, dự án giao thông nối kết Thái Lan, Miến Điện, Lào, Việt Nam được khởi công xây dựng năm 1992 với sự tài trợ của ADB (Ngân Hàng Phát Triển Á Châu).

Đến năm 2004, 4 nước đồng ý nâng cấp Hành Lang Đông Tây thành Hành Lang Kinh Tế Đông Tây nhằm thúc đẩy thương mại và du lịch giữa 4 quốc gia với khu vực và cả Châu Á.

Đây là trục Xuyên Á dài 1.700 Km chạy từ bán đảo Đông Dương xuất phát từ Việt Nam,  Thái Lan, Lào, Miến Điện, từ đó băng qua vịnh Bengal đến Ấn Độ Dương,  với tiềm năng  kinh tế hứa hẹn cho khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung.

Theo nhà nghiên cứu độc lập, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Hành Lang Đông Tây là cơ hội cho Việt Nam theo đuổi chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế và để tránh không phụ thuộc vào một đối tác duy nhất nào:

“ Vì thế cho nên Hành Lang Đông Tây mở ra cơ hội để Việt Nam có thể mở rộng quan hệ hợp tác, xuất nhập khẩu với Ấn Độ mà tôi coi đó là một nhân tố tích cực cho chiến lược đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam. Rõ ràng Việt Nam đã vươn tới được thị trường Myanmar và Lào. Tôi nghĩ việc tăng cường hợp tác với Lào và Myanmar cũng sẽ đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng kinh tế Á Châu cũng như sự hợp tác trong khối ASEAN. Điều ấy mang lại lợi ích cho tất cả các bên cùng tham gia. Việc tăng mậu dịch buôn bán với các nước trong ASEAN và Ấn Độ hy vọng sẽ làm giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc”

“Tuy vậy hiện nay Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc mà cho đến bây giờ đã nhập siêu khoảng 30 tỷ USD.Đó là chỉ số đáng lo ngại cho nên Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển quan hệ với các nước, đồng thời phải cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu để cân bằng được các cân thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc”

Theo  ký giả Yuichi Nitta qua bài viết trên tờ Nikkei Asia Review hôm 2 tháng Mười Hai, thì Hàng Lang Đông Tây chạy qua Kampuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam không chỉ giúp 5 quốc gia này hội nhập và vươn tới  thị trường rộng lớn của Ấn Độ mà còn giúp giảm thiểu sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc ngay bên cạnh.

Ngay từ đầu, các hạng mục được coi là quan trọng nhất của Hành Lang Đông Tây có cầu Savanakhet ở Lào, cầu Mukdahan ở Thái Lan và đường hầm Hải Vân ở Việt Nam.

Hành Lang Đông Tây còn được coi là con đường huyết mạch kết nối cơ sở hạ tầng của Việt Nam vào khu vực. Tại một hội nghị ở Bangkok năm 2017, chủ đề Đối Thoại Hợp Tác ASEAN trong mục đích tăng cường kết nối khu vực, đại diện Việt Nam là bà Trần Thị Thanh Thúy, phó vụ trưởng Vụ Hợp Tác Quốc Tế thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam, cho đài Á Châu Tự Do biết:

“ Hành Lang Đông Tây là dự án rất hiệu quả trong khu vực GMS. Về khai thông, vào năm 2009 đã khai thông hành lang này để xe của các nước có thể đi từ Thái Lan sang đến cảng Đà Nẵng, Việt Nam.Trước đây tuyến đó chỉ dừng ở cảng Đà Nẵng thôi,  từ cảng đó đến các nơi như Hà Nội, Hải Phòng… còn bị hạn chế.”

“ Hành Lang Đông Tây là dự án rất hiệu quả trong khu vực GMS. Về khai thông, vào năm 2009 đã khai thông hành lang này để xe của các nước có thể đi từ Thái Lan sang đến cảng Đà Nẵng, Việt Nam.Trước đây tuyến đó chỉ dừng ở cảng Đà Nẵng thôi,  từ cảng đó đến các nơi như Hà Nội, Hải Phòng… còn bị hạn chế.”, bà Trần Thị Thanh Thúy

“Đầu năm nay, bộ trưởng giao thông- vận tải ba nước Việt Nam- Lào- Thái Lan ký sửa đổi Bản ghi nhớ thực hiện GMS, cho phép mở rộng Hành Lang Đông- Tây đến thủ đô của các nước, ví dụ tại Việt Nam có thể đến Hà Nội, Hải Phòng; Thái Lan đến Bangkok và cảng Laem Chabang; Lào đến Vientaine. Hy vọng khi mở rộng hành lang như thế có thể tăng cường khả năng kết nối, từ đó sự quan tâm của các nhà đầu tư, kinh doanh sẽ tăng lên.Tuy vậy, hiệu quả kinh tế của một số khu vực doạc hành lang như Lao Bảo được tăng lên rất nhiều”.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Đà Nẵng, cho rằng Hành Lang Đông Tây biến Đà Nẵng thành điểm đến và điểm đi của khách du lịch quốc tế:

