Friday, November 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChâu Âu định cấm Huawei, TQ dùng lại bài của Mỹ

Châu Âu định cấm Huawei, TQ dùng lại bài của Mỹ

Đại sứ Trung Quốc đe dọa nước này có thể nhằm mục tiêu xe hơi của Đức nhập khẩu nếu châu Âu định cấm cửa Huawei.

Đại sứ Trung Quốc tại Đức Ngô Khẩn vừa cảnh báo đòn kinh tế nếu quốc gia châu Âu lựa chọn kịch bản cấm hoạt động của Huawei ở nước này. Theo đó, ông Ngô cho rằng, nếu Đức hành động cấm Huawei thì Bắc Kinh cũng sẽ hành động trả đũa.

“Nếu Đức đưa ra quyết định dẫn tới việc Huawei bị loại khỏi thị trường Đức, họ sẽ chịu hậu quả. Chính quyền Trung Quốc sẽ không ngồi yên” – ông Ngô Khẩn khẳng định.

Một trong những mục tiêu đầu tiên được ông Ngô Khẩn nhắc tới là xe hơi Đức bán cho thị trường Trung Quốc. Xe hơi Đức chiếm ¼ trong tổng số 28 triệu chiếc được bán tại Trung Quốc vào năm 2018.

Con số này có thể bị thay đổi nếu Đức cố tình không hiểu rõ họ đang làm gì với doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ của Trung Quốc. Xe hơi của Đức có thể là mục tiêu tiềm năng mà Trung Quốc sẽ lựa chọn đầu tiên cho việc đáp trả trừng phạt của Berlin.
 
“Liệu một ngày nào đó chúng tôi có thể nói rằng xe hơi Đức không còn an toàn nữa vì chúng tôi có thể tự sản xuất xe hơi? Không. Đó đơn thuần chỉ là biện pháp bảo hộ mậu dịch” – Đại sứ Trung Quốc cảnh báo.

Có thể thấy một cách rõ ràng về những đe đọa của phía Trung Quốc đối với châu Âu tương tự cách Washington đã làm khi đề cập đến cán cân thương mại chênh lêch giữa Đức và Mỹ. Washington không ít lần đe dọa trả đũa Đức bằng cách nhằm vào thuế quan xe hơi của nước này nhập khẩu vào Mỹ. 

Cảnh báo của Đại sứ Trung Quốc Ngô Khẩn đưa ra sau khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel công bố dự luật quy định giới chức có thể loại bỏ những nhà cung cấp thiết bị 5G “không đáng tin cậy” khỏi các mạng cốt lõi lẫn thứ yếu”. Tuy dự luật không công khai đề cập Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, nhưng vượt xa lời kêu gọi trước đó là chỉ cấm tập đoàn Trung Quốc này khỏi những mạng cốt lõi. Phe có lập trường cứng rắn trong chính phủ của bà Merkel, trong đó các cơ quan tình báo và Bộ Nội vụ Đức, lâu nay cũng đã cảnh báo mối quan hệ giữa Huawei và chính quyền Bắc Kinh có thể gây ra nguy cơ về an ninh.

Dự luật còn đề nghị xem xét hệ thống pháp lý và chính trị trong quốc gia của nhà cung cấp.

Tuy nhiên, nỗ lực cấm cửa Huawei của các nghị sĩ Đức đang tạo ra thách thức lớn cho chủ trương của Thủ tướng Merkel là cân bằng việc xem xét an ninh về 5G với mối quan hệ kinh tế mong manh giữa Đức và Trung Quốc.

Các quan chức tình báo và an ninh Đức được cho là nghi rằng Thủ tướng Merkel và các đồng minh của bà trong Bộ Kinh tế Đức không muốn cấm Huawei để không làm tổn hại quan hệ thương mại với Bắc Kinh.

Trong tuần trước, nhà mạng viễn thông Đức Telefonica Deutschland đã chọn Huawei cũng với Nokia tham gia xây dựng hạ tầng mạng 5G ở Đức. Telefonica Deutschland hoạt động dưới thương hiệu O2, là một trong số ít các nhà mạng di động châu Âu chọn Huawei làm nhà cung cấp hạ tầng 5G. Nhà mạng này gọi Nokia và Huawei là “đối tác chiến lược đã được chứng minh” trên cơ sở hạ tầng 5G.

Công ty viễn thông Đức cho biết sự hợp tác của họ với Huawei và Nokia trong xây dựng mạng 5G phụ thuộc vào công nghệ và các đối tác này đã được chứng nhận bảo mật theo luật pháp Đức.

Ngoài Đức, Na Uy cũng đã bỏ ngoài tai các đe dọa của Mỹ về Huawei để chọn công ty Trung Quốc này phát triển 5G. Ngày 15/12, nhà mạng di động Telenor của Na Uy đã tái khẳng định việc chọn Huawei là nhà thầu xây dựng mạng 5G cùng với đối tác Ericsson,

Ông Hanne Knudsen, Phó Chủ tịch truyền thông của Telenor nói với Reuters rằng, Telenor đã từng có hơn 10 năm hợp tác với Huawei trong triển khai mạng 4G, và nay công ty Trung Quốc “sẽ tiếp tục đóng vai trò hiện đại hóa cơ sở hạ tầng”.

Theo ông Knudsen, bên cạnh việc chọn Ericsson làm nhà thầu xây dựng mạng 5G thì nhà mạng này vẫn duy trì hợp tác với Huawei trong mạng 4G và nâng cấp hạ tầng mạng lên 5G ở một số khu vực được lựa chọn, đồng thời nhấn mạnh công ty Trung Quốc không tham gia xây dựng “hạng tầng mạng lõi.”

RELATED ARTICLES

Tin mới