Nhà chức trách Trung Quốc vừa chính thức bàn giao tàu sân bay tự chế đầu tiên, mang tên Sơn Đông cho quân đội nước này.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, lễ bàn giao tàu Sơn Đông được tổ chức trọng thể ngày 17/12 tại quân cảng Tam Á ở tỉnh Hải Nam. Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cùng các tướng lĩnh thuộc Bộ Tư lệnh miền nam và nhiều quan chức cấp cao khác của chính phủ Trung Quốc đã tới dự sự kiện.
Theo Sputnik, tàu Sơn Đông trước đây có mật danh là Type 001A và hiện mang số hiệu CV17, do công ty đóng tàu công nghiệp Đại Liên bắt đầu chế tạo từ tháng 11/2013. Đây là hàng không mẫu hạm thứ hai được biên chế hoạt động trong quân đội Trung Quốc sau tàu sân bay Liêu Ninh vào năm 2012.
Tàu Sơn Đông có thể chở theo 36 tiêm kích J-15, vượt xa tổng số chiến đấu cơ trên tàu Liêu Ninh (12 tiêm kích). Đây là một phiên bản nâng cấp của tàu sân bay lớp Kuznetsov, được trang bị các hệ thống radar tân tiến cùng sàn rộng trên boong cho các các tiêm kích cất – hạ cánh.
Tàu Sơn Đông là hàng không mẫu hạm thứ hai biên chế phục vụ quân đội Trung Quốc. Ảnh: RT |
Các tiêm kích J-15 trên tàu Sơn Đông. Ảnh: Dafengcao |
Tháng trước, nhà chức trách Trung Quốc xác nhận, tàu Sơn Đông đã di chuyển qua eo biển Đài Loan trong các chuyến đi huấn luyện và thử nghiệm định kỳ. Theo kế hoạch ban đầu, tàu đáng lẽ đã biên chế phục vụ quân đội từ tháng 4/2019 nhưng việc này bị trì hoãn do quá trình thử nghiệm kéo dài hơn dự kiến.
Ảnh: CCTV |
Việc chính thức đưa vào biên chế hoạt động tàu Sơn Đông không chỉ giúp Trung Quốc gia tăng đáng kể sức mạnh của lực lượng hải quân, mà còn đánh dấu việc nước này trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới ngoài Mỹ, Anh và Italia sở hữu 2 hàng không mẫu hạm trở lên. Bắc Kinh hiện đang cho đóng tàu sân bay thứ 3.