“Tôi nghĩ Hành Lang Đông- Tây mở rộng bản đồ du lịch thế giới cho Đà Nẵng, mang lượng khách ở bán đảo Đông Dương đến vùng biển Đà Nẵng và ngược lại. Đà Nẵng như là cửa ngỏ phía Đông của Hành Lang Đông Tây, trước đây Đà Nẵng chỉ là nơi nhận khách nhưng đã đến lúc có thể phân phối khách cho miền Bắc và miền Nam và ngược lại cho Hành Lang Đông Tây, cho Lào và Thái Lan. Tôi không phải người làm kế hoạch và dự đoán nhưng tôi nghĩ cảng Đà Nẵng mà kết nối với những cảng biển quốc tế thì đó là điểm đến rất tốt cho đầu tư.

Tiềm năng giao thương của Hành Lang Kinh Tế Đông- Tây  thực tế không lớn và không phải là chiến lược hấp dẫn đối với đầu tư, là phân tích của ông Bùi Văn, từng là giảng viên Chương Trình Fulbright Việt Nam, chuyên nghiên cứu sâu về AEC – Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN và hiện phụ trách kênh truyền hình FBNC chuyên về kinh tế :

“Bởi vì Hành Lang Đông- Tây này chủ yếu nối các vùng nghèo của Việt Nam với vùng nghèo của Lào, vùng nghèo Thái Lan và vùng nghèo Myanmar mà lợi ích kinh tế rất là ít. Xuất nhập khẩu của Lào chỉ bằng 1/3 hay 1/4 của nguyên tỉnh Bình Dương, thí dụ xuất khẩu của Lào được 4 tỷ USD thì riêng xuất khẩu  tỉnh Bình Dương đã 15 tỷ rồi. Như vậy tiềm năng kinh tế của những vùng này là các vùng nghèo với nhau”

“Điểm thứ hai, xu thế chung là người ta đi theo hướng Bắc Nam nhiều hơn là Đông Tây. Ta cứ hình dung từ vùng Vientiane của Lào đi xuống Bangkok rồi đi sang Đà Nẵng để ra nước ngoài. Thế thì đường đi sang Bangkok bằng 2/3 đường đi sang Đà Nẵng như vậy là dài hơn, đồi núi khó đi hơn và dọc đường đó kinh tế không phát triển mạnh bằng Thái Lan”

“ Còn từ Myanmar đi xuôi đường Đông Tây xuống Việt Nam toàn đi quanh đường rừng và đèo. Tóm lại tiềm năng giao thương Đông Tây không lớn, các doanh nghiệp thì rất nhậy bén, nhìn thấy cơ hội của Hành Lang Đông- Tây rất hạn chế”

Vẫn theo ông Bùi Văn, Hành Lang Kinh Tế Đông- Tây mang tính hữu nghị, tính hỗ trợ phát triển nhiều hơn là một dự án giao thương và phát triển bền vững:

“ Chính vì mình nghèo thì mình phải dùng tiền đầu tư cho có hiệu quả, nghĩa là đầu tư vào hạ tầng, vào cây cầu, con đường mà sang năm hoặc sang năm nữa có thể dùng được ngay, còn nếu 10 hay 20 năm nữa mới dùng được thì không thực tế. Tôi nghĩ Hành Lang Kinh Tế Đông Tây là một ý tưởng mang tính hữu nghị và tính hỗ trợ phát triển nhưng không hấp dẫn doanh nghiệp cho nên tương lai chung là không có triển vọng”

Được biết bản tin 2 tháng 12 vừa qua trên Nikkei Asia Review có loan báo chiếc cầu Hữu Nghị thứ hai từ thị trấn Myawaddy mạn Đông Myamar bắc qua vùng Maesot mạn Tây Thái Lan, nằm trong toàn dự án Hành Lang Đông- Tây, đã hoàn tất và thông thương cách nay 3 tuần lễ. Maesot và Myawaddy là hai vùng cao của Thái Lan và Myanmar với đa số là nông dân.

Dưới mắt phóng viên Yuichi Nitta của Nikkei Asia Review, sự hình thành của chiếc cầu Hữu Nghị Thái- Miến thứ hai này ghi thêm một bước tiến tốt đẹp của Hàng Lang Kinh Tế Đông- Tây trong tiến trình kinh tế hội nhập từ Đông Dương ra tới Ấn Độ Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới