Thursday, December 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang tăng cường năng lực do thám trên không, đe dọa...

TQ đang tăng cường năng lực do thám trên không, đe dọa vị thế siêu cường của Mỹ

Trong một thập kỷ trở lại đây, cùng với nền khoa học công nghệ trong nước ngày càng phát triển đã tạo điều kiện để Trung Quốc tăng cường năng lực do thám trên không.

Do thám bằng vệ tinh

Trung Quốc đã gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực không gian vũ trụ, khiến ngay cả Mỹ – nước đứng đầu thế giới về lĩnh vực này cũng phải nể phục. Đầu tiên, giới khoa học vũ trụ Trung Quốc (3/1) đã cho hạ cánh thành công tàu thăm dò tại vùng tối của Mặt trăng, thực hiện một loạt nhiệm vụ và thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc. Hạ cánh tại khu vực chưa từng được khám phá cho phép tàu thăm dò Hằng Nga 4 nghiên cứu tốt hơn về Mặt trăng vì nơi này chưa bị nhiễu điện từ từ Trái đất. Thứ hai, nhiệm vụ Mặt trăng của Trung Quốc cũng đi kèm với thử nghiệm xem liệu nơi này có thể hỗ trợ sự sống hay không. Hình ảnh được Hằng Nga 4 gửi về Trái đất tháng trước cho thấy chiếc lá xanh đầu tiên nhú lên từ hạt bông nảy mầm, 9 ngày sau khi thí nghiệm bắt đầu.

Ngoài những mục đích trên, chiến lược không gian vũ trụ của Trung Quốc còn nhằm phục vụ các mục đích quân sự. Trung Quốc đang chi ít nhất 9 tỉ USD để cạnh tranh với Mỹ trên không gian. Nước này muốn xây dựng hệ thống định vị, bớt phụ thuộc vào hệ thống GPS do Mỹ sở hữu. Dữ liệu vị trí GPS được smartphone, các hệ thống định vị ô tô và vi mạch trên cổ thú cưng… sử dụng. Dữ liệu từ GPS cũng giúp dẫn đường tên lửa. Tất cả vệ tinh GPS đều do Không quân Mỹ kiểm soát, và thực tế này khiến chính phủ Trung Quốc thiếu thoải mái. Vì thế, nước này tự phát triển hệ thống Beidou Navigation System, hay Hệ thống Định vị Bắc Đẩu. Trong những năm qua, Bắc Kinh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về ứng dụng khoa học không gian vũ trụ trong lĩnh vực quân sự. Quân đội Trung Quốc đã phóng thử tên lửa chống vệ tinh DN-3 có khả năng bắn hạ các mục tiêu ở quỹ đạo địa tĩnh. Từ năm 2005 đến nay, Bắc Kinh tiến hành ít nhất 8 vụ thử vũ khí không gian. Các lần bắn diễn ra trong năm 2010, 2013 và 2014 đều được “dán nhãn” thử nghiệm đánh chặn tên lửa trên đất liền. Quá trình phát triển vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc bắt đầu thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi họ bắn hạ một vệ tinh hỏng ở quỹ đạo thấp vào năm 2007. Sau đó, Bắc Kinh tiếp tục phát triển tên lửa mới có định danh DN-2. Tên lửa này được thử nghiệm vào năm 2013 và có thể đạt đến độ cao 30.000 km gần quỹ đạo địa tĩnh. Theo Washington Times, vũ khí không gian của Trung Quốc nhằm mục đích phá hoại hoặc gây nhiễu vệ tinh và hạn chế hoạt động quân sự của Mỹ trên toàn thế giới. Trung Quốc đang theo đuổi một chương trình rộng lớn và mạnh mẽ về khả năng đánh chặn trong không gian, trong đó bao gồm tên lửa, hệ thống chống vệ tinh đồng quỹ đạo, mạng lưới thiết bị gây nhiễu và vũ khí năng lượng định hướng trên mặt đất.

