Những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian gần đây tiếp tục gây lo ngại trong dư luận quốc tế. Ngày càng xuất hiện những lời kêu gọi cần ngăn chặn những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa chủ quyền của các nước trong khu vực.
Mới đây, phát biểu tại Hội đồng về quan hệ đối ngoại (CFR), một tổ chức nghiên cứu chuyên về chính sách đối ngoại của Mỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo: “Hiện trật tự dựa trên các luật lệ quốc tế mà Mỹ cùng các đồng minh đã nỗ lực thiết lập đang bị thách thức”. Theo ông Mark Esper, không chỉ đưa ra các yêu sách chủ quyền phi lý, Trung Quốc “đang củng cố yêu sách biển phi pháp” và đe dọa chủ quyền của các nước láng giềng ở Biển Đông.
Quân sự hóa Biển Đông để áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy lời cảnh báo của ông Mark Esper hoàn toàn không phải là sự cường điệu. Yêu sách “Đường lưỡi bò” 9 đoạn mà Trung Quốc công bố năm 2009 đã khiến cả thế giới kinh ngạc bởi đòi hỏi chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông. Chưa dừng ở đó, năm 2017, Trung Quốc đưa ra khái niệm “Tứ Sa”, bao gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield với tên gọi lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Theo diễn giải của Trung Quốc, mỗi nhóm đảo và đá ngầm này đều có vùng đặc quyền kinh tế. Khi đó, vùng biển của Trung Quốc sẽ còn lớn hơn nhiều và lấn vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Điều đáng nói là dù mỗi yêu sách “Đường lưỡi bò” hay “Tứ Sa” có nội dung riêng, nhưng chúng đều có một điểm chung là không dựa trên luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, và không được quốc tế công nhận. Tháng 6-2016, Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã phán quyết rất rõ ràng rằng, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách chủ quyền tại các vùng biển phía bên trong “Đường lưỡi bò” 9 đoạn.
Thế nhưng, bất chấp phản ứng của dư luận quốc tế, Trung Quốc tìm cách áp đặt chủ quyền bên trong “Đường lưỡi bò” bằng các hoạt động phi pháp, như: Cản trở hợp đồng của Việt Nam với đối tác tại khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn (năm 2007), cản trở hợp đồng của Exxon Mobil với Việt Nam (năm 2008), công bố mời thầu quốc tế với 9 lô dầu khí nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam (năm 2012), đưa giàn khoan HD-981 vào khu vực Biển Đông gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (năm 2014), và gần đây nhất là đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (năm 2019).
Để củng cố yêu sách chủ quyền phi lý, Trung Quốc đẩy mạnh việc quân sự hóa Biển Đông. Năm 2015, trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ “không quân sự hóa” các thực thể ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng.
Nhưng thực tế diễn ra không như lời hứa. Từ cuối năm 2013, Trung Quốc tiến hành tôn tạo ồ ạt các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Chỉ trong vòng 3 năm, 7 bãi đá đã trở thành các đảo nhân tạo với diện tích trên 13 km2, chiếm tới 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, trong đó 3 đảo có sân bay.
Chưa dừng ở đó, từ năm 2017, Bắc Kinh gấp rút biến các đảo nhân tạo này thành các cơ sở quân sự. Hàng loạt các khí tài quân sự hiện đại được triển khai đến Trường Sa, trong đó có máy bay quân sự, tên lửa hành trình, các thiết bị phá sóng… Theo Đô đốc John C.Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, các thực thể mà Trung Quốc tôn tạo ở Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế, gây hại cho môi trường biển và là những mục tiêu quân sự nhằm phô diễn sức mạnh để cưỡng bức và ức hiếp những nước trong khu vực.
Từ góc độ quân sự, các sân bay trên những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ cho phép máy bay của Trung Quốc tiếp nhiên liệu, sửa chữa và tiếp vũ khí khi cần thiết mà không cần phải vượt qua quãng đường gần 1.000km về căn cứ gần nhất ở đảo Hải Nam. Các máy bay của Trung Quốc cũng có thể nhanh chóng được triển khai trong trường hợp nổ ra xung đột. Trong trường hợp Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không tại toàn bộ hoặc một phần không phận trên Biển Đông, các sân bay trên sẽ là nơi phục vụ hoạt động tuần tra, răn đe hoặc thậm chí là tấn công của quân đội Trung Quốc.
Cũng chính nhờ các đảo nhân tạo này trong vai trò là các cơ sở hậu cần, bảo đảm, hàng trăm tàu hải giám và tàu dân quân biển của Trung Quốc có thể tràn xuống Trường Sa hoạt động hàng tháng trời mà không phải quay về đất liền tiếp tế. Điển hình nhất là hoạt động quấy rối liên tục của nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian gần đây.
Tăng cường hợp tác quốc tế để kiềm chế hành động phi pháp trên Biển Đông
Những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã đe dọa chủ quyền của các nước láng giềng và làm tổn hại đến sự ổn định của khu vực. Chính vì thế, hành động của Trung Quốc bị dư luận lên án và nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Australia… đã có những hành động phản ứng.
Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Trung Quốc rõ ràng muốn thay đổi luật chơi để làm lợi cho họ. Họ không thích những gì được thiết lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Ông Mark Esper cho rằng, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang thức tỉnh trước việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh và ảnh hưởng gia tăng của mình để bắt nạt các nước nhỏ hơn và lạm dụng hệ thống quốc tế, trái với sự quả quyết của Chính phủ Trung Quốc rằng họ hướng tới “sự trỗi dậy hòa bình”.
Để đối phó với việc làm của Trung Quốc, ông Mark Esper cho biết ưu tiên số một của ông với tư cách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là tập trung vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhiệm vụ mà ông cho rằng Mỹ đã xao nhãng do bị sa lầy ở các khu vực khác trên thế giới.
Trên thực địa, Mỹ tuyên bố thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không bất cứ khi nào có những tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Với sứ mệnh “tự do hàng hải”, các tàu chiến của Mỹ thường xuyên di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần các đảo đá mà Trung Quốc tôn tạo trái phép ở Trường Sa.
Ngoài sứ mệnh “tự do hàng hải”, theo Tư lệnh không quân Thái Bình Dương của Mỹ (PACAF) Charles Brown Jr., các máy bay của lực lượng này, bao gồm các máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát U-2 và máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk, vẫn thường xuyên thực hiện sứ mệnh “tự do hàng không” trên Biển Đông, bất chấp việc Trung Quốc cho lắp đặt các hệ thống phòng không trên các đảo nhân tạo phi pháp.
Còn theo Đại tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, bất chấp thực tế quân số và khí tài của không quân Mỹ bị giảm đáng kể tại châu Âu trong thời gian qua, việc triển khai ở Thái Bình Dương vẫn “rất ổn định”, chứng tỏ khu vực này luôn là “ưu tiên số một” trong chiến lược quốc phòng của Mỹ.
Để duy trì trật tự, luật pháp quốc tế cũng như kiềm chế các hành động phi pháp trên Biển Đông, Mỹ còn tăng cường mối quan hệ với các đồng minh truyền thống cũng như các nước trong khu vực. Mới tháng 9 vừa rồi, cuộc diễn tập hàng hải Mỹ – ASEAN đã diễn ra với sự tham gia của 8 tàu chiến và 4 máy bay chiến đấu từ 7 quốc gia, cùng 1.250 quân nhân của Mỹ và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Ngoài Mỹ, nhiều nước khác như Anh, Pháp, Đức trong Liên minh châu Âu (EU), các nước có lợi ích trong việc duy trì hòa bình ổn định, trật tự pháp luật tại vùng biển kết nối giữa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng nhiều lần lên tiếng xung quanh các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đầu năm 2019, lần đầu tiên Anh cử tàu hộ tống HMS Argyll của Hải quân Hoàng gia Anh tham gia tập trận chung với Mỹ trên Biển Đông. Trước đó, các tàu chiến của Pháp cũng đã tiến vào khu vực các cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong một động thái nhằm bày tỏ sự phản đối với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.