Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaQuan điểm và sự can dự của Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái...

Quan điểm và sự can dự của Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là cụm từ chỉ không gian địa lý bao gồm các quốc gia nằm ở ven bờ Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương cùng các vùng biển nối liền hai đại dương này. Hiện tại, khu vực này có 03 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản) và một số thị trường có tốc độ phát triển rất nhanh, điển hình là Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi đó, Pháp là cường quốc châu Âu duy nhất tích cực có mặt không chỉ ở Thái Bình Dương mà còn ở Ấn Độ Dương.

Ân Độ Dương – Thái Bình Dương liên quan trực tiếp Pháp

Không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối với Pháp hiện hữu như một thực tế địa chính trị. Nước Pháp hiện diện tại khu vực này với các lãnh thổ hải ngoại của mình và 93% khu vực đặc quyền kinh tế của Pháp nằm tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ngoài ra, 5 lãnh thổ là New Caledonia, Polynesia, Wallis và Futuna, Đảo Reunion và Mayotte của Pháp cũng nằm hoàn toàn trong khu vực này. Đáng chú ý là hơn 1,5 triệu công dân Pháp sống trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Không gian hàng hải của các vùng lãnh thổ vào khoảng 11 triệu km2 – chiếm hơn 2/3 vùng đặc quyền kinh tế của Pháp, lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Đó là một không gian mà trong đó Pháp duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ, góp phần đảm bảo an ninh khu vực. Khoảng 8.000 nhân viên quốc phòng đang đóng quân trên khắp khu vực, khiến Pháp trở thành cường quốc châu Âu duy nhất tích cực có mặt không chỉ ở Thái Bình Dương mà còn ở Ấn Độ Dương.

Pháp cũng có các liên kết kinh tế quan trọng với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một khu vực chiếm hơn 35% tài sản của thế giới. Năm 2018, 9,3% hàng nhập khẩu của Pháp đến từ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và 10,6% hàng xuất khẩu của Pháp được dành cho khu vực này.

Trọng tâm trong tầm nhìn của Pháp về một trật tự đa cực ổn định

Trước thách thức này và trong bối cảnh Pháp thúc đẩy một trật tự đa cực ổn định dựa trên luật pháp, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Pháp và là một đối tác tất yếu. Sáng kiến của Trung Quốc về “Vành đai, Con đường” (Belt & Road Initiative – BRI), những chiến lược của Nhật Bản, Australia và Ấn độ xung quanh trục Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chủ nghĩa đa phương khu vực do ASEAN chủ trương tiến hành là rất nhiều những thách thức và cơ hội đối với Pháp cũng như đối với Liên minh châu Âu.

Trong diễn văn đọc tại căn cứ hàng hải Garden Island (Sydney, Australie) ngày 2 tháng 5 năm 2018, Tổng thống Pháp đã trình bày chiến lược của Pháp tại khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương. Tham vọng của nước Pháp là đảm bảo nắm giữ tại khu vực này một vai trò cường quốc trung gian, bao trùm và là tác nhân ổn định.

Chiến lược này dựa trên nhiều trục hoạt động:

Sự can dự mạnh mẽ của Pháp trong việc giải quyết các khủng hoảng khu vực, an ninh các tuyến đường hàng hải chủ chốt, cũng như đấu tranh chống khủng bố, chống chủ nghĩa cực đoan và tội phạm có tổ chức. Pháp thể hiện vai trò của mình trong lĩnh vực này bằng cách khuyến khích giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại và thiết lập các biện pháp xây dựng lòng tin. Pháp đóng góp, hợp tác với các đối tác trong khu vực, để đảm bảo an ninh và ổn định khu vực bằng cách chống buôn bán ma túy, con người và đánh bắt cá bất hợp pháp, cướp biển, khủng bố và cực đoan đe dọa khu vực.

Tăng cường và phát triển các quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu của Pháp tại khu vực ; đương nhiên là với Trung Quốc, đối tác chiến lược đặt ra vấn đề, bao gồm thông qua Liên minh châu Âu, đưa vào áp dụng nhiều hơn nguyên tắc có đi có lại cả trong khuôn khổ đối thoại chính trị tin cậy và mang tính xây dựng cũng như trong khuôn khổ làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại và các giao lưu giữa người dân; với các đối tác chiến lược của Pháp, nhất là Australia, Ấn độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Singapo, những quốc gia Pháp chia sẻ rất nhiều giá trị và mối quan tâm.