Để triển khai ý đồ trên, Trung Quốc (11/2019) đã phóng thành công vệ tinh Cao Phân-7 vào không gian. Đây là vệ tinh có khả năng chụp và truyền những hình ảnh 3D phục vụ mục đích dân sự đầu tiên của Trung Quốc. Theo Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA), vệ tinh này có vai trò quan trọng trong quá trình thu thập các dữ liệu phục vụ công tác điều tra thống kê, trắc đạc và thiết lập bản đồ đất đai, hỗ trợ công tác xây dựng đô thị và nông thôn. So với thế hệ các vệ tinh Cao Phân trước, điểm vượt trội của Cao Phân-7 là hệ thống công nghệ camera 3D cho hình ảnh độ phân giải cao, đáp ứng yêu cầu cao nhất về tính chính xác trong việc lập bản đồ với tỉ lệ 1:10.000. Trước đó, Trung Quốc (3/2019) đã đưa vào sử dụng hai vệ tinh quan sát Trái Đất Cao Phân 5 và Cao Phân 6. Theo Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc (SASTIND) và CNSA, trong các cuộc thử nghiệm, hai vệ tinh này đã cung cấp những thông tin có tính chính xác cao về hoạt động giám sát môi trường, tài nguyên và một số thảm họa thiên nhiên. Được phóng thành công vào vũ trụ ngày 9/5/2018, Cao Phân 5 là vệ tinh đầu tiên do Trung Quốc phát triển, có thể giám sát tình hình ô nhiễm không khí. Vệ tinh này có thể phản ánh chi tiết tình trạng ô nhiễm không khí tại Trung Quốc qua việc giám sát chỉ số về các chất gây ô nhiễm, khí nhà kính và khói bụi. Còn vệ tinh Cao Phân 6 được đưa vào quỹ đạo ngày 2/6/2018, tuổi thọ dự kiến 8 năm, có thể cung cấp những ảnh chụp một khu vực rộng lớn của Trái Đất với độ phân giải cao. Dữ liệu từ Cao Phân 6 có thể được sử dụng cho mục đích giám sát các thảm họa thiên nhiên và nông nghiệp, ước tính sản lượng cây trồng, khảo sát các nguồn tài nguyên rừng và vùng đầm lầy.

Xuất phát từ việc Chính phủ Trung Quốc coi ngành công nghiệp vũ trụ là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển tổng thể quốc gia, Bắc Kinh cũng đã đặt ra một số mục tiêu quan trọng trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Về ngắn hạn, Trung Quốc đã thông báo kế hoạch phóng tàu thăm dò Sao Hỏa đầu tiên trước năm 2020, lên kế hoạch thăm dò Mặt Trăng bằng tàu vũ trụ Hằng Nga 4 và 5, nghiên cứu chế tạo, phát triển các tên lửa vận chuyển hạng nặng thế hệ mới, xây dựng hệ thống bảo dưỡng tàu vũ trụ trên quỹ đạo; có kế hoạch thành lập mạng lưới Bắc Đẩu gồm 35 vệ tinh phục vụ hoạt động định vị toàn cầu trước năm 2020; đặt mục tiêu xây dựng trạm không gian riêng vào khoảng năm 2022. Trạm không gian Thiên Cung sẽ có một module lõi và hai module khác để thử nghiệm, nặng tổng cộng 66 tấn và chứa được ba người. Cơ sở này sẽ được dùng cho nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực như sinh học, vật lý và khoa học vật liệu. Về dài hạn, theo lộ trình vũ trụ từ năm 2020 đến 2045, Trung Quốc muốn đạt được một số bước ngoặt quan trọng về công nghệ vũ trụ. Ví dụ như phóng tàu thăm dò sao Hỏa vào năm 2020, phóng tàu thăm dò hành tinh nhỏ năm 2022, thực hiện sứ mệnh sao Mộc năm 2029, phóng tên lửa đẩy năm 2035 và phóng tàu con thoi năng lượng hạt nhân năm 2040. Trong một bài báo đăng trên trang nhất Nhân dân Nhật báo, Viện Công nghệ Thiết bị phóng Trung Quốc nói rõ rằng tàu vũ trụ năng lượng hạt nhân sẽ chở được nhiều hàng hơn, cho phép Trung Quốc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vũ trụ vào năm 2040.

Do thám bằng máy bay không người lái

Trung Quốc đã có bước nhảy vọt về chất trong 10-15 năm qua trong xây dựng hạ tầng khoa học và công nghệ UAV. Các loại UAV mới của Trung Quốc hiện có tính năng ngang bằng, thậm chí ở một số khía cạnh còn ưu việt hơn các loại tương đương của Mỹ. Các UAV của quân đội Trung Quốc có các nhiệm vụ giống như các UAV của quân đội Mỹ. Các nhiệm vụ chính là: Trinh sát; Chỉ thị mục tiêu; Tấn công mục tiêu mặt đất bằng tên lửa; Tác chiến điện tử.

