Các quốc gia ASEAN và cộng đồng thế giới cùng cho rằng Trung Quốc cần phải kiềm chế hơn, không được tiếp tục có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền các bên liên quan ở Biển Đông khi mà cách hành xử hung hăng của quốc gia này đang là nguyên nhân gây căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải, hàng không, hòa bình, an ninh và ổn định trên vùng biển này.
Trước thềm năm mới 2020, các quốc gia khu vực cũng như thế giới đều bày tỏ mong muốn có sự biến chuyển về tình hình an ninh và ổn định ở Biển Đông khi suốt năm qua vùng biển gắn liền với lợi ích sống còn của nhiều nước đã liên tục “dậy sóng”. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vi phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở bãi Tư Chính (phía Nam Biển Đông) trong thời gian suốt từ đầu tháng 7 đến gần hết tháng 10-2019.
Gây hấn ở Biển Đông sẽ phải trả giá
Lên tiếng tại hội thảo với chủ đề “Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020: Gắn kết và chủ động thích ứng” diễn ra tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore ngày 17-12, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng đã bày tỏ hy vọng trong năm 2020, khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN, Trung Quốc sẽ thể hiện hành xử kiềm chế hơn trên Biển Đông. Phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng được đưa ra khi mà trong năm 2019, Bộ Ngoại giao Việt Nam từng nhiều lần lên tiếng phản đối mạnh mẽ những hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trong suốt nhiều tháng của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8.
Ngang ngược hơn, Trung Quốc còn tuyên bố nhóm tàu khảo sát tiến hành cuộc thăm dò khoa học trong cái mà họ gọi là “vùng biển thuộc kiểm soát của Trung Quốc”, bất chấp thực tế đây là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã được công nhận theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Vì thế, phát biểu tại Singapore, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã nhấn mạnh rằng, những việc Trung Quốc đã làm là rất đáng lo ngại, là kiểu đe dọa không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng thấy trước nguy cơ bị đe dọa trong tương lai.
Những lo ngại về vấn đề hòa bình và an ninh ở Biển Đông cũng là vấn đề được quan tâm tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 14 diễn ra ngày 15 và 16-12 tại Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Nhiều Bộ trưởng Ngoại giao ASEM đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông, đề nghị không có các hành động gây mất ổn định và làm gia tăng căng thẳng ở vùng biển này, kiềm chế không có các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế.
Trước đó, tại Diễn đàn biển ASEAN (AMF) lần thứ 9 và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF) lần thứ 7 kết thúc chiều 6-12 ở Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 90 đại biểu gồm quan chức chính phủ, nhà nghiên cứu đến từ 10 nước ASEAN, 8 nước đối tác đối thoại, Ban thư ký ASEAN và một số tổ chức quốc tế liên quan, nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, nhất là tình trạng quân sự hóa các cấu trúc, vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở các nước ven biển khai thác tài nguyên tại các vùng biển của mình theo quy định của Công ước UNCLOS 1982, gây xói mòn lòng tin và làm gia tăng căng thẳng.
Các đại biểu nhấn mạnh nguyên tắc tự kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình và gia tăng tranh chấp, tuân thủ luật pháp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình mọi tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước UNCLOS.
Là một quốc gia có lợi ích chiến lược gắn liền với hòa bình và ổn định ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono ngay trước chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 18-12 đã không ngần ngại lên tiếng chỉ trích những hành động mà ông gọi là “cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông”. Theo vị Bộ trưởng từng giữ vai trò Ngoại trưởng và được xem là người kế nhiệm tiềm năng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe này, tuyên bố chủ quyền ngang ngược và vô lý có tên là “đường 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”) của Trung Quốc tại Biển Đông là nguyên nhân cốt lõi gây ra những xung đột giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN, cũng như với Mỹ. Dù không nêu đích danh ai, song Bộ trưởng Taro Kono khẳng định: “Kẻ gây hấn sẽ phải trả giá”.