Sự can dự tăng cường trong các tổ chức khu vực, nhằm góp phần phát triển chủ nghĩa đa phương : điều này được thực hiện thông qua việc tăng cường quan hệ của Pháp với ASEAN, tổ chức trung tâm, bao gồm cả trong khuôn khổ l’ASEAN Defence Ministers Meeting-Plus (ADMM +) ; tham gia ngày càng gia tăng tại các diễn đàn thích đáng như Diễn đàn tuần duyên châu Á (HACGAM), Hiệp hội các quốc gia vành đai Ấn độ dương (IORA) hoặc Tổ chức hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp vũ trang tàu thuyền ở châu Á (ReCAAP) ; và rộng hơn nữa là sự hiện diện tăng cường tại toàn thể các diễn đàn khu vực và tiểu khu vực, đặc biệt là Diễn đàn hải đảo Thái Bình Dương, trong đó Pháp là đối tác đối thoại, Cộng đồng Thái Bình Dương(CPS) hoặc Chương trình khu vực đại dương vì môi trường (PROE) mà Pháp là thành viên sáng lập.

Sự cam kết nhằm thúc đẩy tài sản chung (biến đổi khí hậu, môi trường và đa dạng sinh học, y tế, giáo dục, số hóa, cơ sở hạ tầng có chất lượng), trong một khu vực đang trong quá trình chuyển đổi sôi động về dân số, xã hội và đô thị. Cam kết này song hành cùng sự ủng hộ của Pháp đối với việc can dự ngày càng tăng cường của Liên minh châu Âu tại khu vực, như một tác nhân phát triển bền vững và ổn định, đặc biệt kết hợp với chiến lược của châu Âu kết nối giữa EU và châu Á.

Thích ứng với biến đổi khí hậu : Cơ quan Phát triển Pháp đóng góp vào nhiều dự án tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, luôn bao gồm vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu. Các dự án đề cập tới nhiều chủ đề : đô thị bền vững, quản lý nước, qui hoạch lãnh thổ, bảo vệ và phát huy di sản thiên nhiên và văn hóa, quản trị và hiệu quả của Nhà nước, bảo vệ xã hội, lao động phù hợp và y tế. AFD còn phát triển cả tại Thái Bình Dương. Cơ quan này được trao nhiệm vụ mở rộng ra tại các Quốc đảo nhỏ của Thái Bình Dương từ ngày 8/2/2018, liên quan tới các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.

Về phát triển bền vững, việc theo đuổi sự phát triển của con người mà không đe dọa tài nguyên thiên nhiên là một vấn đề rất quan trọng. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng chất lượng, cho dù kết nối hàng hải tốt hơn, di chuyển đô thị hiệu quả hơn hoặc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đều là điều cần thiết cho sự phát triển lâu dài.

Việc bảo tồn và tăng cường đa dạng sinh học, cả trên cạn và dưới nước, là điều cần thiết để bảo vệ hành tinh của chúng ta. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã trở thành một cuộc đấu tranh toàn cầu với việc rất nhiều quốc gia tham gia ký kết Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, bao gồm tất cả các quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Pháp cũng đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế xanh, đặc biệt là ở Indonesia, Pháp đang tài trợ cho các sáng kiến chống lại nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, cải thiện hiệu suất của cảng biển, khả năng khí tượng biển và nghiên cứu cũng như quản lý chất thải nhựa trên biển.

Về hợp tác kinh tế, trục này, liên kết chặt chẽ với chương trình nghị sự phát triển bền vững, nhằm mục tiêu phát triển và cải thiện kết nối và cơ sở hạ tầng-kỹ thuật số trong một khu vực vốn có nhu cầu rất lớn. Các công ty Pháp có thể đóng một vai trò quan trọng trong kết nối của khu vực, đặc biệt là trong giao thông hàng hải, cảng, sân bay và cơ sở hạ tầng đường bộ, viễn thông cáp vệ tinh và tàu ngầm. Kinh nghiệm của Pháp với sự hỗ trợ và quan hệ đối tác công tư cho phép đưa ra các giải pháp tài chính sáng tạo. Khía cạnh kinh tế này cũng liên quan đến việc phát triển đào tạo và nghiên cứu dạy nghề và đại học, góp phần tăng cường nguồn nhân lực.