Ngày nay, UAV chủ yếu được dùng trong các chiến dịch chống lại các kẻ địch phi đối xứng và thường là trang bị kém hơn về công nghệ như các quốc gia nhỏ, các địa bàn tranh chấp thông qua chiến tranh gián tiếp bằng các lực lượng ủy nhiệm, khủng bố/nổi dậy… Đồng thời, với trình độ công nghệ hiện nay, thật khó tưởng tượng một cuộc xung đột giữa các nước lớn mà không có việc sử dụng ồ ạt UAV. Khác với Mỹ, Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm sử dụng UAV trong tác chiến, song một số người cho rằng, các UAV Trung Quốc được sử dụng chẳng hạn ở Myanmar và Lào là do các nhân viên Trung Quốc vận hành. Quân đội Trung Quốc đang tích cực sử dụng UAV để giám sát biển và biên giới trên bộ, và chống cướp biển. UAV đang có vai trò lớn trong các hoạt động của quân đội Trung Quốc nhằm theo đuổi các lợi ích khu vực và toàn cầu của Trung Quốc. Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng năng lực quân sự cho phép họ hành động hiệu quả cả trong xung đột gián tiếp và trực tiếp với kẻ địch tiên tiến về công nghệ, mà đầu tiên và trước hết là Mỹ. Do đó, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc đang theo đuổi việc phát triển các loại vũ khí mới, trong đó có các UAV siêu âm và siêu vượt âm.

Một trong những con đường phát triển các UAV tương lai đó là chương trình AVIC 601-S. Nó đã dẫn đến việc chế tạo các mẫu thử nghiệm như Thiên nỗ (Tian-Nu hay Tiannu, Sky Crossbow), Phong nhận (Fengren hay Wind Blade, Vân cung (Yungong hay Cloud Bow), Chiến ưng (Zhanying hay  Warrior Eagle), Lợi kiếm (Lijian hay Sharp Sword) và Ám kiếm (Anjian hay Dark Sword). Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang ráo riết thử nghiệm các kiểu thiết kế UAV khác nhau (cánh bay, cánh hình tên ngược…) và các công nghệ mới nhằm có được những giải pháp tối ưu cho UAV để tăng tốc độ, khả năng cơ động và tính năng tàng hình của chúng. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tập trung cải tiến một số vấn đề trên UAV như tốc độ bay cao và bán kính bay lớn; khả năng cơ động; giảm độ bộc lộ radar…

Không những vậy, ngoài các doanh nghiệp quân sự, các công ty tư nhân cũng đã bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp này. Những bức ảnh mới nhất được lưu hành trên mạng Trung Quốc cho thấy một công ty tư nhân có trụ sở tại Tứ Xuyên đã phát triển một máy bay không người lái cỡ lớn có thể mang nhiều loại bom đạn. Theo trang tin Đa Chiều, trang web của quân đội Trung Quốc, ngày 3/12 cho biết, kiểu máy bay không người lái TB001 trinh sát chiến đấu đường dài tầm trung và cao không do Công ty Công nghệ Tengden Tứ Xuyên nghiên cứu phát triển là chiếc máy bay thực sự đầu tiên được công khai. Nó còn được gọi là TW328, biệt danh “Song Vĩ Hạt” (Bọ Cạp hai đuôi). Thông tin công khai cho thấy Công ty công nghệ Tengden, nơi chế tạo ra TB001, thực ra là một chi nhánh của Viện nghiên cứu Thành Đô 611. Các sản phẩm chính của nó bao gồm nhiều loại máy bay không người lái cỡ lớn, trong đó có máy bay chiến đấu TB001. Công ty cũng đang hợp tác với hãng chuyển phát nhanh Thuận Phong (Shun Feng, SF Express) để nghiên cứu sản xuất máy bay không người lái vận tải cỡ lớn.