Gây áp lực mạnh hơn với Trung Quốc
Những lo ngại và chỉ trích của các quốc gia khu vực và có lợi ích liên quan mật thiết với Biển Đông hoàn toàn dễ hiểu khi Trung Quốc gia tăng mạnh những hành vi gây căng thẳng trên vùng biển chiến lược trọng yếu này. Cùng với hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam khi đưa nhóm tàu Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính, Trung Quốc còn tiếp tục ráo riết quân sự hóa trên các thực thể là những đảo đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị họ chiếm đóng trái phép.
Tờ Phương Đông (Hồng Kông) trích dẫn thông tin viên tướng Trung Quốc Kim Nhất Nam đăng tải trên mạng thừa nhận Trung Quốc đã bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo cưỡng chiếm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các căn cứ quân sự lớn. Trong số đó, đá Subi có diện tích lên tới 4,03 triệu m2 với 3.330 sĩ quan, binh lính được triển khai trên đảo. Tổng diện tích đất của đá Vành Khăn là 5,52 triệu m2. Tờ Phương Đông cũng cho biết, 3 đảo nổi nhân tạo bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa gồm đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Subi đã được xây dựng xong với đường băng dành cho máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và máy bay tiếp dầu có thể cất hạ cánh.
Đặc biệt, viên tướng Kim Nhất Nam còn hé lộ rằng, tiếp theo việc bồi đắp các thực thể chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc còn mở rộng hoạt động quân sự hóa tới bãi cạn Scabourough mà nước này cưỡng chiếm từ sự quản lý của Philippines vào năm 2012. Theo viên tướng Trung Quốc, một khi xây dựng xong đảo nhân tạo Scabourough thì toàn bộ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ rơi vào sự kiểm soát của Trung Quốc và nước này sẽ có thể kiểm soát các tuyến vận chuyển trên Biển Đông.
Trước khi năm 2019 khép lại, Trung Quốc cũng khiến tất cả những quốc gia có lợi ích sống còn ở Biển Đông, đặc biệt là các nước nằm ven vùng biển chiến lược này, không khỏi lo ngại với việc bàn giao tàu sân bay thứ hai mang tên Sơn Đông (hoàn toàn do Trung Quốc thiết kế, chế tạo) cho hải quân. Tàu sân bay “Made in China” này lớn hơn chiếc tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh (được cải tạo từ chiếc tàu Varyag của Liên Xô cũ) với lượng giãn nước 65.000 tấn, dài 315,5m, rộng 75m, tốc độ lớn nhất 30 hải lý/giờ… Đáng kể nhất là tàu sân bay Sơn Đông có thể mang theo tới 36 máy bay chiến đấu J-15, nhiều gấp rưỡi so với tàu Liêu Ninh (24 chiếc). Tàu sân bay Sơn Đông rõ ràng có sức mạnh chiến đấu cao hơn nhiều so với tàu Liêu Ninh khi không chỉ lớn hơn, mang được nhiều máy bay chiến đấu hơn mà còn được trang bị radar cùng nhiều trang thiết bị vũ khí hiện đại hơn.
Việc Trung Quốc triển khai tàu Sơn Đông tới căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam cũng cho thấy địa bàn tác chiến chính của tàu sân bay này là ở Biển Đông. Điều này làm dấy lên lo ngại sâu sắc, Trung Quốc còn có thể ỷ vào sức mạnh quân sự vượt trội để tiếp tục hung hăng hơn, bất chấp luật pháp quốc tế và chủ quyền các quốc gia liên quan ở Biển Đông hòng đẩy nhanh việc hiện thực hóa tham vọng chủ quyền trên vùng biển này theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” và cái gọi là học thuyết “Tứ Sa” trên Biển Đông.
Chính vì thế, vào thời điểm sắp bước sang năm mới 2020 này, các quốc gia khu vực cũng như các cường quốc liên quan cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, đi đôi với đó là hành động cương quyết nhằm gây áp lực đủ mạnh, buộc Trung Quốc phải chấm dứt việc đe dọa và bắt nạt trên Biển Đông.