Sau cùng, Pháp đóng vai trò tiền đồn trong những sáng kiến lớn xuyên quốc gia với cái nôi là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Liên minh mặt trời quốc tế, được khởi xướng năm 2018 cùng Ấn độ, Sáng kiến vì sự thích ứng và đa dạng sinh học được thông qua cùng với Liên minh châu Âu, Canada, Australia nhân Hội nghị thượng đỉnh “One planet summit” năm 2018 hoặc sáng kiến CREWS (Hệ thống cảnh báo sớm các rủi ro về khí hậu), đặc biệt nhằm giúp đỡ các quốc đảo nhỏ đang phát triển.

Cuối cùng, Pháp hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ hiện đại, thông qua các cơ chế đồng tài trợ bền vững (chương trình Nusantara) và gần 100 thỏa thuận đa dạng trong đào tạo và cấp bằng cho các chương trình. Sự hợp tác này, cụ thể hóa cam kết của Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đi kèm với sự gắn kết ngày càng tăng vào các tổ chức khu vực.

Tác động của Chiến lược

Theo các chuyên gia, với việc ra đời chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ và sự can dự tích cực của các nước đồng minh, trong đó có Pháp, khu vực này sẽ trở thành một sân chơi mới, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, tự do và cởi mở, hoàn toàn không bị lệ thuộc vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Mặt khác, chiến lược này tạo thêm động lực, nguồn lực tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh của các nước trong khu vực, đảm bảo cho họ có cơ hội tranh thủ được những yếu tố phù hợp, như: vốn, công nghệ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, đối phó với các thách thức an ninh chung. Chiến lược này cũng sẽ tác động tích cực đến tư duy quốc phòng và xây dựng quân đội; đồng thời, mở ra khả năng hợp tác quốc phòng sâu hơn giữa quân đội các nước khu vực với Pháp. Ngoài ra, việc điều chỉnh quan điểm, cách tiếp cận của Pháp làm nảy sinh cạnh tranh mạnh mẽ trong quan hệ giữa các nước lớn, tạo nhiều cơ hội để các nước nhỏ trong khu vực tranh thủ hợp tác xây dựng, nâng cao tiềm lực khoa học – công nghệ, phục vụ hiện đại hóa quân đội của mình.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, việc đồng thời có cả sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương theo hướng đối đầu có nguy cơ đẩy khu vực vào tình trạng căng thẳng, cạnh tranh theo kiểu “có tổng bằng không”, nhất là tại những điểm nóng, như: Biển Đông, biển Hoa Đông, vùng lãnh thổ Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. Thêm vào đó, sự cọ xát giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục làm cho cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp hơn.

Khu vực Đông Nam Á được xác định là trung tâm của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cũng là điểm mấu chốt của sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Trước sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, Đông Nam Á trở thành “đấu trường” can dự, lôi kéo, tập hợp lực lượng nhằm kiềm chế, ngăn chặn lẫn nhau. Vì vậy, các nước ASEAN không tránh khỏi sự thật là trở thành đối tượng lôi kéo giữa một bên là Mỹ và đồng minh trong “bộ tứ” và một bên là Trung Quốc. Làm thế nào để có một ASEAN đoàn kết, có sự đồng thuận cao trong một số vấn đề then chốt, giữ được vai trò trung tâm trong các cơ chế an ninh khu vực và không để bị kéo vào vòng xoáy cạnh tranh, nguy cơ chia rẽ mới

Nhìn chung, những thách thức đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện nay đòi hỏi phải có nhiều hành động tập thể, hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, cũng như tầm nhìn toàn cầu, vì những tác động có thể xảy đến mang tính phụ thuộc lẫn nhau. Đây là ý nghĩa trong chiến lược của Pháp ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới