Bất chấp việc Trung Quốc đưa khinh khí cầu ra đá Vành Khăn để theo dõi, thu thập tin tình báo và giám sát phi pháp ở Biển Đông, giới chức Philippines tiếp tục thể hiện thái độ bàng quan và không lo sợ bị ảnh hưởng.
Công ty ImageSat International (ISI, Israel) đưa lên Twitter ảnh chụp vệ tinh ngày 18/11 cho thấy một vật thể có hình dạng giống khí cầu đang bay lơ lửng trên đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. ISI nhận định, “khinh khí cầu trong ảnh khả năng cao được sử dụng cho mục đích thu thập thông tin tình báo quân sự. Việc sử dụng khí cầu giúp cho Trung Quốc tiếp tục có được nhận diện liên tục về tình hình ở khu vực giàu tài nguyên này”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (4/12) cho rằng vụ Trung Quốc đưa khí cầu trang bị radar tới đá Vành Khăn không phải là “mối quan ngại lớn” đối với nước này vì tầm hoạt động của radar bị hạn chế và “chỉ có thể theo dõi các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng trong khu vực”; nhấn mạnh khí cầu “có thể có bán kính hoạt động từ 25-30 km. Có thể họ muốn theo dõi các đảo nhân tạo, nhưng đó không phải là quan ngại lớn đối với chúng tôi”. Theo một báo cáo từ quân đội Philippines, trong cuộc tuần tra biển hôm 1.12, lực lượng này “không thấy” radar của khí cầu trên đá Vành Khăn. Tuy nhiên, họ phát hiện có một khinh hạm và 3 tàu khác ở phía bắc của bãi đá này. Khi được hỏi Philippines làm cách nào để tránh vệ tinh của Trung Quốc, ông Lorenzana trả lời: “Tôi nghĩ cách duy nhất để tự bảo vệ mình khỏi tầm giám sát của họ là bắn hạ các vệ tinh, nhưng chúng tôi không đủ khả năng làm điều đó”.
Theo tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence, Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm dùng khí cầu kể từ năm 2017. Các khí cầu lớn gắn radar mảng pha có thể phát hiện máy bay bay thấp đang đến gần. Khí cầu có thể duy trì độ cao ổn định trong thời gian dài, quan sát khu vực rộng lớn trong mọi điều kiện thời tiết, nhất là khi không thể triển khai máy bay do thám. Khi kết hợp với hệ thống radar dưới mặt đất, vệ tinh và máy bay cảnh báo sớm, khí cầu có thể tạo thành mạng lưới giám sát mục tiêu trên không và dưới mặt đất trong phạm vi bán kính 300 km. Trung Quốc đang triển khai khí cầu tại một số vị trí như biên giới giữa nước này với Triều Tiên và eo biển Đài Loan.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Trước việc Trung Quốc đưa khinh khí cầu trái phép ra đá Vành Khăn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (5/9) nêu rõ, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và có những đóng góp trách nhiệm và xây dựng trong việc duy trì an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông. Ngoài ra, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết “các lực lượng chức năng của Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 . Mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam cần tuân thủ các quy định của UNCLOS và các quy định liên quan của Việt Nam”.