Đại biện lâm thời Trung Quốc tại Việt Nam hôm 12/12 nói với các phóng viên báo chí Việt Nam rằng Bắc Kinh và Hà Nội vẫn còn có những khác biệt trong vấn đề Biển Đông; Trung Quốc coi đây là vấn đề nhỏ còn Việt Nam lại coi đây là vấn đề lớn.
Theo truyền thông trong nước, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc – Doãn Hải Hồng đã gặp gỡ báo chí ở Hà Nội để thông tin về tình hình quan hệ Việt – Trung cũng như chính sách đối ngoại của Bắc Kinh sau Đại hội Đảng 19.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam về quan hệ hai nước, đặc biệt là những căng thẳng trong vấn đề Biển Đông, bà Doãn Hải Hồng trả lời:
“Biển Đông là vấn đề lịch sử để lại. Quan điểm của hai bên có những khác biệt, chẳng hạn Trung Quốc đánh giá đây là vấn đề nhỏ nhưng Việt Nam coi là vấn đề lớn. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên quan tâm tới lập trường của nhau để cùng giải quyết”.
Bà Doãn Hải Hồng cũng nói đến cái mà bà gọi là tác động từ bên ngoài ảnh hưởng đến việc Bắc Kinh và Hà Nội giải quyết căng thẳng Biển Đông: “Tôi tin rằng nếu không có tác động từ bên ngoài, chúng ta sẽ có đủ trí tuệ và năng lực để giải quyết vấn đề phù hợp với tình hình khu vực. Những hành động của Trung Quốc là thực hiện theo luật pháp quốc tế, không nhằm vào Việt Nam và những quốc gia láng giềng”
Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng trong các tháng qua khi Trung Quốc điều hàng chục tàu hải cảnh, dân binh và khảo sát vào vùng biển của Việt Nam, gần Bãi Tư Chính, quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam.
Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam nhưng Bắc Kinh khẳng định đó là vùng nước thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu Hà Nội ngưng các hoạt động tại đây.
Hoa Kỳ thời gian qua cũng đã lên tiếng bênh vực Hà Nội và cáo buộc Bắc Kinh đang bắt nạt các nước khác.
Trung Quốc từ trước đến nay vẫn nói rằng Hoa Kỳ đang can thiệp vào chuyện nội bộ của khu vực và làm căng thẳng vấn đề Biển Đông.
Hoa Kỳ nói rằng sự hiện diện của các tàu chiến và máy bay Mỹ ở khu vực Biển Đông là nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại vùng biển tranh chấp, đảm bảo duy trì trật tự khu vực theo luật quốc tế.