Báo Phil Star của Philippines cho biết Chính phủ Philippines và Pháp đang thúc đẩy ký kết một thoả thuận song phương nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng hàng hải. Đây là nỗ lực nhằm đa dạng hoá các quan hệ và cân bằng ảnh hưởng của Manila trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp hiện nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly. Nguồn: Phil Star
Theo tờ báo của trong chuyến thăm chính thức tới Pháp của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 29/11vừa qua, ông Lorenzana và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã ký Thư ý định tăng cường hợp tác quốc phòng trong lĩnh vực hàng hải. Trước đó, vào tháng 9, Philippines và Pháp đã triệu tập cuộc họp Ửy ban tư vấn quốc phòng chung lần thứ hai. Hai quan chức quốc phòng hàng đầu trước đó cũng đã ký một thỏa thuận kỹ thuật về hợp tác thiết bị quốc phòng giữa hai nước. Dưới thời chính quyền Aquino vào tháng 5/2016, Philippines và Pháp đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng, tìm cách tập trung vào hợp tác trong các cuộc đối thoại cấp cao và tham vấn chính sách quốc phòng. Pháp trước đó tuyên bố sẽ tiếp tục hiện diện ở Biển Đông, một phần trong đó là Biển Tây Philippines bất chấp phản ứng từ Bắc Kinh.
Pháp tuy không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song với tư cách là nước có vùng đặc quyền kinh tế rộng thứ hai thế giới, việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Thái Bình Dương nằm trong lợi ích của nước Pháp. Ngoài ra, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng là một vùng biển mà Pháp có nhiều quyền lợi cần bảo vệ. Đây là nơi Pháp có 5 vùng lãnh thổ hải ngoại, 1,5 triệu công dân Pháp sinh sống và có 9 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế của Pháp. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Pháp là nước châu Âu đầu tiên đã có những tuyên bố, hành động cụ thể khẳng định quyết tâm bảo vệ hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Vào tháng 6/2018, một tàu chiến Trung Quốc được cho là đã thách thức tàu quân sự của Pháp đi qua quần đảo Trường Sa.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 4/2018 đã đề ra mục tiêu “xây dựng trục Ấn Độ -Thái Bình Dương để các quyền tự do giao thông trên biển và trên không phải được tôn trọng” . Paris cho rằng mặc dù Pháp không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng việc tuần tra tự do hàng hải định kỳ như vậy cùng với “các đồng minh và bạn bè” sẽ góp phần củng cố một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế; cho rằng thông qua việc thực hiện quyền tự do hàng hải, Pháp kiên quyết phản đối bất kỳ hành động đơn phương tuyên bố chủ quyền trên các hòn đảo; đồng thời tái khẳng định Pháp ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với sự ràng buộc pháp lý, toàn diện, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế. Hải quân Pháp đã nhiều lần triển khai hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và sẽ tiếp tục cho tàu thuyền và máy bay hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Nhiều quan chức Pháp từng khẳng định, Pháp quan tâm thực thi nguyên tắc tự do, an toàn, an ninh hàng hải trong khu vực với tư cách là một tác nhân quan trọng tại Thái Bình Dương – châu Đại dương; kêu gọi các bên liên quan cần thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, tránh các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng trong khu vực; khẳng định các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.