Sunday, January 19, 2025
Trang chủGóc nhìn mới'Quà Giáng sinh' dành cho Mỹ và phép thử của Kim Jong...

‘Quà Giáng sinh’ dành cho Mỹ và phép thử của Kim Jong Un

Tổng thống Donald Trump từ chối phản ứng khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa tầm ngắn, cũng không để tâm biệt danh “ông già lẩm cẩm và thất thường” mà Bình Nhưỡng dành cho ông.

 

Nhưng sự kiềm chế đó có lẽ sẽ kéo dài không lâu khi Triều Tiên ngụ ý sẽ có một động thái lớn vào cuối tháng này, có thể bao gồm một vụ phóng tên lửa tầm xa hoặc thử bom hạt nhân, như một “món quà Giáng sinh” dành cho Mỹ.

“Thật khó có thể làm cho ai phát khùng nếu họ không làm gì đáp trả”, báo Bloomberg dẫn lời Bruce Klingner, một thành viên nghiên cứu cấp cao về Đông Bắc Á tại Quỹ Heritage ở Washington, nói về phản ứng của Tổng thống Trump đến thời điểm này. “Tôi nghĩ ông ấy sẵn sàng giảm nhẹ những hành động khiêu khích thậm chí lớn hơn, đến khi nào họ đi quá giới hạn, và sau đó thì thực sự chúng ta không thể biết được điều gì”.

Việc chính quyền Kim Jong Un quay trở lại với các vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo có thể đẩy quan hệ Mỹ – Triều trở lại thời kỳ năm 2017, khi căng thẳng giữa hai bên vọt lên đỉnh điểm khiến giới phân tích lo ngại xung đột quân sự sẽ bùng phát. Nó cũng làm suy yếu những gì Tổng thống Trump coi là một trong những thành tựu đối ngoại then chốt của ông khi đối mặt với nguy cơ bị luận tội trước thềm cuộc bầu cử năm 2020.

Điểm mấu chốt trong những tính toán của ông Trump là, liệu có đáng để tiếp tục gây sức ép buộc lãnh đạo Triều Tiên đàm phán, kể cả không tiến thêm được bước nào tới việc từ bỏ vũ khí hạt nhân 18 tháng sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Singapore. Giới phân tích cho rằng, mối đe dọa tiềm tàng từ Triều Tiên nghiêm trọng đến nỗi ông Trump không còn cách nào khác là tiếp tục cố gắng.

Đến nay, ông Trump nhất quyết không để bị cuốn vào hành động trước các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, kể cả các vụ thử đó vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Mạnh nhất, ông Trump cũng chỉ nhắc lại biệt danh “Người Tên lửa” dành cho Kim Jong Un và tuyên bố “chúng tôi có một quân đội mạnh chưa từng có” và nếu cần thiết thì “chúng tôi sẽ dùng đến”.

Theo nhiều nguồn thạo tin, mục tiêu của nhà lãnh đạo Mỹ là không cho Triều Tiên cái cớ nào để hành động gây hậu quả nặng hơn, khi ông quyết không nới lỏng cấm vận nếu Bình Nhưỡng không có cam kết cụ thể nào từ bỏ kho hạt nhân. Tổng thống Trump thậm chí còn tiếp tục xoa dịu Kim Jong Un và ca ngợi mối quan hệ đặc biệt giữa họ, như từng làm trong nhiều tháng qua.

“Kim Jong Un rất thông minh và có quá nhiều điều để mất, thực sự là mất tất cả, nếu ông ấy hành động một cách thù địch”, Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 8/12. “Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un, có một tiềm năng kinh tế to lớn, nhưng nước này phải phi hạt nhân hóa như đã cam kết”.

Đến nay vẫn chưa rõ Triều Tiên sẽ làm gì nếu ông Trump không giảm bớt chế độ cấm vận “sức ép tối đa” trong tháng 12, và nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu Bình Nhưỡng phớt lờ các cảnh báo của Washington về thử nghiệm tên lửa tầm xa hoặc bom nguyên tử.

“Sắp đến thời hạn cuối năm mà Triều Tiên đặt ra cho Mỹ”, nhà ngoại giao Triều Tiên Ri Thae Song nêu trong một tuyên bố ngày 3/12. “Chọn nhận quà Giáng sinh gì đều tùy thuộc vào Mỹ”.

Thời hạn chót 22/12 cũng sắp đến, theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2017 yêu cầu tất cả người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài phải trở về nước trong 2 năm. Hàn Quốc ước tính hiện có khoảng 50.000 lao động như vậy và họ là nguồn chính mang về thu nhập cho chính quyền Kim Jong Un.

Ngày 11/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ nhóm họp theo yêu cầu của Mỹ để thảo luận các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên, và bàn về phản ứng nếu Bình Nhưỡng làm điều gì đó khiêu khích vào cuối năm.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán Mỹ – Triều đã sa lầy hoàn toàn. Không hề có tiếp xúc cấp cao nào giữa hai bên kể từ tháng 10. Cũng không có diễn tiến nào cho đến tuần trước khi đại sứ Triều Tiên ở Liên Hợp Quốc lên tiếng rằng nước ông không cần các cuộc đàm phán “lê thê” với Mỹ nữa, đồng thời tuyên bố vấn đề “giải trừ hạt nhân không còn nằm trên bàn thượng lượng”.

Bình luận của vị đại sứ được đưa ra ngay trước khi Triều Tiên thử động cơ tên lửa tại một bãi phóng mà nước này đã bắt đầu dỡ bỏ như một phần của tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ năm ngoái. Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun từng khen ngợi việc đóng cửa cơ sở này là một “bước đi đúng hướng”.

Dù điều gì diễn ra tiếp theo, Tổng thống Trump có thể sẽ đánh mất đòn bẩy mà ông từng giành được nhờ đàm phán cứng rắn. Năm 2017, ông từng cảnh báo “lửa và cơn thịnh nộ” và giới chức đã bàn đến một cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên. Washington và Seoul từng lo lắng về một cuộc tấn công như vậy, kể cả nếu nó đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ chĩa hỏa pháo vào thủ đô Hàn Quốc.

Nhưng đã hơn 2 năm kể từ khi ông Trump thể hiện không muốn xảy ra xung đột, rút quân khỏi đông bắc Syria và hủy một cuộc tấn công nhằm vào Iran sau khi Tehran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ.

“Năm 2017, không ai hiểu Trump, vì vậy chúng ta nghĩ có thể có điều gì đó với những ngôn từ cảnh báo đẫm máu. Nhưng lửa và cơn thịnh nộ chẳng còn đáng sợ ở lần thứ 2”, Bloomberg dẫn lời Sue Mi Terry, một chuyên gia phân tích từng làm cho CIA hiện là thành viên của Trung tâm Các nghiên cứu Chiến lược và quốc tế ở Washington.

RELATED ARTICLES

Tin mới