Tin cho biết, TB001 đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên vào tháng 3 năm nay. Đặc điểm của máy bay là thiết kế thân máy bay đuôi kép, tương tự như máy bay chiến đấu Lockheed P-38 Lightning nổi tiếng trong Thế chiến II. Đặc điểm của nó là thân máy bay rất chắc chắn, trọng lượng nhẹ và đảm bảo thực hiện khả năng giảm chiều cao đột ngột… Máy bay không người lái này sử dụng hai động cơ piston cánh quạt với càng hạ cánh có thể thu vào. Theo dữ liệu, TB001 có trọng lượng cất cánh tối đa 2,8 tấn, tổng sải cánh 20 mét, chiều dài 10 mét, chiều cao 3,3 mét và tầm bay tối đa 6.000 km ở độ cao 8.000 mét. Nó có thể mang theo một tấn phụ tải và có thể bay liên tục 35 giờ. Ngoài tác chiến đấu, khi TB001 hợp tác với SF Express để cải hoán thành máy bay vận tải, tải trọng hiệu quả đã tăng lên 1,2 tấn. Năm 2017, mẫu máy bay cải tiến của nó đã hỗ trợ cho người khổng lồ viễn thông Huawei trong việc thực hiện nhiệm vụ sửa chữa các trạm căn cứ ở Vân Nam. Theo báo cáo, trong việc TB001 hiệp đồng tác chiến với chỉ huy mặt đất, loại UAV này có phạm vi liên lạc hiệu quả lên tới 280 km với sở chỉ huy mặt đất. Đồng thời, máy bay cũng có thể được trang bị kết nối dữ liệu liên lạc vệ tinh để mở rộng bán kính liên lạc hai chiều lên đến 3.000 km. Những bức ảnh mới nhất cho thấy loại máy bay không người lái cỡ lớn này có thể mang một số lượng lớn tên lửa và bom dẫn đường chính xác, bao gồm tổng cộng 8 quả đạn với 3 mẫu khác nhau. Phân tích chỉ rõ, nếu được trang bị loại tên lửa không đối đất cỡ nhỏ kiểu mới hoặc hy sinh hành trình, thì khả năng mang tối đa có thể đạt tới 24 quả tên lửa; nó cũng có thể mang theo các loại vũ khí dẫn đường lớn hơn, bao gồm loại bom dẫn đường cỡ 250 kg.

Mạng lưới drone giám sát Biển Đông

Ngoài do thám trên không, Trung Quốc còn đang triển khai kế hoạch sử dụng máy bay không người lái để giám sát trái phép Biển Đông và chuyển tiếp thông tin từ các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Mạng lưới máy bay không người lái (drone) này do Bộ Tài nguyên Trung Quốcquản lý. Nó được sử dụng để giám sát các đảo không có người ở, những khu vực khó tiếp cận và các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông.

Phía Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết, “chuỗi liên lạc từ các drone giúp chúng tôi tăng cường sự giám sát liên tục đối với Biển Đông và mở rộng phạm vi giám sát của chúng tôi đến những vùng biển xa xôi”. Mạng lưới gồm các drone mang theo máy ảnh độ phân giải cao, phương tiện liên lạc di động đóng vai trò trạm chuyển tiếp vào mạng lưới thông tin hàng hải dựa trên vệ tinh. Các drone hạng nhẹ này sẽ bổ sung cho khả năng viễn thám của các vệ tinh Trung Quốc, thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều mây trong khu vực. Mạng lưới drone cung cấp hình ảnh độ phân giải cao, đa góc và theo thời gian thực. Các xe chuyển tiếp thông tin có thể triển khai đến những nơi thiếu trạm liên lạc mặt đất để nhận tín hiệu gửi về từ drone. Thông tin thu được có thể chuyển lên vệ tinh dưới dạng ảnh tĩnh hoặc phát trực tiếp, cuối cùng sẽ được hiển thị trên màn hình tại sở chỉ huy cách xa hàng nghìn km ở tỉnh Quảng Đông. Hệ thống này đã được sử dụng trong quản lý giao thông hàng hải, bao gồm kiểm tra các dấu hiệu đáng ngờ, các địa điểm hay xảy ra bất ổn và giám sát biển đảo theo thời gian thực. Mạng lưới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong các trường hợp quan sát thảm họa và ứng phó khẩn cấp.

Hệ thống gồm 6 vệ tinh quang học, 2 vệ tinh siêu âm và 2 vệ tinh radar có thể theo dõi trong thời gian thực về giao thông hàng hải ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng hàng hải quy mô lớn, thiết lập các hệ thống radar thời tiết, theo dõi hàng hải, các trạm giám sát môi trường, cung cấp thông tin cho các lực lượng hoạt động trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới